
Từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ chính thức xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ và cá nhân kinh doanh. Đây là một trong những quyết sách quan trọng được nêu rõ tại Điều 10, Nghị quyết số 68-NQ/TW năm 2025 của Bộ Chính trị, đánh dấu bước chuyển căn bản trong cách thức quản lý thuế, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế hiện đại, thúc đẩy minh bạch và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.
BỎ THUẾ KHOÁN ĐỂ CÔNG BẰNG VÀ MINH BẠCH HƠN
Nghị quyết số 68 xác định rõ: Từ ngày 1/1/2026, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh không còn áp dụng phương pháp thuế khoán. Việc thu-nộp lệ phí môn bài cũng đồng thời được chấm dứt. Các cá nhân, tổ chức sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, theo hình thức kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đây là lần đầu tiên việc xóa bỏ thuế khoán được xác lập ở cấp cao nhất trong một nghị quyết của Bộ Chính trị cho thấy tầm nhìn chiến lược và tính nhất quán trong lộ trình cải cách hệ thống thuế quốc gia. Hơn thế, chính sách này là một phần trong tổng thể các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, tăng hơn 1 triệu doanh nghiệp so với hiện nay.
Theo Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến tháng 3/2025, cả nước có gần 2 triệu hộ và cá nhân kinh doanh đang nộp thuế theo hình thức khoán, trong khi chỉ có hơn 6.100 hộ nộp thuế theo phương pháp kê khai. Ngoài ra, nhờ ứng dụng bản đồ số hộ kinh doanh, cơ quan thuế đã đưa thêm hơn 61.000 hộ vào diện quản lý, cho thấy còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác đầy đủ.
Điểm đáng chú ý là mức nộp thuế khoán hiện rất thấp. Bình quân 3 tháng đầu năm 2025, mỗi hộ kinh doanh chỉ nộp khoảng 670.000 đồng/tháng, thấp hơn gần 7 lần so với mức thuế kê khai, vốn lên tới 4,6 triệu đồng/tháng/hộ. Điều này không chỉ khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng mà còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp khi cùng quy mô doanh thu nhưng nghĩa vụ thuế khác biệt rất lớn.
Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.695 tỷ đồng, đạt 27,2% so với nhiệm vụ thu, bằng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng, khu vực này chỉ đóng góp khoảng 1,5 - 2% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý.
Tỷ lệ thu 27,2% của quý I/2025 gần như không thay đổi nhiều so cùng kỳ các năm gần đây: Quý I năm 2022 đạt 22,3%, năm 2023 - 29,1%, năm 2024 - 26,7%. Đây là con số cho thấy mức thu từ hộ kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng thực tế.
Cơ quan thuế cũng nhận định: hiện tượng thất thu vẫn khá phổ biến, do nhiều hộ kinh doanh không xuất hóa đơn, hoặc có xuất nhưng không kê khai, kê khai không đầy đủ, thậm chí khai rồi nhưng không nộp thuế. Việc hộ kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ thuế, đặc biệt là vai trò của hóa đơn điện tử và minh bạch sổ sách, đang là một rào cản lớn khiến chính sách thuế hiện hành chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Thực tế, mô hình thuế khoán vốn được áp dụng từ những năm 1990 phù hợp với thời kỳ nền kinh tế còn manh mún, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, chưa có điều kiện áp dụng công nghệ thông tin hay hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh theo hướng số hóa, hội nhập và minh bạch, thuế khoán bộc lộ rõ nhiều bất cập: thiếu minh bạch, dễ thất thu, tạo động lực “lách luật”, hạn chế động lực lớn lên của hộ kinh doanh.
CHUYỂN ĐỔI HỘ KINH DOANH - CẦN HỖ TRỢ ĐÚNG CÁCH
Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 16/5/2025, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định: "Việc bãi bỏ thuế khoán là chủ trương đúng đắn, nhằm minh bạch hóa hoạt động hộ kinh doanh, bảo đảm bình đẳng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp".
Theo ông, việc này đã được nghiên cứu kỹ, thí điểm tại một số địa phương và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Bộ Tài chính đang hoàn thiện hệ thống công nghệ, pháp lý để bảo đảm quá trình chuyển đổi được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: DUY LINH)
Cụ thể, trong quá trình chuyển giao, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ sử dụng phần mềm khai thuế đơn giản, miễn phí. Các phần mềm này cho phép nhập liệu doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào-bán ra một cách thuận tiện, phù hợp với người không chuyên về kế toán hay công nghệ. Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn để người nộp thuế tiếp cận hình thức kê khai mới một cách dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam khuyến nghị, nên có khoảng thời gian chuyển tiếp 6 tháng đến 1 năm để các hộ kinh doanh làm quen. Trong thời gian này, Nhà nước cần miễn phí toàn bộ phần mềm, công cụ hỗ trợ, đồng thời khuyến khích sử dụng dịch vụ từ các đại lý thuế vốn có năng lực chuyên môn, chi phí hợp lý và có thể thay mặt hộ kinh doanh thực hiện khai thuế, nộp thuế và làm việc với cơ quan chức năng khi cần.
