Cây cầu của thời khắc quyết định

Tháng 4 năm 1975, cả dân tộc bước vào thời khắc lớn của lịch sử. Trong khí thế thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh, 5 cánh quân chủ lực như 5 mũi tên thép xuyên thẳng vào trung tâm chính quyền tay sai Sài Gòn. Ở hướng Đông, Quân đoàn 4 nhận nhiệm vụ đánh chiếm Biên Hòa-Thủ Đức, tạo thế thọc sâu, đánh thẳng vào trung tâm đầu não địch. Trên hành trình tiến quân của Quân đoàn 4, Cầu Gềnh bắc qua sông Đồng Nai là một nút thắt then chốt mà các đơn vị phải vượt qua. Giữ được cầu Gềnh, ta sẽ giữ vững thế trận, nhịp độ tiến công “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” vào trung tâm thành phố Sài Gòn.

“Pháo đài địch” bên dòng sông Đồng Nai

Các chiến sĩ Trung đoàn đặc công 113 trước giờ vào trận đánh bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An.

Các chiến sĩ Trung đoàn đặc công 113 trước giờ vào trận đánh bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An.

Hiểu rõ vai trò then chốt của cầu Gềnh trong hệ thống giao thông chiến lược phía Đông Sài Gòn, địch đã biến nơi đây thành một “pháo đài” kiên cố, được chuẩn bị kỹ lưỡng cả về lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị.

Lực lượng chủ yếu chốt giữ khu vực là Tiểu đoàn Biệt động quân thuộc Sư đoàn 18, một đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến của quân đội Sài Gòn, có sự phối hợp với các lực lượng bảo an, cảnh sát dã chiến và công binh, tạo thành một thế trận liên hoàn, chặt chẽ. Chúng bố trí dày đặc các tuyến phòng thủ trong khu vực cầu với hệ thống hầm hào kiên cố, chốt lô cốt liên tiếp, kết hợp bố trí hệ thống vật cản, dây thép gai và hỏa lực mạnh, như đại liên, súng cối, súng phóng lựu, có sự sẵn sàng yểm trợ của xe thiết giáp. Điều đặc biệt nguy hiểm là địch gài sẵn các khối thuốc nổ lớn vào bên trong kết cấu cầu, nối liền với hệ thống kích nổ từ xa. Chỉ cần nhận thấy tình huống bất lợi, chúng sẵn sàng kích nổ, phá sập cầu để ngăn chặn bước tiến của đại quân ta.

Trong tình thế đó, nhiệm vụ đánh chiếm và bảo vệ cầu Gềnh nguyên vẹn là một thử thách lớn, đòi hỏi sự chính xác, mưu trí và ý chí sắt đá, bởi đây không chỉ là một mục tiêu quân sự, mà là nút thắt sinh tử của cả hướng tiến công chiến lược với quy mô cấp quân đoàn.

Trong điều kiện chiến đấu khó khăn, ác liệt, Trung đoàn Đặc công 113 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm, giữ và bảo vệ cầu, không để địch chiếm giữ hay phá hủy, thể hiện tinh thần chiến đấu quật cường, mưu trí, gan dạ của Bộ đội Đặc công Việt Nam. Đó còn là sự kết hợp giữa ý chí sắt đá, trình độ kỹ, chiến thuật tinh nhuệ và bản lĩnh của người lính đặc công, tạo nên quyết tâm “bám cầu đến hơi thở cuối cùng” để hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Các đơn vị bộ binh và xe tăng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hoà.

Các đơn vị bộ binh và xe tăng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hoà.

Đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Cánh quân phía Đông Bắc của Quân giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thẳng về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa, tiêu diệt và làm tan rã Sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy, Sư đoàn Bộ binh số 18, lực lượng lính thủy đánh bộ, lính nhảy dù, lính thiết giáp ngụy ở Long Bình. Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN

Cánh quân phía Đông Bắc của Quân giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thẳng về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa, tiêu diệt và làm tan rã Sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy, Sư đoàn Bộ binh số 18, lực lượng lính thủy đánh bộ, lính nhảy dù, lính thiết giáp ngụy ở Long Bình. Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN

Giữ cầu Gềnh - Giữ huyết mạch chiến lược

Tham gia cùng các lực lượng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Trung đoàn Đặc công 113 là một trong những đơn vị đặc công chủ lực, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đánh chiếm và chốt giữ cầu Gềnh và cầu Hòa An, góp phần giữ vững huyết mạch chiến lược cho Quân đoàn 4 thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đây là nhiệm khó khăn trong giờ khắc quyết định của Chiến dịch Hồ Chí Minh; nhưng cũng là niềm vinh dự lớn lao đối với những người lính đặc công đã được tôi luyện trong khói lửa và trưởng thành qua nhiều trận đánh hiểm hóc, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Trung đoàn đặc công 113 chiếm lĩnh trận địa.

