Đóng góp của Bộ đội Trường Sơn trong Chiến thắng Tây Nguyên

Nội dung: Thiếu tướng, TS NGUYỄN HỮU NGỌC
Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn
Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là sáng tạo độc đáo của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Đây là một chiến trường tổng hợp, nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa ta và địch với những chiến công chói lọi đã trở thành biểu tượng của sức mạnh tinh thần, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Bộ đội Trường Sơn là lực lượng chi viện chiến lược cho cách mạng miền nam và giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia, đồng thời là hậu phương chiến lược trực tiếp của các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trong đó có chiến thắng Tây Nguyên.
Bộ đội Trường Sơn bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Tây Nguyên
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược rất quan trọng, có thể phát triển vào Đông Nam Bộ theo Đường 14 hoặc xuống đồng bằng Trung Bộ theo các đường 19, 7 và 21. Trước khi ta mở Chiến dịch Tây Nguyên, vào đầu năm 1975, lực lượng địch ở Tây Nguyên có Sư đoàn 23 bộ binh, 7 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn xe tăng, xe thiết giáp, 10 tiểu đoàn Pháo binh và 1 sư đoàn không quân.
Địch cho rằng nếu đánh Tây Nguyên, ta sẽ tập trung đánh từ hướng bắc, nên chúng tăng cường lực lượng phòng thủ giữa Pleiku và Kon Tum. Ở nam Tây Nguyên, địch bố trí lực lượng ít hơn. Lúc đầu ta dự định đánh Đức Lập, mở thông đường vận tải chiến lược vào Đông Nam Bộ. Nhưng sau khi phân tích tình hình, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đánh Buôn Ma Thuột-mục tiêu chủ yếu, đồng thời là trận then chốt quyết định mở màn chiến dịch, giải phóng các tỉnh Đắk Lắk, Phú Bổn và Quảng Đức.
Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng được cử vào chiến trường Tây Nguyên làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên được thành lập, do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh và đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Lang, Phó Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn làm Phó Tư lệnh phụ trách vận chuyển chi viện hậu cần cho chiến dịch và đồng chí Thượng tá Cấn Văn Tại, Chủ nhiệm Hậu cần Mặt trận Tây Nguyên làm Chủ nhiệm Hậu cần Chiến dịch.
Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tập trung lực lượng mạnh, tác chiến hiệp đồng binh chủng; công tác hậu cần-kỹ thuật có vị trí quan trọng bảo đảm cho trận đánh then chốt mở đầu và toàn chiến dịch.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên có 3 sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực tiếp tham gia, gồm: Sư đoàn công binh 470; Sư đoàn bộ binh 968, Sư đoàn ô-tô 471.
Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng được cử vào chiến trường Tây Nguyên làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên được thành lập, do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh và đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.
Thực hành mệnh lệnh của Bộ, Sư đoàn 470 được giao nhiệm vụ vừa vận chuyển chi viện chiến lược, vừa bảo đảm phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên và là lực lượng tác chiến tại chỗ của chiến dịch. Sư đoàn bộ binh 968 quân tình nguyện Việt Nam tại Hạ Lào khẩn trương cơ động về bắc Tây Nguyên, tác chiến trên một hướng chiến dịch. Sư đoàn ô-tô 471 dâng toàn bộ đội hình sâu vào phía nam, vừa vận chuyển chi viện chiến lược, vừa vận chuyển phục vụ chiến dịch. Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn thành lập thêm hai trung đoàn công binh (574 và 575) để mở gấp đường chiến dịch, bảo đảm cơ động bí mật bất ngờ xe tăng, pháo hạng nặng theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Chiến dịch.
Chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên, theo yêu cầu của Bộ, Sư đoàn 471 huy động tổng lực phương tiện cơ động gấp toàn bộ đội hình Sư đoàn 316 cùng toàn bộ binh khí kỹ thuật vào Tây Nguyên tập kết quanh Đường số 19, bảo đảm tuyệt đối bí mật an toàn.
Thành công của việc cơ động Sư đoàn 316 đã tạo tiền đề để tổ chức lực lượng cơ động Sư đoàn 968 từ Hạ Lào về Pleiku (Gia Lai), Kon Tum thay chân Sư đoàn 10 tác chiến nghi binh ở hướng bắc chiến dịch. Tiếp đó, ngày 4/3/1975, Sư đoàn 471 tổ chức lực lượng, bí mật cơ động vào vị trí tập kết chiến dịch, chuẩn bị tiến công Đức Lập; chuyển hơn 100 tấn đạn pháo lớn theo lưng bộ đội vào tới tận trận địa pháo, kịp giờ “G” phát hỏa mở màn chiến dịch.
Bộ đội ta đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội ta đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 3/2/1975, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch phê chuẩn quyết tâm chiến đấu và kế hoạch bảo đảm hậu cần. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm phần lớn công tác hậu cần của chiến dịch. Tổng cục Hậu cần tăng cường 1 tiểu đoàn ô-tô vận tải, 1 đội điều trị và Tổng cục Kỹ thuật tăng cường 1 trạm sửa chữa xe ô-tô, 1 trạm sửa chữa xe xích.
Hậu cần Chiến dịch Tây Nguyên tổ chức 3 căn cứ (căn cứ phía sau ở Đức Cơ, 2 căn cứ phía trước là K10 ở Ya Khanh và K20 ở Đắc Đam) có đủ các thành phần tạo thế liên hoàn, sử dụng phương tiện cơ giới là chủ yếu; kết hợp với vận chuyển thô sơ chi viện lẫn nhau. Việc bảo đảm cho hướng phối hợp bắc Tây Nguyên do các binh trạm hậu phương mặt trận đảm nhiệm.
Trước khi mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn và hậu cần Mặt trận Tây Nguyên đã khẩn trương tổ chức chuẩn bị bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật phục vụ chiến dịch.
Hơn 1.000 xe ô-tô vận tải gồm cả xe của Tổng cục Hậu cần, của các quân khu, các địa phương và Bộ Giao thông vận tải ngày đêm vận chuyển vật chất vào Tây Nguyên.
Sư đoàn 471 ô-tô vận tải của Bộ Tư lệnh Trường Sơn khẩn trương đưa 5.096 tấn hàng vào các cụm kho K10A và K10B (bắc Chư Pông), hơn 1.300 tấn vào cụm kho B38 và K400; đồng thời bí mật cơ động Sư đoàn 968 đến bắc Tây Nguyên.
Đến trung tuần tháng 2/1975 đã cơ bản hoàn thành vận chuyển vật chất cho chiến dịch Tây Nguyên. Lượng vật chất dự trữ phục vụ chiến dịch là 10.603 tấn, trong đó có 2.824 tấn đạn, 1.421 tấn xăng dầu, 6.289 tấn hàng quân nhu...
Ngày 6/2/1975, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định giao Sư đoàn 470 tiến hành cùng lúc 2 nhiệm vụ: Vừa vận tải chi viện chiến lược trực tiếp phục vụ chiến dịch vừa tổ chức lực lượng tác chiến tại chỗ.
Hơn 1.000 xe ô-tô vận tải gồm cả xe của Tổng cục Hậu cần, của các quân khu, các địa phương và Bộ Giao thông vận tải ngày đêm vận chuyển vật chất vào Tây Nguyên. Sư đoàn 471 ô-tô vận tải của Bộ Tư lệnh Trường Sơn khẩn trương đưa 5.096 tấn hàng vào các cụm kho K10A và K10B (bắc Chư Pông), hơn 1.300 tấn vào cụm kho B38 và K400; đồng thời bí mật cơ động Sư đoàn 968 đến bắc Tây Nguyên. Đến trung tuần tháng 2/1975, đã cơ bản hoàn thành vận chuyển vật chất cho chiến dịch Tây Nguyên. Lượng vật chất dự trữ phục vụ chiến dịch là 10.603 tấn, trong đó có 2.824 tấn đạn, 1.421 tấn xăng dầu, 6.289 tấn hàng quân nhu...
