Chuyện về người lính trẻ tuổi nhất trong lực lượng đặc công biệt động Sài Gòn

11 tuổi, sục sôi ý chí căm thù những kẻ bán nước, hại dân, Nguyễn Đức Hiệp “khai man” thêm 3 tuổi, đổi tên Nguyễn Hồ Điệp gia nhập vào hàng ngũ Quân Giải phóng miền nam, theo bước cha anh đi đánh giặc. Là chiến sĩ thuộc lực lượng đặc công biệt động Sài Gòn, trực tiếp chiến đấu trong chiến trường đô thị, không ít lần ông dũng cảm, táo bạo một mình vào tận hang ổ của kẻ thù, dùng lựu đạn tấn công, thậm chí vật lộn tay đôi để tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng. Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, ông được lưu hồ sơ là "quân nhân 11 tuổi", trẻ nhất trong lực lượng.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, sinh 30/2/1953 (theo Bản trích lục Bộ Khai sanh của Sở Tư pháp Nam Phần) tại ấp Xóm Cối, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, tỉnh Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Theo trình bày của ông Hiệp và những giấy tờ kèm theo của Bộ Quốc phòng, với lòng căm thù giặc, ông đã khai tăng thêm 3 tuổi (tức sinh ngày 3/5/1950) để được gia nhập vào hàng ngũ Quân giải phóng miền nam và được Bộ Quốc phòng công nhận là Quân nhân có số quân 64.125727, với bí danh Nguyễn Hồ Điệp khi mới 11 tuổi. Tuổi quân được tính từ tháng 3/1964 (theo Quyết định công nhận tuổi quân số 226/QĐ.BQP ký ngày 26/1/2007).

"Khai man" tuổi để đi đánh giặc

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, nằm sâu trong vùng cây ăn quả ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Đức Hiệp mở từng trang hồi ký kháng chiến và tâm sự, từ lúc 9 tuổi, trong lúc đi học, ông đã mang theo thư hoặc mẫu truyền đơn mà các chú bộ đội gửi đến cho cơ sở ở Chợ Đệm. 9 tuổi, chẳng sợ gì đêm tối, ông quen với việc canh gác cho các chú bộ đội họp. Đêm đêm, ông giả vờ đi câu cá nhưng thực chất là lén lút chuyển lựu đạn của cơ sở nội tuyến gửi cho du kích... Sinh ra và lớn lên tại địa phương có truyền thống cách mạng Nam kỳ khởi nghĩa với địa danh Tân Túc-Chợ Đệm, Láng Le-Bàu Cỏ... gia đình ông Nguyễn Đức Hiệp có 8 anh chị em ruột đều thoát ly tham gia kháng chiến. Ông cũng theo truyền thống gia đình, từ khi còn nhỏ xíu như vậy.
Trong ký ức của ông, ngày đầu tiên thoát ly gia đình tham gia kháng chiến vào tháng 3/1964 rất đặc biệt. Khi đó, ông khai thêm 3 tuổi và lấy bí danh là Nguyễn Hồ Điệp để được gia nhập vào quân giải phóng. Ông nhớ bóng dáng của mẹ tất bật chuẩn bị hành trang cho con trai, bơi xuồng đưa ông vào vùng căn cứ Vườn Thơm, tập trung cùng vài người bạn ăn bữa cơm liên hoan rồi lên đường vào chiến khu Củ Chi.
"Khi đó tôi nhỏ thó, tự đi chừng vài trăm mét bị mỏi mệt, té ngã mấy lần và đi chậm lại. Để theo kip đoàn, một anh bộ đội đi kèm không ngần ngại chuyển ba lô đeo trước bụng và cõng tôi trên lưng tiếp tục hành quân. Tôi ngủ trên lưng anh lúc nào không biết", ông nhoẻn cười hiền khô.
Sau khi chính thức tham gia vào quân giải phóng (tháng 3/1964), đơn vị đầu tiên của ông Hiệp là Trường Thiếu sinh Quân Khu Sài Gòn-Gia Định đóng tại ấp Xóm Chùa, xã Phú Mỹ Hưng-Củ Chi. Khoảng 2 tháng sau, trường này giải thể nên ông được điều động về làm chiến sĩ liên lạc cho đơn vị Quân lực Khu Sài Gòn-Gia Định đóng quân tại ấp Gót Chàng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
Năm 1965, ông được học lớp cứu thương và phục vụ tại Đội phẫu thuật tiền phương Dĩ An-Thủ Đức trạm đặt tại khu rừng ấp Vĩnh Lợi, xã Phú Chánh, Châu Thành-Thủ Dầu Một.
Học được chừng ba tháng có tin cơ quan quân báo cho biết địch có ý định dùng máy bay trực thăng đưa quân đánh vào trường thiếu sinh quân nhằm tiêu diệt và bắt sống Việt Cộng con và làm mất uy tín vì ta không bảo vệ an toàn cho các em. Được tin này, Bộ chỉ huy khu Sài Gòn-Gia Định có hai lựa chọn: Một là đưa tất cả các em ra miền bắc tiếp tục học, hai là giải tán trường, số học sinh lớn tuổi 16-17 được phân về các đơn vị bộ đội, số các em nhỏ tuổi được đưa về các cơ quan làm chiến sĩ liên lạc.
Lựa chọn một không khả thi vì số lượng học sinh đông, đường đi từ nam ra bắc bị địch đánh phá liên tục ác liệt không bảo đảm an toàn cho các em đến nơi được nên Bộ Chỉ huy phải chấp nhận lựa chọn phương án thứ hai.
Bảy đứa học sinh nhỏ tuổi nhất, trong đó có ông Hiệp được về cơ quan Ban quân lực làm chiến sĩ liên lạc đóng quân tại ấp Gót Chàng xã Nhuận Đức.
Đầu năm 1966, ông Hiệp được biên chế về Đội 66 Biệt động Sài Gòn, căn cứ đóng quân chính ở ấp Vĩnh Tân, xã Phú Chánh, Châu Thành-Thủ Dầu Một và nhiều căn cứ cơ sở ở hai quận Dĩ An và Thủ Đức. Thời gian này, ông được huấn luyện kỹ năng quân sự đặc công và được phân công làm nhiệm vụ trinh sát của đơn vị. "Đây là thời gian tôi chính thức cầm súng ở chiến trường", ông Hiệp kể.
Kể về những thành tích của mình trong giai đoạn này, ông Nguyễn Đức Hiệp giọng đầy khí thế nói, khi là chiến sĩ Trinh sát của Đội 66 Biệt động Sài Gòn, ông đã hóa trang thành trẻ em đi chăn bò, lúc đi bán cà-rem (kem-PV), lúc là học sinh tiểu học, lúc là người làm công... để đi trinh sát các mục tiêu của địch nhằm phục vụ cho các trận đánh của đơn vị như: Đặt chất nổ phá hủy đoàn xe lửa chở hàng quân sự ở ga Dĩ An, đánh xe lửa ở đoạn đường trống ở khu vực ấp Bình Đường, đánh bót ngã ba Cây Lớn-Dĩ An, đánh đồn giữ cầu Gò Dưa... Ngoài nhiệm vụ trinh sát, ông còn tham gia việc vận chuyển vũ khí để phục vụ cho các trận nói trên.
Có lần, ông được phân công đi cùng và dẫn đường, chuyển vũ khí từ Dĩ An về Thủ Đức cùng một nữ chiễn sĩ biệt động có mật danh là G2 đóng vai là một cô gái nông thôn gánh rau củ từ xã Tân Đông Hiệp ra chợ Dĩ An.
Để ngụy trang cho 2 trái mìn định hướng tính năng (mỗi trái khi kích nổ có thể gây thương vong cho vài chục người), biệt động G2 phủ đầy củ khoai mỡ tím và khoai mì, hạt đậu sống lên gánh hàng. Ở bến xe lam chợ Dĩ An, thúng hàng hóa được đặt lên nóc xe, suýt bị lộ khi tài xế phát hiện thúng đậu nặng hơn bình thường.
"Hai chị em ngồi trong xe mà lòng như lửa đốt, tính toán đối phó nếu bị lộ. Thật là hú vía. May mà lái xe lam không kiểm tra, nếu gặp tên mật vụ địch giả danh tài xế thì chị em bị bắt là cái chắc", ông rùng mình nhớ lại.
Chuyến đi ấy trót lọt, hai chị em đưa được vũ khí về đơn vị phục vụ cho trận đánh vào bọn tiểu đoàn thủy quân lục chiến hàng ngày tập thể dục buổi sáng tại căn cứ Trâu Điên xã Tam Bình, Thủ Đức.
Đến năm 1967, ông Hiệp được chuyển về Đội võ trang tuyên truyền Quận 6 nội thành Sài Gòn (lúc đó thuộc Phân khu 2, về sau là đội Biệt động liên quận 3, Phân khu 6 và sau cùng là Đội Biệt động quận 11).
Ông Nguyễn Đức Hiệp với nhiều giấy tờ minh chứng cho chiến công.
Ông Nguyễn Đức Hiệp với nhiều giấy tờ minh chứng cho chiến công.
Ký ức "trận đánh" đầu tiên

Ngồi bên hiên nhà, giở những bài báo khoe "chiến tích" xử tử những tên ác ôn thuở còn rất trẻ, ông Hiệp hào hứng kể, những năm 60 tình hình toàn đô thành nói chung và riêng tại các vùng ven đô trong đó có Thủ Đức, bọn địch tập trung lực lượng đánh phá rất ác liệt, đâu đâu cũng có đồn bốt giặc, bọn địa phương quân, bọn tề, ấp xả, bọn thám báo mật vụ do tên quận trưởng Thủ Đức Phạm Văn Mùi (tên khác là Chánh tổng Tâm) chỉ huy, thường xuyên càn quét, tìm giết cán bộ nằm vùng, khủng bố dã man cơ sở và quần chúng.
Với vai trò người đứng đầu Chi khu, hắn bộc lộ thái độ thù địch với cách mạng ta và ra tay hành động trấn áp, chỉ huy trực tiếp địa phương quân, mật vụ cài cắm khắp nơi trong vùng.
Chúng thường xuyên càn quét, đánh phá, giết chết nhiều cán bộ nằm vùng của ta; khủng bố cơ sở cách mạng, bắt bớ, tra tấn dã man nhiều người chúng cho là có quan hệ với cộng sản.
Thấy được mối nguy hiểm do tên ác ôn Quản Mùi gây ra, lãnh đạo địa phương Thủ Đức chỉ thị cho bộ đội địa phương, du kích và các tổ võ trang bí mật tiêu diệt tên ác ôn này nhưng không thể thực hiện được. Qua một thời gian dài ta chưa giết được hắn mà làm cho hắn bị thương trong một trận càn quét vào khu căn cứ Bưng sáu xả, nên hắn càng lồng lộn và ác ôn hơn.
Đầu năm 1967, địa phương nhờ Khu Sài Gòn-Gia Định dùng lực lượng tinh nhuệ tiêu diệt tên ác ôn này nhằm giúp địa phương phá vỡ thế kìm kẹp và hạn chế thiệt hại do hắn gây ra.
Lúc này, Đội 66 và Phân đội 2 của Biệt động Sài Gòn là đơn vị thực hiện mệnh lệnh trên. Ông Nguyễn Đức Hiệp được phân công nhiệm vụ trinh sát, nắm bắt quy luật hoạt động của tên ác ôn này nhằm phục vụ cho đơn vị lên phương án tiêu diệt. Sau hơn một tháng lân la Dinh quận và nhà riêng của tên ác ôn Phạm Văn Mùi, ông Hiệp đã báo cáo kết quả và Đội 66 đã lên phương án chiến đấu, trận đánh được giao cho hai chiến sĩ Biệt động là Hai Thọ và Tư Năng thuộc phân đội 2. Sau khi hành động không thành, Hai Thọ đã hy sinh và Tư Năng bị thương.
Nhiều cuộc họp sau đó được tổ chức để bàn phương án và chọn người tiêu diệt tên ác ôn Phạm Văn Mùi. Sau khi thảo luận và nghe trình bày phương án, ông Nguyễn Đức Hiệp xung phong đi “xử lý” tên này. "Tôi chỉ nghĩ, mình phải trả thù cho đồng đội. Những thiếu niên nhỏ bé như Anh hùng Võ Thị Sáu vẫn làm được thì tôi cũng làm được", ông nhớ lại khí thế quyết tâm thuở đó.
