Nên duyên từ trống quân
Nếu như bây giờ, người ta nhắc đến sông Nhuệ như một con sông ô nhiễm bậc nhất, thì độ năm chục năm trước, nhiều người từng có dịp say mê các làn điệu dân ca ven dòng sông này như hát chèo, hát trống quân.
Ở thôn Đan Nhiễm (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP Hà Nội), ngay đến bà Vẫy - nghệ nhân gạo cội cũng chẳng rõ hát trống quân ra đời vào thời điểm nào. Tuy vậy để tồn tại đến ngày nay thì trống quân Đan Nhiễm đã có một sức sống vượt thời gian. “Mẹ tôi, các dì tôi, anh chị tôi đều hát trống quân rất giỏi, chẳng ai dạy ai, cứ nhìn nhau mà học. Hát trống quân phổ biến hằng ngày từ hát ru con, hát mừng lúa chín, hát hội hè, nhiều nhất là hát đối đáp giao duyên. Nhờ hát trống quân mà tôi nên duyên với ông Nguyễn Văn Cường và có một đàn con như bây giờ”, cụ Vẫy tâm sự.
Cụ kể, trước kia sông Nhuệ nước xanh trong, hai bên cỏ mọc tươi tốt, nam thanh nữ tú dong thuyền dưới sông hát đối đáp về quê hương đất nước, kinh nghiệm sản xuất... Sau những đêm trăng thanh gió mát đó, không ít đôi lứa nên duyên. Mỗi tốp nam nữ thường có năm bảy người, không phải ai cũng là hát chính mà thường có người hát vận (hát mồi), có người thuộc làu làu lời cổ, cũng có người sáng tác lời theo chủ đề.
Chồng cụ Vẫy (cụ Cường, nay đã mất) như “nghiện” nghe hát trống quân, tối nào trước khi đi ngủ đều bảo vợ hát cho nghe mấy câu mới ngủ ngon được. Hát trống quân được lưu giữ vào người nghệ nhân già cả một đời (cho dù cụ Vẫy không biết chữ), đến nay, cả những bài trống quân cổ hay sáng tác mới, cụ Vẫy đều nhớ như in. “Những lần tôi đi hát hội, ông Cường thường tay dắt tay bế con đi theo để xem mẹ hát, có lúc trông bọn nhỏ cả mấy tiếng liền mà vẫn nhiệt tình”. Chồng đã đi xa nhiều năm, cụ lại hát cho cháu chắt nghe. Đến nay, cu cậu cháu nội tám tuổi của cụ Vẫy đã có thể hát trống quân ở mức độ tương đối.
Già cũng phải sống có trách nhiệm
Hát trống quân từ khi mới lớn đến nay đã bảy chục năm, từ khi được phong là NNƯT năm 2019, cụ Vẫy bắt đầu được nhận trợ cấp nghệ nhân 850 nghìn đồng/tháng. Tuy vậy những năm tháng trước, dù chẳng có đồng nào trợ cấp, cụ vẫn luôn tận tình truyền dạy và đi hát biểu diễn tại các dịp lễ hội ở địa phương.
Cụ Vẫy cho biết, trước kia các cụ như cụ Tốn, cụ Nhiên, ông Trường, cụ Lơ, nào ai được nhận đồng trợ cấp nào nhưng ngày đêm vẫn sưu tầm rồi tập luyện, truyền dạy hát trống quân với mong muốn duy nhất là lưu giữ làn điệu dân ca đặc trưng của quê hương Đan Nhiễm. Đến nay, mình được Nhà nước và xã hội quan tâm, trợ cấp thì càng phải có trách nhiệm hơn, kể cả già yếu mà vẫn hát được thì vẫn đi dạy đến bao giờ không hát được nữa thì thôi.
Với những cống hiến trọn đời của mình cho hát trống quân, cụ Vẫy đã được nhận danh hiệu Người tốt Việc tốt của huyện Thường Tín năm 2019. Câu lạc bộ hát trống quân thôn Đan Nhiễm thành lập năm 2005, mỗi năm mở một lớp khoảng 20 học viên, cụ Vẫy đều tham gia với vai trò “giáo viên chính”, đến nay có 50 người đã được cụ truyền dạy hát thành thạo.
Tuy vậy, việc truyền dạy hát trống quân cũng gặp không ít khó khăn do hạn chế trong khâu tổ chức và thiếu kinh phí, năm vừa rồi lại gặp dịch Covid-19 nên hoạt động truyền dạy có phần bị ngưng lại. Sông Nhuệ cũng ô nhiễm, không thể dong thuyền được, rác bủa vây khắp nơi, dòng nước thì đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Hiện nay câu lạc bộ có 30 thành viên, hầu hết là các cụ già, sức đã yếu, duy trì hoạt động một tuần một lần. Có điều đi diễn phải phụ thuộc vào các nơi mời, rồi lại phải tự túc xe cộ. Điều này thật khó khăn với các cụ già hoặc những em nhỏ.
Lớp trẻ giờ ít quan tâm đến hát giao duyên theo lối cổ, rồi người hát phải biết ứng khẩu, lớp học mỗi năm lại ít đi một vài học viên. Thêm nữa, tiền đâu mà may trang phục cho các cháu, chẳng nhẽ lại bảo bố mẹ chúng tự mua, học xong mà không đi diễn luôn thì các cháu quên ngay, nguồn khích lệ vật chất cho các cháu không có khiến học viên mỗi ngày một giảm, cụ Vẫy tâm sự: “Tôi chỉ mong địa phương đưa hát trống quân vào chương trình tiểu học và trung học, giúp chúng tôi đến với nhiều nơi để có cơ hội được biểu diễn hát, từ đó có kinh phí để duy trì và truyền dạy tại câu lạc bộ. Cũng mong đài phát thanh xã tăng cường cho nghệ nhân lên hát, giúp người dân thấm nhuần câu chữ trong trống quân hơn”.