Trung đoàn đặc công 113 chiếm lĩnh trận địa.

Ban Chỉ huy Trung đoàn Đặc công 113 sử dụng Tiểu đoàn 23 được tăng cường 2 đại đội pháo binh của Tiểu đoàn 74 làm nhiệm vụ đánh chiếm, chốt giữ cầu Gềnh, cầu Hòa An; trong đó, nhiệm vụ đánh chiếm, chốt giữ cầu Gềnh do Đại đội 1 Tiểu đoàn 23 đảm nhiệm. Để thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đặc công phải di chuyển vào sát cầu Ghềnh trong nội ô thị xã Biên Hòa (nay là thành phố Biên Hòa). Những ngày cuối tháng 4, các cánh quân của địch bại trận từ các hướng đang đổ dồn về thị xã Biên Hòa; cầu Ghềnh gần sân bay Biên Hòa và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3. Vì thế, nhiệm vụ đánh chiếm và giữ cầu Gềnh trở nên nguy hiểm, vì địch có thể nhanh chóng tổ chức phản công với lực lượng áp đảo.

Trong bối cảnh đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đặc công 113 bước vào trận đánh với sức mạnh của niềm tin chiến thắng, trí tuệ, lòng dũng cảm và ý chí không lùi bước. Trong tâm thế sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rõ: Giữ được cầu Gềnh là giữ được huyết mạch quan trọng cho cánh quân chủ lực phía Đông và Đông Bắc thần tốc tiến vào Sài Gòn. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, cần kỹ năng chiến đấu tinh nhuệ, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, ý chí quyết tâm chiến đấu cao; từng bước tiến, từng phát súng, từng hơi thở của mỗi cán bộ, chiến sĩ đều gắn với vận mệnh của non sông.

Còn người - còn cầu

4 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, Đại đội 1 bắt đầu nổ súng đánh chiếm cầu Ghềnh. Một mũi bí mật tiếp cận mục tiêu và bất ngờ tập kích lực lượng canh giữ cầu, địch hoảng hốt bỏ chạy; ta chiếm cầu và tổ chức lực lượng chốt giữ. Sau 20 phút chiến đấu, ta làm chủ cầu Gềnh mà không ai thương vong. Nhưng nhiệm vụ giữ và bảo vệ cầu tiếp theo mới thực sự diễn ra vô cùng quyết liệt.

8 giờ 30 phút ngày 27, địch tổ chức phản kích chiếm lại cầu. Chúng sử dụng pháo binh từ Thủ Đức, Châu Thới, Biên Hòa, Long Bình bắn liên tục trong gần một giờ; sau đó bộ binh kết hợp xe tăng địch từ nhiều hướng tiến công vào khu vực ta chiếm giữ. Trận đánh diễn ra quyết liệt; sau 2 giờ chiến đấu, bộ đội ta đánh lui những đợt phản kích của địch, giữ được cầu nguyên vẹn.

Kết hợp với xung lực và hỏa lực mặt đất để phản kích, địch sử dụng cả máy bay trinh sát L19 phát hiện lực lượng và trận địa phòng ngự của ta. Cả ngày 27, các đơn vị giữ cầu đã phối hợp với các lực lượng đánh lui 4 đợt tiến công mạnh bằng xung lực kết hợp với hỏa lực và xe tăng của địch. Cầu vẫn giữ được nguyên vẹn. Ban ngày liên tục đánh địch phản kích, đến đêm lợi dụng địch tạm dừng tiến công, bộ đội ta tiếp tục củng cố công sự, bố trí lại lực lượng, chuẩn bị cho những trận chiến đấu tiếp theo.

Mờ sáng ngày 28, 5 máy bay lên thẳng của địch từ Sài Gòn lao tới, bắn tên lửa và đạn 12,7mm vào các chốt của ta ở hai đầu cầu. Sau đó, địch bắn phá tiếp 2 đợt nữa bằng pháo binh, rồi sử dụng xe tăng và bộ binh hình thành các mũi tiến công. Chiều hôm đó, địch chiếm được cầu Ghềnh.

Đêm 28, Đại đội 1 tổ chức lực lượng tập kích bí mật tiêu diệt địch và chiếm lại được cầu. Suốt đêm đó, cả Tiểu đoàn 23 và 2 đại đội pháo binh của Tiểu đoàn 174 tổ chức củng cố công sự, chuẩn bị vũ khí, quyết tâm đánh bại các đợt tiến công tiếp theo của dịch.

Từ 7 giờ đến 8 giờ sáng 29, địch sử dụng pháo binh bắn vào các chốt, đồng thời dùng máy bay trinh sát trận địa ta.