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)
Dân quân địa phương tham gia chống lầy, mở đường cho xe tăng quân giải phóng xuất kích trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Dân quân địa phương tham gia chống lầy, mở đường cho xe tăng quân giải phóng xuất kích trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội vận tải thuộc đơn vị 250 (Gia Lai) chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Bộ đội vận tải thuộc đơn vị 250 (Gia Lai) chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Các chiến sĩ đoàn Pleime (Gia Lai) thảo luận phương án đánh địch. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ đoàn Pleime (Gia Lai) thảo luận phương án đánh địch. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức thêm Trung đoàn Công binh 575 trực thuộc Sư đoàn 470 do đồng chí Nguyễn Văn Châu làm Trung đoàn trưởng có nhiệm vụ mở đường để bí mật vận chuyển xe tăng, pháo hạng nặng phục vụ chiến dịch, tạo thế bất ngờ, chắc thắng.
Ở phía bắc Buôn Ma Thuột, từ giữa tháng 2/1975, Trung đoàn 575 đã huy động Tiểu đoàn 47 và một số đại đội sửa chữa, khôi phục các đường 48, 50. Sau đó, lực lượng này tiếp tục mở một trục dọc gồm đường 50B và 2 nhánh đường 50C, 50D với tổng chiều dài 60km.
Càng gần thị xã Buôn Ma Thuột, địa hình càng trống trải, dân cư đi lại nhiều, dễ bị lộ, đơn vị phải mở đường qua những cánh rừng có nhiều cây to, nhiều khe suối. Để bảo đảm bí mật, khi còn cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 20-25 km, đơn vị được lệnh dừng lại, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật liệu để khi có lệnh sẽ hoàn tất đoạn đường còn lại tới thẳng mục tiêu trong vòng một ngày đêm. Đường mở từ ngoài vào, làm đến đâu ngụy trang đến đó, những gốc cây to gần nương rẫy của dân chỉ cưa 3/4 thân sát mặt đất rồi xóa dấu vết, phần còn lại sẽ được cưa ngay trước giờ nổ súng mở màn chiến dịch. Các ụ đất lớn, ụ mối, được đào lỗ tra sẵn thuốc nổ, sẵn sàng đợi lệnh phát hỏa san phẳng. Đến ngày 4/3/1975, trục đường 575 mở từ hướng bắc đã vào đến bản Kơ Hia-Cư M’gar, chỉ cách thị xã Buôn Ma Thuột 20km mà địch vẫn không hề hay biết.
Từ đầu tháng 3/1975, Trung đoàn Công binh 575 nhận lệnh mở tiếp quãng đường còn lại đến tiếp giáp căn cứ địch. Do chủ động chuẩn bị lực lượng và phương tiện tổ chức thi công khẩn trương suốt ngày đêm nên đúng 23 giờ đêm 9/3/1975, Trung đoàn đã khai thông trục đường 50B, hai nhánh 50C, 50D và tổ chức xong đội hình công binh hộ tống xe tăng.
Bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ quân quản và truy kích địch
Ngày 8/3/1975, quân ta nổ súng tiến công Đức Lập. Cùng với Trung đoàn 575, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã điều động 2 Trung đoàn cao xạ 232 và 546 thuộc Sư đoàn 470 tham gia chiến dịch bảo vệ Đức Lập, Cầu 14.
Các lực lượng phòng không đã khẩn trương triển khai chiến đấu bắn rơi 3 máy bay A37, T28 và bắn cháy nhiều chiếc khác, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu trong thị xã Buôn Ma Thuột.
Ngày 10/3/1975 đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, theo yêu cầu tác chiến chiến dịch, Trung đoàn 575 đã phối hợp Trung đoàn 7 Công binh mặt trận Tây Nguyên hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho đội hình binh chủng hợp thành cơ động tiến công địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
2 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên phát lệnh nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Cả khu rừng bao quanh thị xã rùng rùng chuyển động. Từng tốp xe tăng hùng dũng húc đổ những thân cây đã cưa sẵn, con đường lộ ra. Trung đoàn 575 công binh của Sư đoàn 470 thả lưỡi cưa, cầm súng theo xe tăng theo con đường vừa phát lộ thẳng tiến về thị xã.
Các Trung đoàn 4, Trung đoàn 574, Trung đoàn 551, Trung đoàn 29B của Bộ đội Trường Sơn tham gia chiến đấu, tổ chức lực lượng tiếp quản các thị xã Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum; truy quét tàn quân địch, tháo gỡ bom mìn, bắc cầu làm ngầm cho các đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn; diệt và bắt sống hơn 1.200 tên địch, thu nhiều chiến lợi phẩm; quản lý giáo dục hơn 8.000 tù binh.
Chiến thắng vang dội của Chiến dịch Tây Nguyên thể hiện bước trưởng thành mới của Quân đội ta trong nghệ thuật tác chiến. Trong đó có phần đóng góp xứng đáng của Bộ đội Trường Sơn. Đơn vị đã bảo đảm cho chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, sử dụng nhiều binh khí trang bị kỹ thuật hiện đại giành thắng lợi nhanh chóng.
Có được điều đó là do sự chỉ huy, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh; nỗ lực vượt bậc của lực lượng Bộ đội Trường Sơn.
Đến đầu năm 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phát triển đến đỉnh cao về quy mô tổ chức binh chủng hợp thành, gồm 9 sư đoàn binh chủng, 12 trung đoàn binh chủng cơ động và 1 sư đoàn cao xạ, 1 trung đoàn tên lửa do Bộ phối thuộc; toàn tuyến có hơn 10.000 xe vận tải các loại và hơn 1.500 xe-máy phục vụ các binh chủng. Tổng quân số kể cả lực lượng phối thuộc và thanh niên xung phong là 120.000 người.
Với tầm vóc của một đơn vị binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất, hoạt động trên địa bàn rộng nhất với phương thức đa dạng nhất, Bộ đội Trường Sơn là lực lượng chiến lược góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược, chiến dịch, trong đó có Chiến dịch Tây Nguyên đầu năm 1975.


Binh đoàn 12 bám trụ lại Tây Nguyên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh sau ngày giải phóng
Sau ngày đất nước thống nhất, Bộ đội Trường Sơn được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chuyển sang xây dựng kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng với tên gọi Binh đoàn 12 (được thành lập ngày 10/10/1977, trên cơ sở lực lượng chủ yếu xây dựng cầu, đường của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh).
Trên mặt trận mới, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng của binh đoàn đã không ngừng phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, có mặt ở khắp mọi miền đất nước, chủ yếu là những nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, triển khai xây dựng hàng nghìn công trình, dự án, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và làm nhiệm vụ quốc tế.
Sư đoàn 470 của Bộ đội Trường Sơn vẫn tiếp tục bám trụ trên Tây Nguyên, làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên thăm bộ đội Trường Sơn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên thăm bộ đội Trường Sơn.
Sư đoàn luôn nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng những công trình ở những nơi khó khăn gian khổ, trong hoàn cảnh thiếu thốn như: hệ thống giao thông trục dọc và ngang ở Tây Nguyên; thủy điện Đray H’linh (Dak Lak) có công suất 12MW, Vĩnh Sơn (Bình Định) có công suất 66MW, Sông Hinh (Phú Yên) công suất 70MW, Yaly (Gia Lai) công suất 720MW và trực tiếp đảm nhận thi công toàn bộ 20km đường dây tải điện 500KV đoạn từ bắc huyện Krông Buk đến nam huyện Ea H’leo (Dak Lak), cùng một số công trình thủy lợi ở Tây Nguyên.
Từ năm 1989, thực hiện chuyển đổi cơ chế sang hạch toán độc lập, Sư đoàn 470 có tên doanh nghiệp là Công ty Xây dựng 470, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tự hạch toán kinh doanh.
Trong 5 năm trở lại đây, bằng uy tín, năng lực của mình, Sư đoàn 470-Công ty Xây dựng 470 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công những công trình thủy điện lớn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như: Buôn Kuốp (công suất 280MW); Buôn Tua Srah (công suất 86MW), Sêrêpôk 3 (công suất 220MW) và Dak R’Tih (công suất 144MW).
Các hạng mục mà Sư đoàn 470 đảm nhận thi công hầu hết là những hạng mục đầu mối rất quan trọng, có khối lượng công việc lớn và mang tính quyết định tiến độ thi công toàn bộ công trình.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tham gia xây dựng những công trình quan trọng của quốc gia như Đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, đường Tuần tra biên giới, nâng cấp các sân bay Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Liên Khương và Pleiku.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc (giữa): "500 ngày đêm hoàn thành 3.000km cao tốc là mệnh lệnh với Trường Sơn". (Ảnh: baophapluat.vn)
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc (giữa): "500 ngày đêm hoàn thành 3.000km cao tốc là mệnh lệnh với Trường Sơn". (Ảnh: baophapluat.vn)
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 6161/QĐ-BQP về việc thành lập Lữ đoàn Công binh cầu đường dự bị động viên 470 thuộc Binh đoàn 12, đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên.
Ngoài Sư đoàn 470 (nay là Lữ đoàn 470), nhiều đơn vị khác của Binh đoàn 12 cũng đã tham gia xây dựng các công trình kinh tế, công trình quốc phòng trên địa hình Tây Nguyên.
Hiện nay, Binh đoàn 12 đang triển khai thi công hơn 110 công trình, dự án; được chọn đứng đầu liên danh nhiều gói thầu có giá trị lớn. Binh đoàn nhà thầu thi công rất nhiều các công trình giao thông trọng điểm của đất nước, trong đó có nhiều dự án thuộc địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Trong năm 2024 vừa qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vẫn hoàn thành giá trị sản xuất đạt gần 12.500 tỷ đồng, tăng 144% so với năm 2023; tăng gấp 3,5 lần so với năm 2019, trong đó giá trị nghiệm thu đạt trên 12.000 tỷ đồng; giá trị thanh toán đạt trên 12.000 tỷ đồng; giá trị tìm việc làm đạt trên 13.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân khối cơ quan và Công ty mẹ đạt 19,5 triệu đồng/người/tháng.
Kết quả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, lợi nhuận, thu nhập bình quân, nộp ngân sách, nộp bảo hiểm... của Tổng công ty đều hoàn thành vượt mức kế hoạch được phê duyệt.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những bài học kinh nghiệm quý báu từ Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh - một sáng tạo chiến lược của Đảng và là một trong những nhân tố thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có chiến thắng Tây Nguyên vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Cầu Thần Vũ 2, thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc bắc-nam, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt do Binh đoàn 12 thi công.
Cầu Thần Vũ 2, thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc bắc-nam, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt do Binh đoàn 12 thi công.
Cao tốc bắc-nam đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt do Binh đoàn 12 thi công.
Cao tốc bắc-nam đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt do Binh đoàn 12 thi công.
Dự án Đường Vành đai phía tây thành phố Đà Nẵng do Binh đoàn 12 thi công.
Dự án Đường Vành đai phía tây thành phố Đà Nẵng do Binh đoàn 12 thi công.
Thi công rà phá bom mìn, vật nổ tại tỉnh Thanh Hóa.
Thi công rà phá bom mìn, vật nổ tại tỉnh Thanh Hóa.