Luôn ở trạng thái “cảnh báo cháy rừng”
Trong căn phòng chỉ hơn 10 m² ở trại 4 xã Yên Quang, huyện Ý Yên (Nam Định), Nguyễn Thị Ngọc Tâm tỉ mỉ sửa từng nét chữ, phép tính cho các bạn nhỏ. Đã gần 20 năm nay, cô gái không may mắc bệnh xương thủy tinh mở lớp dạy học miễn phí. Đó là cách để cô thực hiện giấc mơ thời thơ ấu.
Tâm ham học từ nhỏ, nhưng vì bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nên khi 8 tuổi, cô mới vào lớp 1. Hết lớp 9, trường cấp III cách nhà tới 15 km nên Tâm buộc phải nghỉ. Cô vẫn nhớ 9 năm đi học được tròn 20 cái giấy khen. Em mơ làm cô giáo, Tâm bảo. Cũng chính vì giấc mơ lấp lánh như thủy tinh ấy mà năm 2004, cô quyết định mở lớp dạy miễn phí cho các bạn học sinh cấp I, cấp II.
Tâm gọi đấy là “lớp học năm không”: Không bảng, không phấn, không bục giảng, không giáo án và không học phí. Ban đầu, cô dạy cho hai bạn gần bằng tuổi mình. Đến giờ, Tâm có khoảng 20 học sinh, dạy vào các thứ 7, chủ nhật hằng tuần và một vài buổi trong tuần. Học trò của cô không chỉ là con các gia đình ở xã Yên Quang, mà còn đến từ nhiều xã khác thuộc huyện Ý Yên, thậm chí từ các xã giáp ranh Nam Định của tỉnh Ninh Bình.
Không được đào tạo sư phạm bài bản, lại dạy các em ở các độ tuổi, cấp học khác nhau, Tâm phải cố gắng rất nhiều để nắm vững kiến thức của nhiều bộ sách giáo khoa ở đủ các môn từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. “Trò học, cô cũng phải học”, Tâm cười bảo. Không chỉ thế, Tâm còn không ngừng tìm tòi kiến thức, phương pháp dạy mới để bọn nhỏ hình thành hứng thú, đam mê học tập.
Ở tuổi 33, Tâm không nhớ nổi số lần bị gãy xương. Chỉ cần ngồi lệch hay hoạt động mạnh một chút, xương cũng gãy. Có hôm vừa đến bệnh viện bó bột xong về đến nhà thì… xương gãy chỗ khác, lại phải quay vào viện. Càng ngày, bệnh xương thủy tinh càng trầm trọng thêm. Không những vậy, Tâm lại bị nhiều bệnh khác về tim, phổi, phế quản, dạ dày… “Các cơ quan đoàn thể của em đều ở trạng thái… cảnh báo cháy rừng”, Tâm đùa. Có những lần ốm nặng, cô phải tiêm ba, bốn mũi, uống hàng chục viên thuốc một ngày. Đến đêm, Tâm phải ngủ trong tư thế ngồi vì cứ nằm xuống là phổi bị ép không thở được…
![]() |
Một buổi học của lớp học “Ngọc Tâm thủy tinh”. |
Giấy khen học trò là liều thuốc cô vượt qua đau đớn
Những căn bệnh quái ác, với vô vàn đau đớn không dập tắt được khát vọng sống đẹp, sống ý nghĩa của Nguyễn Thị Ngọc Tâm. Tâm nói, ánh mắt sáng lên sau cặp kính: Mỗi người chỉ sinh ra một lần, được sinh ra đã là một điều diệu kỳ nên hãy cố gắng tạo ra điều kỳ diệu. Cứ thế từng ngày, căn phòng nhỏ, bàn ghế đơn sơ của “cô giáo 15 kg” luôn rộn rã tiếng cười.
