Theo báo cáo của đồng chí Hà Huy Tập với Quốc tế Cộng sản ở Moscow thì: "Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương có trụ sở ở trong nước từ ngày 12-8-1936". Như vậy, khoảng đầu tháng 8-1936, đồng chí Hà Huy Tập đã tới Sài Gòn để tổ chức, lãnh đạo đẩy mạnh phong trào cách mạng.

Về nước, đồng chí Hà Huy Tập nghiên cứu tình hình cách mạng khu vực Sài Gòn và vùng chung quanh, đặt trụ sở của Ðảng tại làng Tân Thới Nhất, xã Bà Ðiểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Ðịnh. Sự lựa chọn và quyết định của đồng chí Hà Huy Tập chuyển trụ sở của Ðảng từ nước ngoài về cách Sài Gòn khoảng 20km - gần trung tâm đầu não thống trị của chính quyền thực dân ở Nam Kỳ - là rất sáng suốt, vừa bảo đảm được an toàn khi bị địch khủng bố vừa được nhân dân che chở, giúp đỡ về mọi mặt, không chỉ phù hợp đòi hỏi trước mắt của phong trào cách mạng ở Sài Gòn nói riêng và của cả nước nói chung, mà còn bảo đảm cho sự lãnh đạo của Ðảng thống nhất từ Trung ương tới các cấp bộ Ðảng.

Sau gần 3 tháng nhận trọng trách về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương trong nước, với năng lực tổ chức và uy tín của một nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm, đồng chí Hà Huy Tập đã nhanh chóng thiết lập được bộ máy Trung ương của Ðảng trong hoàn cảnh hoạt động bất hợp pháp.

Ðây là một cố gắng vượt bậc, khẳng định được vai trò to lớn của đồng chí Hà Huy Tập đối với tổ chức Ðảng ở Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung. Có thể khẳng định đến tháng 12-1936 sau khi tái lập Ban Chấp hành Trung ương mới đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo kéo dài từ sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Với hệ thống tổ chức ngày càng vững chắc, Ðảng ta đã có đủ sức mạnh và nghị lực cách mạng vượt qua mọi thách thức nghiệt ngã của kẻ thù để tồn tại, phát triển. Người góp phần quan trọng chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo của Ðảng và mở ra một thời kỳ đấu tranh cách mạng sôi nổi, phong phú và hiệu quả đó chính là Tổng Bí thư Hà Huy Tập - nhà lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đã hoạt động không mệt mỏi vì lý tưởng cộng sản, vì sự phát triển và lớn mạnh của Ðảng Cộng sản Ðông Dương trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cùng với việc khôi phục hệ thống tổ chức, đẩy mạnh phong trào cách mạng khắp các xứ Ðông Dương, Ðảng cũng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của Mặt trận nhân dân Pháp, Chính phủ của Mặt trận nhân dân. Tháng 10-1936, Ðảng Cộng sản Ðông Dương có thư ngỏ gửi Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp ở Pa-ri thể hiện sự ủng hộ của Ðảng với Chính phủ có yếu tố tiến bộ mới được thành lập này và hy vọng sự ủng hộ của họ đối với cuộc đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ và hòa bình của nhân dân Ðông Dương nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng.

Phong trào vận động dân chủ 1936-1939 tại Huế.

Phong trào vận động dân chủ 1936-1939 tại Huế.

Ðến đầu năm 1937, việc thống nhất tổ chức Ðảng ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã chính thức được thực hiện. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh trong cả nước cấp bộ Ðảng chưa được tổ chức lại.

Ðể xác định phương hướng hoạt động và ổn định tổ chức Ðảng từ Trung ương đến địa phương, đồng thời tổng kết bước đầu phong trào cách mạng trong cả nước, đồng chí Hà Huy Tập đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng vào ngày 13 và 14-3-1937 tại Mười tám thôn Vườn Trầu, Bà Ðiểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Ðịnh. Dự hội nghị có đại biểu của các xứ Trung Kỳ và Nam Kỳ, do Tổng Bí thư Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo. Hội nghị Trung ương khẳng định đường lối chính trị của Ðảng đã phản ánh đúng nguyện vọng của các cấp bộ Ðảng và toàn dân; công tác xây dựng đảng ngày càng phát triển và ảnh hưởng, uy tín của Ðảng ngày càng được mở rộng.

Thành tích của Ðảng là đã khôi phục lại được hệ thống bị đế quốc phá rối từ năm 1935 ở Trung, Nam, Bắc. Ðảng đã trở nên một đoàn thể thống nhất về đường tổ chức và về phương diện chánh trị. Chỉ ở trong Nam Kỳ, số đảng viên trong khoảng một năm tăng gia lên hơn 5 lần.

---Tổng Bí thư Hà Huy Tập---

Từ ngày 3 đến 4-9-1937 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn, Gia Ðịnh), Hội nghị Trung ương đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Hà Huy Tập nhằm thống nhất trong đánh giá tình hình cách mạng Việt Nam, khắc phục những thiếu sót trong quá trình chỉ đạo phong trào, đẩy mạnh phong trào cách mạng thành cao trào trong cả nước. Tham dự hội nghị có tám đồng chí, gồm các Ủy viên Trung ương và đại biểu các xứ ủy. Ngoài ra, còn có đại biểu công nhân, nông dân và phụ nữ là khách mời của hội nghị.

Ðánh giá về thành tích của Ðảng từ khi tái lập Ban Chấp hành Trung ương trong nước, Tổng Bí thư Hà Huy Tập khẳng định: "Thành tích của Ðảng là đã khôi phục lại được hệ thống bị đế quốc phá rối từ năm 1935 ở Trung, Nam, Bắc. Ðảng đã trở nên một đoàn thể thống nhất về đường tổ chức và về phương diện chánh trị. Dù rằng ở một vài nơi, cơ sở của Ðảng chưa khôi phục xong, nhưng nói chung thì thế lực và ảnh hưởng hiện thời của Ðảng rộng rãi hơn hồi Ðảng Ðại hội lần thứ nhất đến mấy lần. Ở nhiều tỉnh, Ðảng đã lập được nhiều đảng bộ mới. Ðảng ta lại đã có cơ sở trong đám dân chúng người Thổ và Hoa kiều. Chỉ ở trong Nam Kỳ, số đảng viên trong khoảng một năm tăng gia lên hơn 5 lần" (H).

Công nhân và nhân dân Việt Nam mít-tinh kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5-1938 tại nhà Đấu xảo Hà Nội.

Công nhân và nhân dân Việt Nam mít-tinh kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5-1938 tại nhà Đấu xảo Hà Nội.

Sau Hội nghị Trung ương, đồng chí Hà Huy Tập cùng Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo các cấp bộ Ðảng trong cả nước đẩy mạnh kiện toàn tổ chức Ðảng trên tất cả các mặt hoạt động như: phát triển đảng viên về số lượng và chất lượng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, chăm lo xây dựng Ðảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đồng thời chú ý xây dựng các tổ chức quần chúng nên phong trào cách mạng trong cả nước có bước phát triển mới.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, hội nghị lần này chủ yếu tập trung chỉ ra những sai lầm, thiếu sót đã phạm phải và đề xuất các phương án khắc phục nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng.

Như vậy, đến đầu năm 1938, tổ chức đảng trong cả nước đã được phục hồi khá nhanh, nhiều tỉnh ủy ra đời là cơ sở thuận lợi cho sự phát triển tổ chức đảng xuống tận cơ sở, góp phần tạo thêm sức mạnh mới của Ðảng.


Bài đã đăng trên Báo Nhân Dân ngày 24/4/2006 nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập (24-4-1906 - 24-4-2006)

Nội dung: TS Nguyễn Đình Thực
Trình bày: Ngọc Bích
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN