Dài dọc con đường Trường Sơn không chỉ có hình bóng của những người lính Cụ Hồ, chặng đường ấy còn hằn in dấu chân của hàng nghìn nhà giáo ngày đêm hành quân từ miền bắc vào chi viện cho chiến trường miền nam thân yêu. Nỗ lực của họ trên mặt trận văn hóa, giáo dục đã đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1961, với tinh thần tự nguyện, hàng trăm cán bộ giáo dục và giáo viên từ miền bắc đã bí mật vượt đường mòn Trường Sơn vào miền nam làm nhiệm vụ xây dựng và phát triển giáo dục tại các vùng giải phóng. Họ được mang một bí danh chung là “giáo viên đi B”. Đó là những thầy cô giáo không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng trong khi làm nhiệm vụ, giặc đến họ vẫn phải cầm súng chiến đấu hoặc phục vụ cho chiến trường.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những kỷ niệm về một thời khói lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhà giáo Đỗ Trọng Văn. Lòng yêu nước nồng nàn đã thôi thúc chàng thanh niên 29 tuổi khi đó gác lại tuổi trẻ sôi nổi, dằn lòng để rời xa gia đình, xa các đồng nghiệp và học sinh thân yêu để lên đường vượt Trường Sơn vào miền nam nhận nhiệm vụ, theo yêu cầu của sự nghiệp giáo dục cách mạng miền nam.

Trước khi đi B, thầy giáo Đỗ Trọng Văn là giảng viên môn Ngữ văn tại Trường Sư phạm trung cấp Hưng Yên được khoảng 6 năm. Lúc bấy giờ thầy Văn đang là trụ cột của một gia đình nhỏ, có vợ cũng là giáo viên, dạy cùng trường và 2 con còn nhỏ. Thuở ấy, tổ ấm của thầy được xem là mơ ước của nhiều bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, mà khi nhận được lời kêu gọi vào chiến trường miền nam làm nhiệm vụ giáo dục tại các vùng mới được giải phóng, người thầy giáo trẻ đó đã phải tự đấu tranh tư tưởng với bản thân, vượt qua mọi toan tính cá nhân, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích của gia đình, bản thân.

Hình ảnh thầy giáo Đỗ Trọng Văn cùng gia đình trước khi đi B.

Hình ảnh thầy giáo Đỗ Trọng Văn cùng gia đình trước khi đi B.

“Ngày được kêu gọi đi B, con gái lớn của tôi chưa đầy 3 tuổi, đứa con trai chỉ mới tròn 6 tháng. Chúng tôi lập nghiệp ở Hưng Yên còn bố mẹ tôi và gia đình vợ tôi đều ở Hà Nội, các con lại còn quá nhỏ. Nếu tôi đi xa, vợ tôi phải vừa dạy học, vừa chăm lo cho hai con, trong hoàn cảnh khi ấy, phải đi sơ tán sẽ vô cùng khó khăn, vất vả. Một lý do nữa khiến tôi trăn trở là bố mẹ chỉ có mình tôi là con trai, sau tôi còn có hai em gái”, ông Văn kể lại.

Dứt lời, ông Văn lấy ra cuốn album lưu giữ những hình ảnh quý giá của gia đình thời đó. Chỉ vào hai tấm hình được đặt cạnh nhau, ông nói : “Đây là tấm hình gia đình tôi chụp kỷ niệm trước khi đi vào miền nam công tác, khi đó còn xuân sắc, khỏe mạnh, tươi tắn. Còn tấm hình này là khi đã hòa bình sau 7,8 năm tôi trở về, cả hai vợ chồng cùng gầy gò với khuôn mặt còn thể hiện rõ nỗi âu lo của người phụ nữ phải trải qua bao vất vả nuôi con ăn học trong 7, 8 năm trời. Lường trước được rằng, sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng hoàn cảnh lúc đó buộc tôi phải suy nghĩ giữa trách nhiệm với gia đình và nghĩa vụ với Tổ quốc”.

