Ðây là cơ hội để các võ sĩ Việt Nam thể hiện tài năng, mở ra cánh cửa cho sự phát triển lâu dài của môn thể thao này.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào võ thuật tổng hợp - MMA (Mixed Martial Arts) toàn cầu, Việt Nam đã từng bước thay đổi nhận thức và đầu tư vào môn thể thao này. Năm 2020, Liên đoàn Võ thuật Tổng hợp Việt Nam (VMMAF) chính thức được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển MMA một cách bài bản và chuyên nghiệp với nhiều giải đấu hấp dẫn. Trước đây, các võ sĩ MMA Việt Nam tài năng như Trần Quang Lộc, Nguyễn Trần Duy Nhất, Phạm Văn Nam... phải tự học hỏi, thi đấu quốc tế theo diện cá nhân, nhưng chưa thể bứt phá do thiếu hệ thống đào tạo bài bản và cơ hội cọ xát thường xuyên.
Bắt đầu tổ chức từ năm 2022, đến nay thành công của Giải vô địch MMA Việt Nam (LION Championship) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Từ những sự kiện đơn lẻ, giải đấu dần được tổ chức định kỳ hằng tháng, bán được nhiều vé, có nhà tài trợ đồng hành, cùng sự tham gia của các võ sĩ môn khác như boxing, jujitsu, wushu, kickboxing... Theo Phó Chủ tịch VMMAF Nguyễn Tuấn Cường, LION Championship 2025 sẽ thử nghiệm theo các thể thức mới gồm: đánh đứng (striking), địa chiến (ground fight), song đấu (duo), luân chiến (gauntlet). Việc này sẽ giúp các võ sĩ có thêm nhiều trải nghiệm, để quá trình chuẩn bị cho SEA Games 33 và ASIAD 20 được kỹ lưỡng hơn.
Mới đây, nước chủ nhà Thái Lan đã chính thức thông báo MMA sẽ lần đầu xuất hiện trong chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 33, thay vì chỉ là môn biểu diễn như dự kiến ban đầu. Theo đó, môn thể thao này sẽ có 6 hạng cân tranh tài, bao gồm: truyền thống 56kg, hiện đại 60kg và 65kg của nam; truyền thống 54kg, hiện đại 54kg và 60kg dành cho nữ. Đây là cơ hội lịch sử để các võ sĩ MMA Việt Nam thể hiện năng lực, cọ xát với các đối thủ trong khu vực, đồng thời góp phần quảng bá và nâng tầm hình ảnh MMA Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc lần đầu tiên MMA chính thức được đưa vào chương trình thi đấu của ASIAD 20-2026 cũng đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của môn võ này. Theo thông báo từ Hội đồng Olympic châu Á, MMA sẽ thi đấu 6 nội dung, gồm 4 hạng cân nam và 2 hạng cân nữ. Các tuyển thủ sẽ được tuyển chọn thông qua các giải đấu trong nước như Cúp các CLB MMA toàn quốc và LION Championship.
Thành tích xếp hạng 4 toàn đoàn với 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ tại Giải vô địch MMA 2023 cho thấy tiềm năng lớn của các võ sĩ Việt Nam. MMA Việt Nam sẽ có cơ hội để khẳng định vị thế ở Đông Nam Á vào tháng 12 tới. Còn với đấu trường ASIAD sẽ rất khó khăn khi trình độ của võ sĩ có sự chênh lệch so với các nước Kazakhstan, Iran, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này buộc MMA Việt Nam cần xác định và điều chỉnh các hạng cân có lợi thế để tập trung đầu tư giành huy chương, đồng thời cần chuẩn bị dài hơi, đặc biệt là ở các nội dung đối kháng mới mong có thành tích.
Hiện nay, MMA Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức như thiếu HLV chuyên nghiệp, cơ sở vật chất chưa đồng bộ và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý. Việc tuyển chọn VĐV đủ tiêu chuẩn quốc tế là không đơn giản khi số lượng VĐV chuyên nghiệp còn hạn chế, đa phần là các võ sĩ môn khác chuyển sang thi đấu. Để phát triển bền vững, điều cần thiết là xây dựng một hệ thống đào tạo bài bản, từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia. Ngoài ra, việc học hỏi từ các quốc gia có nền MMA phát triển như Thái Lan, Philippines và Indonesia sẽ giúp Việt Nam nâng cao trình độ chuyên môn và chiến thuật thi đấu.
Sự kiện SEA Games 33 và ASIAD 20 chính là đòn bẩy quan trọng cho MMA bước ra ánh sáng. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải đầu tư bài bản cho MMA: từ hệ thống huấn luyện, đào tạo, thi đấu cho đến tổ chức giải quốc gia và tuyển chọn VĐV. Đây không còn là sân chơi tự phát mà là hành trình có lộ trình, có chiến lược và có tiềm năng mang về huy chương danh giá cho thể thao nước nhà.