Desert plains beneath a blue sky

Tập thơ "Nhặt dọc đường" của nhà thơ Thuận Hữu.

Tập thơ "Nhặt dọc đường" của nhà thơ Thuận Hữu.

Nhà báo, nhà thơ Thuận Hữu.

Nhà báo, nhà thơ Thuận Hữu.

Tác giả Thuận Hữu tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thuận, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 21, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ông có những bài thơ được nhiều người yêu thích. Tuy vậy, với bản tính khiêm nhu, Thuận Hữu chưa bao giờ tự nhận mình là nhà thơ và không có ý thức sáng tác như một nhà thơ. Ông chỉ mượn thơ để ghi lại nhưng rung cảm trong tâm hồn mình.

Sau khi nghỉ hưu, Thuận Hữu có thời gian dành nhiều hơn cho thơ, một loại hình nghệ thuật được ghi nhận là “hồ sơ tin cậy nhất về tâm hồn, tâm thế của người viết ra nó” (Nguyễn Quang Thiều). Chưa kể các tác phẩm đã in trước đây (Những phút xao lòng (thơ - 1987), Ngọn đèn ban ngày (tập truyện - 1988), Biển gọi (thơ - 2000); chỉ riêng cuốn “Nhặt dọc đường” (NXB Hội Nhà văn quý II - 2025), các nhà phê bình văn học đã ghi nhận“Thuận Hữu là nhà thơ đích thực” (Nguyễn Sĩ Đại).

Tác phẩm dày hơn 250 trang khổ rộng, bìa cứng, in kèm 30 bức tranh phụ bản do họa sĩ Đào Hải Phong vẽ theo cảm hứng từ những câu thơ gợi mở; phần Phụ lục đăng một số lời bình bài thơ Những phút xao lòng và hơn mười nhạc phẩm các nhạc sĩ Đức Dũng, Ngọc Thịnh, Tuấn Phương, Diệp Vàm Cỏ, Nguyễn Lê, Thuận Yến, Đình Thậm, Minh Đức... phổ thơ Thuận Hữu, khiến cuốn sách càng tăng thêm giá trị. Tôi đọc và có ấn tượng sâu sắc với tác phẩm bởi chất trữ tình đậm đà và lối viết riêng với những sáng tạo mới.

 Tình yêu tha thiết với quê hương là cảm hứng nổi bật trong tập thơ.

Sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, dải đất địa linh nhân kiệt, miền đất nhiều nắng gió và bão giông đã nuôi dưỡng, hun đúc nên con người Thuận Hữu. Thời trai tráng, người con miền quê nghèo ấy từng nhập ngũ, cầm súng chiến đấu góp phần bảo vệ quê hương, Tổ quốc mình. Khi đất nước bình yên, chàng trai ấy lập nghiệp và công tác ở nơi xa nhưng trong thẳm sâu tâm hồn luôn đau đáu nỗi nhớ thương làng quê thân thương của mình.

Những vần thơ Thuận Hữu viết về làng chài, xóm đồi, nơi chôn nhau cắt rốn thật chân thành và cũng rất khác biệt: “Làng tôi/ Lưng dựa vào dãy núi/ Mắt thẳng nhìn ra hướng biển khơi/ Tôi là con của một vùng đồi/ Nhưng cũng là con của biển/ Tình đất nước quyện vào máu thịt” (Làng tôi). Làng - đơn vị cư trú, tổ chức xã hội quan trọng ở nông thôn Việt Nam - ở đây được nhân hóa như một sinh thể vững chãi, sẵn lòng chở che, nuôi dưỡng tất thảy những đứa con sinh ra và lớn lên từ đây.

Thực tế cuộc sống, có những người muốn né tránh, thậm chí còn giấu đi gốc gác nghèo của mình. Thuận Hữu hoàn toàn trái lại, bởi trong huyết quản “mỗi giọt máu đều mang tình nước và non” nên ông thổ lộ rất dung dị tâm trạng mình nghĩ. Bài thơ Làng tôi của ông là lời tuyên ngôn và tình yêu, niềm tự hào của tác giả về nguồn cội của mình.

Đọc bài Quê Nỗi nhớ miền Trung của ông cũng cùng mạch tâm trạng, cảm xúc đó: “Tất cả là miền Trung mình đấy/ Gian khổ, anh hùng, dào dạt thương yêu…/ Hạt lúa củ khoai, âm thầm nuôi ta lớn/ gió sớm quẩn mây chiều ơi lòng mẹ miền Trung”.

