“Ba tại chỗ” cùng những “nữ tướng”
Những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng quán xuyến tất cả công việc liên quan đến phòng chống dịch và hỗ trợ dân ở địa phương. Họ là những Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh.

Ba tại chỗ
Những ngày này, khuôn viên trụ sở UBND phường trông như… một cái kho chất đầy rau củ, gạo, mì. Đã thực hiện “ba tại chỗ” từ 23/8, khoảng 60 con người gồm cán bộ, dân quân, y tế, công an phường; lực lượng quân sự, quân y tăng cường cho phường 11 hầu như “đầu tắt mặt tối”.

Chị Ngô Thị Bảo Nguyên vác gạo lên xe đưa về các hộ bị phong tỏa.
Chị Ngô Thị Bảo Nguyên vác gạo lên xe đưa về các hộ bị phong tỏa.
Ngay lối đi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 11 Ngô Thị Bảo Nguyên đầu đội nón rộng vành, tay vỗ vỗ ra hiệu cho chiếc xe tải chở thực phẩm đang lùi. Đưa ngón tay cái ra hiệu cho xe đánh đuôi qua phải một chút, Nguyên hô to như lệnh “stop”. Nhẩm đếm con số 27, “nữ tướng” này mới ngừng tay bốc vác những bao gạo 5kg, 10 kg.

Chung quanh chị, các chiến sĩ cùng chia ra từng phần, chuyền tay từng bao gạo, mớ rau củ để hoàn thiện những “Túi an sinh”. Chị Nguyên thở hắt ra: “Địa bàn lũy kế đến nay đã có 615 F0 nên hậu cần cho dân rất quan trọng. Vậy nên tôi ăn ngủ ở cơ quan cho tiện!”.

Chị Trần Thị Tâm Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường 11 (trái) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Thị Bích Thoa (phải) trao tiền hỗ trợ dân với sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ.
Chị Trần Thị Tâm Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường 11 (trái) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Thị Bích Thoa (phải) trao tiền hỗ trợ dân với sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ.
Cũng đang “ba tại chỗ” và phụ trách lĩnh vực chăm lo y tế, xét nghiệm, “nữ tướng” Trần Thị Tâm Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường 11, thường xuyên xuống các khu phố để chỉ đạo công việc.
Ngày 26/8, chị Nguyên đưa lực lượng y tế, sinh viên y khoa tình nguyện xuống test nhanh cho 382 người ở Chung cư số 21, đường Lão Tử. Nắng gắt và mồ hôi nhễ nhại, không ai có thể nhận ra “nữ tướng” nhỏ bé này trong bộ đồ bảo hộ. Kết buổi làm việc, tổ công tác phát hiện 20 F0. Trạm trưởng Y tế phường đề nghị người dương tính về nhà chờ thông báo.

Các lực lượng “ba tại chỗ” kéo chốt phong tỏa cứng một tuyến đường.
Các lực lượng “ba tại chỗ” kéo chốt phong tỏa cứng một tuyến đường.
Trong khi đó, nữ Phó Chủ tịch liên tục điện thoại kết nối và đề nghị Tổ Quân y tăng cường chuẩn bị tư thế xử lý theo quy trình. Chưa xong việc lấy mẫu, Nguyên lại điện thoại liên tục sang điểm tiêm ngừa ở trường học, chỉ đạo xử lý an ninh trật tự và yêu cầu gắt: “Phải tuân thủ giãn cách, không để dồn ứ đông người, phấn đấu vượt lên mức 95% người dân được tiêm mũi 1”…


Từ ngày thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, UBND phường 11 (quận 5) đã xử lý phong tỏa “cứng” tuyệt đối các hẻm nhỏ với địa bàn chung quanh và chỉ mở hai lối chính trên đường Phù Đổng Thiên Vương - Hồng Bàng - Tản Đà để xe y tế, xe chở hàng thiết yếu và lực lượng chức năng di chuyển. Vì thế tại hai chốt này, mỗi ngày đều có công an phường, dân quân tự vệ và bộ đội chính quy của Sư đoàn 302 (Quân khu 7) tăng cường ứng trực ba ca.
Nhiệm vụ chỉ đạo quan trọng nhất “ai ở đâu ở đó” được Bí thư Đảng ủy phường 11 Nguyễn Thị Hồng Phượng quán xuyến. Không chỉ là kiểm tra, chỉ đạo tại các chốt chính, chốt phụ, lối đi, nữ bí thư này còn bao quát luôn việc phân chia quà, túi an sinh, túi y tế, chăm lo gia đình chính sách, gia đình khó khăn và khâu quan trọng là 180 suất ăn mỗi ngày cho 60 con người đang “ba tại chỗ” để lo cho dân.
Hôm nay, các anh nuôi của phường là dân quân, gồm: Lư Hán Vĩnh, Đỗ Minh Tiếng, Đỗ Nhựt Minh cho toàn lực lượng ăn canh củ cải, trứng chiên, rau xào, thịt kho. Theo các anh nuôi trẻ tuổi này, nữ bí thư của họ rất chăm chút bữa cơm, không những ngon, mà phải sạch và tiết kiệm. Nếu như những tuần trước, toàn lực lượng “ba tại chỗ” còn được ăn cơm từ thiện, cơm miễn phí của các bếp ăn 0 đồng, thì nay do siết chặt di chuyển, họ phải tự nấu nướng, rồi nhờ đoàn viên thanh niên mang ra các chốt, mang qua ủy ban, trạm y tế, tổ quân y… để anh chị em ăn nóng, có sức chống dịch.

