Thị trường chứng khoán tuần mới:

ÁP LỰC CHỐT LỜI CÓ THỂ TĂNG, THỊ TRƯỜNG HỒI HỘP CHỜ TIN ĐÀM PHÁN THUẾ

Thị trường chứng khoán trong nước có tuần (5-9/5) hồi phục tích cực sau kỳ nghỉ lễ dài và đây cũng là tuần đầu tiên toàn thị trường giao dịch trên Hệ thống công nghệ thông tin mới. Thị trường tuần mới (12-16/5) có thể chịu áp lực bán chốt lời khi thị trường trải qua nhịp tăng tốt và nhiều thông tin đã phản ánh vào giá. Tuy vậy, thông tin về đàm phán thuế đang cho thấy tín hiệu tích cực có thể tạo ra sự cởi mở tâm lý rõ rệt hơn khi kết quả được công bố, thúc đẩy đà tăng của thị trường.

HỒI PHỤC TÍCH CỰC

Tuần 5-9/5, thị trường chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều nhưng nhìn chung biến động không quá lớn. Thị trường toàn cầu chịu tác động bởi một số yếu tố chính như: Thông tin các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ gợi ý việc giảm mức thuế đối với Trung Quốc, thông tin về lãi suất từ Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu…

Thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh giảm nhẹ trong tuần và đây cũng là tuần thị trường nay giảm điểm sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp. Tâm lý thận trọng của giới đầu tư khiến chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,5%, Dow Jone giảm -0,2%, Nasdaq Composite giảm -0,3%... Trong khi đó, một số thị trường ở châu Âu biến động trái chiều: Chỉ số DAX (Đức) tăng +1,79%, FTSE (Anh) giảm -0,48%, CAC (Pháp) giảm -0,34%...

Ở châu Á, các thị trường chứng khoán cũng có diễn biến trái chiều. Các thị trường như Nhật Bản (tăng +1,5%) và Đài Loan (+1,7%) tăng mạnh nhờ kỳ vọng vào các thỏa thuận thương mại và dòng vốn đầu tư tích cực. Trong khi đó, các thị trường như Trung Quốc (Shanghai Composite giảm -0,3%) và Hồng Kông (-0,1%) giảm nhẹ do lo ngại về xuất khẩu và thuế quan.

Ở trong nước, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5, thị trường chứng khoán Việt Nam có một tuần giao dịch khởi sắc về điểm số. Thị trường trong tuần giao dịch đầu tháng 5/2025 đã phục hồi tốt trở lại trước những thông tin tích cực về việc vận hành Hệ thống KRX thành công, đàm phán thuế quan, cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục được công bố.

Chỉ số VN-Index có 4/5 phiên tăng điểm trong tuần. Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 41 điểm, tương đương +3,34%, lên mức 1.267,30 điểm khi đóng cửa phiên cuối tuần. Chỉ số VN30 cũng tăng tốt với 42,52 điểm, tương đương +3,25% lên mức 1.352,25 điểm.

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có tuần tăng điểm tích cực. Trong đó, chỉ số HNX-Index tăng +2,19 điểm, tăng +1,03% so với tuần trước, kết tuần tại 214,13 điểm. Còn chỉ số UPCoM-Index tăng +1,06%, đóng cửa phiên cuối tuần tại 93,4 điểm.

Trong tuần, nhiều nhóm ngành cũng phục hồi tích cực theo diễn biến thị trường chung. Theo đó, những ngành điều chính trước nghỉ lễ đã tăng trở lại trong tuần như: công nghệ thông tin, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, phân bón…

Nhóm ngân hàng, tài chính có sự phân hóa nhưng nhìn chung theo hướng giảm, tạo áp lực cho chỉ số. Trong khi LPB tăng khá tốt, thì các mã lớn như VCB, BID, CTG chịu áp lực bán và giảm điểm. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm trong tuần, mặc dù Hệ thống KRX vận hành là thông tin tích cực cho nhóm này.

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán tăng nhẹ trong tuần qua, tuy nhiên chủ yếu đóng góp của sàn HNX và UPCoM. Giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường đạt 19.263 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ +2,2% so với tuần trước. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE giảm nhẹ -0,9%, còn hai sàn HNX và UPCoM lần lượt tăng +8,9% và +74,7%.

