Đặng Tiến - “Trạm bus” văn nghệ Hải Phòng

Trong làng văn nghệ các tỉnh miền bắc, nếu có ai đó nhắc đến “trạm bus Hải Phòng” - một nơi chốn ấm áp, rộn ràng, mà bất kỳ ai cũng có thể tấp vào nghỉ chân, tụ họp, sẻ chia - thì cái tên Đặng Tiến hẳn sẽ hiện ra đầu tiên.
0:00 / 0:00
0:00
“Ngày nắng” (sơn dầu, 80 cm x 160 cm, tranh họa sĩ Đặng Tiến).
“Ngày nắng” (sơn dầu, 80 cm x 160 cm, tranh họa sĩ Đặng Tiến).

1. Là họa sĩ - đúng. Nhưng giới văn chương, âm nhạc, báo chí… ai cũng coi Đặng Tiến là người nhà. Anh từng làm thư ký tòa soạn cho báo Hải Phòng, từng lo “bếp núc” trang báo, hiểu nghề báo từ bên trong, thấu cảm những vất vả hậu trường. Chính vì thế, với anh em làm báo, đặc biệt là với anh em văn nghệ Báo Nhân Dân, mỗi lần cần vẽ gấp, tranh bị đổ, bài vừa bị thay, cần “cấp cứu” minh họa… chỉ cần gọi Đặng Tiến. Không bao giờ có chuyện “để đó đã” hay “xem đã”. Thậm chí một lần trong mục chân dung nhân vật, tôi đặt một họa sĩ khác vẽ về nhà văn Phạm Ngọc Tiến và Nguyễn Anh Vũ (khi đó đang là Giám đốc NXB Văn học), nhận bức vẽ thấy không lên được thần thái nhân vật, tôi gọi ngay cho Đặng Tiến: “Anh chữa cháy giúp em, vẽ lại gấp, mai em phải chuyển file in rồi”. Đặng Tiến không nề hà, hiểu tình thế, anh làm ngay, đúng hẹn, đúng chất, đúng tình.

Đặng Tiến có tài hiếm: Điều tiết được mọi tính cách văn nghệ. Giới nghệ sĩ vốn nhạy cảm, người bay bổng, người ngang ngạnh, người quá khắt khe - nhưng hầu như ai cũng được anh “chiều” đủ đầy mà vẫn giữ được nguyên tắc. Anh sống và ứng xử mộc mạc, chân thành nhưng không dễ dãi. Ẩn sau vẻ ngoài chất phác, tềnh toàng, bụi bụi ấy là một con người sâu sắc, hiểu người hiểu ta và luôn giữ sự tự trọng.

Đặng Tiến - “Trạm bus” văn nghệ Hải Phòng ảnh 1

Chân dung họa sĩ Đặng Tiến qua phác họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

2. Hải Phòng nhộn nhịp văn nghệ một phần là nhờ Đặng Tiến. Bạn bè từ Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, thậm chí miền nam… thích tụ về Hải Phòng, không chỉ vì thành phố cảng có cá ngon, rượu mạnh, gió mặn mà còn vì có Đặng Tiến. Nhà anh là “trạm trung chuyển” cho mọi hội hè triển lãm, trại sáng tác, tụ họp dã ngoại. Năm bốn mùa, mười hai tháng, lúc nào anh cũng có bạn, có việc. Vợ anh - chị Thu - người phụ nữ tháo vát, khéo léo, chân tình - là hậu phương lặng lẽ nhưng vững chãi. Từ bữa cơm đậm vị Hải Phòng cho đến bọc thực phẩm gửi lên Hà Nội cho bạn bè đều chu đáo, đầy tình và thật lòng của vợ anh. Hồi dịch Covid bùng lên, Hà Nội cách trở, Đặng Tiến lo cho bạn bè như người nhà. Anh giục chị Thu chuẩn bị từng gói bánh đa cua, từng khay nem, từng bọc cá biển gửi lên Thủ đô - chỉ vì sợ anh em bạn bè thiếu thốn. Không ai nhờ, cũng chẳng phải nghĩa vụ. Nhưng đó là cách anh sống - chu đáo, lo toan, âm thầm.

Có người nói: Đặng Tiến làm Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng như thể làm Chủ tịch Công đoàn văn nghệ vậy. Trong suốt hai nhiệm kỳ gánh trọng trách đầu tàu cho Hội, lúc nào anh cũng bận rộn lo việc anh em. Người ốm, người buồn, người có xung đột, việc hội, việc đời - anh luôn đứng mũi chịu sào, hòa giải, gắn kết, quấn túm anh em. Không ồn ào, nhưng đâu có việc là anh có mặt. Chính nhờ vào cách ứng xử chân tình, có trước có sau ấy mà vị thế đời sống mỹ thuật Hải Phòng nhiều năm qua được nâng lên rõ rệt.

Đặng Tiến không chỉ gắn bó với anh em trong hội mà còn là cầu nối hiệu quả giữa các thế hệ họa sĩ, giữa nghệ sĩ Hải Phòng và các bậc đàn anh uy tín trong giới hội họa phía bắc, phía nam. Những cuộc triển lãm trong ngoài địa phương, cả ở nước ngoài, những trại sáng tác có sự tham gia nhiều thế hệ - từ những tên tuổi thành danh đến lớp trẻ mới vào nghề - đều có dấu ấn của anh. Anh là người biết tổ chức, vun vén sao cho hài hòa, để ai cũng thấy mình được tôn trọng. Ngay cả các nhà hảo tâm - những người yêu nghệ thuật và sẵn sàng góp sức - cũng dành cho Đặng Tiến sự tin cậy đặc biệt. Họ sẵn lòng ủng hộ không chỉ vì nghệ thuật, mà vì cái uy tín, cái tình và sự bao quát chân thành của anh.

Đặng Tiến - “Trạm bus” văn nghệ Hải Phòng ảnh 2

“Ngày lạnh” (sơn dầu, 80 x 100 cm, tranh họa sĩ Đặng Tiến).

3. Trong hội họa, Đặng Tiến cũng là một gương mặt riêng biệt. Anh không xuất thân từ trường lớp đào tạo chính quy, bài bản như nhiều người, con đường nghệ thuật của anh là sự tự học bền bỉ, chắc chắn. Tranh của Đặng Tiến thường thấy những hình ảnh thân thuộc: Rặng cây ven biển, ven sông, cầu ao lặng lẽ hay phố phường Hải Phòng của những ngày thường hoặc những góc vườn, hoa lá, những góc đời bình dị. Nhìn thoáng qua có vẻ gần gũi, tưởng như dễ nắm bắt, dễ bắt chước. Nhưng càng ngắm lâu, người xem càng nhận ra trong đó sự tiết chế đến tinh tế - từ cấu trúc bố cục, xử lý ánh sáng, cho đến nhịp điệu sắc độ. Mỗi bức tranh đều bộc lộ tay nghề được tôi luyện qua thời gian dài quan sát, thử nghiệm và chắt lọc. Chính sự lặng lẽ ấy khiến tranh Đặng Tiến có một thứ “nội lực mềm”: Không cầu kỳ nhưng không dễ gì tái hiện. Cái chất quen mà không cũ, cái giản dị nhưng không dễ dãi - đó là kết quả của trình nền kỹ thuật vững, một cảm thức thị giác sắc sảo và một đời sống nội tâm sâu lắng, khiêm nhường.

Vị thế của Đặng Tiến trong hội họa đã được khẳng định - tranh của anh được giới sưu tập yêu thích, có giá tốt trên thị trường. Nhưng điều đáng quý hơn, là ở chỗ: Dù “có giá”, anh không “có khoảng cách”. Trong khi giữa các thế hệ họa sĩ không hiếm những rào cản vô hình - sự phân biệt giữa “đã thành danh” và “đang tìm chỗ đứng” - thì Đặng Tiến lại là cầu nối giữa các thế hệ. Anh hiểu lớp trẻ, lăn lộn cùng lớp trẻ, cổ vũ và khích lệ họ. Những họa sĩ trẻ, đặc biệt ở Hải Phòng và khu vực phía bắc luôn coi anh là người anh ấm áp, đáng nể trọng - không phải vì anh dạy dỗ gì cao siêu, mà bởi cách anh sống, cách anh lắng nghe, cách anh chia sẻ cùng họ.

Đặng Tiến ít khi ngôn luận to tát để ai đó hiểu mình. Nhưng mỗi khi có bạn bè tụ họp, nhìn anh tất bật lo toan mà vẫn cười tủm tỉm, vẫn “dí dủm” rủ rê xuống Hải Phòng “có cá mới câu, vườn mới ra hoa, xuống anh chơi đi” - người ta biết, ở đâu có anh, ở đó có hơi ấm của tình bạn, tình người, tình nghệ sĩ - không màu mè mà chân thực và bền lâu.

Dù hiện nay anh không còn giữ chức Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, sau hai nhiệm kỳ tròn vai và đầy tâm huyết, Đặng Tiến đã chủ động chuyển giao vị trí cho lớp trẻ trong kỳ đại hội năm ngoái - nhưng anh vẫn luôn âm thầm hỗ trợ, lặng lẽ đồng hành với những người kế nhiệm. Với nhiều người, anh vẫn là “chủ tịch tinh thần” của phong trào mỹ thuật thành phố cảng.

Và có lẽ, đó cũng chính là lý do vì sao trong tâm trí anh em văn nghệ, Đặng Tiến luôn là một “trạm bus” đặc biệt: Luôn mở cửa - để đón về những tấm lòng nghệ sĩ, những cuộc gặp không hẹn trước, những bữa rượu bất ngờ mà thấm ân tình. Một nơi chốn để người ta dừng lại, nghỉ ngơi và được là chính mình.