Đến 9 giờ 30, địch sử dụng xe tăng và bộ binh chiếm lại cầu Ghềnh. Đại đội 1 và Đại đội pháo phải lùi ra 200 mét chiếm địa hình có lợi để đánh địch. Một chiến sĩ đã bắn cháy 5 xe tăng. Lúc này ban chỉ huy Đại đội 1 bị địch bao vây. Ba cán bộ đại đội đã chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm, phân tán đánh ở nhiều chỗ, nghi binh lừa địch, kéo dài cuộc đọ sức với hàng trăm lính dù có cả xe tăng, pháo binh yếm trợ. Cả ba đồng chí đã đánh địch đến viên đạn cuối cùng, tiêu diệt một số địch và anh dũng hy sinh. Sau gần 3 ngày chiến đấu liên tục, quyết liệt với địch, hơn 50 cán bộ chiến sĩ của đại đội 1 đã hy sinh ở cầu Ghềnh.

Cuối ngày 29, cả đại đội chỉ còn 4 đồng chí vẫn kiên cường chiến đấu; cầu Gềnh vẫn được giữ vững.

Sáng 30 tháng 4, chủ lực ta đã vượt qua cầu tiến vào nội đô Sài Gòn, hợp lực giải phóng hoàn toàn miền nam.

Các đơn vị bộ binh và xe tăng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa.

Các đơn vị bộ binh và xe tăng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa.

Dấu ấn không phai

Trong trận đánh chiếm và trụ giữ cầu Ghềnh, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đặc công 113 đã nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu liên tục, quyết liệt suốt gần 3 ngày đêm dưới làn hỏa lực dày đặc, ác liệt của địch và lực lượng đối phương đông gấp nhiều lần, giữ vững mục tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến địch. Những chiến công đó đã viết tiếp vào trang sử hào hùng, truyền thống vẻ vang: “Đặc biệt tinh nhuệ - Anh dũng tuyệt vời - Mưu trí táo bạo - Đánh hiểm thắng lớn” của Bộ đội Đặc công Anh hùng.

Trận đánh giữ cầu Gềnh tuy có quy mô lực lượng không lớn, nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định vào việc bảo đảm cho 1 trong 5 hướng tiến công chiến lược của chủ lực cấp quân đoàn ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, là một mắt xích quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong điều kiện chiến đấu khó khăn, ác liệt, Trung đoàn Đặc công 113 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm, giữ và bảo vệ cầu, không để địch chiếm giữ hay phá hủy, thể hiện tinh thần chiến đấu quật cường, mưu trí, gan dạ của Bộ đội Đặc công Việt Nam. Đó còn là sự kết hợp giữa ý chí sắt đá, trình độ kỹ, chiến thuật tinh nhuệ và bản lĩnh của người lính đặc công, tạo nên quyết tâm “bám cầu đến hơi thở cuối cùng” để hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Quân giải phóng tiến vào tiếp quản thị xã Biên Hòa trưa 30/4/1975. Ảnh Tư liệu

Quân giải phóng tiến vào tiếp quản thị xã Biên Hòa trưa 30/4/1975. Ảnh Tư liệu

Âm vang từ cây cầu năm ấy

50 năm sau ngày giải phóng, bên dòng sông Đồng Nai trong xanh, Cầu Gềnh vẫn đứng hiên ngang, vững chãi và vẫn ngân vang chiến cồn của những người lính đặc công anh dũng, đã ngã xuống để giữ từng mối nối, từng thanh ray cho đất nước được nối liền một dải. Đó là sự hy sinh lặng thầm mà vĩ đại, là bản anh hùng ca được viết bằng xương máu của những người lính đặc công.

Giữa cuộc sống thanh bình hôm nay, bản anh hùng ca của các chiến sĩ đặc công đã viết ở Cầu Gềnh năm 1975 vẫn âm thầm vọng lại, nhắc mỗi chúng ta về cái giá của độc lập, tự do và sứ mệnh tiếp bước cha anh bằng trí tuệ, bản lĩnh và tình yêu Tổ quốc, xây dựng đất nước phát triển, hùng cường.

Cầu Gềnh không chỉ mang dáng hình của một công trình giao thông. Cầu Gềnh là biểu tượng, là ký ức. Nơi đó, những người lính đặc công đã từng viết nên một chương sử bằng máu, bằng lòng quả cảm, bằng sự hy sinh thầm lặng để thống nhất non sông.

Hình ảnh cầu Ghềnh trước khi bị sà lan tông sập năm 2016.

Hình ảnh cầu Ghềnh trước khi bị sà lan tông sập năm 2016.

Nội dung: Thượng tá, ThS NGUYỄN DUY HIỂN - Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân