Bảo đảm hòa bình công bằng và lâu dài
Hội nghị thượng đỉnh châu Âu tại London (Anh) có sự tham dự của Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cùng lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Italy, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha..., và đặc biệt là Tổng thống Ukraine.
Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định sẽ thúc đẩy tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột và bảo đảm nền hòa bình công bằng và lâu dài, dựa trên chủ quyền và an ninh cho Ukraine. Ông Starmer nhắc lại rằng, không thể có cuộc đàm phán nào về hòa bình Ukraine mà không có sự tham gia của Ukraine.
Trước đó, tại cuộc hội đàm ngày 1/3 với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Starmer cũng nhấn mạnh về “sự ủng hộ không lay chuyển” của Anh đối với Ukraine, thông qua tăng cường hỗ trợ đào tạo và viện trợ. Cùng ngày, Chính phủ Anh công bố cấp khoản vay bổ sung trị giá 2,6 tỷ bảng (2,85 tỷ USD) nhằm hỗ trợ Ukraine tăng cường năng lực quân sự.
Trong các cuộc trao đổi ý kiến với các nhà lãnh đạo EU, NATO và Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh không nên “thỏa thuận vội vàng” về chấm dứt xung đột và bảo đảm an ninh cho Ukraine. Tổng Thư ký NATO Mark Rutter cho rằng, điều cần thiết là hợp tác để đưa Ukraine tới một nền hòa bình bền vững.
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev kêu gọi các lãnh đạo châu Âu hành động phù hợp, dựa trên tình hình thực tế tại Ukraine để tìm giải pháp hòa bình cho xung đột. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni lại nhấn mạnh lo ngại về chia rẽ trong các nước phương Tây và cảnh báo bất kỳ bất đồng nào cũng làm suy yếu liên minh.
Trong khi đó, trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi EU khởi động đối thoại với Nga về ngừng bắn và hòa bình lâu dài ở Ukraine.
![]() |
Binh sĩ Nga tại biên giới với Ukraine. Ảnh: FRANCE 24 |
Thúc đẩy hàn gắn rạn nứt Mỹ - Ukraine
Cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra trong bối cảnh bất đồng giữa Mỹ và Ukraine gia tăng sau cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenski. Cuộc đàm phán giữa hai Tổng thống đã biến thành “tranh cãi gay gắt” do bất đồng quan điểm sâu sắc, khi lãnh đạo Ukraine kêu gọi Mỹ “thận trọng với Nga”, còn Tổng thống Mỹ bác bỏ quan điểm của người đồng cấp Ukraine. Tranh cãi khiến lãnh đạo Ukraine rời Nhà Trắng sớm hơn dự kiến, hai bên cũng không họp báo chung và đặc biệt là hủy kế hoạch ký thỏa thuận về khoáng sản.
Sau sự cố trên, Tổng thống Zelensky tuyên bố “quan hệ giữa Kiev và Washington vẫn có thể được cứu vãn”; nhấn mạnh rằng quan hệ giữa hai nước liên quan đến sự hỗ trợ lớn của Mỹ và đây là yếu tố quan trọng giúp Ukraine đứng vững trong cuộc xung đột.
Sau các cuộc điện đàm với cả Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh rằng “điều quan trọng là bình tĩnh, thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết hơn, để có thể cùng nhau tiến về phía trước, bởi thách thức trước mắt là rất lớn”. Thủ tướng Anh Starmer và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi Ukraine và Mỹ sớm “xây dựng lại” mối quan hệ đối tác. Tổng Thư ký NATO Mark Rutter nhấn mạnh về đoàn kết giữa Mỹ, Ukraine và châu Âu trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Trong khi đó, Mỹ cân nhắc ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Truyền thông dẫn nguồn tin giới chức cấp cao chính quyền Mỹ biết, Tổng thống Donald Trump đang xem xét ngừng tất cả lô hàng viện trợ quân sự, cũng như các chương trình hỗ trợ gián tiếp cho Ukraine.
Về phía Nga, phát biểu ý kiến cuối tuần trước, lãnh đạo Hội đồng An ninh LB Nga tuyên bố rằng, Moscow sẵn sàng “linh hoạt trong đàm phán” về xung đột ở Ukraine, song nhất thiết phải phù hợp với Hiến pháp Nga và tình hình trên thực địa. Nga sẵn sàng thảo luận giải quyết cuộc xung đột, song chỉ với “những bên sẵn sàng đối thoại”.