Ông Nguyễn Tiến Dũng, du học sinh ngành Thú y, Đại học La Habana, khóa 1968-1973. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Nguyễn Tiến Dũng, du học sinh ngành Thú y, Đại học La Habana, khóa 1968-1973. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngày 30/8/1967, con tàu của Liên Xô mang tên Gruzia chở chúng tôi vượt Đại Tây Dương đang tiến gần đến Cuba. Trời thu nắng đẹp. Đến nửa đêm, tàu đến neo đậu ngoài khơi vịnh La Habana.

Nhiều bạn không ngủ, đứng trên boong nhìn vào bờ. Thấp thỏm chờ đợi tận mắt thấy đất nước mà mình sẽ sống và học tập. Đèn neon màu xanh ngọc sáng trưng chạy dài theo bờ biển.

Con tàu Gruzia đưa đoàn sinh viên Việt Nam đến học ở Cuba, tháng 8 năm 1967. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Con tàu Gruzia đưa đoàn sinh viên Việt Nam đến học ở Cuba, tháng 8 năm 1967. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trời sáng dần, chúng tôi nhận ra những ngôi nhà cao tầng, rồi những chiếc xe chạy vun vút trên đường Malecón. Lạ thật, xe đủ màu sắc. Qua Moscow thì thấy hầu như chỉ có một loại xe (Volga) màu đen hoặc trắng. Xe taxi thì màu vàng kèm theo hai hàng ô vuông màu đen sơn hai bên cánh cửa.

Ở đây xe lại đủ màu, có xe lại hai ba mầu, đủ mọi hình thù và kích cỡ khác nhau. Xe Volga, đi hay dừng thì đầu vươn cao lên phía trước; xe ở đây khi chạy thì có vẻ như mũi xe cắm xuống đất. Giống như thiên nga chạy đuổi theo vật gì đó. Hết đường Malecón, qua hầm chui vào đường Quinta (sau này mới biết) thấy các hàng cây được tỉa tạo hình đểu tăm tắp, các thảm cỏ xanh rờn cắt tỉa gọn ghẽ, những luống hoa đủ mọi màu sắc, những ngôi biệt thự đẹp như tranh vẽ...

Tại một đất nước nghèo khổ, lạc hậu, lại đang bị chiến tranh, những ngày đầu ở Cuba với chúng tôi có quá nhiều thứ lạ lẫm.

Ngày đầu trên đảo (1/9), lần đầu tiên được xem vô tuyến truyền hình, gặp bao sự lạ. Ngoài xe cộ, đó còn là Coca Cola lần đầu tiên được uống.

Ít bạn xem vô tuyến vì chưa hiểu gì cả. Cũng chẳng mấy chốc các đấng “đàn em của ma quỷ” bắt đầu tác quái. Sau khi được giải thích về vô tuyến, có ông trèo lên nóc nhà, giựt dây ăng ten ra xem nó thế nào. Cả bọn đang xem dưới nhà ngơ ngác, đại khái như thế. Rất nhiều kiểu thử nghiệm “xem nó thế nào”. Sau này còn thấy thêm nhiều cái lạ nữa như máy xén cỏ, vòi tưới nước cho cỏ mọc.

Cũng thật lạ khi đi xe buýt thấy cửa xe tự động mở ra, thấy những ngôi nhà 20-40 tầng, rồi thang máy. Các bạn thi nhau chụp ảnh nhà cao tầng, chụp cùng xe ô tô, để gửi về cho người thân và kể những câu chuyện lạ lùng như xe ô tô tự động mở cửa. Thật là một thế giới khác biệt.

Ở Siboney lúc đó rất nhiều học sinh phổ thông Cuba. Các bạn đều mặc đồng phục màu sắc khác nhau tùy theo từng trường thậm chí từng lớp. Sinh viên Việt Nam sống tập trung ở calle 17B (đường 17B), song song với calle 17A (đường 17A). Ít người ra phía 17A lắm.

Trên đường 17A sáng và chiều, từng đoàn học sinh đến trường và tan lớp. Các bạn gái Cuba dự bị đại học, tuổi trăng tròn, đẹp như các thiên thần. Váy xanh, váy vàng, váy đỏ.  

Nhiều nam sinh viên Việt Nam hồi đó đi dạo phố hay nắm tay nhau, lại còn quàng vai bá cổ nhau nữa. Các bạn gái Cuba thấy vậy cứ cười khanh khách. Đất nước ấy, nó thế. Trai gái đi ngoài đường thì ôm eo hoặc khoác vai nhau nhưng người cùng giới thì tuyệt nhiên không.

Chúng tôi cảm giác Cuba như là tổ quốc thứ hai của mình.

Sau này khi nói được tiếng Tây Ban Nha, tiếp xúc và sinh hoạt cùng với các bạn Cuba và chứng kiến những tình cảm của người dân Cuba dành cho Việt Nam, những khí thế cách mạng sục sôi rồi cùng năm tháng, nền văn hóa khác biệt đó đã thấm vào chúng tôi một cách tự nhiên, làm cho chúng tôi cảm giác Cuba như là tổ quốc thứ hai của mình.

Buổi đầu, Cuba lạ lẫm thế. Giờ chúng tôi cũng như hàng nghìn bạn khác đã trở thành những Cubanitos, lại thấy thân thuộc và nhớ Cuba vô cùng.

Ngày xuất bản: Tháng 4/2025
Tổ chức sản xuất: Quang Thiều, Trường Sơn
Nội dung: Trích hồi ký của Nguyễn Tiến Dũng
Trình bày: Trang Ngân
Ảnh: Xuân Trinh, Nhân vật cung cấp