Để bảo vệ độc lập tự do, chủ quyền đất nước, trước hết chúng ta phải dựa vào sức mình là chính, đồng thời kết hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ và cách mạng trên thế giới. Muốn tự giải phóng, hay tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài, điều quan trọng nhất là phải phát huy cao độ sức mạnh nội lực, phát huy tiềm lực của đất nước và dân tộc, xây dựng kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh trong đó có sức mạnh của truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, ý thức tự lực tự cường và tinh thần đoàn kết của nhân dân...

Một trong những thành tố của nội lực dân tộc là sức mạnh của lòng yêu nước, của tinh thần dân tộc và ý chí đấu tranh anh dũng vì độc lập tự do. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh lòng yêu nước là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất trong mỗi con người Việt Nam, là nguồn lực tinh thần, nền tảng tinh thần, sức mạnh vô địch, giúp cho nhân dân Việt Nam chiến thắng được mọi kẻ thù hung ác, đồng thời đó cũng là bản sắc dân tộc, là phẩm chất tốt đẹp đã tạo nên cốt cách của con người Việt Nam. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc Việt Nam đã trở thành đạo lý, lẽ sống, phẩm giá của mọi người dân và tạo ra sức mạnh của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc chân chính là động lực lớn của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của độc lập, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý chí kiên cường. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của độc lập, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý chí kiên cường. Ảnh: TTXVN

Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, không ai có thể phủ nhận được vai trò của tinh thần ái quốc của mỗi người dân Việt Nam. Trong hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, chính tinh thần dân tộc, ý thức về chủ quyền đất nước là động lực để những con người bình dị Việt Nam, nhiều thế hệ nối tiếp nhau hiến dâng xương máu trong các cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước như những người anh hùng vĩ đại nhất.

Họ hy sinh, cống hiến tính mạng mình mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì từ những sự hy sinh cao cả ấy, bởi khi nhân dân Việt Nam cầm vũ khí ra chiến trường, họ chỉ có một mục tiêu duy nhất - đó là chiến đấu để cho nước nhà được độc lập, thống nhất, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Lòng yêu nước giúp họ đạt được những mục tiêu cao cả đó. Lòng yêu nước chính là bệ đỡ cho dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi khó khăn, vượt qua mọi gian nan, thử thách.

Đặc biệt, trong những lúc hiểm nguy, vận mệnh dân tộc bị đe dọa, thì lòng yêu nước đã gắn kết mỗi con người, cả dân tộc thành một khối thống nhất bền vững và mỗi lần đất nước lâm nguy trước nạn ngoại xâm là một lần lòng yêu nước ấy được khơi dậy, trở thành nguồn gốc của sức mạnh dân tộc.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo giáo dục cho quân và dân ta phát huy lòng yêu nước gắn kết chặt chẽ với yêu chủ nghĩa xã hội; giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất; ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của kháng chiến. Nhờ đó, trước nguy cơ đất nước bị chia cắt lâu dài, trước hiểm họa bị nô dịch, áp bức, mất độc lập tự do, mất chủ quyền quốc gia dân tộc, lòng yêu nước, yêu Tổ quốc của con người Việt Nam bình thường, giản dị trở nên vô cùng mạnh mẽ.

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19/9/1954. Ảnh: TTXVN

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19/9/1954. Ảnh: TTXVN

Mỗi người dân Việt Nam, từ sâu thẳm trong tâm khảm đều ý thức một cách sâu sắc rằng, chủ quyền quốc gia dân tộc là vô cùng thiêng liêng và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người là chính đáng, bất khả xâm phạm. Ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn kết hợp với ý chí đấu tranh anh dũng, bất khuất tồn tại trong máu thịt nhân dân và nguồn lực tự nhiên của đất nước, nó kết thành sức mạnh vô song trong suốt chiều dài dựng nước, giữ nước. Sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam được tăng lên gấp bội lần, như một làn sóng trào dâng, không một vật cản nào, không một thế lực nào có thể ngăn nổi.

Độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc của nhân dân, thống nhất đất nước đã trở thành lý tưởng, lẽ sống của từng con người Việt Nam, là mục tiêu chung của toàn thể dân tộc Việt Nam. Mỗi người Việt Nam yêu nước sẵn sàng gạt bỏ sang một bên những tính toán, mưu cầu, lợi ích cá nhân, cống hiến của cải, sức lực, trí tuệ, tính mạng cho sự nghiệp chung của toàn thể dân tộc, chung lòng, dốc sức cho cuộc kháng chiến, chung tay trên các mặt trận xây dựng kinh tế, văn hóa, xây dựng hậu phương... tạo ra sức mạnh nội lực vô cùng to lớn. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, mỗi người dân Việt Nam trở thành một chiến sĩ trên mặt trận chống Mỹ xâm lược, tiến hành kháng chiến và xây dựng đất nước.

Lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, ý chí độc lập tự cường, kiên cường của hàng triệu triệu người con đất Việt đã biến thành sức mạnh vật chất, tinh thần giáng trả lại quân xâm lược Mỹ ở mọi lúc, mọi nơi. Lớp lớp người hăng hái ra tiền tuyến, người trước ngã xuống, người sau tiếp tục tiến lên. Đây chính là kết quả lòng yêu nước đã được nâng lên một cấp độ cao hơn - chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Sức mạnh ấy không gì khác ngoài sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, của nhân dân và dân tộc Việt Nam, khiến họ đoàn kết thành một khối thống nhất bền chặt, keo sơn, muôn người như một.

Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Trong chiến tranh, đế quốc Mỹ không từ một thủ đoạn nào để chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại, đánh vào ý chí, tinh thần của nhân dân ta, với hy vọng làm nhân dân ta nhụt chí, kém bền gan. Song, với nền tảng của lòng yêu nước, của truyền thống đấu tranh quật cường thấm sâu vào máu thịt của từng người dân Việt Nam quyết bảo vệ nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chúng ta đã khiến cho mọi âm mưu, thủ đoạn của đế quốc đều thất bại.

Điều đó càng chứng tỏ sức mạnh của lòng yêu nước, của ý chí bất khuất đấu tranh vì mục tiêu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam là không có một thế lực nào, dù mạnh nhất, có thể khuất phục nổi. Đó là nguồn cội sức mạnh Việt Nam. Đó là nội lực của một dân tộc thiết tha, quý trọng độc lập, tự do và không bao giờ biết cúi đầu cam chịu làm nô lệ. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng kiến sức mạnh chưa từng có của lòng yêu nước, khối đoàn kết thống nhất muôn người như một, cả nước chung sức, toàn dân đánh giặc, quyết chiến, quyết thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc vĩ đại (1954-1975).

Bộ đội từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Bộ đội từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước trong những điều kiện vô cùng khốc liệt, dân tộc ta đã sớm hình thành ý thức, tinh thần tự lực, tự cường, luôn tự trông cậy vào chính bản thân mình. Đây cũng là một nguồn lực, nền tảng tinh thần, là truyền thống quý báu của dân tộc, góp phần làm nên nguồn cội sức mạnh Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quan điểm của Đảng là phải luôn luôn phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, nội lực chủ quan và tinh thần sáng tạo của toàn thể dân tộc, đồng thời tranh thủ được ngày càng rộng rãi sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè. Đảng ta khẳng định: “Việc giải phóng dân tộc luôn luôn là việc của bản thân ta”1 và “Không nên ỷ lại vào ai hết. Tự do, hạnh phúc của dân ta phải tự dân ta vun trồng lấy”2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”3, phải “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”4, kháng chiến khó khăn, gian khổ là sự thử thách đối với tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ 2, năm 1956. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cứu quốc lần thứ 2, năm 1956. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh việc giáo dục phát huy cao độ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho nhân dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên giáo dục chính trị, nâng cao giác ngộ giai cấp, dân tộc và giác ngộ chủ nghĩa xã hội cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Qua đó, đoàn kết và tập hợp các lực lượng trong nước và người dân Việt Nam yêu nước ở nước ngoài cùng đấu tranh vì mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam mang tính chất chính nghĩa. Do vậy, nó có sức hút mạnh mẽ và là động lực cơ bản tập hợp lực lượng toàn thể dân tộc Việt Nam.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ chính nghĩa, đưa ra đường lối kháng chiến đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu bức thiết, khát khao của toàn dân tộc, phù hợp với xu thế chung của thời đại, nên đã khơi dậy một cách mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí đấu tranh của nhân dân. Trong những bước ngoặt quan trọng của cách mạng và kháng chiến, những lúc gian nan, thử thách, khó khăn ác liệt, Đảng ta luôn chú trọng động viên tinh thần, làm cho nhân dân tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, kiên định mục tiêu kháng chiến. Phát huy tính chính nghĩa của mình, Đảng ta đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ và phương pháp cách mạng phù hợp với từng giai đoạn chiến tranh, bảo đảm cho toàn dân, toàn quân đánh thắng địch từng bước, đánh đổ từng bộ phận, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao thưởng cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Phòng không và Hải quân trong trận đầu gia quân đánh thắng máy bay Mỹ ngày 2 và 5/8/1964. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao thưởng cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Phòng không và Hải quân trong trận đầu gia quân đánh thắng máy bay Mỹ ngày 2 và 5/8/1964. Ảnh: TTXVN

Sức mạnh chính trị được thể hiện qua hệ thống chính trị với sự lãnh đạo toàn diện, tập trung thống nhất của Đảng là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống và hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước là nhân tố trung tâm, có đủ uy tín, sức mạnh và trách nhiệm chính trị trong xây dựng lực lượng chính trị, tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc. Đảng có vai trò quyết định trong quá trình tập hợp, phát huy hiệu lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng cơ bản.

Hiệu lực hoạt động của các tổ chức này gắn liền với quá trình xây dựng, phát huy tính ưu việt của chế độ mới, với việc phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường lối, chủ trương của Đảng và tất cả chính sách, pháp luật, chế độ, quy định của Nhà nước đều thực hiện trên cơ sở tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức để trở thành hoạt động tự giác của toàn thể quần chúng nhân dân. Mặt trận, các đoàn thể vừa là nơi tập hợp, vừa là nơi quần chúng thực hiện quyền làm chủ của mình.

Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta luôn nêu cao vai trò lãnh đạo của mình và tăng cường sức mạnh đoàn kết, thống nhất của khối liên minh công - nông - trí thức làm nòng cốt, khắc phục khuynh hướng thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp vai trò của công nông. Qua đó đấu tranh, khắc phục những biểu hiện cứng nhắc, hẹp hòi, chỉ dựa vào Mặt trận để có danh nghĩa, thực chất là làm cho Mặt trận và các đoàn thể chỉ mang một nội dung và màu sắc thuần tuý công - nông. Đặc biệt, Đảng đã xây dựng và rèn luyện một đội ngũ đảng viên vừa có đức, vừa có tài, thống nhất đức với tài, xứng đáng thật sự là “người lãnh đạo”, “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, là “gốc” của mọi công việc. Trong kháng chiến, Đảng đã xây dựng được Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân, mang bản chất giai cấp công nhân, mang tính chất nhân dân và dân tộc sâu sắc, đủ năng lực tổ chức, quản lý điều hành công việc kháng chiến hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở tháng 7/1960. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở tháng 7/1960. Ảnh: TTXVN

Đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu của nhân dân ta. Sức sống bền bỉ, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam có được, một phần quan trọng là nhờ truyền thống đoàn kết - một trong những giá trị truyền thống của văn hoá dựng nước và giữ nước Việt Nam, một trong những nhân tố thường xuyên quyết định sự trường tồn vững mạnh của dân tộc.

Để chủ nghĩa yêu nước, ý chí đấu tranh, tinh thần tự lực, tự cường biến thành sức mạnh phi thường, làm nên những kỳ tích, cần phải có sự đồng lòng, đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thành một khối thống nhất, vững chắc, kết gắn keo sơn, chống lại sức mạnh vật chất-kỹ thuật, quân sự hùng mạnh của đế quốc Mỹ. Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là phải xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức xây dựng khối đoàn kết toàn dân, xem đó là nhân tố quyết định cho thắng lợi. Muốn đi tới độc lập, tự do, đi tới chiến thắng, thì “Bao nhiêu thành kiến giai cấp, bao nhiêu phân tranh đảng phái, bao nhiêu đố kỵ về tôn giáo và nòi giống phải hất ra khỏi con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam...

Lúc này bí quyết của sự thành công ở chỗ tinh thần đoàn kết”5. Nhân dân ta ví đoàn kết “như bó đũa, chụm lại thì địch khó bẻ, chia ra thì địch sẽ lần lượt bẻ từng cái một, đến gãy hết mới thôi”6. Vì vậy, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trên mặt trận chống Mỹ xâm lược luôn luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng. Tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành ý chí, quyết tâm, sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ bức thiết, cốt tử của dân tộc là đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Trước dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha kêu gọi nhân dân cả nước, không phân biệt tầng lớp, tín ngưỡng, chính kiến, đoàn kết một lòng, thật thà cộng tác, cống hiến, phấn đấu hết sức mình, thành một khối gắn kết xung quanh Đảng, vì lợi ích chung của toàn dân tộc là hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc. Do hoàn cảnh đặc thù của đất nước, tuy có cùng một mục tiêu chung, song nhiệm vụ của mỗi miền mỗi khác. Xuất phát từ việc phân tích tình hình thực tiễn, Đảng đưa ra hình thức tập hợp lực lượng ở mỗi miền không giống nhau, có mục tiêu, cương lĩnh cụ thể, hình thức tổ chức cũng như cơ cấu thành phần có nhiều điểm khác nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô Hà Nội, ngày 14/2/1961. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô Hà Nội, ngày 14/2/1961. Ảnh: TTXVN

Ở miền bắc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp toàn thể những người Việt Nam tán thành đưa miền bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, tán thành chống đế quốc Mỹ, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà.

Một sự kiện quan trọng, một dấu mốc biểu hiện ý chí mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết và thống nhất hành động của toàn thể nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược là Hội nghị chính trị đặc biệt (27/3/1964) - “Hội nghị Diên Hồng” trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại biểu tham dự Hội nghị là các bậc lão thành cách mạng, nhân sĩ yêu nước, đại diện cho các ngành, các giới, đại biểu cho những người Việt Nam ở nước ngoài đã thống nhất, khẳng định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Với quyết tâm ấy, những làn sóng thi đua mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam động viên, tổ chức. Các phong trào thi đua yêu nước với rất nhiều tên gọi khác nhau, phong phú, sôi nổi diễn ra rộng khắp, động viên và quy tụ lực lượng một cách đông đảo, với mọi lĩnh vực, mọi lứa tuổi, ngành nghề. Trong những phong trào ấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực sự phát huy được sức mạnh của nhân dân, của dân tộc, phát huy vai trò quyết định của miền Bắc đối với công cuộc giải phóng miền Nam.

Ngày 27/3/1964, Hội nghị Chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khai mạc tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Ngày 27/3/1964, Hội nghị Chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khai mạc tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Ở miền nam, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cách mạng miền nam, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1/1959) đã đề ra chiến lược và nhiệm vụ cụ thể cho cách mạng miền Nam. Để thực hiện một cách hiệu quả những nhiệm vụ đề ra, Hội nghị khẳng định: “cần có mặt trận riêng cho miền Nam”7. Mặt trận này có mục đích rõ ràng: Tập hợp rộng rãi các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo... không phân biệt chủng tộc, xu hướng chính trị, điều cốt yếu là chống Mỹ-Diệm, tán thành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình, thống nhất đất nước. Mặt trận phải đoàn kết mọi người có thể đoàn kết được, trung lập mọi người có thể trung lập được, kể cả những người có ít khuynh hướng chống Mỹ-Diệm trong chính quyền miền Nam, đặc biệt chú ý những tầng lớp bên dưới trong các cơ quan hành chính và quân đội Sài Gòn.

Đối tượng để tập hợp vào Mặt trận rất đa dạng và được mở rộng tối đa, lôi kéo mọi tầng lớp và giai cấp có thể tham gia. Mặt trận không những chú ý đến đông đảo nhân dân lao động, mà còn chiếu cố thích đáng đến nguyện vọng riêng của các tầng lớp, giai cấp khác, kể cả các tầng lớp trong bộ máy chính quyền của địch. Qua đó, Đảng đã triệt để thực hiện sách lược phân hóa hàng ngũ kẻ thù, làm suy yếu chúng và tăng cường sức mạnh cho ta.

Trong khi chủ trương xây dựng một Mặt trận riêng cho miền nam, Đảng luôn nhấn mạnh: Tuy là riêng cho miền nam, không nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng phải cùng thực hiện mục tiêu chung với Mặt trận Tổ quốc là nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, do Đảng lãnh đạo. Đây là chủ trương hết sức sáng tạo và linh hoạt về tổ chức xây dựng khối đoàn kết dân tộc của Đảng Lao động Việt Nam trong điều kiện mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam duyệt một đơn vị danh dự của lực lượng vũ trang giải phóng miền nam Việt Nam (1960). Ảnh: TTXVN

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam duyệt một đơn vị danh dự của lực lượng vũ trang giải phóng miền nam Việt Nam (1960). Ảnh: TTXVN

Dưới ánh sáng của những tư tưởng chỉ đạo đó, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam được thành lập. Với lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu...”, với cương lĩnh đúng đắn, chương trình hành động thiết thực, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam nhanh chóng tập hợp các tổ chức chính trị, xã hội, đảng phái, tôn giáo làm cho lực lượng của mình phát triển một cách nhanh, rộng khắp.

Mặt trận chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp, công bố Tuyên ngôn và Chương trình hành động của mình là thực hiện độc lập, dân chủ, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Về sự kiện trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi là một lực lượng tất thắng”8; với ngọn cờ quy tụ lực lượng là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, “đồng bào miền nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, nam bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”9.

Sức mạnh bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước là đại đoàn kết dân tộc.

Ngay từ khi mới thành lập, Mặt trận luôn khẳng định: Sức mạnh bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước là đại đoàn kết dân tộc. Vì thế, Mặt trận thực hiện nhất quán chủ trương đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp trong nhân dân, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước và tiến bộ, không phân biệt xu hướng chính trị, để cùng nhau chống Mỹ, giành lại quyền dân tộc thiêng liêng và xây dựng lại Tổ quốc. Để tập trung tối đa, đông đảo và rộng rãi mọi lực lượng, Mặt trận đưa ra chính sách: Đối với lực lượng nào, vì lẽ này hay lẽ khác, không tham gia Mặt trận, có thể liên hiệp hành động chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai của chúng.

Mặt trận kêu gọi tất cả đồng bào miền nam hãy kề vai sát cánh cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng khối đoàn kết các dân tộc Đông Dương và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ và tay sai, giành lấy độc lập, dân chủ, hoà bình và toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, Mặt trận khẳng định thi hành chính sách ngoại giao hoà bình, trung lập, đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tăng cường quan hệ hữu nghị với tất cả các nước đồng tình ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Như vậy, không chỉ tập hợp lực lượng ở miền Nam, Mặt trận còn là cầu nối và tham gia tích cực vào quá trình vận động, tập hợp lực lượng tiến bộ, hòa bình trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Để tập hợp và động viên rộng rãi mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân miền nam, Mặt trận nhanh chóng xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức từ Trung ương xuống các khu, tỉnh, quận, xã với mục đích tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng vào phong trào đấu tranh cách mạng. Sau khi ra đời không lâu, phạm vi và ảnh hưởng hoạt động của Mặt trận ngày càng mở rộng. Mặt trận đã tổ chức lãnh đạo nhân dân miền Nam kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và làm công tác binh vận cả nông thôn và thành thị, mở rộng vùng giải phóng. Mặt trận đã đưa ra một chủ trương rất sáng suốt là thành lập một chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ rộng rãi ở miền Nam, nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc. Chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ rộng rãi ở miền Nam đặt mục tiêu thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, cải thiện dân sinh, giữ vững hòa bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc - một mục tiêu chân chính, có sức lan tỏa và quy tụ mọi tầng lớp, không ngừng tăng cường sức mạnh của Mặt trận, của khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhân dân tỉnh Định Tường mít-tinh hoan nghênh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra đời. Ảnh: TTXVN

Nhân dân tỉnh Định Tường mít-tinh hoan nghênh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra đời. Ảnh: TTXVN

Nhằm tạo điều kiện đoàn kết rộng rãi nhất, sẵn sàng bắt tay với tất cả những ai, dù chưa tán thành Cương lĩnh của Mặt trận, nhưng tán thành độc lập dân tộc, tán thành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mặt trận công bố “Bốn chủ trương cứu nước khẩn cấp10. Với bốn chủ trương này, lực lượng của Mặt trận trở nên đông đảo hơn bao giờ hết. Khi đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền nam, mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền bắc, yêu cầu tập hợp lực lượng, phát triển hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân trở nên cấp bách hơn và có ý nghĩa quyết định.

Trước tình hình đó, Mặt trận công bố Cương lĩnh - ngọn cờ đoàn kết toàn thể nhân dân miền Nam, với mục tiêu mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ, thu hút rộng rãi hơn nữa những tầng lớp và cá nhân có khuynh hướng hòa bình, trung lập, cô lập triệt để Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đảng đã chủ trương: “thành lập một Mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận Dân tộc giải phóng”11. Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời (4/1968), với mục đích đoàn kết và tranh thủ thêm một số tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở các thành thị và một số người có xu hướng chính trị hòa bình, trung lập, nhưng chưa tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, “là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”12. Liên minh sát cánh cùng với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam làm cho khối đoàn kết dân tộc ở miền nam ngày càng mở rộng, lực lượng cách mạng ngày càng đông đảo, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Hội nghị đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Hội nghị đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trước khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam ra đời, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tồn tại và phát triển với tư cách là chính quyền cách mạng, là người đại diện chân chính duy nhất cho nhân dân miền Nam.

Cùng với tiến trình kháng chiến, Mặt trận đoàn kết toàn dân chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam đã “tập hợp đông đảo các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị, tôn giáo, dân tộc và các tầng lớp nhân dân ta”13. Như vậy, lực lượng của Mặt trận bao gồm đủ mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi dân tộc, tôn giáo. Hàng chục vạn kiều bào ta ở nước ngoài tuy sống xa Tổ quốc, vẫn hướng về Mặt trận, hướng về ngọn cờ cứu nước. Mặt trận thực sự là người đại diện chân chính duy nhất cho nhân dân miền Nam, có uy tín và ảnh hưởng quốc tế ngày càng lớn. Với lực lượng đông đảo, Mặt trận ngày càng được củng cố vững chắc, thực sự lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam.

Mặt trận đã kiểm soát được một vùng giải phóng rộng lớn làm bàn đạp tiến lên giải phóng hoàn toàn miền nam. Thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam đã dẫn đến sự hình thành những vùng giải phóng rộng lớn từ bờ nam sông Bến Hải đến tận mũi Cà Mau, tạo một thế đứng mạnh mẽ cho quân và dân ta đánh địch khắp mọi nơi. Năm 1962, vùng giải phóng có 5 triệu dân, năm 1963 có 7 triệu dân, năm 1964 có 9 triệu dân, năm 1965 có 10 triệu dân, đến năm 1967 thì vùng giải phóng “chiếm 4/5 đất đai với 2/3 dân số miền Nam”14.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ thăm đơn vị đã chiến thắng trong trận Bầu Bàng, tỉnh Thủ Dầu Một (15/7/1965). Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ thăm đơn vị đã chiến thắng trong trận Bầu Bàng, tỉnh Thủ Dầu Một (15/7/1965). Ảnh: TTXVN

Trong vùng giải phóng, Mặt trận có đủ tư cách là một chính phủ, kiểm soát được nhiều dân ở nông thôn hơn chế độ Sài Gòn và có uy tín rộng lớn ở các thành thị. Đến năm 1968, Mặt trận đã kiểm soát 11 triệu dân trong số 14 triệu dân ở miền nam Việt Nam. Ở các vùng giải phóng, nhân dân thực sự được sống tự do. Đồng bào ở vùng giải phóng đã hăng hái đóng góp nhân tài, vật lực cho kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khả năng tiềm tàng về chính trị, vật chất và tinh thần của cách mạng miền Nam trong vùng giải phóng là một nhân tố quan trọng góp phần không nhỏ cho thắng lợi của các phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang.

Vùng giải phóng thực sự là hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có thể thấy, Mặt trận không chỉ làm chủ một vùng giải phóng rộng lớn, mà còn biến vùng giải phóng thành hậu phương tại chỗ vững chắc, là một trong những kết quả to lớn, có ý nghĩa chiến lược của cách mạng miền Nam.

Mặt trận đoàn kết toàn dân chống Mỹ ở miền nam không chỉ có lực lượng chính trị rộng lớn được tổ chức khoa học, mà còn có lực lượng vũ trang giải phóng với ba thứ quân của nhân dân.

