Với những người dân huyện Hương Sơn-Hà Tĩnh, mật ong không chỉ là một sản phẩm quý, mà còn chứa đựng những nét văn hóa không thể trộn lẫn. Ấy là khi những “giọt vàng” từ núi Hương Sơn, qua bàn tay của người tâm huyết đã trở thành những sản phẩm quý, tốt cho sức khỏe, đến với mọi người, mọi nhà.

Trong nhiều sản phẩm mật ong từ Hương Sơn, mật ong Cường Nga đặc biệt hơn cả khi sở hữu công nghệ chế biến đạt chuẩn đầu tiên không chỉ của Hà Tĩnh mà còn cả khu vực miền trung, giúp sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, đồng thời lan toả sản phẩm chất lượng của Hương Sơn ra khắp các địa phương khác.

“Giọt vàng” từ núi rừng Hương Sơn

Giữa vùng núi non trùng điệp của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng một sản vật quý giá: mật ong rừng nguyên chất. Với thảm thực vật phong phú và đa dạng, nơi đây trở thành môi trường lý tưởng cho nghề nuôi ong phát triển mạnh mẽ. Những giọt mật vàng óng ánh, kết tinh từ hương hoa rừng tự nhiên, không chỉ mang hương vị ngọt ngào đặc trưng mà còn chứa đựng tinh hoa của đại ngàn.

Với lợi thế vùng đồi núi có nhiều loại hoa rừng tự nhiên, người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ bao đời nay đã tận dụng, phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Mật ong rừng Hương Sơn khai thác từ những tổ ong rừng tự nhiên nằm sâu trong rừng già, bảo đảm nguyên chất 100%, thơm ngon đặc biệt nhờ phấn hoa rừng. Đây cũng là nguồn nguyên liệu quý để người dân Hương Sơn sản xuất ra mật ong thành phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, với cách nuôi truyền thống, sản phẩm mật ong Hương Sơn chỉ ở dạng “tự cung, tự cấp”, sản lượng ít, không đủ cung cấp ra thị trường ngoại tỉnh. Kể cả khi sản lượng đã có đủ, đầu ra cũng rất bấp bênh.

Sinh ra và lớn lên tại Hương Sơn, anh Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Cường Nga (thôn Đồng Tiến, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) chia sẻ, để nâng cao giá trị, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong, năm 2014, anh thành lập Tổ hợp tác nuôi ong Tình Diệm, xã Sơn Diệm, tập hợp 7 hộ dân có cùng đam mê, cùng khát vọng xây dựng nghề nuôi ong lấy mật phát triển bền vững. Kể từ đó, qua thời gian, tổ hợp tác nhân số lượng đàn ong tăng lên theo từng năm.

Cuối năm 2019, mật ong mang thương hiệu Cường Nga đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Đến năm 2024, sản phẩm được nâng cấp thành OCOP 4 sao.

Cho đến năm 2019, khi Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) được triển khai, tổ hợp tác được nâng cấp thành Hợp tác xã Mật ong Cường Nga với 7 thành viên, vốn điều lệ 700 triệu đồng.

Do được khai thác từ đàn ong nuôi tự nhiên trong khu vực núi rừng Hương Sơn, nơi có hệ sinh thái phong phú và đa dạng các loài hoa rừng, sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt chuẩn VietGAP nên ngay cuối năm đó, mật ong mang thương hiệu Cường Nga đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Đến năm 2024, sản phẩm được nâng cấp thành OCOP 4 sao.

Giấc mơ ươm mầm từ thơ ấu

Câu chuyện xây dựng OCOP 4 sao của mật ong Cường Nga được gói gọn trong những câu chữ giản đơn ngắn gọn như vậy, song thực tế là cả quá trình tìm tòi và tình yêu vô vàn với sản phẩm quý của quê nhà.

Anh Nguyễn Văn Cường kể lại, gia đình anh nuôi ong từ nhỏ, nhưng để trở nên đam mê và bỏ công sức tìm hiểu về loài ong thì lại xuất phát từ một biến cố ngẫu nhiên. “Năm học lớp 7, tôi bị ong đốt, sưng hết cả tay, đau kinh khủng. Lúc đau thì điên lắm, ước gì giết hết các loại ong, nhưng khi hết đau tôi lại rất hứng thú tìm hiểu về chúng. Ước mơ hồi nhỏ của tôi là có một trại ong thật to...”, anh Nguyễn Văn Cường kể.

