Bài học về giữ rừng ở Hà Giang

Đã gần một năm sau vụ cháy hơn 17 ha rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 cán bộ kiểm lâm đang làm nhiệm vụ. Nhiều bài học đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng rút ra để làm tốt hơn công tác giữ rừng.
Phát huy "4 tại chỗ" trong công tác bảo vệ rừng.
Phát huy "4 tại chỗ" trong công tác bảo vệ rừng.

Phát huy "4 tại chỗ"

Ông Đặng Văn Tháu, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên nhớ lại: Hôm ấy trời khô, gió trên cao thổi rất mạnh. Đường đi cheo leo, hiểm trở, khu vực cháy là rừng thông 40-50 tuổi, tầng lá mục khô dày cả mét, nên đám cháy nhanh chóng vượt qua đường băng cản lửa lan rộng khắp nơi... Sau vụ cháy đau thương, chính quyền huyện đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ và phòng chống cháy rừng, gắn kết chặt chẽ với nhân dân.

Nằm cách xa điểm cháy về phía chân dãy núi Tây Côn Lĩnh, thôn Xà Phìn có 54 hộ dân tộc Dao sinh sống chủ yếu bằng trồng, chăm sóc chè cổ thụ san tuyết và canh tác lúa trên những thửa ruộng bậc thang ở độ cao khoảng 1.000 m so mực nước biển. Từ nhiều năm nay, người dân thôn Xà Phìn đã thành lập Tổ tự quản chăm sóc và bảo vệ rừng. Anh Trương Văn Thành, một trong những thành viên tích cực của thôn chia sẻ: “Với tinh thần quý rừng như tính mạng, mỗi hộ dân trong thôn đều cắt cử một người khỏe mạnh tham gia vào tổ. Hằng tháng, trưởng thôn sẽ giao một đội từ 7-10 người luân phiên tổ chức đi tuần rừng để kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu xâm hại, kịp thời báo cáo đến cán bộ kiểm lâm. Người dân trong thôn đều hiểu có giữ được rừng thì mới có nguồn nước để sinh hoạt, làm ruộng bậc thang, đào ao thả cá và trồng thảo quả”.

Nằm ở sườn phía bắc dải Tây Côn Lĩnh, giáp Trung Quốc, xã Lao Chải là địa phương khó khăn nhất của huyện Vị Xuyên. Nhưng với phương châm “4 tại chỗ”, cấp ủy, chính quyền xã luôn coi việc bảo vệ, phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ quan trọng. Theo chân ông Nguyễn Văn Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải leo bộ gần 1 giờ đồng hồ lên đỉnh Tây Côn Lĩnh, chúng tôi mới tới được điểm có gần 150 người dân thôn Bản Phùng đang tổ chức phát dọn hơn 12 km đường băng cản lửa. Đây là công việc vất vả nhưng được bà con tích cực duy trì nhiều năm nay. Ông Thiết chia sẻ, người dân được chi trả hai nguồn tiền là khoán bảo vệ rừng và dịch vụ môi trường rừng. Việc chi trả đều được bình xét, chấm điểm dựa trên kết quả thực tế. Do đó bà con rất tích cực, chủ động tham gia dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền thôn, xã.

Ông Đinh Xuân Lượng, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Hà Giang đánh giá: “Nếu người dân không đồng lòng thì không thể bảo vệ được rừng. Khi có cháy xảy ra, người dân, chính quyền địa phương là những lực lượng nòng cốt đầu tiên tham gia dập lửa. Bà con còn sẵn sàng dùng phương tiện cá nhân chở cán bộ, chiến sĩ hoặc tự góp tiền, góp gạo nấu cơm phục vụ lực lượng chữa cháy”.

Đẩy mạnh phối hợp liên ngành

Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang, Tây Côn Lĩnh quản lý diện tích 23.575 ha rừng. Trung bình, một kiểm lâm địa bàn phải quản lý đến 3.000-4.000 ha. Từ nhiều năm nay, hoạt động bảo vệ và phát triển rừng ở Hà Giang đều gắn liền với một mắt xích quan trọng là Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã. Mỗi xã đều có đội xung kích từ 60 đến 90 thành viên.

Ông Hoàng Đình Lim, Phó hạt trưởng kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang cho biết: Khi có cảnh báo về cấp độ cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ chỉ đạo về đơn vị kịp thời đưa ra cảnh báo và yêu cầu kiểm lâm địa bàn kích hoạt Ban Chỉ đạo ở cấp xã và thôn, tổ chức trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời.

Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng có mối quan hệ chặt chẽ với ban quản lý các khu rừng đặc dụng để kết hợp giữa công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng với phát triển lâm nghiệp bền vững.

Có diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất lớn thứ hai khu vực phía bắc, công tác bảo vệ nguồn tài nguyên này luôn là thách thức không nhỏ đối với Hà Giang. Năm 2024, toàn tỉnh phát hiện 145 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, xử lý 117 vụ (xử lý hành chính 108 vụ, khởi tố hình sự 9 vụ); tịch thu 49,15 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước 1,36 tỷ đồng; xảy ra 12 vụ cháy rừng trên diện tích 23,5 ha.

Ông Hoàng Nhị Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết: Địa hình rừng ở Hà Giang có độ dốc lớn, chia cắt bởi các hẻm núi sâu, ngoài chịu thiệt hại bởi thiên tai, mưa lũ còn thường xuyên phải đối phó với lâm tặc, giặc lửa. Sau vụ cháy rừng Tây Côn Lĩnh, chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học. Thứ nhất là phải tiếp tục công tác phòng là chính; thứ hai là phải tăng cường tuyên truyền vận động bà con nhân dân giám sát các hoạt động phát nương, làm rẫy, đốt lửa lấy mật ong, sấy thảo quả…; thứ ba là tăng cường hoạt động tuần rừng, cung cấp đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng này; thứ tư là phải thực hiện nghiêm chỉ huy “4 tại chỗ” một cách đồng bộ, nhanh chóng, xuyên suốt từ trên xuống dưới.

Ghi nhận và tri ân sự dũng cảm hy sinh của hai đồng chí Trương Thị Lan và Trần Văn Khiên, Cục Kiểm lâm Việt Nam đã phát động phong trào thi đua trên toàn quốc. Từ đó truyền cảm hứng tới xã hội về hành động dũng cảm của những kiểm lâm viên nơi vùng cao biên giới của Tổ quốc.