Tối 23/7/1967, một mình ông Hiệp đã hóa trang và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để tiếp cận nhà tên ác ôn Phạm Văn Mùi. Tuy vậy, các mật vụ canh gác nhà hắn đã phát hiện và nghi ngờ. Vì vậy, ông Hiệp phải rút lui an toàn. Hôm sau, ông tiếp tục tiếp cận mục tiêu. Tối đến, tên ác ôn này về đến nhà cùng với tên cận vệ. Không để mất đi cơ hội, ông đã bí mật bám theo phía sau và áp sát vào nhà tên ác ôn. Khi thời điểm cho phép, ông đã rút 2 chốt lựu đạn chuẩn bị sẵn, ném thẳng vào tên ác ôn. Hai tiếng lựu đạn nổ vang trời.
"Trong tích tắc hai tiếng nổ vang lên cũng là lúc tôi thoát ra khỏi nhà đi đến đầu chợ Thủ Đức, được một nữ chiến sĩ biệt động chưa biết mặt có mật danh là T4 dùng xe gắn máy chở tôi về căn cứ an toàn trước sự mừng vui của chỉ huy và đồng đội... Sáng sớm hôm sau tôi đến hiện trường để quan sát chứng kiến thành quả của minh. Tên quận trưởng đền tội, tên cận vệ và vợ của tên quận trưởng bị thương.
Lúc này, xung quanh chợ Thủ Đức nhiều lời đồn đại thêu dệt tài thần thánh của Việt Cộng. Tin tên quận trưởng bị Việt Cộng tiêu diệt, đồng bào vùng Thủ Đức vui mừng hả dạ. Bọn tề ngụy hoang mang sợ hãi, nhiều tên không dám ngủ đêm tại nhà riêng", ông cười sung sướng.
Báo chí Sài Gòn đưa tin tức diệt tên ác ôn này lên mặt báo. Trên tờ báo Thần chung số 317 ra ngày 25/7 viết "tại linh đông Thủ Đức, Chánh tổng An Điền bị Việt Cộng hạ sát, bà vợ của ông cũng bi gãy chân...".
Cuối năm 1967, ông Nguyễn Đức Hiệp được chuyển vào nội đô hoạt động tại đơn vị Đội võ trang tuyên truyền Quận 6 thuộc Phân khu 2, về sau chuyển thành Biệt động liên Quận 3 Phân khu 6. Năm 1967-1969, ông cùng đơn vị thực hiện nhiều hoạt động như: rải truyền đơn, treo cờ Mặt trận Giải phóng, hỗ trợ cán bộ đứng lên tuyên truyền đường lối của cách mạng, tố cáo tội ác của giặc, kêu gọi nhân dân giúp đỡ và đi theo cách mạng...
Nhớ lại trận đánh tiêu diệt khóm trưởng khóm Cầu Tre Nguyễn Quốc Hải, ông Nguyễn Đức Hiệp kể, đêm 11/12/1968, khi mới 15 tuổi, ông cùng đồng chí Năm Tâm (25 tuổi) sử dụng một súng ngắn K54, với 15 viên đạn cho một khẩu tấn công mục tiêu.
Ông và đồng đội xuất phát từ cơ sở đến mục tiêu là nhà tên khóm trưởng ác ôn trên đường Tân Hóa-Cầu Tre. Khung cảnh hồi hộp khi đó, hiện lên mồn một trước mắt ông: "Khi tiếp cận mục tiêu, tôi thấy trong nhà hiện có ba tên ngồi ở một cái bàn nói chuyện. Tôi đang tính toán bắn làm sao diệt được 3 tên cùng lúc, đặc biệt là không để sót tên khóm trưởng. Bất ngờ, một tên đứng dậy bắt tay tên khóm trưởng và ra về bằng xe gắn máy đậu phía trước. Nhà tên khóm trưởng bán tạp hóa. Tôi đã giả mua vài thứ lặt vặt và lợi dụng thời cơ tên khóm trưởng loay hoay lấy đồ để bán, tôi đã dùng súng chuẩn bị từ trước bắn chết tên ác ôn này. Tên ngồi gần đó không kịp phản ứng và cũng bị tôi tiêu diệt. Sau khi thoát đi, tên mật vụ khác đã phát hiện và tiến đến bắt tôi. Nhờ sự hỗ trợ của đồng đội, tên này cũng bị hạ gục”.
Với thành tích xuất sắc này, ông được đơn vị cứ làm Đại biểu và báo cáo điển hình trong "Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền nam tổ chức vào tháng 10/1967 tại rừng Đất Cuốc chiến khu Đ và trong "Đại hội Du kích chiến tranh" tổ chức vào đầu năm 1969 tại khu căn cứ Ba Thu sát biên giới Long An-Campuchia.
Cả hai trận đánh đều hoàn thành nhiệm vụ, ông được Chính phủ cách mạng lâm thời miền nam tặng 2 huân chương chiến công giải phóng.
Chiến đấu để trả thù cho người thân, cho Tổ quốc

Cuộc đời ông, suốt gần 20 năm hoạt động ở nội đô, trải qua bao biến thiên của lịch sử, cảm nhận rõ mồn một sự tổn thất của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định, nhất là giai đoạn sau năm Mậu Thân 1968, ông càng thấm thía sự may mắn của mình.
Cất giọng sang sảng, ông chậm rãi bảo, trong trận đánh đầu tiên bằng lựu đạn diệt tên quận trưởng ác ôn, về đến căn cứ an toàn nhưng đội mới phát hiện ra một sai sót nghiêm trọng, suýt nữa phải trả giá đắt. Chuyện là, một trong hai quả lựu đạn ông dùng để tần công là lựu đạn mỏ vịt do Liên Xô sản xuất có đặc điểm khi buông ra khỏi bàn tay là hạt nổ nổ ngay cạnh bàn tay sau đó qua dây cháy chậm từ 3-4 giây mới gây nổ nguyên trái. Do nổ ngay khi buông ra khói thuốc xịt vào bàn tay cầm lựu đạn nên mùi thuốc súng chính là tang chứng. Nếu bị địch nghi ngờ là thủ phạm đưa kiểm tra chắc chắn không thể chối cãi được.
"Bài học này được Đội biệt động 66 báo cáo Bộ Chỉ huy nhằm rút kinh nghiệm cho các đội khác hoặc các lực lượng bí mật hoạt động tại vùng địch kiểm soát nếu có dùng lựu đạn loại mỏ vịt phải lưu ý", ông nói.
Chúng tôi hỏi về sự liều lĩnh của chàng thanh niên trẻ khi đó, ông bảo, nung nấu được tham gia cách mạng ngấm vào ông từ tấm bé. Vào chiến trường, còn sống trở về là may rủi vì già trẻ, lớn bé đều xác định mình có thể hy sinh bất kỳ lúc nào.
Điều ông vô cùng tự hào, chính là gia đình đều nguyện một lòng theo kháng chiến, theo Đảng, theo cách mạng, theo Bác Hồ. Bà nội ông là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Chức, mẹ cũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Thủy. Tám anh em của ông đều thoát ly tham gia cách mạng và đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có 5 người phục vụ trong lực lượng vũ trang, có 3 anh, chị hy sinh được công nhận là liệt sĩ. "Có gia đình là điểm tựa, tôi chẳng hề run sợ gì", ông khảng khái nói.
Sau ngày 30/4/1975, ông công tác tại Quận đội 11 làm nhiệm vụ Quân báo-Trinh sát. Từ năm 1985 đến năm 2007 là Trợ lý, Phó Ban và Trưởng Ban Quân báo Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 5/2007, ông Nguyễn Đức Hiệp nghỉ hưu hưởng chế độ, với cấp hàm Trung tá.
Trong 43 năm 2 tháng công tác, ông Nguyễn Đức Hiệp được tặng thưởng 1 Huân chương kháng chiến hạng II, 1 Huy chương chiến công hạng II, 1 Huy chương chiến công giải phóng hạng III; 3 Huân chương chiến sĩ giải phóng I, II, III, 1 Kỷ niệm chương của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.
Ngày xuất bản: 20/4/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HỒNG VÂN - NGUYỄN SỰ - THIÊN LAM
Trình bày: DIỆP LINH
Ảnh: NGUYỄN SỰ