Trải qua quá trình học tập, rồi mưu sinh, những tưởng ước mơ “nho nhỏ” ấy của Cường phải gác lại. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Văn Cường theo học tại Đại học Vinh, chuyên ngành quản lý văn hóa, ước mơ lại càng xa vời.

Cho đến một ngày, hay tin có Dự án hỗ trợ kỹ thuật nuôi ong do nước ngoài tài trợ, ông đăng ký ngay. Dự án kéo dài những 5 năm, nhiều người không đủ kiên nhẫn để theo học, riêng Cường vẫn cứ miệt mài. Danh hiệu học viên xuất sắc thuộc về Cường là vì thế. Nhưng, xuất sắc hơn là anh Nguyễn Văn Cường đã nắm vững kỹ thuật tạo ong chúa để tách đàn ong. Đây là một kỹ thuật rất khó, không phải ai cũng thực hiện được. Khi tách được ong chúa, việc nuôi ong sẽ dễ dàng vì có được 1 con ong chúa sẽ có được đàn ong mới cho mật ngọt. Kết thúc khoá tập huấn, anh được hỗ trợ 2 đàn ong và cơ duyên khởi nghiệp nghề nuôi ong lấy mật của anh bắt đầu từ đó.

Bước ngoặt nâng tầm vị thế nghề nuôi ong lấy mật xã Quang Diệm nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung chính là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai ở Hà Tĩnh năm 2019.

Là đơn vị được thụ hưởng chính sách từ chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước, Tổ hợp tác nuôi ong Tình Diệm được phát triển thành Hợp tác xã Mật ong Cường Nga với vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng. Từ số vốn này, Hợp tác xã đã xây dựng nhà xưởng, mua sắm hệ thống máy hạ thủy phần tách chiết rót, nhằm khép kín quy trình từ nuôi trồng đến chế biến, tạo ra sản phẩm mật ong đẹp về màu sắc, thơm ngon đến từng giọt mật cuối cùng.

“Thời điểm đó, đây là công nghệ không chỉ hiện đại nhất của Hà Tĩnh, mà còn là công nghệ hiện đại hàng đầu toàn khu vực miền trung”, anh Nguyễn Văn Cường bộc bạch.

Nắm bắt lợi thế Hương Sơn có diện tích đồi núi rộng lớn với bạt ngàn các loại hoa cỏ tự nhiên cho phấn hoa chất lượng, tạo tiền đề cho nghề nuôi ong lấy mật phát triển, Hợp tác xã mật ong Cường Nga gia tăng số lượng thành viên lên 18 người.

“Nếu trong giai đoạn đầu, Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm đầu năm, đến một năm sau bán được hàng mới có tiền trả cho người nuôi thì nay, có vốn, việc trả tiền cho người nuôi ong sớm hơn, dễ hơn. Đây là cơ sở để Hợp tác xã ngày càng mở rộng các thành viên”, anh Cường vui vẻ chia sẻ.

Là sản phẩm OCOP 4 sao, tôi mong muốn kể cho người tiêu dùng yêu thích mật ong về những giọt mật quý giá trên núi Hương Sơn, qua bàn tay con người để trở thành một sản phẩm tốt cho sức khỏe. Việt Nam không thiếu những vùng có mật ong, nhưng mật ong núi Hương Sơn vẫn có chất riêng từ cỏ cây hoa lá, từ bàn tay và kỹ thuật thuần phục loài ong không phải ai cũng có được

---Anh Nguyễn Vẵn Cường---

Đến nay, ngoài các thành viên, Hợp tác xã mật ong Cường Nga còn liên kết nuôi ong với 132 hộ dân tại các huyện Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh nhằm bảo đảm nguồn cung đầu vào ổn định, chất lượng cho Hợp tác xã xúc tiến thương mại. Hình thức liên kết của Hợp tác xã là Hợp tác xã sẽ cung ứng thiết bị ngành ong, giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm mật.