Không thể đánh bại được quân Mỹ và quân Sài Gòn với hàng triệu binh sĩ, được vũ trang bằng đủ loại vũ khí tối tân nhất, nếu không có một lực lượng cách mạng hùng hậu bao gồm các lực lượng vũ trang nhân dân có tổ chức thống nhất và chặt chẽ, các lực lượng chính trị của hàng triệu quần chúng được giác ngộ. Thực tiễn cách mạng miền Nam trước khi Mặt trận ra đời đã cho thấy rằng, chỉ có trên cơ sở của một phong trào chính trị rộng rãi và một lực lượng vũ trang hùng hậu, cách mạng mới có thể thắng lợi.

Quân Giải phóng miền nam Việt Nam nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích tại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: qdnd.vn

Quân Giải phóng miền nam Việt Nam nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích tại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: qdnd.vn

Trên cơ sở thực tế, nêu cao tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, Đảng ta đã xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, của Mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể quần chúng trên hai miền đất nước. Đây thực sự là một thành công điển hình của Đảng về tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở rộng rãi, quan trọng, vững chắc để tổ chức, huy động lực lượng toàn dân đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đoàn kết dân tộc chống Mỹ, cứu nước ở miền nam đã đạt được những thành tựu to lớn và trở thành một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Cùng với xây dựng sức mạnh nội lực về chính trị, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chủ trương xây dựng sức mạnh trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, bởi đây là những vấn đề có mối quan hệ thống nhất, biện chứng, gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại, thúc đẩy cùng nhau phát triển để tạo sức mạnh tổng hợp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự phát triển đất nước.

Trên miền bắc xã hội chủ nghĩa, lời hiệu triệu thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”... đã trở thành lẽ sống của triệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước. Lòng yêu nước và sự giác ngộ chính trị cao của nhân dân miền bắc được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi nguồn, bồi đắp đã được nội tâm hóa, thể hiện bằng hành động cụ thể của mọi người dân trong các phong trào thi đua ái quốc sôi nổi và liên tục trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là phong trào thi đua hai giỏi (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi) đạt ba mục tiêu trong nông nghiệp, phong trào ba đảm đang của phụ nữ; phong trào ba sẵn sàng của thanh niên; phong trào ba quyết tâm của giới trí thức; phong trào thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của lực lượng vũ trang; phong trào thi đua thiếu nhi làm nghìn việc tốt chống Mỹ, cứu nước; phong trào dạy tốt, học tốt trong ngành giáo dục, mà những ngọn cờ tiêu biểu cho các phong trào đó là Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất...

Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm với đại diện 5 đơn vị đạt danh hiệu “Lá cờ đầu” trong phong trào thi đua, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III (Hà Nội, ngày 1/5/1962). Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm với đại diện 5 đơn vị đạt danh hiệu “Lá cờ đầu” trong phong trào thi đua, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III (Hà Nội, ngày 1/5/1962). Ảnh: TTXVN

Các phong trào thi đua yêu nước đó đã vượt qua mọi thử thách gian nan và ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của quân xâm lược Mỹ, kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu với sản xuất, thực hiện tốt việc chuyển hướng nền kinh tế để phục vụ đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, bảo đảm giao thông vận tải, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tròn nhiệm vụ chi viện cho miền nam và chi viện quốc tế. Trong chiến tranh ác liệt, miền Bắc vẫn đảm đương một cách xuất sắc vai trò của hậu phương lớn, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Với các kế hoạch kinh tế-văn hóa: 1955-1957; 1958-1960; 1961-1965, miền bắc tiếp tục đạt được những thành tích đáng tự hào. Từ đầu năm 1965, cả nước bước vào chiến tranh. Ngay trong chiến tranh, miền bắc vừa chiến đấu, vừa xây dựng, luôn luôn tăng cường tiềm lực về mọi mặt, để có đủ sức người, sức của chi viện cho miền nam, đưa kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Càng về sau, vào những giai đoạn quyết liệt của cuộc chiến tranh, nền kinh tế của miền Bắc ngày càng được xây dựng và phát triển. Cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội đã bước đầu được xây dựng và đang trên đà phát triển. Nền kinh tế trong nước đã có thể cung cấp phần quan trọng cho nhu cầu phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân và nhu cầu quốc phòng. Khi cần thiết, chúng ta có thể động viên nhanh chóng nhân tài, vật lực cho chiến trường miền Nam. Nhân dân miền Bắc tiếp tục sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước mọi mặt, phù hợp với điều kiện cả nước có chiến tranh.

Ở miền nam, trên mặt trận kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tổ chức, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, cuộc sống mới nảy nở và ngày càng phát triển ở những vùng giải phóng, đồng bào, chiến sĩ cùng nhau tăng gia, sản xuất, thực hiện tự cung, tự cấp, cung ứng một phần nhu cầu về lương thực, thực phẩm, góp phần nuôi quân đánh giặc.

Phong trào Thanh niên Ba sẵn sàng của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn, (tháng 8/1964), sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Phong trào Thanh niên Ba sẵn sàng của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn, (tháng 8/1964), sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong lĩnh vực văn hóa, quá trình xây dựng, phát triển nền văn hóa đã làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, thành động lực của sự phát triển và là một vũ khí tư tưởng cách mạng sắc bén của nhân dân ta, có tác dụng to lớn trong khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người, huy động sức mạnh nội sinh to lớn trong con người đóng góp vào sự phát triển của đất nước và trong việc giáo dục ý chí căm thù giặc, cổ vũ tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên tinh thần lạc quan cách mạng yêu đời vươn lên, vượt mọi khó khăn gian khổ, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng.

Văn hóa cách mạng đã đóng một vai trò tích cực trong việc tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, của Chính phủ, góp phần to lớn làm cho nhân dân ta vững vàng trong mọi tình thế, tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Mặt trận đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Văn hóa còn làm cho bộ mặt tinh thần của nhân dân ta biến đổi sâu sắc, trực tiếp góp phần hình thành con người mới và xã hội mới xã hội chủ nghĩa.

Trên nền tảng văn hóa cách mạng và lòng yêu nước, căm thù giặc Mỹ, quân và dân ta ở miền Nam hăng hái liên tục đẩy mạnh các phong trào thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công; phong trào thi đua ba bám ở Nam Bộ,... đã đánh thắng cuộc “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, phá tan từng mảng ấp chiến lược, khu dồn dân của địch. Bước vào cuộc “chiến tranh cục bộ”, quân và dân miền nam lại đẩy mạnh các phong trào thi đua Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt; thi đua phấn đấu trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt máy bay, và Đơn vị anh dũng diệt Mỹ... Quân khu 5 còn phát động phong trào thi đua Xé xác Rồng xanh, phanh thây giặc Mỹ để trả thù cho đồng bào xã Bình Hòa và thôn Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê) bị quân Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) và quân Mỹ tàn sát tập thể. Mặt trận Tây Nguyên phát động phong trào thi đua Trường Sơn chuyển mình, Pôcô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng Tây Nguyên. Những phong trào thi đua cứu quốc đã tỏ rõ sức mạnh và ý chí Việt Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Dũng sĩ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tại Phủ Chủ tịch ngày 28/2/1969. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Dũng sĩ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tại Phủ Chủ tịch ngày 28/2/1969. Ảnh: TTXVN

Sức mạnh và ý chí của quân và dân ta ở miền Nam được phát huy cao độ đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của quân Mỹ (1965-1966; 1966-1967), tiến lên làm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 khiến cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn choáng váng, run sợ, thế giới kinh ngạc. Sức mạnh và ý chí Việt Nam đã buộc giới cầm quyền Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân chiến đấu Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chính nhờ sức mạnh và ý chí Việt Nam này, bốn năm sau ta đã đánh cho Mỹ cút và hai năm bốn tháng sau, ta đã đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khơi dậy, phát huy sức mạnh nội lực của dân tộc chính là khơi dậy, phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của ý thức dân tộc, của ý chí đấu tranh anh dũng, của truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa-tư tưởng.

Khơi dậy, phát huy sức mạnh nội lực của dân tộc chính là khơi dậy, phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của ý thức dân tộc, của ý chí đấu tranh anh dũng, của truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa-tư tưởng. Đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng mà trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng không bao giờ xem nhẹ, hoặc buông lơi.

Nguồn: Sách Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 12 | Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật | 2019
Trình bày: Ngô Hương
Ảnh: TTXVN; qdnd.vn