“Dẫu biết lần ra đi ấy không hẹn ngày về, thế nhưng, tôi vẫn quyết định viết đơn tình nguyện xin lên đường vào nam làm giáo dục. Tôi đã tự đấu tranh tư tưởng trước hết với bản thân, sau đó, động viên tinh thần bố mẹ và vợ, phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân vì tương lai đất nước. Bởi tôi hiểu, Tổ quốc đang cần chúng tôi, lớp trẻ ở miền nam cũng đang cần chúng tôi”.

Trong số 31 đoàn giáo viên chi viện cho giáo dục miền nam, đoàn của thầy Văn xuất phát tháng 3/1969, là đoàn thứ 9. Trước khi lên đường, các cán bộ đã được tham gia lớp học về chính trị để thông suốt về tình hình chiến tranh cách mạng ở miền nam và những nét đặc thù trong đời sống của đồng bào miền nam. Đồng thời, họ cũng được rèn luyện sức khỏe trong suốt một tháng. Họ được rèn sức bền, rèn ý chí bằng cách luyện leo dốc, xuống dốc trên vai đeo từ 12, 13kg hành lý, rồi tăng dần lên đủ 30kg.

Nhà giáo Đỗ Trọng Văn trong những ngày công tác tại Phòng tuyên truyền, Tiểu ban Giáo dục R.

Nhà giáo Đỗ Trọng Văn trong những ngày công tác tại Phòng tuyên truyền, Tiểu ban Giáo dục R.

Ngày lên đường, đoàn xuất phát từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, xe của quân đội chở đoàn đến tỉnh Quảng Bình. Nghỉ ngơi một hôm, rồi tất cả bắt đầu đi bộ dọc theo dải Trường Sơn. Họ sẽ phải vượt qua những chặng đường khúc khuỷu, khi thì trèo đèo, lội suối, khi băng qua rừng rậm hiểm trở, đối mặt với nắng, mưa thất thường.

“Ai không trải qua thì không thể nào hình dung nổi sự vất vả của hành trình gian nan này. Ấn tượng sâu đậm nhất với tôi là chặng đường vượt qua ngọn núi mà các chiến sĩ giao liên gọi là “cổng trời” cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Cả đoàn hơn 250 người, bao gồm các nhà giáo và cán bộ y tế, cứ nối gót nhau leo dốc. Lúc đầu, họ còn trò chuyện, tâm tình, dặn nhau phải cẩn thận, trên đường đi. Sau dần, chẳng còn ai nói năng gì. Chỉ nghe thấy tiếng thở dốc. Càng lên cao, độ dốc càng lớn. “Có lúc, tôi tưởng chừng như đã đứt hơi”, ông hồi tưởng.

Cố sức đến trưa, đoàn mới đến đỉnh của “cổng trời”. Nghỉ ngơi ăn hết vắt cơm được nắm từ sáng, rồi tiếp tục đi xuống, họ không cho phép mình dừng lại quá lâu. Khi xuống dốc, tưởng dễ mà lại khó, mức độ rủi ro tăng lên gấp bội.

“Mang chiếc balo nặng hơn 30 cân trên vai, tôi cảm giác cả người mình bị đè xuống, chân đi thì run rẩy. Chỉ cần sơ sẩy một chút, sức nặng của chúng sẽ đẩy cả người lao xuống dốc. Có người đã trượt ngã nhưng may thay, rừng cây đã giữ họ lại”, những hình ảnh vượt vạn dặm Trường Sơn lần lượt hiện về trong ký ức của ông Văn.

Cái gian nan nữa là phải hành quân đêm để tránh sự oanh tạc của máy bay B52. Đi đêm trong rừng tối đen như mực. Để tránh lạc đường, người đi sau phải dùng dây buộc vào balo người đi trước. Họ cứ thế mà đi, không dám dừng chân để nghỉ. “Vì nghỉ chắc không thể đi tiếp được nữa và lạc mất đoàn”, ông Văn nói. Cứ như thế, đúng 100 ngày, ông vào đến địa điểm đã hẹn. Nhưng chỉ khoảng 2/3 trong số những người đi cùng tới nơi. Những đồng đội khác vì yếu sức, vì ốm đau đã nghỉ lại tại các Trạm trên dọc tuyến đường Trường Sơn lịch sử, khi nào khỏe lại đi tiếp…

Nhà giáo Đỗ Trọng Văn trong những ngày công tác tại Phòng tuyên truyền, Tiểu ban Giáo dục R.

