

Lê Tuấn (nguyên Quận trưởng Công an quận V, đã tham gia bảo vệ các nhà làm phim "Việt Nam trên đường thắng lợi") kể;
ThS Phạm Thị Kim Thanh ghi
Bài viết đăng tại
Sách “Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng”, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, NXB Hà Nội-2014.
Chúng tôi bảo vệ các nhà làm phim Xô viết ở Hà Nội
trước ngày tiếp quản
Chúng ta đã được xem những thước phim tư liệu vô giá của các nhà điện ảnh Xô viết trong phim “Việt Nam trên đường thắng lợi", nhưng không mấy ai được biết, có một tổ trinh sát gồm các ông Nguyễn Dân, Lê Tuấn, Minh Đông đã bí mật chuẩn bị việc bảo vệ Các-men và các bạn đồng nghiệp của ông ở Hà Nội từ trước ngày tiếp quản như thế nào. Ông Lê Tuấn (tức Phạm Thụy Uông), nguyên Quận trưởng Công an quận V (1947-1949), người tham gia công tác đặc biệt này, đã từng kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm trong những ngày đi bảo vệ đoàn làm phim của Xô viết. Kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, ông đã ở trên tiên cảnh hai năm! Bài viết này là tâm hương tôi dâng lên ông với tất cả lòng biết ơn, trân trọng!
Trên đường dài kháng chiến
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng ở làng Yên Lãng (nay thuộc là phường Láng Thượng). Năm 1941, khi còn đang là học sinh trường Thăng Long, ông đã tham gia Thanh niên phản đế, sau đó hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Quang Đạo, bí mật gây dựng cơ sở Việt Minh trong thanh niên học sinh.
Những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi sục, ông cùng các đồng chí đi cướp chính quyền rồi trở thành chiến sĩ giải phóng quân bảo vệ chính quyền cách mạng ngay trong tháng 9/1945, ông đã lên đường “Tây tiến", giúp bạn Lào đánh Pháp. Không phải đợi đến năm 1949-1950 mới có các chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến hành quân sang giúp bạn Lào mà ngay từ tháng 10/1945, 130 chiến sĩ đủ cả người Tày, Nùng; từ Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng... do ông Nông Ích Cao làm chi đội trưởng, đã tạm biệt thủ đô Hà Nội lên đường đi “Tây tiến”.
Ông cũng như bao thanh niên, học sinh Hà Nội, các chàng trai vốn con nhà Nho gia hoặc tư sản yêu nước, đã dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, hành quân sang đánh Pháp ở Sầm Nưa, khi về đến Sơn Tây chỉ còn 18 chiến sĩ.
Tháng 10/1946, ông làm việc ở Nha Công an Bắc Bộ rồi được cử về Liên khu II tham gia chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Những trận chiến đấu được ghi tạc vào lịch sử Thủ đô, lịch sử dân tộc bằng máu của bao chiến sĩ vệ quốc đoàn và tự vệ Hà Nội. Sau đó, ông và đồng đội tạm biệt thành phố, lòng hẹn thể Trở về giải phóng Thủ đô"... Từ làng Sét, Đại Kim, Bồ Nâu, Ước Lễ, Thái Nguyên lên Việt Bắc, rồi lại từ Việt Bắc xuôi về, phụ trách báo “Hồ Gươm” của Ty Công an Hà Nội.
Tôi vừa phải chọn bài, biên tập, vẽ tranh minh họa, vừa lên ma-két mà tôi học qua cách trình bày của báo Nhân Dân chứ có học ở trường lớp nào đâu.
Nhớ lại những ngày làm tờ báo này, ông hào hứng kể: “Năm 1950, anh Nguyễn Phủ Doãn giao cho tôi nhiệm vụ phải ra được tờ báo của Công an Hà Nội. Tôi đặt tên tờ báo là “Hồ Gươm", nhưng cả tòa soạn chỉ có anh Hoành vốn là thợ khắc dấu làm tranh minh họa; em Huân đi thu thập các bài báo tường ở các đơn vị. Còn tôi vừa phải chọn bài, biên tập, vẽ tranh minh họa, vừa lên ma-két mà tôi học qua cách trình bày của báo Nhân Dân chứ có học ở trường lớp nào đâu. Vất vả nhất là khâu in báo. Phải đưa bài vở đến cơ sở ở vùng núi Nưa hay núi Nhồi (Thanh Hóa) để in, rồi lại gồng gánh báo in xong về căn cứ. Cứ băng rừng lội suối mà đi. Vậy mà cũng ra được 7 hay 8 số báo khổ to như báo Văn nghệ công an bây giờ với 16 trang. Tiếc rằng tôi bị sốt rét nên không thể ra tiếp báo được nữa".
Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)
Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)
Trở về Hà Nội thân yêu, đón các nhà làm phim Xô viết
Kháng chiến thắng lợi, theo lệnh của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Đảng ủy tiếp quản, ông và đồng đội được giao nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở cho các đồng chí trong đoàn làm phim Xô viết vào Hà Nội. Lúc này, Sở Công an đã mua được ba chiếc ô-tô (hai xe Citroyen và một xe tải), lãnh đạo Sở quyết định dùng ngay vào việc đưa đón và làm phương tiện đi lại cho các đồng chí quay phim.
Đúng giờ hẹn, tổ trinh sát gồm ông Nguyễn Dân, Lê Tuấn, Minh Đông là tổ viên, ông Bùi Đức Lập là lái xe, đi đón các nhà làm phim từ trạm giao thông của công an ở Vĩnh Tuy về cơ sở. Xe đi theo đường công khai vì các đồng chí Xô viết cao to, trắng trẻo không thể hoá trang được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn làm phim Xô Viết tại Việt Bắc. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn làm phim Xô Viết tại Việt Bắc. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Nhớ lại chuyến đi đặc biệt này, ông Lê Tuấn kể: “Trong ba đồng chí có một người nhiều tuổi hơn hẳn hai người kia, lại nói được tiếng Pháp, chúng tôi đoán là đoàn trưởng, nhưng không được phép hỏi (mãi sau này tôi mới biết đó là đồng chí Rô-măng Các-men và hai đồng chí kia là Vo-la-đi-mia Ê-su-rin và Ép-ghê-nhi Mu-khin). Tôi hỏi thăm sức khỏe của các đồng chí. Đồng chí Các-men thích thú nói: “Chúng tôi phải đi ban đêm để vào Hà Nội. Tôi rất tự hào được coi mình như là cán bộ Việt Minh, hoạt động bí mật”.
Sau đó, đồng chí Các-men vào cơ sở ở phố Hàng Đậu. Đây vốn là xưởng làm xăm lốp ô-tô. Từ đầu phố này có thể quan sát được lính Pháp đi trên phố Hàng Đậu và đê Yên Phụ lên cầu Long Biên để quay phim rất thuận tiện. Anh Nguyễn Dân và người chủ nhà đưa đồng chí Các-men lên gác với máy quay phim lỉnh kỉnh và chiếc valy rõ nặng; đồng chí Vo-la-đi-mia Ê-su-rin và Ép-ghê-nhi Mu-khin vào cơ sở ở phố Hàng Giấy giáp với cuối phố Hàng Đậu. Ở đây cũng có một đồng chí của tổ khác chờ đón khách đúng như ám hiệu đã quy định.
Bức ảnh quý trong cuốn “Ánh sáng trong rừng thẳm”viết về Việt Nam của Rô-man Các-men. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc qia)
Bức ảnh quý trong cuốn “Ánh sáng trong rừng thẳm”viết về Việt Nam của Rô-man Các-men. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc qia)
Trong thời gian các đồng chí Xô viết đi quay phim, ông Lập lái chiếc xe tải được bịt kín bốn mặt, xung quanh có những lỗ hổng để các đồng chí vừa quan sát vừa đặt ống kính máy quay. Để bảo vệ thật an toàn các đồng chí Xô viết, tổ trinh sát phải luôn thay đổi biển số xe tải để đi vào những phố mà lính Pháp tập trung đông như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Cửa Bắc, sân Cột Cờ, đầu cầu Long Biên...
Những thước phim quay cảnh người lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, đại quân duyệt binh tại sân Cột Cờ và cảnh Hà Nội tưng bừng trong ngày giải phóng đã được Các-men và đồng sự của ông thực hiện rất sinh động trong phim “Việt Nam trên đường thắng lợi".

16 giờ 30 phút chiều 9/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù. Chúng tôi sung sướng trào nước mắt khi chỉ trong phút chốc, Hà Nội hồng rực trong rừng cờ hoa. Những cánh cửa im lìm bỗng mở tung với cờ đỏ sao vàng bay trong gió mới của hòa bình, tự do; nhân dân tràn xuống đường hân hoan, xúc động, mắt khóc, miệng cười. Chúng tôi đón các đồng chí đưa về Ủy ban quân chính thành phố, hân hoan hoàn thành nhiệm vụ phục vụ các nhà làm phim Xô viết.
Rô-man Các-men đang quay cảnh tù binh Pháp ra hàng tại Điện Biên Phủ, năm 1954. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Rô-man Các-men đang quay cảnh tù binh Pháp ra hàng tại Điện Biên Phủ, năm 1954. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Những thước phim quay cảnh người lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, đại quân duyệt binh tại sân Cột Cờ và cảnh Hà Nội tưng bừng trong ngày giải phóng đã được Các-men và đồng sự của ông thực hiện rất sinh động trong phim “Việt Nam trên đường thắng lợi".
Cuốn phim quý giá đó đã được chiếu trên truyền hình nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô. Ông Lê Tuấn bồi hồi kể tiếp: Tôi cũng không ngờ đã góp phần vào giờ phút lịch sử của Thủ đô trong bộ phim quan trọng như vậy. Tôi còn nhớ, năm 1972, tình cờ, tôi được đọc bài của phóng viên Tuần báo văn học Pháp (Magazine Litérature) phỏng vấn đồng chí Các-men.
Đồng chí nói: “Chúng tôi rất khâm phục chủ nghĩa anh hùng, sự cao thượng của dân tộc Việt Nam, cùng những đức tính nhân đạo cao cả. Chúng tôi phải diễn tả cho được cảm giác đó lên màn ảnh... Trong số những đoạn phim thật đặc biệt quay được, phải kể đến các đoạn về cuộc rút lui của quân đội lê dương Pháp khỏi Hà Nội và việc bộ đội anh hùng Việt Nam tiếp quản Thủ đô giải phóng. Tôi rất sung sướng vì đã làm được một cuốn phim về cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam".
Những đức tính nhân đạo cao cả. Chúng tôi phải diễn tả cho được cảm giác đó lên màn ảnh...
Như dòng sông chảy về biển lớn, quân dân Hà Nội đã góp công sức và hy sinh xương máu cho cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ giữa trời thu độc lập tự do bằng mỗi con người, mỗi việc làm lặng lẽ như thế!
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN, Bảo tàng lịch sử quốc gia