Bệnh án điện tử - Đơn thuốc điện tử:
Chìa khóa mở cánh cửa Bệnh viện thông minh

Dù Chính phủ và Bộ Y tế đã nỗ lực đốc thúc để triển khai Bệnh án điện tử - Đơn thuốc điện tử, nhưng tới nay vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, hai trong số những giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, góp phần hiện đại hóa lĩnh vực y tế vẫn chưa đạt mục tiêu như lộ trình đề ra.
Bệnh án điện tử - Đơn thuốc điện tử đem tới nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân cũng như các cơ sở y tế trong việc khám, điều trị bệnh; kiểm soát được tình trạng kháng kháng sinh mà Việt Nam luôn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ cao (top 4 các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh nhiều nhất châu Á); góp phần chống lãng phí, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số lĩnh vực y tế, hoàn thiện mục tiêu xây dựng bệnh viện thông minh; tất cả nhằm hướng tới đích đến: Chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Theo lộ trình, đến năm 2028, 100% các cơ sở y tế trên cả nước phải số hóa quy trình bệnh án, thay thế hoàn toàn bệnh án giấy, nhưng tới thời điểm này, số bệnh viện áp dụng Bệnh án điện tử; các nhà thuốc sử dụng Đơn thuốc điện tử vẫn còn khiêm tốn. Tiêu điểm Bệnh án điện tử - Đơn thuốc điện tử: Chìa khóa mở cánh cửa Bệnh viện thông minh - trên Nhân Dân hằng tháng - tháng 11/2024 sẽ cùng các chuyên gia, các nhà quản lý, các cán bộ ngành y tế tìm hiểu câu chuyện hiện thực hóa một chủ trương góp phần hiện đại hóa lĩnh vực y tế.
“Linh hồn”
của chuyển đổi số
y tế

Hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) và đơn thuốc điện tử có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số y tế, mang lại lợi ích cho người bệnh, cho nhân viên y tế, các bệnh viện và cả hệ thống y tế cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai đến nay vẫn chưa được như mục tiêu đề ra.
EMR và đơn thuốc điện tử -
Sự tiện lợi của cả hệ thống…
EMR giúp người bệnh giải tỏa nhiều áp lực khi không phải lưu trữ giấy tờ, hồ sơ, kết quả xét nghiệm và thấp thỏm mang đi mỗi đợt tái khám; người bệnh cũng thoát khỏi nỗi lo nếu làm mất hồ sơ hay không còn phải ám ảnh vì ‘‘chữ bác sĩ khó đọc”. Ngược lại, nhân viên y tế giảm được thời gian ghi chép thông tin bệnh nhân; khắc phục trở ngại bệnh án không liên kết nhau trong mỗi lần khám điều trị, hay giữa các khoa phòng không có sự liên thông nhau… Ứng dụng EMR giúp bác sĩ thuận lợi nếu cần tra cứu lịch sử điều trị của người bệnh và bệnh viện tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể dành cho kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy ‘‘từ 10 đến 20 năm tùy trường hợp’’ theo quy định...., TS Phạm Xuân Viết - Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết.
Trong trường hợp bệnh viện (BV) đã triển khai Đề án 06, được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh chỉ cần dùng căn cước công dân (CCCD), VneiD thậm chí Face ID là thông tin sẽ hiển thị trên hệ thống… Nhân viên y tế do đó có thêm thời gian, dù chỉ là những giây phút ít ỏi, dành cho việc thăm khám. Bác sĩ dù ở bất kỳ đâu miễn có internet là truy cập được vào EMR để tham gia hội chẩn liên khoa liên viện. Việc chẩn đoán, phối hợp điều trị thuận lợi hơn nếu quá trình chia sẻ, kết nối thông tin sức khỏe của người bệnh nhanh chóng giữa các khoa, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB)… EMR góp phần giúp thông tin KCB minh bạch, khiến BV quản lý thuận lợi hơn, hạn chế được việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm: Lãnh đạo BV có thể biết được ngay các dữ liệu ở từng khoa, phòng, từng bác sĩ, như BV Chợ Rẫy đã đặt hạn mức kê đơn cho bác sĩ, để ngăn ngừa lạm dụng chỉ định, những đơn thuốc kê vượt hạn mức sẽ lập tức được báo về giám đốc BV. Nhờ EMR, BV Châu Đốc, BV An Giang đều biết rõ số lượng thuốc, chỉ định xét nghiệm sử dụng của từng khoa mỗi ngày, từ đó điều chỉnh kịp thời.
EMR do đó giúp Bộ Y tế cập nhật được số liệu thực mà không cần chờ các BV báo cáo, có đầy đủ dữ liệu về tình hình KCB ở từng địa phương, biết được xu hướng dùng thuốc để phục vụ phát triển ngành dược cũng như làm cơ sở xây dựng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho mục tiêu chăm sóc bảo vệ sức khỏe con người…. Từ những giá trị được chứng minh trong thực tế, EMR rõ ràng đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của hệ thống y tế và là bước đột phá trong chuyển đổi số y tế, TS Phạm Xuân Viết nhấn mạnh.
Theo PGS, TS Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam: Đơn thuốc điện tử cũng giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh mà WHO đã cảnh báo Việt Nam. Nhờ đơn thuốc điện tử, có thể truy xuất được nguồn gốc, tránh tình trạng tự kê, tránh tái bán trên đơn đã bán, do đơn thuốc có mã cơ sở và mã người kê đơn, giúp người dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Đơn thuốc điện tử giúp quản lý tốt hơn hoạt động hành nghề của người kê đơn và cơ sở KCB, đồng thời, cảnh báo cơ sở bán lẻ thuốc khi người bệnh cung cấp đơn thuốc không được bác sĩ kê đúng quy định. Từ đây thuận lợi để thiết lập quản lý bán thuốc theo đơn trên toàn quốc, giúp cơ quan quản lý thống kê được về bệnh học cũng như tình trạng sử dụng thuốc toàn ngành, để đưa ra chiến lược hợp lý về ngành dược.
Tiến độ triển khai EMR chưa như mục tiêu đề ra
Năm 2018, với việc ra đời của Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã có những bước đột phá. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, tạo hành lang pháp lý quy củ: Thông tư 53/2014 quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư 54/2017 ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 46/2018 quy định về bệnh án điện tử; Thông tư 27/2021 quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử… cũng như Luật Khám chữa bệnh sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2023. Theo lộ trình tại Thông tư 46, đến hết năm 2023: “Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ EMR” … Tuy nhiên, tính đến 1/11/2024, cả nước mới có 108 cơ sở KCB công bố áp dụng EMR, trong đó chỉ một bệnh viện hạng đặc biệt (Bệnh viện Bạch Mai); 33 bệnh viện hạng 1; 15 bệnh viện tư nhân, 4 phòng khám và các bệnh viện hạng 2, 3...
Kết quả khảo sát của Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) vào tháng 10/2024 cũng cho thấy, mức độ triển khai EMR tại các BV còn chưa cao: 46,31% BV vẫn chỉ sử dụng bệnh án giấy, 43,51% đã kết hợp giữa bệnh án giấy và EMR, chỉ có 5,59% BV chủ yếu dùng EMR và 4,59% đã hoàn toàn chuyển sang EMR. Như vậy, tỷ lệ hoàn toàn sử dụng EMR vẫn chưa như mong muốn. Các phần mềm hỗ trợ KCB đã được áp dụng rộng rãi, 95,91% BV đã triển khai phần mềm khám bệnh, 83,43% sử dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử và 86,33% có phần mềm thanh toán viện phí. Chỉ còn 0,4% BV chưa triển khai bất kỳ phần mềm nào, cho thấy sự chênh lệch trong việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở KCB. Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) giúp bỏ in phim, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường cũng chỉ có hơn 20 BV triển khai và được thanh toán như in phim.
Triển khai đơn thuốc điện tử và Bệnh án điện tử giúp các bệnh nhân Bảo hiểm y tế giảm được thời gian chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Triển khai đơn thuốc điện tử và Bệnh án điện tử giúp các bệnh nhân Bảo hiểm y tế giảm được thời gian chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Đơn thuốc điện tử: Quá hạn vẫn tiếp tục chậm
Việc sử dụng thuốc tùy tiện đã gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam, khi người dân có thể tự mua các thuốc kê đơn ở bất cứ cửa hàng thuốc nào. Bộ Y tế quy định thời hạn mỗi đơn thuốc kê là 5 ngày nhưng nhiều người vẫn dùng đi dùng lại để mua và sử dụng bằng kinh nghiệm. Để ngăn ngừa kháng thuốc kháng sinh, việc quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn là nhiệm vụ quan trọng trong đề án về phòng, chống kháng thuốc.
Từ năm 2019, Bộ Y tế đã thí điểm Hệ thống thông tin quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn và đã thu được những kết quả bước đầu. Vì thế, Bộ Y tế quy định 31/12/2022 là hạn cuối cho các BV từ hạng 3 trở lên phải liên thông vào Hệ thống đơn thuốc Quốc gia và bán thuốc theo đơn tại BV. Ngày 30/6/2023 là hạn cuối của các cơ sở KCB ngoài công lập và các cơ sở bán lẻ thuốc kết nối với Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia.
Theo Hội Tin học Y tế Việt Nam - đơn vị đã tặng bản quyền phần mềm đơn thuốc điện tử cho Bộ Y tế - hiện 100% phần mềm của các cơ sở KCB và của các cơ sở bán lẻ thuốc đều đáp ứng liên thông theo quy định của Bộ Y tế. Nhưng, gần hết năm 2024, việc triển khai liên thông đơn thuốc của các cơ sở y tế, cả công lập và tư nhân, đều chưa hoàn tất, dù quá hạn quy định rất lâu. Đến ngày 1/11/2024, Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia ghi nhận 169.054.115 đơn thuốc đã kê gửi báo cáo về trong tổng dự kiến 400-600 triệu đơn/năm; có 20.067 cơ sở KCB đã liên thông trong tổng số gần 55 nghìn cơ sở; 106.846 bác sĩ đã liên thông; 2.303.373 đơn thuốc đã bán gửi báo cáo về hệ thống.
Ở khối cơ sở bán lẻ thuốc tại 46 tỉnh, thành phố đã báo cáo, có hơn 70 nghìn cơ sở đã được cấp tài khoản kết nối cung ứng thuốc, đạt 97%, nhưng chỉ trên 72% cập nhật thông tin vào hệ thống. Ngay trong số gần 20.000 cơ sở KCB được cấp mã cũng chỉ có hơn 8.000 cơ sở thường xuyên thực hiện liên thông đơn thuốc.
Cũng theo Bộ Y tế, cả nước mới chỉ có 986/1.447 BV liên thông đơn thuốc, đạt 68% (773 BV công lập và 213 BV tư nhân). Số còn lại đã từng liên thông rồi dừng, hoặc chưa hề liên thông đơn thuốc. Có tới 461 cơ sở KCB chưa liên thông đơn thuốc, chiếm 32%. Đáng nói, trong 39 BV tuyến trung ương, nhiều BV vẫn chưa liên thông đơn thuốc.
Tình hình liên thông đơn thuốc ở các trạm y tế càng thấp, mới chỉ có 5.029/11.007 trạm y tế, chiếm 46%. Có 5.978 trạm y tế, chiếm 54% chưa khai báo để cấp mã liên thông. Việc liên thông đơn thuốc điện tử ở khối y tế tư nhân cũng nan giải: có 2.458 trong tổng số 47.546 cơ sở liên thông đơn thuốc, đạt 5% và có tới 45.088 cơ sở chưa khai báo để cấp mã liên thông, chiếm tới 95%.
Triển khai đơn thuốc điện tử chậm, nên việc kê đơn thuốc bằng tay vẫn diễn ra, cũng như đa số cơ sở bán lẻ thuốc không sử dụng mã đơn thuốc khi giao dịch. Đây chính là rào cản cho mục tiêu ngăn chặn thuốc giả, ngăn chặn kháng thuốc kháng sinh mà ngành y tế luôn đề cao và nỗ lực suốt thời gian qua.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Dạ Miên-Thanh Hằng-Mi Sol-Ngô Hương Sen
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Phóng viên, nguồn internet