Hiện cả nước có khoảng 800 công ty đại lý thuế đã được cấp chứng chỉ hành nghề, với năng lực tư vấn, hỗ trợ tốt cho đối tượng hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ.
Sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền - một giải pháp giúp tăng minh bạch, dễ kiểm soát doanh thu, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành.
Sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền - một giải pháp giúp tăng minh bạch, dễ kiểm soát doanh thu, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành.
Một trong những điểm nổi bật trong chính sách hỗ trợ là khuyến khích hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền - một giải pháp giúp tăng minh bạch, dễ kiểm soát doanh thu, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp, đồng thời chuyển đổi số toàn diện ngành thuế, kết nối dữ liệu thu-chi hóa đơn từ các phần mềm bán hàng, máy POS với hệ thống của cơ quan thuế.
Đặc biệt, để giảm gánh nặng chi phí cho hộ kinh doanh, dự thảo nghị quyết còn quy định việc hỗ trợ kinh phí thuê, mua phần mềm kế toán, nền tảng số dùng chung để hộ kinh doanh sử dụng miễn phí. Đây là cơ sở để thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi theo hướng chính quy, bài bản hơn.
Ảnh: Thành Đạt
Ảnh: Thành Đạt
Việc chấm dứt thuế khoán cũng là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy khu vực hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Sự chuyển đổi này mang lại lợi ích không chỉ cho hộ kinh doanh với khả năng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, dễ dàng tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao mà còn góp phần tăng trưởng GDP, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Nghị quyết 68 đã đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu cho doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, hỗ trợ tiền thuê đất, giảm các điều kiện về kế toán, lao động, kê khai thuế… nhằm tạo hành lang thuận lợi để hộ kinh doanh đủ điều kiện có thể chuyển đổi mô hình.
GỠ RÀO CẢN, TẠO NIỀM TIN CHO HỘ KINH DOANH CHUYỂN ĐỔI
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng quá trình chuyển đổi sẽ đối mặt với không ít khó khăn, nhất là đối với những hộ kinh doanh nhỏ, hoạt động chủ yếu theo thói quen cũ, không quen kê khai, không có kiến thức về hóa đơn điện tử hay quy trình kế toán.
Bà Nguyễn Thị Cúc lưu ý rằng khi không còn thuế khoán, các hộ kinh doanh buộc phải xuất hóa đơn, lập chứng từ, thực hiện kê khai định kỳ. Việc kê khai có thể không quá phức tạp, nhưng các hộ kinh doanh phải tự thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai.
Nếu không được hướng dẫn đầy đủ, điều này có thể tạo ra áp lực tâm lý, thậm chí khiến một bộ phận hộ kinh doanh nhỏ ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường.
Ảnh: Hà Nam
Ảnh: Hà Nam
Để hạn chế tình trạng này, vai trò của công tác truyền thông là vô cùng quan trọng. Cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, phổ biến kiến thức thuế đến từng nhóm hộ kinh doanh theo ngành nghề, quy mô. Các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội và cả chính quyền địa phương cần cùng vào cuộc để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng hành với người nộp thuế.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc xây dựng niềm tin cho người dân, đặc biệt là khối kinh doanh cá thể, vào chính sách và môi trường kinh doanh là yếu tố then chốt. Theo khảo sát năm 2024 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), niềm tin của các doanh nghiệp khởi sự vào hệ thống thủ tục hành chính còn khá thấp. Sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương, tình trạng “mỗi nơi làm một kiểu” trong thủ tục cấp phép, đăng ký vẫn đang là rào cản lớn.
Do đó, ngoài việc cải cách thuế, cần đồng bộ hóa quy trình hành chính, tạo môi trường pháp lý thống nhất, minh bạch và dễ tiếp cận trên toàn quốc. Chỉ khi đó, hộ kinh doanh mới thấy được lợi ích rõ ràng của việc “lớn lên”, mới dám chuyển đổi mô hình để bước vào sân chơi doanh nghiệp.
Việc xóa bỏ thuế khoán từ ngày 1/1/2026 là một quyết định đúng đắn, kịp thời và tất yếu trong quá trình hiện đại hóa hệ thống thuế, hướng đến nền kinh tế minh bạch, hiệu quả và công bằng. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, cần có sự đồng hành từ nhiều phía: cơ quan quản lý phải chủ động hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông; người nộp thuế cần nâng cao nhận thức, sẵn sàng thay đổi tư duy; các tổ chức trung gian như đại lý thuế, hiệp hội nghề nghiệp phải đóng vai trò cầu nối hiệu quả.
Từ bỏ “vỏ bọc” kinh doanh nhỏ, chính sách thuế khoán - từng là công cụ phù hợp trong thời kỳ cũ - đang dần được thay thế bằng một hệ thống thuế hiện đại, minh bạch, phù hợp với nền kinh tế số và hội nhập. Đây là cơ hội để khu vực kinh tế cá thể “lớn lên”, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc dân, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.