Lực lượng quân sự trao lương thực tận nhà cho người dân.
Lực lượng quân sự trao lương thực tận nhà cho người dân.
Theo “nữ tướng” Nguyễn Thị Bích Thoa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 11, nguồn thực phẩm đều không thiếu thịt, trứng được quận phân bổ. Đôi khi, bếp ăn dã chiến này còn cung cấp cơm tận nhà cho các F0 neo đơn.
Chiều muộn. 14 chiến sĩ Sư đoàn 302 đã xong phần nhiệm vụ đi chợ, ship thực phẩm. Thay vì nghỉ ngơi, những người lính này lại quay sang phụ giúp nhóm “nữ tướng” Thoa, Nguyên phân loại rau quả, gạo cho ngày hôm sau.

Chủ tịch UBND phường 11, quận 5 (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Hồng Vân (phải) đang trực chiến tại Trạm Y tế để nắm nhu cầu F0 qua điện thoại.
Chủ tịch UBND phường 11, quận 5 (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Hồng Vân (phải) đang trực chiến tại Trạm Y tế để nắm nhu cầu F0 qua điện thoại.
Chủ tịch UBND phường 11 Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, bộ đội tăng cường ngoài nhiệm vụ còn làm tất cả các phần việc ở phường. Không ai bảo ai, họ đều tự nguyện phụ với địa phương vốn đã quá tải nhiều tháng qua với tâm thế của người lính, người trẻ. Nhiều chiến sĩ còn làm thay các công việc nặng như vận chuyển barie, vác bình oxy, thậm chí còn vui vẻ vận chuyển rác, vật phẩm thừa ra nơi quy định. Họ làm bằng trái tim yêu đời, yêu cuộc sống này.

Bí thư Quận ủy quận 5 Nguyễn Mạnh Cường (thứ ba, trái sang) cùng các “nữ tướng” phường 11 thăm hộ khó khăn mùa dịch.
Bí thư Quận ủy quận 5 Nguyễn Mạnh Cường (thứ ba, trái sang) cùng các “nữ tướng” phường 11 thăm hộ khó khăn mùa dịch.
Vừa có phút nghỉ ngơi, nữ chủ tịch phường 11 tranh thủ gọi điện thoại cho con. Do dịch bệnh, ông xã của chị phải ở nhà lo hai con, còn Vân thì trải chiếu ngủ ngay trong trụ sở UBND phường cùng các chị em khác.
Khỏi phải nói về sự bất tiện khi những người chân yếu tay mềm phải sinh sống, làm việc, ăn ngủ tại một chỗ, chưa kể các vấn đề “hết sức phụ nữ” mà các chị đang trải qua. Tuy nhiên, trên gương mặt Vân và các “nữ tướng”, tôi luôn thấy ánh mắt hấp háy cười tự tin, đằng sau lớp khẩu trang che kín. Cuộc chiến còn dài và đâu đó đã thấy sự mệt mỏi, nhưng ở các chị, chỉ thấy cảm giác bình an, ấm áp.
Đến với F0
Chị Vân đề nghị tôi phải mặc bộ đồ bảo hộ vào cho đúng cách, rồi mới cho nhà báo tiếp cận F0. Đây là gia đình nhiễm Covid-19 vừa phát hiện, ở trong con hẻm số 243 Hồng Bàng. Vân xăm xăm dẫn đầu, tiếp theo là bác sĩ quân y Nguyễn Huy Tú, điều dưỡng quân y Bùi Quốc Đạt và Phạm Thế Đức, cuối cùng là Trưởng Trạm y tế phường Phạm Hoàng Phước.
Từ khi tăng cường về đây, Tổ Quân y (Học viện Quân y) cũng “ba tại chỗ” cùng các chiến sĩ quân sự. Nơi ăn nghỉ của họ là Nhà Văn hóa phường, phương tiện đi lại là xe máy mượn. Như người thân, Vân gõ cửa căn nhà có biển cảnh báo đỏ. Hai bên trao đổi nhau vài câu, sau đó anh Phước trao quyết định cách ly tại nhà cho 3 F0; bác sĩ Tú hướng dẫn các F0 này dùng thuốc. Trước khi chia tay Vân còn dặn đi dặn lại các F0 phải “kết nối zalo với bác sĩ, để cần gì thì alo nha”!
Vân và các “nữ tướng” đang “ba tại chỗ”, lại tiếp xúc thường xuyên với nhiều nguồn bệnh, nên đương nhiên thành F1. Vậy mà vì nhiệm vụ, khi chuyển các ca dương tính đến khu thu dung điều trị, chính họ với vai trò và vị trí của mình, đều là những người phải đồng hành cùng F0, bàn giao cho y tế, rồi mới về phường “ba tại chỗ”.
Trung úy, bác sĩ Nguyễn Huy Tú (Học viên Hệ 1, chuyên ngành Nội chung-Học viện Quân y), Tổ trưởng Tổ Quân y tăng cường:
"Cứ dân gọi lúc nào là tụi em xuống ngay lúc ấy nên không có thời gian cố định. Hôm qua em xong ca cấp cứu tận 11 giờ đêm và hôm nay vẫn chưa dám nghỉ vì sợ mấy ca F0 thiếu oxy, mệt”
Ảnh: Quân y và Y tế phường cấp cứu F0
trong đêm.

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, phường 11 quận 5 đã có 6 ca dương tính. Nếu không nhận ra sự hy sinh hiểm nguy này, thì sẽ rất có lỗi với những “nữ tướng” đang ngày đêm quên mình. Nói ra việc này, tôi thấy mình quá tệ vì đã chọn “việc nhẹ nhàng”. Xin cảm ơn các “nữ tướng”!

Thực hiện: MINH ANH, TUYẾT LOAN, MINH DUY, PHAN ANH