Tình yêu sâu nặng nên quê hương giờ đây không những là đối tượng được hướng tới mà còn được người con của biển, của vùng đồi cất lên tiếng gọi thân thương, trìu mến. Quê hương như người mẹ nhân hậu, bao dung mà người con luôn khắc ghi công ơn như biển rộng.

Small yellow flowers growing from stone.

Họa sĩ Đào Hải Phong tặng nhà thơ Thuận Hữu bức tranh có tên các bài thơ in trong tập Nhặt dọc đường.

Họa sĩ Đào Hải Phong tặng nhà thơ Thuận Hữu bức tranh có tên các bài thơ in trong tập Nhặt dọc đường.

Điều kiện công tác khiến Thuận Hữu đi được khá nhiều nơi, đến với nhiều địa phương của đất nước, ông mến yêu những nơi ấy và dường như đến đâu cũng có thơ. Song những bài thơ này vẫn không phải là thơ thế sự mà vẫn là những cảm xúc trữ tình trước mọi vẻ đẹp của tình đất, tình người.

Đó là: Chuyện ở Trường Sa, Đà Nẵng mến yêu, Quảng Trị, Yên Bái thân thương, Nhớ Tam Đảo, Về với Tây Sơn, Về một dòng sông...Và không nơi đâu ông yêu mến, nhớ thương sâu nặng như với quê hương của mình.

Tình yêu gia đình, người thân là mạch cảm hứng thường trực ở tập thơ. Trong mỗi gia đình, người cha thường là trụ cột đứng mũi chịu sào, từng trải nhiều gian nan nhất nên Thuận Hữu dành tình cảm và tri ân công lao biển trời với đấng sinh thành. Ông trực tiếp bày tỏ tấm lòng Thương cha đã nhọc nhằn, ngày ngày làm bạn với thuyền chài và biển khơi đầy nắng gió, phong ba.

Khắc cốt ghi tâm phụ tử tình thâm, ông coi tình thương ấy như sóng biển vỗ mãi dưới thuyền cha: “Đời cha gắn với con thuyền trên biển/ Với nhọc nhằn, bão tố, phong ba/ Con đi xa không đỡ đần cha được/ Chỉ nhớ thương Người qua những dòng thư.../ Lòng con dào dạt sóng/ Con sóng tình thương vỗ mãi dưới thuyền cha” (Thương cha).

Khi cha mất, ông kính viếng hương hồn cha  bằng những lời thơ gan ruột. Tấm lòng kính yêu, tình cảm  ông hướng về thân phụ không hề chung chung, trái lại rất bình dị mà vô cùng thấm thía qua từng bữa ăn mỗi ngày:“Hạt muối con ăn thấm vị mặn mồ hôi cha đó/ Cha và biển quên thân nuôi con lớn giữa đời/ Chiều nay biển dâng đầy nghìn đỉnh sóng/ Nở hoa trắng viếng Người bát ngát trùng khơi…”(Hoa biển dâng Người). Hình ảnh vô vàn con sóng biển tung ngọn cao trắng xóa - dưới góc nhìn của người con yêu cha, yêu tha thiết cái đẹp - được nhìn nhận như vô vàn những đóa hoa trắng xóa trong nắng chiều dâng tặng người lao động trên biển quả là độc đáo và thú vị mà Thuận Hữu đã phát hiện ra.

Nhà thơ Thuận Hữu và nhà văn Phan Đức Nhạn (trái) cùng tổ chức lễ ra mắt sách.

Nhà thơ Thuận Hữu và nhà văn Phan Đức Nhạn (trái) cùng tổ chức lễ ra mắt sách.

Nghệ thuật so sánh tương đồng được sử dụng qua những hình ảnh gần gũi mà gợi cảm “Cha và biển quên thân nuôi con lớn giữa đời” giúp người đọc hình dung vừa cụ thể được công lao to lớn trời biển của cha vừa thấm thía ân nghĩa cội nguồn: gia đình cùng quê hương đã sinh dưỡng và là động lực tiếp thêm sức mạnh để mỗi người con chúng ta phấn đấu và trưởng thành.  

Thương cha nhiều, Thuận Hữu càng thương và biết ơn mẹ, bởi để nuôi được đàn con lớn lên giữa vùng quê nhiều nắng gió, bão giông và để con trẻ có được những tiếng cười hồn nhiên trong niềm vui hạnh phúc, có người cha, người mẹ nào lại không vất vả, lo toan? Thấu hiểu điều ấy nên những vần thơ ông viết về mẹ vừa dung dị vừa cảm động vô cùng: “Đời mẹ khổ như từng chiếc lá/ Thức đêm, nằm hôm, gội gió, dầm sương…/ Vì tiếng cười con, mẹ thao thức canh chầy” (Mẹ).

