Ngay cả không khí con người hít thở mỗi ngày cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc đối với người sử dụng, do đó các nhà nghiên cứu đã tập trung vào việc tìm ra phương pháp kê đơn thuốc hiệu quả hơn, cá nhân hóa cho từng người ở những khu vực, điều kiện sống khác nhau. Dự án IndiPHARM do nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Columbia (Mỹ) phát triển, đã phân tích những biến số như môi trường, điều kiện sống, thói quen sử dụng hóa chất… có ảnh hưởng đến tác dụng dự kiến của thuốc hay không.
Giáo sư Gary W. Miller chuyên về Khoa học sức khỏe môi trường tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Trường đại học Columbia cho biết: “Bằng cách kết hợp dữ liệu môi trường hoặc chế độ ăn uống với thông tin di truyền, chúng tôi hy vọng có thể cải thiện cơ chế thuốc hoạt động bên trong cơ thể mỗi người”. Theo ông, để xác định đúng loại thuốc cho đúng người vào đúng thời điểm đòi hỏi phải hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến cách thuốc hoạt động. “Chúng tôi hình dung một tương lai mà bác sĩ có thể sử dụng tiền sử di truyền và môi trường của bệnh nhân để tìm ra phương pháp điều trị bằng thuốc tốt nhất có hiệu quả ngay từ đầu, giảm yêu cầu thử nghiệm và sai sót”, ông cho hay.
Theo CNN, IndiPHARM đã phát triển máy quang phổ khối và phương pháp đo lường hóa chất trong cơ thể bệnh nhân, bao gồm cả sự có mặt của những hợp chất bất thường như vi nhựa hay nhiễm độc chì, thủy ngân... Các nhà khoa học cũng có thể xác định chi tiết chỉ số sinh học gồm các hợp chất trong thực phẩm đã ăn hay hormone trong cơ thể. Qua đó có thể chỉ ra sự khác biệt đáng kể về cách cơ thể mỗi người phản ứng với thuốc chống béo phì hoặc thuốc chống tiểu đường. Điều này dẫn đến việc thay đổi lượng thuốc được kê đơn, chuyển sang một loại thuốc khác hoặc thậm chí thiết kế lại các loại thuốc cho phù hợp hơn.