Từ cửa ngõ phía nam...
Tại cửa ngõ phía nam Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận ngày 5/7, nhiều căn nhà của các hộ kinh doanh, hộ gia đình dọc tuyến Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), đoạn gần cầu Ông Thìn đã chủ động giải tỏa mặt bằng đến gần 20m, bàn giao cho chính quyền, phục vụ việc mở rộng tuyến đường huyết mạch này.
Ông Uông Văn Em (ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Sau khi nhận tiền đền bù, gia đình tôi đã thuê thợ đến tháo dỡ các hạng mục nằm trong diện giải tỏa và ổn định chỗ ở. Tôi hy vọng dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác, giúp giảm ùn tắc trên tuyến đường huyết mạch này”.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), dự án mở rộng Quốc lộ 50 cần thu hồi 26,57ha với 594 trường hợp ảnh hưởng. Đến nay vẫn còn 27 hộ dân và 2 doanh nghiệp chưa bàn giao mặt bằng. Các bên đang phấn đấu trong tháng 7/2024 có 100% mặt bằng cho dự án.
Dự án mở rộng Quốc lộ 50 được đầu tư với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, dài gần 7 km, mở rộng lên 34m cho 6 làn xe. Trong đó, hơn 4km sẽ làm đường mới song hành Quốc lộ 50, đoạn còn lại mở rộng đường hiện hữu. Trên tuyến, 2 cầu Bà Lớn và Ông Thìn cũng được xây dựng đồng bộ.
Quốc lộ 50 là tuyến huyết mạch nối Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây nhưng nhỏ hẹp, trong khi đây còn là trục đường dẫn vào khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước nên thường xảy ra ùn tắc, tai nạn. Dự án khi hoàn thành giúp tăng kết nối giao thông, kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Long An cùng các tỉnh miền Tây. Mặt khác, công trình cũng liên kết các tuyến huyết mạch khác như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3; đại lộ Nguyễn Văn Linh,... giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông phía nam Thành phố Hồ Chí Minh.
Tương tự, một dự án hạ tầng trọng điểm khu nam nữa là dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) được thi công xây dựng với tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng (giai đoạn 1). Ghi nhận trên công trường, từng nhóm công nhân đang khẩn trương thi công các hạng mục như đào đất, nhồi móng, ép cọc, đổ bê-tông mặt sàn hầm và thành hầm,... Hiện nay, trên công trường có khoảng 150 cán bộ, kỹ sư, công nhân, cùng hàng chục loại máy móc, thiết bị thi công ngày đêm với 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ.
Còn nhánh hầm chui HC2 đã được đào thông. “Chúng tôi đang đôn đốc các đơn vị làm việc cả ngày lẫn đêm để trong tháng 8 xong phần kết cấu và lắp đặt hệ thống camera, chiếu sáng… và đưa vào vận hành hầm HC2”, ông Vũ Quang Chính, Giám sát dự án hầm chui thông tin.
Theo Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc, dự án gồm hai hầm ở mỗi chiều đường Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456m, 3 làn xe, vận tốc 60km/h; phía trên làm đảo tròn cùng các nhánh rẽ. Hầm chui ban đầu dự kiến xong tháng 6/2022, nhưng bị dời sang năm 2024. Dự kiến, toàn bộ dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hoàn thành cuối năm 2024, giúp giảm áp lực giao thông cửa ngõ phía nam Thành phố Hồ Chí Minh và tạo điều kiện cho xe từ Nguyễn Hữu Thọ ra tới cầu Kênh Tẻ vào trung tâm thành phố thông thoáng hơn.
... đến cửa ngõ phía đông
Tương tự, tại khu phía đông Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày qua, nhiều căn nhà dọc đường Hoàng Hữu Nam (TP Thủ Đức) được người dân phá dỡ, lùi sâu vào trong, chờ triển khai dự án mở rộng đường. Hiện, nhà thầu đã huy động công nhân và máy móc thi công một số đoạn có mặt bằng.
Đường Hoàng Hữu Nam là một trong những tuyến đường kết nối vào bến xe Miền Đông mới. Đây cũng là tuyến đường liên kết các cảng, khu công nghiệp tại TP Thủ Đức, nên lượng xe qua lại rất đông. Do mặt đường cũ chỉ rộng 7m, nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Trước đó, năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai dự án mở rộng đường Hoàng Hữu Nam từ Bến xe Miền Đông mới đến nút giao Xa lộ Hà Nội, dài 1,7 km, rộng đến 30m. Dự án cũng nâng cấp đường D400 và đường số 13. Tổng mức đầu tư dự án hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, hiện đường D400 và đường số 13 đã hoàn thành, nhưng đường Hoàng Hữu Nam còn thi công dang dở.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư) thông tin, để triển khai dự án đường Hoàng Hữu Nam cần thu hồi hơn 47.500 m2 đất của 154 hộ dân. Hiện, dự án còn vướng mắc hơn 20 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Nếu các hộ này được giải tỏa xong sớm, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành dịp 30/4/2025.
Cùng thời điểm này, hàng chục hộ dân trên đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức) đang tháo dỡ một phần nhà sau khi nhận đủ tiền giải tỏa. Có nhiều căn nhà đã tháo dỡ xong, lùi vào từ 5-7m, cũng như hoàn thiện phần sửa chữa sau khi bàn giao.
“Tôi hy vọng khi mặt bằng đã có, cơ quan chức năng nhanh chóng mở rộng tuyến đường khu đông này, giải quyết dứt điểm tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng lâu nay”, bà Lương Thu Minh (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) gửi gắm.
Hiện, TP Thủ Đức đã chi trả tiền bồi thường cho dự án hơn 1.000 tỷ đồng với hơn 300 hộ dân, tổ chức đã nhận tiền. Dự kiến hết năm nay sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án. Cơ quan chức năng TP Thủ Đức đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể vận động người dân nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư), sau khi có mặt bằng, năm 2025 sẽ tổ chức đấu thầu, khởi công dự án và hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình trong năm 2026.
Dự án mở rộng đoạn đường Nguyễn Thị Định dài 2km (từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) được HĐND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư năm 2015. Đến cuối năm 2023, HĐND thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án lên 2.075 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ được mở rộng lên 30m.
Cũng tại khu đông, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Sở vừa đề xuất UBND thành phố ưu tiên bố trí vốn triển khai dự án nâng cấp, mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh trong giai đoạn 2024 - 2030. Theo đó, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ ngã tư Hàng Xanh đến nút giao Đài Liệt sĩ) dài khoảng 2 km sẽ được mở rộng lên 30m. Đồng thời, xây dựng nút giao Đài Liệt sĩ theo phương án đảo xoay vòng kết hợp hầm chui. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.000 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật khoảng 4.500 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) là một trong những tuyến đường huyết mạch của thành phố, nối khu vực trung tâm với các khu vực ngoại thành phía đông bắc và tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên. Tuy nhiên, đoạn từ cầu vượt Hàng Xanh đến nút giao Đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh) luôn ùn ứ kéo dài, nhất là vào các giờ tan tầm. Tuyến đường này là một trong 24 điểm đen ùn tắc của Thành phố Hồ Chí Minh.