Nhà giáo Đỗ Trọng Văn trong những ngày công tác tại Phòng tuyên truyền, Tiểu ban Giáo dục R.

Tháng 6/1969, đoàn cán bộ giáo dục thứ 9 từ miền bắc vào đến Trạm đón tiếp của “Ông Cụ” (bí danh của Căn cứ Trung ương Cục miền nam) tại Tây Ninh để chờ nhận nhiệm vụ. Song vì tình hình không thuận lợi, nhiều người đã không thể đi về các địa phương làm nhiệm vụ dạy học. Phải đến khoảng 3 tháng sau, thầy Đỗ Trọng Văn mới được phân công về Tiểu ban Giáo dục miền nam, hay còn gọi là Tiểu ban Giáo dục R (hoặc B3), là cơ quan lãnh đạo Giáo dục toàn miền nam, trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam nhận công tác. Tại đây, thầy được nhận nhiệm vụ về Phòng Tổng hợp-tuyên truyền của Tiểu ban.

Đúng như tên gọi của Phòng Tổng hợp-Tuyên truyền, nhiệm vụ của thầy Văn cùng các đồng nghiệp là tổng hợp tình hình giáo dục các vùng đã được giải phóng và tuyên truyền về sự phát triển của giáo dục vùng giải phóng miền nam Việt Nam.

“Việc của chúng tôi là giới thiệu về sự phát triển của nền giáo dục ở vùng giải phóng, nêu gương các thầy, cô giáo bám lớp, vận động nhiều học sinh đi học, có nhiều sáng tạo tổ chức lớp học trong hoàn cảnh vừa chiến đấu vừa dạy học, bảo vệ học sinh…đồng thời phân tích, bình luận về tình hình giáo dục ở vùng tạm chiếm của chính quyền Sài Gòn, khích lệ các cuộc đấu tranh của giáo chức, học sinh và sinh viên nhằm chống chính quyền tay sai cho quân Mỹ xâm lược và đòi Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam”, thầy Văn cho biết.

Nhiệm vụ rõ ràng như vậy, nhưng thực hiện không đơn giản chút nào vì rất thiếu thốn, khó khăn về nguồn thông tin, tài liệu. Họ chỉ có thể dựa vào việc nghe đài và đọc báo, đọc các báo cáo (rất hiếm hoi) của các cơ sở giáo dục ở địa phương gửi về.

“Chúng tôi được trang bị một chiếc radio và một máy ghi âm. Cả hai đều rất to và nặng nề, nếu phải di chuyển, nhưng như thế cũng đã quý lắm rồi. Nguồn tin là Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh của chính quyền Sài Gòn, cùng một số bài báo, rải rác các báo cáo của cán bộ hoạt động ở các tỉnh và từ vùng tạm chiếm được gửi ra”, thầy Văn kể.

Gác lại hình ảnh người thầy cầm phấn trên bục giảng, giờ đây, họ trở thành những nhà báo đấu tranh cho công tác tuyên truyền trên mặt trận giáo dục. Báo viết thì có bài là gửi ngay. Còn phát thanh thì mỗi tuần, họ đảm nhận nội dung cho 2 chương trình phát sóng trên Đài Phát thanh Giải phóng. Một buổi nói về giáo dục vùng giải phóng và một buổi nói về giáo dục vùng tạm chiếm.

Vì hiếm khi có cơ hội đi thực tế nên niềm vui của những người làm công tác tuyên truyền cho vùng tạm chiếm đến từ những cuộc gặp gỡ với các cán bộ nằm vùng. Họ là những người sống trong lòng địch, có dịp về Căn cứ Trung ương Cục miền nam báo cáo. “Thông tin từ họ là hấp dẫn và chân thực nhất. Chúng tôi lắng nghe và hỏi han cặn kẽ từng chi tiết để có thêm tư liệu mà viết”, ông Văn nói.

