Binh chủng Thông tin Liên lạc là một binh chủng chuyên môn của Quân đội nhân dân Việt Nam, có chức năng tham mưu, đề xuất với Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thông tin quân sự, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý Nhà nước đối với hệ thống thông tin quân sự; huấn luyện, đào tạo, xây dựng lực lượng, bảo đảm trang bị kỹ thuật nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong thế bố trí chiến lược, phòng thủ và tác chiến của quân đội.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức. Trong tình thế khó khăn, phức tạp và hiểm nghèo của dân tộc, để Trung ương Đảng, Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Bộ Tổng chỉ huy có thể nắm vững và chỉ đạo các đơn vị, các chiến khu, các tỉnh trong cả nước, đã đặt ra một yêu cầu rất cấp thiết là cần phải có ngay một hệ thống thông tin liên lạc riêng cho quân đội.

Trước yêu cầu đó, ngày 2/9/1945, được sự ủy nhiệm của ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ cách mạng lâm thời kiêm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng mời đồng chí Hoàng Đạo Thúy, một trí thức yêu nước, giàu nhiệt tình cách mạng, có hiểu biết về thông tin liên lạc tới Bắc Bộ phủ bàn nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin liên lạc quân sự trong cả nước.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra là ta phải có ngay, có thật sớm hệ thống thông tin liên lạc riêng cho quân đội. Thông qua hệ thống đó, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng chỉ huy có thể nắm và chỉ đạo các đơn vị, các chiến khu, các tỉnh từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới và rất hệ trọng, có nhiều khó khăn nhưng phải làm gấp, đừng chờ đợi. Đoàn thể sẽ cử thêm người biết làm việc tới giúp sức”[1].

Ngày 9/9/1945, Phòng Thông tin Liên lạc quân sự do đồng chí Hoàng Đạo Thúy phụ trách được thành lập, chính thức triển khai mạng lưới thông tin liên lạc đầu tiên của quân đội, góp phần quan trọng giúp Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy quân đội tập trung, thống nhất, nhanh chóng và chính xác.

Từ đó, ngày 9/9/1945 đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội thông tin liên lạc. Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử bộ đội thông tin liên lạc, ngày hình thành tổ chức đầu tiên của binh chủng kỹ thuật thông tin liên lạc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 9/9/1945 đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội thông tin liên lạc.

Thông tin liên lạc quân sự ra đời đã kịp thời phục vụ Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đồng bào Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ khi kháng chiến toàn quốc nổ ra đến giữa năm 1949, hệ thống thông tin liên lạc quân sự đã từng bước ổn định và phát triển. Nhiều cơ sở chính trị, quân sự của ta được xây dựng ngay trong lòng địch ở Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bình-Trị-Thiên, Tây Nguyên... vẫn giữ được liên lạc với hậu phương qua hệ thống đường liên lạc quân sự.

Đồng thời hệ thống thông tin liên lạc quân sự đã phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Tổng Tham mưu và bộ chỉ huy các liên khu đối với các trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực trực thuộc đánh những trận tập kích công đồn, phục kích, diệt các cứ điểm và các đội quân cơ động của địch.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Binh chủng TTLL ngày 25/12/1972. (Nguồn: Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh Chủng Thông tin Liên lạc, Lịch sử Bộ đội thông tin liên lạc 1945 - 2005, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 122)

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Binh chủng TTLL ngày 25/12/1972. (Nguồn: Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh Chủng Thông tin Liên lạc, Lịch sử Bộ đội thông tin liên lạc 1945 - 2005, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 122)

Để tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến, Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ 6 (1/1949) chỉ rõ: “... Trọng tâm công tác trong lúc này là tiếp tục xây dựng bộ đội chủ lực, tập trung cán bộ, tập trung vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc cho những đơn vị có nhiệm vụ đánh vận động chiến...”[2].

Trên cơ sở nghị quyết của hội nghị Trung ương Đảng, các cơ quan giúp việc chỉ đạo, chỉ huy quân sự ở Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh được sắp xếp lại. Cần phải thành lập một cơ quan, một bộ máy thông tin liên lạc tương đối hoàn chỉnh và tập trung, với những cơ sở kỹ thuật, trang bị cần thiết.

Các đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng: Hoàng Văn Thái (thứ nhất trừ phải qua), Lê Ngọc Hiền, Giáp Văn Cương, Cao Văn Khánh thông qua kế hoạch tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc 2 năm (1971-1972) của Binh chủng TTLL. (Nguồn: Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh Chủng Thông tin Liên lạc, Lịch sử Bộ đội thông tin liên lạc 1945 - 2005, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 127)

Các đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng: Hoàng Văn Thái (thứ nhất trừ phải qua), Lê Ngọc Hiền, Giáp Văn Cương, Cao Văn Khánh thông qua kế hoạch tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc 2 năm (1971-1972) của Binh chủng TTLL. (Nguồn: Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh Chủng Thông tin Liên lạc, Lịch sử Bộ đội thông tin liên lạc 1945 - 2005, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 127)

Để chuẩn bị cho việc thành lập Cục Thông tin liên lạc, ngày 18/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56/SL bổ nhiệm đồng chí Hoàng Đạo Thúy làm Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, với các nhiệm vụ hình thành tổ chức cơ quan và đơn vị thuộc Cục, mở lớp đào tạo sỹ quan tham mưu thông tin liên lạc và cán bộ kỹ thuật sửa chữa vô tuyến điện, điện thoại, máy phát điện, ban hành phương án tổ chức hệ thống thông tin liên lạc trong toàn quân; sửa chữa, mua sắm các phương tiện khí tài thông tin liên lạc để trang bị cho các đơn vị; biên soạn tài liệu để huấn luyện cho thông tin liên lạc toàn quân.

Ngày 31/7/1949, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 123-NĐ về việc thành lập Cục Thông tin liên lạc thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, một tổ chức bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo, chỉ huy trong toàn quân.

Từ đây, bộ đội thông tin liên lạc phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức biên chế và phương tiện kỹ thuật. Hệ thống thông tin với ba mạng: vô tuyến điện, liên lạc điện thoại và liên lạc chuyển đạt được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Phương thức bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ các yêu cầu xây dựng và chiến đấu của quân đội, bảo đảm cho các loại hình chiến thuật, trên các địa hình, các chiến trường dần dần hình thành và không ngừng sáng tạo, ngày càng hoàn thiện.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội thông tin liên lạc đã có bước tiến mới về phương thức tổ chức bảo đảm cho tác chiến trong một chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn, bảo đảm vững chắc cho chỉ đạo, chỉ huy bộ binh, pháo binh, công binh, pháo phòng không. Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc trong một chiến dịch lớn có tầm vóc lịch sử.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Quốc phòng nghe Đại tá Phạm Niên – Tư lệnh Binh chủng báo cáo công tác tổ chức và kế hoạch đưa hệ thống ICS ta thu cảu Mỹ-nguỵ vào hoạt động. (Nguồn: Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh Chủng Thông tin Liên lạc, Lịch sử Bộ đội thông tin liên lạc 1945 - 2005, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 126)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Quốc phòng nghe Đại tá Phạm Niên – Tư lệnh Binh chủng báo cáo công tác tổ chức và kế hoạch đưa hệ thống ICS ta thu cảu Mỹ-nguỵ vào hoạt động. (Nguồn: Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh Chủng Thông tin Liên lạc, Lịch sử Bộ đội thông tin liên lạc 1945 - 2005, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 126)

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước tình hình nhiệm vụ và sự trưởng thành lớn mạnh của Bộ đội thông tin liên lạc, ngày 31/1/1968, Bộ Quốc phòng ra quyết định chuyển Cục Thông tin liên lạc thành Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, với nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy xây dựng các đơn vị thông tin trực thuộc Bộ và làm tham mưu cho Bộ chỉ đạo các đơn vị thông tin liên lạc toàn quân.

Bộ đội Thông tin liên lạc tích cực xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc rộng khắp, kết hợp chặt chẽ các phương thức bảo đảm thông tin: vô tuyến điện, hữu tuyến điện, quân bưu, các hình thức thông tin nhân dân,... bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, bí mật và chính xác, phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tác chiến trên các chiến trường, cả miền nam và miền bắc.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Bộ đội thông tin liên lạc đã nhanh chóng tổ chức và phát triển hệ thống thông tin chiến lược, nối từ Trung ương tới các chiến trường. Các hướng mũi tiến công được bố trí lực lượng thông tin liên lạc đi kèm bảo đảm thông suốt, đáp ứng yêu cầu chiến đấu, hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan Triển lãm kỹ thuật của Cục Thông tin liên lạc tháng 2/1961. (Nguồn: Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh Chủng Thông tin Liên lạc, Lịch sử Bộ đội thông tin liên lạc 1945 - 2005, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 5)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan Triển lãm kỹ thuật của Cục Thông tin liên lạc tháng 2/1961. (Nguồn: Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh Chủng Thông tin Liên lạc, Lịch sử Bộ đội thông tin liên lạc 1945 - 2005, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 5)

Sau ngày thống nhất đất nước, Binh chủng Thông tin liên lạc tiếp quản hệ thống thông tin liên lạc thu được của địch; nghiên cứu, khai thác nhiều loại khí tài thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc Bắc - Nam. Đồng thời, nhanh chóng chuyển hướng xây dựng hệ thống thông tin phòng thủ đất nước, từng bước hiện đại hóa trang bị, khí tài thông tin ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng.

Hiện nay, Binh chủng Thông tin liên lạc được Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm, đầu tư tiến thẳng lên hiện đại. Hệ thống thông tin liên lạc quân sự phát triển nhanh, bền vững, mang tính đột phá, nhất là về quy mô, công nghệ, phương thức bảo đảm, độ ổn định, tính vững chắc ngang tầm với trình độ công nghệ trong khu vực. Binh chủng Thông tin liên lạc đã thực hiện thắng lợi “Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2011-2020” và đang tích cực triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cùng với quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội, với mỗi bước phát triển của cuộc kháng chiến, Bộ đội thông tin liên lạc cũng từng bước trưởng thành, ngày càng phát triển, trở thành một binh chủng trọng yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nhân viên kỹ thuật phát triển nhanh chóng; chất lượng chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của binh chủng: “Mưu trí, dũng cảm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn trong mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao”.

Trong kháng chiến và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội thông tin liên lạc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.Binh chủng Thông tin liên lạc hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Lê Văn Cử
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Viện Lịch sử quân sự cung cấp