Giới chuyên môn băn khoăn
Phim tái hiện cuộc đời và những chiến công hiển hách của Lê Hoàn, vị vua sáng lập nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt. Bốn tập phim dẫn dắt người xem đi qua những mốc lịch sử gắn với cuộc đời của Lê Hoàn, từ khi ông làm quan cho nhà Đinh, đến chức Thập đạo tướng quân, rồi nhiếp chính, xưng Phó vương nắm đại quyền trong triều đình; lên ngôi vua, tự mình làm tướng ra trận đánh tan quân Tống, xây dựng nền hòa bình cho Đại Cồ Việt…
Với ê-kíp đạo diễn Tạ Quỳnh Tư; biên kịch: Nhà sử học Lê Văn Lan, Lê Thanh Bình, phim được triển khai theo hướng lời bình dẫn chuyện, hình ảnh diễn viên diễn xuất minh họa, kết hợp các trường đoạn có cốt truyện do diễn viên diễn xuất. Đây là cách mà thế giới đã làm và tạo được ấn tượng với người xem qua hàng loạt phim như: “Đế chế La Mã” (đạo diễn: Richard Lopez, John Ealer; diễn viên: Sean Bean, Aaron Jakubenko, Edwin Wright, Jared Turner, Jessica Green); “Bí mật các lăng mộ Saqqara” (Secrets of the Saqqara Tomb, đạo diễn: James Tovell; diễn viên: Ahmed Zikrey Abdellhak, Ghareeb Ali Mohammed Abou Shousha, Nabil Al Daleel); “Thời đại Samurai: Chiến đấu vì Nhật Bản” (đạo diễn: Stephen Scott; diễn viên: Masayoshi Haneda, Masami Kosaka, Hideaki Itō, Hayate Masao); “Đế quốc trỗi dậy: Ottoman” (Rise of Empires: Ottoman, đạo diễn: Emre Şahin; diễn viên: Cem Yiğit Üzümoğlu, Tommaso Basili, Selim Bayraktar, Tuba Büyüküstün, Damla Sönmez, Osman Sonant)… Đây là những phim thuộc các phim tài liệu hay, mọi thế hệ đều “ghiền”.
Tại Việt Nam, cũng đã có phim tài liệu có cốt truyện, có diễn viên tham gia diễn xuất, sử dụng kỹ xảo như: “Đại thi hào Nguyễn Du”, “Những cánh én đầu tiên”… Một số ý kiến gọi các phim này là phim tài liệu nghệ thuật. Bộ phim “Những cánh én đầu tiên” còn được đưa vào rạp bán vé khi chỉ là sản phẩm từ Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) do những người có chuyên môn không liên quan phim ảnh, kiến trúc, công nghệ thông tin thực hiện.
Vậy tại sao khi xem “Đại Hành hoàng đế” thì một số ý kiến chuyên môn lại tỏ ra băn khoăn? Một nữ biên kịch gọi bộ phim này là “Kịch tài truyền hình”; nhà quay phim Phạm Thanh Hà quả quyết: “Là kịch mà chẳng ra kịch”. Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Hậu chia sẻ: “Đâu phải cứ làm phim về một nhân vật có thật thì đó đương nhiên là phim tài liệu. Bộ phim “Đại Hành hoàng đế” được giới thiệu là phim truyện tài liệu, một thể loại mới toanh. Tôi thấy lạ…”.
Chất lượng là chìa khóa
Với những khán giả ghiền tốp phim tài liệu lịch sử của thế giới có sự tham gia của diễn viên sẽ không thấy lạ khi “Đại Hành hoàng đế” được định vị là phim tài liệu. Họ băn khoăn có lẽ là vì sự chưa tới về nghệ thuật ở bộ phim này. Nếu như các phim của thế giới luôn có điểm tựa là một kịch bản chặt chẽ với sự tham gia của nhiều yếu tố như lời bình của người dẫn chuyện; diễn xuất của diễn viên; ý kiến của giảng viên đại học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử… để cuốn người xem tin vào những gì mình nhìn thấy trên màn ảnh là thật; thấy thỏa mãn khi được khám phá những vấn đề, nhân vật lịch sử hàng trăm, hàng nghìn năm trước một cách đầy cảm xúc… thì “Đại Hành hoàng đế” chưa làm được điều này. Sự kết nối giữa các đoạn phim chưa nhuyễn; hình ảnh phim minh họa cho lời bình chưa ấn tượng, chưa sinh động tạo ra những đoạn nối gồ ghề khiến người xem cảm thấy chông chênh, băn khoăn liên quan câu hỏi về thể loại phim. Các trận đánh trên sông, cảnh quay đẹp mắt nhưng lại tạo cảm giác “nên thơ” của du lịch chứ không có khí thế của chiến trận. Các thuyền chiến gợi cảm giác chạy bằng máy, không có người chèo. Cảnh binh lính cưỡi ngựa hành quân, xung trận đều có chung cảm giác “diễu hành”, không có khí thế hừng hực xung trận…
Mặc dù vậy vẫn phải khẳng định cách làm của “Đại Hành hoàng đế” là một giải pháp mới giúp các nhà làm phim tiếp cận các giai đoạn lịch sử của dân tộc; các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa… để giới thiệu với người xem thay vì chờ đợi những bộ phim truyện lịch sử vốn rất hiếm và chất lượng hầu hết chưa cao, chưa hấp dẫn người xem. Muốn người Việt Nam hiểu lịch sử của dân tộc, đặc biệt là giới trẻ thì cách làm phim tài liệu như “Đại Hành hoàng đế” là hướng đi khả thi. Chỉ có điều, các nhà làm phim cần những kịch bản chặt chẽ, hấp dẫn hơn; dàn dựng tốt hơn, diễn xuất ấn tượng hơn và kết nối nhuyễn hơn… Như vậy, sẽ tạo nên “món ngon” ở chính thể loại mà giới làm phim trong nước còn chút băn khoăn.
Điểm cộng ở bộ phim này là các diễn viên tham gia phim có tạo hình tốt, diễn xuất tròn vai; phục trang được đầu tư kỹ. Nhưng do phim là sự tổng hòa của nhiều yếu tố nên mặc dù ghi nhận nỗ lực của diễn viên trong phim, đặc biệt là Thiện Tùng (vai Lê Hoàn), Hoàng Sâm (Thái hậu Dương Vân Nga) nhưng người xem vẫn có cảm giác hẫng hụt.