Cuộc chiến trên mặt trận giáo dục thời chống Mỹ không chỉ diễn ra trong công tác thông tin, tuyên truyền, các nhà giáo đi B cũng đã nỗ lực duy trì hoạt động trường, lớp ở các địa phương.

Thầy giáo Đỗ Trọng Văn kể lại, thời đó có nhiều dạng trường, lớp được hình thành, bao gồm trường, lớp tập trung và trường, lớp trong dân. Ở các khu căn cứ trọng yếu thuộc vùng khu 5 (Trung Bộ), khu 6 (Nam Trung Bộ), Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều có các điểm trường, lớp dành cho con, em những cán bộ tham gia kháng chiến. Đó là các trường cấp I và cấp II học tập trung, và có các trường Sư phạm đào tạo giáo viên cấp 1 và giáo viên cấp 2. Nhiều tỉnh có vùng giải phóng rộng lớn cũng có các loại trường này. Số điểm trường được thành lập tuy không nhiều, mỗi khối chỉ được một hai lớp, nhưng để duy trì những lớp học trong bom đạn là sự cố gắng không ngừng của các thầy, cô giáo vì ở nơi chiến trường khốc liệt, các thầy còn phải lo ăn, nghỉ và bảo vệ sự an toàn cho các em học sinh.

“Còn dạng trường, lớp ở trong dân thì các cán bộ giảng dạy ngay tại thôn, ấp. Số lớp học linh động, tùy theo tình thế và trận địa để tổ chức. Lúc thì các em học tại nhà, khi thì học trong hầm, dưới các tán cây to… Giáo viên giảng dạy với phương châm: cứ có học sinh là có người dạy, yên ổn là dạy, địch tới thì phải lánh đi”, thầy giáo Văn chia sẻ.

Về sách vở dành cho học sinh, bài giảng các môn khoa học tự nhiên được dựa vào sách lưu hành ở chính quyền miền nam khi ấy. Các thầy cô đã lược bớt những phần không phù hợp, chỉ sử dụng chủ yếu những kiến thức cần thiết. Đối với các môn khoa học xã hội, giáo viên truyền tải từ vốn kiến thức mà mình có.

Sau này, Tiểu ban Giáo dục miền nam cũng triển khai biên soạn sách cho học sinh cấp 1. Mãi đến năm 1973, bộ sách mới tương đối ổn định. Một số cuốn về lịch sử, địa lý, văn hóa, khoa học thường thức,… cho học sinh miền nam đang trong quá trình hoàn chỉnh thì đất nước hoàn toàn giải phóng.

“Nhớ lại những ngày cuối tháng 4/1975 lịch sử, chúng tôi đã sống trong sự nôn nao, vui mừng khi biết ngày chiến thắng không còn xa. Sáng 28/4/1975, xe quân đội đã chở chúng tôi lên đường tập kết để làm nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở giáo dục của Chính quyền Sài Gòn. Trưa 30/4, khi nghe tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng. Chúng tôi lập tức được lệnh theo chân của các chiến sĩ Giải phóng để tiến về Sài Gòn”, từng hình ảnh về ngày quân, dân ta chiến thắng, về đất nước thống nhất lần lượt hiện ra trong tâm trí của thầy giáo Đỗ Trọng Văn.

Cảnh sân trường trong ngày đầu Sài Gòn được giải phóng.

Cảnh sân trường trong ngày đầu Sài Gòn được giải phóng.

Chiều muộn hôm ấy, đoàn xe chở các nhà giáo đã qua ngã tư Bảy Hiền - nút giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía tây bắc của Sài Gòn. Nhà cửa vẫn vẹn nguyên. Hai bên đường, người dân đã đứng thành hàng, nhìn đoàn xe qua. Có người trên nét mặt thể hiện rõ sự lo lắng. Có người thì mạnh dạn tiến đến gần, sung sướng vẫy tay chào, ném lên xe nào là bánh, kẹo, thuốc lá, cơm nắm rồi thịt gà, giò chả…

Trong tối đó, các thầy, cô giáo được các em sinh viên nấu mỳ tôm cho ăn. “Đó là một bữa ăn mừng chiến thắng của chúng tôi ngay trung tâm Sài Gòn”, thầy giáo Văn vui vẻ nói.

Sáng hôm sau, mồng 1/5, trong bộ quần áo màu xanh của quân Giải phóng, đội chiếc mũ tai bèo, thầy giáo Đỗ Trọng Văn được một bạn sinh viên lái xe máy, đưa đến cổng Trường đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau cánh cổng, sân trường đã có rất đông giảng viên và sinh viên tập trung. Thầy Văn điềm tĩnh bước tới phòng họp của hội đồng nhà trường. Căn phòng đã đông người, nhưng yên tĩnh đến lạ. Dường như, tất cả đều hồi hộp và chờ đợi một điều gì đó.

Thầy giáo Văn trò chuyện với các giáo sư và giảng viên của Trường đại học Văn khoa Sài Gòn.

Thầy giáo Văn trò chuyện với các giáo sư và giảng viên của Trường đại học Văn khoa Sài Gòn.

Sau khi tự giới thiệu là người của Ban Quân quản Thành phố Sài Gòn đến để làm nhiệm vụ tiếp quản, thầy Đỗ Trọng Văn cất lời: “Hôm qua, ngày 30/4/1975, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa là Chính phủ do Mỹ dựng lên đã tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng. Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam đã chính thức chấm dứt. Điều đó có nghĩa đất nước Việt Nam từ hôm nay không còn chiến tranh, chúng ta đã có hòa bình. Nước Việt Nam sẽ là một nước độc lập, thống nhất…”.

Nhìn vẻ mặt mọi người vẫn có vẻ căng thẳng, thầy bắt đầu giải thích về tính chất của cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua và chính sách của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đối với những người đã làm việc cho chính quyền Sài gòn, chủ trương đối với nền giáo dục và các giáo chức ở miền nam; thầy khẳng định: “Rồi đây, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng và phát triển một nền giáo dục mới, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất”.

Những ngày sau đó là thời gian ông phải bận rộn với công việc kê khai lập danh sách các giảng viên, nhân viên nhà trường đã ra trình diện, tiếp nhận tài sản, cơ sở vật chất của nhà trường, điều hành, sắp xếp công việc cho nhân viên nhà trường để duy trì các hoạt động của trường.

Nhà giáo Đỗ Trọng Văn phát biểu tại Lễ chào mừng Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước tại Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, tháng 5/1975.

Nhà giáo Đỗ Trọng Văn phát biểu tại Lễ chào mừng Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước tại Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, tháng 5/1975.

“Với tôi, đó là thời khắc không thể nào quên”, đúng 50 năm trôi qua, thầy Văn vẫn rất ấn tượng với khoảnh khắc ông vào tiếp quản Trường đại học Văn khoa Sài Gòn.

Nhà giáo Đỗ Trọng Văn phát biểu tại Lễ chào mừng Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước tại Trường đại học Văn khoa Sài Gòn.

Nhà giáo Đỗ Trọng Văn phát biểu tại Lễ chào mừng Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước tại Trường đại học Văn khoa Sài Gòn.

Kể cho chúng tôi nghe những ký ức lúc đi B, ánh mắt của thầy Đỗ Trọng Văn vẫn rưng rưng khi nhớ về đồng đội, nhớ về những ngày tháng chạy giặc, ở nhà lợp lá, đào hầm tránh bom. Suốt buổi chuyện trò, thầy nhắc đi nhắc lại rằng, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước là lẽ sống của lớp lớp thế hệ thời ấy. Họ đã sống với lý tưởng cao đẹp: “Nếu Tổ quốc cần, ta phải sẵn sàng…”.

Ngày xuất bản: 11/5/2025
Tổ chức thực hiện: Trường Sơn - Hồng Vân
Nội dung: Lê Hà - Ngọc Khánh
Trình bày: Hoàng Hà
Ảnh: Nhân vật cung cấp