Sống xa quê, xa mẹ, những ký ức về mẫu thân luôn trở đi trở lại trong tâm hồn ông, kết đọng thành nỗi nhớ thương tha thiết. Thuận Hữu thương nhớ nhiều nhất những ngày cuối năm, mẹ tất bật giữa cả núi công việc bộn bề. Với những gia đình lao động đổ mồ hôi mưu sinh, để có được cái Tết ổn thỏa, người phụ nữ - nội tướng của nhà - phải khéo lo liệu, thu vén nhiều lắm. Vì thế, có bài đồng dao ở thế hệ 5X về trước có lẽ ai cũng thuộc: “Tết đến sau lưng/ Con cháu thì mừng/ Bố mẹ thì lo”.

Trong bài thơ của mình, Thuận Hữu có sự liên tưởng thật phong phú và lối diễn đạt rất mới: “Nhớ những chiều cuối năm con còn bé/ mẹ tất bật lo toan cho cái Tết cả nhà/ Đôi vai gầy mẹ gánh cả gần xa/ con thương mẹ đêm nằm không ngủ” (Nhớ mẹ). Hình ảnh vai đôi gầy của mẹ cùng đôi quang gánh cả gần xa rất đắt giá chỉ riêng Thuận Hữu mới có. Một câu thôi nhưng cô đọng và chan chứa sự thấu hiểu, tình yêu và biết ơn mẹ  đâu phải trong thoáng chốc mà suốt cả cuộc đời.  

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Đào Hải Phong lấy cảm hứng từ những bài thơ trong tập "Nhặt dọc đường".

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Đào Hải Phong lấy cảm hứng từ những bài thơ trong tập "Nhặt dọc đường".

Không chỉ thương nhớ và biết ơn song thân, Thuận Hữu còn dành tình cảm chân thành với thầy giáo cũ, người khai tâm mở trí, chắp cánh tri thức cho mình  bay cao, bay xa vào bầu trời cuộc sống. Thương nhớ và tri ân thầy cùng mái trường xưa, lòng ông xao xuyến mỗi độ thu về. Tác giả luôn tâm niệm thầy là tấm gương, ngọn lửa soi sáng đường cho mình và bạn hữu noi theo: “Dù mải miết với tháng ngày bận rộn/ Mùa thu về lòng em cứ bâng khuâng/ Bao nhiêu đêm rồi thầy không ngủ/ Viết những trang đời cho thế hệ tương lai/ Trên mọi nẻo đường thầy luôn là ngọn lửa/ Soi sáng đường cho chúng em tới tương lai” (Thầy giáo cũ).

Hẳn người thầy của Thuận Hữu thật mát lòng khi biết trong số khách đã qua con đò tri thức thầy chở, có những học trò sống tình nghĩa, trọng đạo lý và trưởng thành như tác giả Thuận Hữu.

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Đào Hải Phong lấy cảm hứng từ những bài thơ trong tập "Nhặt dọc đường".

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Đào Hải Phong lấy cảm hứng từ những bài thơ trong tập "Nhặt dọc đường".

Nhà báo, nhà thơ Thuận Hữu ký tặng sách độc giả.

Nhà báo, nhà thơ Thuận Hữu ký tặng sách độc giả.

Nói đến tính trữ tình trong tập thơ mà không nói đến thơ tình yêu trong thơ Thuận Hữu sẽ là một thiếu sót lớn. Ông có một gia đình hạnh phúc bên người vợ đảm và những người con ngoan. Thuận Hữu luôn yêu thương và ghi nhận công lao của người bạn đời với tình cảm trân quý. Ông viết nhiều bài thơ về Tình biển - Tình em; tiêu biểu như: Thơ cho em, Nói cùng thương nhớ, Đừng trách anh, Nói nhỏ cùng em... Đặc biệt là bài thơ Những phút xao lòng thật hay, có rất nhiều người thuộc và phẩm bình bởi bài thơ đã nói được những điều rất thực: “Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn/ Và cảm thấy như mình có lỗi… Mà có trách chi những phút xao lòng/ Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ/ Ai cũng có phút giây ngoài chồng ngoài vợ/ Đừng có trách chi những phút xao lòng!”

Sự yêu thương có những khi làm cho người ta đau khổ, nhất là trong tình yêu đôi lứa với những ghen tuông và giận hờn. Vấn đề là mỗi người phải biết dừng đúng giới hạn, quá một chút sẽ làm tổn thương nhau. Bài thơ nói lên một vấn đề khá phổ biến khi nhìn nhận tình cảm đôi lứa. Thuận Hữu đã nói hộ cho biết bao cặp vợ chồng cái điều tế nhị về một tình huống éo le khó nói nhất và đã xử lý thật khéo tình huống chúng ta thường lảng tránh. Những phút xao lòng khó tránh khỏi ấy trở thành thứ gia vị để cả hai càng thêm chăm chút cho nhau và thêm trân quý tổ ấm mình hơn.

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Đào Hải Phong lấy cảm hứng từ những bài thơ trong tập "Nhặt dọc đường".

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Đào Hải Phong lấy cảm hứng từ những bài thơ trong tập "Nhặt dọc đường".

Bên cạnh những giá trị đặc sắc về nội dung, tuyển thơ được ghi nhận những đặc sắc về nghệ thuật. Bởi “Con tàu thời gian xuôi về đâu đó/ Toa tàu nào cũng trĩu nặng yêu thương” (Tàu thời gian) nên Thuận Hữu sử dụng rất đa dạng các thể loại thơ, nhằm biểu đạt cảm xúc phong phú trong nhiều cảnh huống.

Bài Tiếng ve theo thể thơ tự do, với những phát hiện mới lạ: Tiếng ve gọi nắng về, cho hương mùa trái chín, cho phượng cháy đỏ trời, cho vàng rực sân kho, cho lưu luyến mái trường. Và tác giả kết bài:“Ôi/ tiếng ve/ gọi hè về/ bịn rịn…/ cho lòng người/ chín những ước mơ”. Những vần thơ này cảm xúc thật tươi trẻ và hiện đại. Chỉ từ tiếng ve, ông đã có những liên tưởng khái quát thật sâu. Đa phần các bài trong tập thơ viết theo phong cách truyền thống. Có khi người viết sử dụng hình ảnh và ngôn từ đối nhau cân chỉnh như: “Gió Lào cát trắng nung ý chí/ Nước mặn đồng chua thắm nghĩa tình” (Quê ơi).  

Hundreds of small orange flowers in bloom against green grass.

Nhà báo, nhà thơ Thuận Hữu (phải) chia sẻ về thơ.

Nhà báo, nhà thơ Thuận Hữu (phải) chia sẻ về thơ.

Thơ Thuận Hữu là sự khám phá vẻ đẹp của cuộc sống, cả thiên nhiên và tình người.

Tính suy ngẫm, triết lý trong thơ thể hiện rõ trong không ít bài. Chẳng hạn như tác giả nói về sự đoàn kết sẽ làm nên sức mạnh:“Thiên nhiên quanh tôi bao giờ cũng nhắc/ Cây cũng như người phải biết dựa vào nhau” (Quanh chuyện một cây thông). Thuận Hữu có khả năng sáng tạo hình ảnh thơ giàu sức gợi: “Chiều cuối năm con mái đầu bạc trắng/ Lặng lẽ ngồi bên nấm mộ mẹ xanh”. Ngôn ngữ, cấu tứ và cách gieo vần, tạo nhịp trong thơ dung dị song không ít bài ý nghĩa lại rất minh triết. Mỗi sáng tác trong tuyển thơ là những lát cắt về vẻ đẹp của đời sống, đặc biệt những câu kết làm lóe sáng chất thơ và neo lại trong lòng người như: “Gặp con ốc con sò tôi chợt hiểu/ Những nỗi đau ẩn mình trong vỏ đá đầy hoa” (Những con ốc biển). 

Cả tập thơ chưa phải đã toàn bích, bó hoa thơ lớn chưa phải bông nào cũng đẹp, hoa nào cũng ngát nhưng có thể thấy rõ  tuyển thơ “Nhặt dọc đường” của Thuận Hữu nội dung và nghệ thuật phong phú, lời thơ dễ đi vào lòng người, mỗi câu chữ là sản phẩm của một tâm hồn nhạy cảm và yêu mọi vẻ đẹp đa dạng của cuộc sống.

Tuy không nhận danh xưng nhà thơ, nhưng với những sáng tác đậm đà chất trữ tình, Thuận Hữu rất xứng đáng chiếm được tình cảm yêu mến, trân quý và ngưỡng mộ của rất nhiều bạn đọc.

Bởi khi ông viết về nỗi buồn, về những đau đớn, về những bất trắc, về bóng tối và bất cứ điều gì thì cuối cùng cái đẹp, tình yêu thương con người, ánh sáng của niềm hy vọng và sự kiêu hãnh làm người vẫn vượt qua tất cả để vang lên.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết trong lời giới thiệu tập thơ "Nhặt dọc đường"

Ngày xuất bản: 05/5/2025
Nội dung:
NGUYỄN THỊ THIỆN
Trình bày: HẠNH VŨ
Ảnh: NGUYỄN VINH QUANG - THÚY HẰNG