Giao dịch khối ngoại là một điểm sáng của thị trường chứng khoán tuần qua. Theo đó, khối ngoại đã quay lại mua ròng với giá trị mua ròng đạt 1.222 tỷ đồng. Mặc dù đây là con số vừa phải, nhưng khối ngoại mua ròng cũng đã củng cố tâm lý cho nhà đầu tư trong tuần qua. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại vẫn bán ròng 38.081 tỷ đồng.

ÁP LỰC CHỐT LỜI TĂNG, CHỜ THÔNG TIN CÓ THỂ "ĐỘT PHÁ"

Nhìn chung, thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần tăng khá tốt. Chỉ số VN-Index lần lượt vượt lên lại các vùng kháng cự mạnh giá trung bình 200 tuần, 200 ngày, tiệm cận vùng kháng cự mới tại 1.270 – 1.280 điểm – đây là vùng giá cao của phiên giảm mạnh do thông tin áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Nhìn về xu hướng ngắn hạn, chỉ số VN-Index có thể sẽ chuyển sang xu hướng điều chỉnh, tích lũy sau nhịp tăng tốt trong tuần quan. Tuy tâm lý nhà đầu tư đang ổn hơn, nhưng áp lực chốt lời có thể ảnh hướng tới xu hướng tăng của thị trường, nhất là sự thận trọng sẽ phần nào duy trì để chờ đợi thông tin đám phán thuế quan với Mỹ. Vì thế, về mặt kỹ thuật, VN-Index có thể gặp lực cản khi tiếp tới vùng kháng cự 1.275 điểm trong tuần mới.

Ngắn hạn, áp lực chốt lời sẽ gia tăng. Trước mắt, chỉ số VN-Index sẽ gặp nhiều trở ngại tại vùng cản 1.270-1.280 và xa hơn là mốc tâm lý 1.300 điểm.

Hiện tại, thông tin thị trường mong đợi như Hệ thống KRX, hay kết quả kinh doanh quý I/2025 có thể đã qua khi được phản ánh vào giá.

Trên thế giới, Fed cũng đã chính thức giữ nguyên lãi suất, trong khi ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất. Thị trường toàn cầu sẽ ngóng chờ nhiều hơn vào kết quả và hành động mới liên quan tới thuế quan của Mỹ-Trung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm việc với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer, ngày 9/4/2025. Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm việc với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer, ngày 9/4/2025. Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Tình hình đàm phán thuế Việt-Mỹ chưa có thông tin chính thức, nên cũng không loại trừ sẽ tạo được kích thích tâm lý nếu kết quả đàm phán tích cực. Nếu đàm phán có kết quả vượt bậc thì đây cũng là cơ hội để VN-Index vượt vùng cản 1.270-1.280 điểm.

Ngược lại, nếu chưa có tin tác động mạnh, thị trường nhiều khả năng sẽ tích lũy với thanh khoản vừa phải và luân chuyển giữa các nhóm ngành. Thực ra, thị trường cần một nhịp nghỉ sau đợt tăng vừa qua cũng là diễn biến tốt. Thị trường cần các nhóm ngành lớn dẫn dắt bên cạnh nhóm Vingroup với thông tin cổ phiếu Vinpearl chào sàn với ngày 13/5 tới.

Nhà đầu tư bối cảnh này cũng cần bảo tồn thành quả sau nhịp tăng, chốt lời luôn là hành động đúng đắn. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều nhóm ngành để có thể cân tính thời điểm thích hợp để đầu tư trung hạn, chẳng hạn như nhóm điện khi giá bán lẻ điều chỉnh tăng và mùa sử dụng nhiều điện cũng đã cận kề. Mặc dù vậy, việc hạn chế sử dụng đòn bẩy là việc nên làm, bởi thị trường hiện đang dễ bị tác động từ các yếu tố ngoại biên như vấn đề thuế quan, hay biến động địa chính trị ở một số nước…

Nhà đầu tư bối cảnh này cũng cần bảo tồn thành quả sau nhịp tăng, chốt lời luôn là hành động đúng đắn. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều nhóm ngành để có thể cân tính thời điểm thích hợp để đầu tư trung hạn.

Ngày xuất bản: 12/5/2025
Tổ chức thực hiện: Kim Phương Bình
Nội dung: Long Ân-Giang Khôi
Trình bày: Nhị Hà