Thư viện quốc gia trên hành trình số hóa tư liệu của mình gần đây, cũng mở ra cánh cửa kỳ vọng cho việc sẻ chia dữ liệu trên hệ thống thư viện chung, giữa các thư viện trung ương, địa phương. Đặc biệt với những tư liệu sách báo, tài liệu nghiên cứu cách nay hơn nửa thế kỷ, đã trở nên những di sản quý trong lịch sử văn học, báo chí, xuất bản… của đất nước.
Một số thí dụ khác nữa trên đường băng số hóa đang dần trải ra, khi đặt vào hình dung bao quát về kho báu di sản khổng lồ của dân tộc, từ ở ngoài thực địa như hệ thống di tích, cho đến các kho lưu trữ hiện vật, hình ảnh, âm thanh… thuộc đủ các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kỹ thuật..., sẽ cho thấy tiềm năng to lớn của sự hình thành một bản đồ số di sản Việt Nam. Bản đồ - kho báu số này, thật sự là nền tảng quan trọng phục vụ cho nhiều lĩnh vực, hoạt động đời sống: tham quan, học tập, nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật, quảng bá du lịch, giao lưu văn hóa, bảo tồn và phục hồi những di sản còn tồn tại, đang và sẽ mai một. Những hiệu quả đó sẽ giữ cho di sản bền lâu hơn theo thời gian, trong sự tiếp cận thuận lợi của công chúng trong nước và quốc tế. Di sản sẽ “mới” hơn và đồng hành hơn cùng hiện tại. Công cuộc số hóa sẽ không chỉ là sự đối phó dịch bệnh, mà ý nghĩa rộng hơn, là: “Di sản + Công nghệ = Tri thức phổ thông”. Đó là một trong những cách xây dựng con người văn hóa, xã hội văn hóa.
Để đến được điều này, không thể thiếu sự khởi xướng của ngành văn hóa, bảo tàng, bảo tồn di sản, trong sự bắt tay các nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và giới chuyên gia với những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ. Số hóa di sản nên được xây dựng thành chính sách trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, đừng để dừng lại ở thành công từ một số dự án riêng của các đơn vị thức thời hay nhóm cá nhân tâm huyết.