Hiện nay, bình quân một thành viên Hợp tác xã và hộ liên kết nuôi từ 50-200 đàn ong. Mỗi năm sản xuất, cung ứng khoảng 2.000 đàn ong giống, trên dưới 20 tấn mật ra thị trường. Riêng năm 2024 ước sản xuất, cung ứng 2.500 đàn ong giống và 22 tấn mật.

Tham gia nuôi ong theo mô hình VietGAP, các thành viên không còn lo lắng về việc bảo quản, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bởi, mật ong sau khi thu hoạch từ trang trại, được đưa vào hệ thống lọc thô, hệ thống máy hạ thủy để loại bỏ các tạp chất và lượng nước dư thừa, sau đó qua máy lọc tinh chế, đo nhiệt độ tự động và đóng chai theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chính vì vậy, sản phẩm mật ong Cường Nga xuất ra thị trường đều đạt chuẩn về chất lượng, không bị bồi lắng, không lên men trong quá trình bảo quản. Toàn bộ sản phẩm được dán nhãn mác thương hiệu và mã vạch đúng quy định.

Sự tận tâm trong đầu tư sản phẩm, cùng tâm huyết với những hộ nuôi ong chung quanh đã giúp mật ong Cường Nga tự tin đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2019 và được nâng cấp 4 sao năm 2024. Mật ong Cường Nga cũng tự hào là 1 trong 100 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Đây là sản phẩm mật ong đầu tiên của huyện Hương Sơn nói riêng và của tỉnh Hà Tĩnh nói chung đạt tiêu chuẩn này.

“Là sản phẩm OCOP 4 sao, tôi mong muốn kể cho người tiêu dùng yêu thích mật ong về những giọt mật quý giá trên núi Hương Sơn, qua bàn tay con người để trở thành một sản phẩm tốt cho sức khỏe. Việt Nam không thiếu những vùng có mật ong, nhưng mật ong núi Hương Sơn vẫn có chất riêng từ cỏ cây hoa lá, từ bàn tay và kỹ thuật thuần phục loài ong không phải ai cũng có được”, anh Nguyễn Văn Cường nói.

Mong muốn giải quyết khó khăn về vốn

Sau hành trình 10 năm phát triển và khẳng định thương hiệu trên thị trường, đến nay, mật ong Cường Nga đã được phân phối tại nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, một số siêu thị đặc sản trên cả nước.

Cùng với bán hàng trực tiếp, Hợp tác xã Mật ong Cường Nga còn đang thực hiện việc quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook... và từng bước tham gia bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện để người tiêu dùng gần xa biết đến thương hiệu mật ong Hương Sơn.

Tuy nhiên, hiện nay anh Cường vẫn trăn trở bài toán đầu ra cho sản phẩm. “Tôi mong muốn đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn, song lo lắng sản lượng chưa đáp ứng được các hệ thống này. Thí dụ như hệ thống siêu thị lớn có khoảng 1.000 cửa hàng, thì ít nhất cũng phải có 1.000 lít ong để cung cấp một lần, sản lượng này rất lớn”, anh Cường tâm tư. Đồng thời chia sẻ, hiện nay cơ chế vay vốn còn rất khó khăn, thí dụ một năm Hợp tác xã Cường Nga được vay 500 triệu, sau đó mỗi năm phải trả 100 triệu, việc quay vòng vốn rất khó khăn. Do đó, ông chủ Hợp tác xã Mật ong Cường Nga mong muốn có cơ chế vay vốn đơn giản, dễ dàng hơn để tạo điều kiện cho Hợp tác xã vay vốn mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở Hương Sơn còn góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái. Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên ưu đãi và nỗ lực không ngừng của người dân địa phương đã tạo nên thương hiệu mật ong Cường Nga Hương Sơn nổi tiếng. Đây không chỉ là niềm tự hào của Hà Tĩnh mà còn là minh chứng cho sự phát triển bền vững, gắn kết giữa con người và thiên nhiên.

Ngày xuất bản: 6/5/2025
Nội dung: XUÂN BÁCH-HÀ ANH
Trình bày: NGỌC BÍCH
Ảnh: Hợp tác xã Mật ong Cường Nga