Khác hẳn vẻ nghiêm túc trong giờ, khi hết buổi học, cô giáo Tâm trở lại là một cô gái hài hước yêu đời, thích chụp ảnh selfie với đám trò nhỏ. Tâm bảo, người khuyết tật thường tự ti về thiệt thòi của mình, nhưng em không thế. Em yêu bản thân, cũng thích xinh đẹp, thích xuất hiện chỉn chu trước mọi người, sống lạc quan và lan tỏa nhiều năng lượng tích cực.
Tâm hết mực yêu quý đám học trò. Mỗi tấm giấy khen của trò đều là liều thuốc giúp cô vượt qua đau đớn. Có những bạn theo học Tâm nhiều năm, đã lên cấp III, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi và sau này đỗ vào trường đại học danh tiếng. Đó là động lực để Tâm bền chí gieo mầm ước mơ. Cô xúc động nói: “Chỉ cần trái tim em còn đập, cánh cửa lớp học vẫn luôn mở”.
Tâm cũng là một trong 36 Gương thanh niên tiêu biểu nhiệm kỳ 2017-2022; một trong 47 gương phụ nữ khuyết tật tiêu biểu có đóng góp tích cực cho cộng đồng; một trong bốn cá nhân tiêu biểu trên cả nước được trao giải thưởng KOVA hạng mục “Sống đẹp”; một trong 50 đại biểu đại diện cho gần 2.000 nhân vật trong Chương trình “Việc tử tế” của Đài Truyền hình Việt Nam được tiếp kiến Chủ tịch nước…
Tâm thương mẹ vô cùng. Ngoài công việc đồng áng, lợn gà, bà Nguyễn Thanh Sự còn tất bật sắp xếp lớp học, nấu cơm cho con gái và các học trò. Từ khi Tâm sinh ra, mọi sinh hoạt và di chuyển của cô đều do mẹ chăm sóc. Cha Tâm trước đây công tác tại Trường cao đẳng Xây dựng Nam Định, giờ đã nghỉ hưu. Hai ông bà vẫn hằng ngày tằn tiện, chắt bóp để lo chi phí thuốc men cho cô con gái bé nhỏ.
Tâm rất yêu thơ. Cô kể năm lớp 4 đã bắt đầu làm thơ. Đến giờ, cô đã có nhiều bài thơ được phổ nhạc. Ngoài lúc dạy học, Tâm hay viết thơ gửi một số báo. Tiền nhuận bút hoặc giải thưởng, cô dành mua hết sách vở, đồ dùng học tập làm phần thưởng nho nhỏ khích lệ học trò. Những năm gần đây, Tâm thường được mời đi nói chuyện, truyền cảm hứng về hành trình vươn lên chiến thắng bệnh tật để sống có ý nghĩa. Cô cũng tham gia công tác xã hội nhiều hơn với vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh Nam Định.
Tên Facebook cá nhân của cô là “Ngọc Tâm thủy tinh”. Ngoài lớp học, cô còn sáng lập Quỹ học bổng Ngọc Tâm thủy tinh và Không gian đọc Ngọc Tâm thủy tinh, tập hợp hơn 1.500 đầu sách để gieo mầm tri thức cho học trò. Cô ấp ủ một tập thơ của riêng mình. “Nhưng giờ thì chưa. Em muốn nếu ra đời, tập thơ phải thật trau chuốt”, cô gái có tâm hồn lấp lánh như thủy tinh nhoẻn miệng cười…
Với ý chí và nghị lực mạnh mẽ, sự nỗ lực không ngừng để vượt lên số phận, sống tích cực và cống hiến cho cộng đồng, Nguyễn Thị Ngọc Tâm đã được trao tặng nhiều bằng khen và giải thưởng cao quý. Chỉ tính riêng trong hai năm 2022-2023, Tâm đã được vinh danh tại hàng chục sự kiện. Tiêu biểu trong số đó là Chương trình “Hồ Chí Minh-Hành trình khát vọng” - tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ.