Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Đầu tháng 10/2021, Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam (DCT Group) phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu để thực hiện dự án Tòa tháp Charm Diamond trong dự án Khu liên hợp cao ốc Sóng Thần. Về đặc điểm, lô 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm (đáo hạn ngày 28/6/2024) của DCT Group là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm, lãi suất cố định 10%/năm.
Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này được định giá là 2.838,1 tỷ đồng, thuộc sở hữu DCT Group và Công ty CP Thiên Bình Minh. Bao gồm dự án Khu liên hợp cao ốc Sóng Thần thuộc Khu phức hợp Charm Plaza 1 và dự án Khu du lịch Thiên Bình Minh-Hồ Tràm. Các tài sản bảo đảm này được thế chấp tại Nam A Bank. Ngân hàng này và Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh (BMS) cũng là hai đơn vị đã thu xếp giao dịch phát hành trái phiếu cho DCT Group.
Không có thông tin cụ thể về người mua lô trái phiếu này, ngoài thông báo ngắn gọn chỉ có hai khách hàng, gồm một ngân hàng và công ty chứng khoán đã mua. Trong đó, với quy mô vốn chủ sở hữu thấp, sẽ không bất ngờ việc công ty chứng khoán tham gia mua lô trái phiếu này là thực hiện ủy thác của một tổ chức tín dụng và Nam A Bank có thể chính là trái chủ ẩn danh của lô trái phiếu DCT Group.
Một motip tương tự cũng được tiến hành, tại hệ thống doanh nghiệp “họ” Geleximco. Chỉ trong thời gian 5 tháng, Công ty CP Đầu tư và du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco), Công ty CP Glexhomes, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam-các công ty “con” của Geleximco-đã phát hành thành công 3.200 tỷ đồng trái phiếu cho các dự án đang thực hiện. Mức lãi suất trong quãng xấp xỉ 10%/năm.
Đây là các lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản tại dự án của các doanh nghiệp này. Các thương vụ này đều được thu xếp bởi Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)-đều có liên quan tới Geleximco.
Trên bình diện rộng hơn, công điện của Thủ tướng cho biết, trong 11 tháng năm 2021, các doanh nghiệp đã huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới hơn 436.000 tỷ đồng, tăng hơn 23,4% so cùng kỳ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đánh giá thực tế này là “tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Còn theo nhiều nghiên cứu của SSI đã công bố công khai, có đến hơn 60% trong số vài triệu tỷ đồng TPDN phát hành trong giai đoạn 5 năm qua là trái phiếu bất động sản, không có tài sản bảo đảm, phát hành riêng lẻ, do các ngân hàng và công ty chứng khoán mua…
Quản lý để hạ nhiệt, kết quả là… tăng nóng
Tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Bộ Tài chính cũng phải khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường và phát hành TPDN, để sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường TPDN, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.
Tiếp theo, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng. Kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đồng thời với đó, Bộ Công an phối hợp Bộ Tài chính, NHNN và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có), để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Cần lưu ý, Bộ Tài chính, NHNN cũng chính là hai cơ quan đóng vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo, định hình các chính sách đối với thị trường TPDN suốt nhiều năm qua.
Năm 2020, khi thị trường TPDN phát triển quá nóng, đây cũng là hai cơ quan đã đóng vai trò chính trong soạn thảo, lấy ý kiến và đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN.
Nghị định có hiệu lực từ tháng 9/2020, với kỳ vọng sẽ hạ nhiệt đà tăng nóng, giúp quản lý tốt hơn, minh bạch, công khai, hiệu quả hơn đối với thị trường này. Kết quả, phát hành TPDN đã tăng hơn 23,4% so cùng kỳ năm 2020. Trong khi năm 2020 cũng tăng khoảng 15,6% so năm 2019. Do đó, Thủ tướng phải phát đi đánh giá chính thức, thị trường TPDN đang “tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Theo Công điện số 8857/CĐ-VPCP, Bộ Tài chính sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2021 về các nội dung nêu trên.
Nhấn mạnh rằng, tiền bán trái phiếu là tiền của doanh nghiệp. Tức là, nếu ngân hàng mua trái phiếu của công ty con, công ty thân hữu, cũng có nghĩa tiền từ ngân hàng đã chuyển sang và hình thành tài sản cho nhóm nhỏ chủ các công ty con, công ty thân hữu của ngân hàng. Dòng tiền này (quy mô triệu tỷ đồng) ít chịu các chế định áp dụng với tổ chức tín dụng.
Lãi suất các công ty này trả cho người mua trái phiếu (thường là các ngân hàng) được hạch toán vào lợi nhuận của người mua. Nhiều năm qua, rất ít ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, mà thường quy đổi lợi nhuận chưa phân phối thành cổ phiếu tăng vốn của ngân hàng. Nói cách khác, lợi nhuận “báo sổ” lại được nhân lên nhiều lần, thành giấy tờ có giá. Sau đó được mua bán trên sàn chứng khoán để tiếp tục tăng giá, quy đổi thành… tiền.
Đồng thời, với lãi suất lên tới từ 9-12% mỗi năm, kỳ hạn từ 3-5 năm, không quá khó để thấy trong tổng đầu tư mỗi dự án, giá thành sản phẩm, chi phí tài chính (cụ thể là lãi vay) luôn chiếm tỷ lệ rất cao, từ 35% tới 60%. Tất nhiên, người chi trả luôn là khách mua sản phẩm.