Kênh xanh đổi thay vùng đất thép

Sau ngày đất nước thống nhất, non sông về một mối. Bỏ lại sau lưng những vết thương bởi chiến tranh, người dân vùng đất thép thành đồng Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng bắt tay vào lao động sản xuất, tập trung giảm nghèo, phát triển kinh tế nâng cao đời sống.

Biểu tượng sinh động cho sự đổi thay diệu kỳ của vùng đất khô cằn phía Tây Bắc thành phố, chuyển mình thành thủ phủ nông nghiệp trù phú là nhờ công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi. Từng ngày, từng giờ, nguồn nước dồi dào từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) đổ về 11km kênh chính của kênh Đông và hơn 600km kênh phụ, kênh nhánh len lỏi đến từng chân ruộng, vườn cây mang đến đổi thay lớn cho nhà nông nơi đây.

Bối cảnh chung lúc bấy giờ tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương lân cận là lương thực còn thiếu. Do đó yêu cầu hàng đầu phải sớm thiết lập vành đai lương thực. Thế nhưng, thực tế toàn bộ hệ thống kênh mương không đáp ứng được năng lực tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Người dân Củ Chi khi đó chỉ làm được một vụ lúa bấp bênh vào mùa mưa. Lẽ dĩ nhiên, năng suất rất thấp và vấn đề an ninh lương thực càng được đặt ra cấp bách.

Tháng 4/1981, đại dự án công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng được Nhà nước khởi công. Tiếp đó là hệ thống kênh chính Đông và chính Tây. Mục tiêu chung cung cấp nguồn nước ổn định, tạo đổi thay mạnh mẽ cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn vùng Đông Nam bộ.

"Lần đầu tiên diện mạo vùng nông thôn cằn cỗi của huyện Củ Chi đã được xanh hóa, đời sống người dân được nâng lên rõ ràng. Bà con phấn khởi nhờ nguồn nước kênh Đông."

Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi Thành phố Hồ Chí Minh.

Người dân hân hoan đón nước từ hồ Dầu Tiếng đổ về kênh Đông.

Các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các Bộ ngành liên quan hòa chung niềm vui với đông đảo người dân địa phương đón dòng nước mát lành từ kênh Đông.

Sau nhiều năm chờ đợi, vào ngày 30/11/1985, bà con nhân dân vùng đất thép Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh hân hoan đón chào Lễ khánh thành mở nước từ hồ Dầu Tiếng đổ về tại cống điều tiết đầu mối K34+ 644 kênh chính Đông.

Từ sáng kiến đột phá

“Kênh Đông được nhà nước tập trung làm kênh chính. Lúc đó mà chờ kênh xong thì khi có nước cũng không vào được cánh đồng vì chưa có kênh nhánh. Dựa vào tư vấn của kỹ sư thủy lợi, huyện Củ Chi bắt đầu huy động toàn dân làm kênh nhánh. Ai trong độ tuổi lao động đều phải tham gia vào đào kênh. Bản thân tôi khi đó là Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy đã trực tiếp đào kênh trong 15 ngày. Tất cả đào bằng tay không có máy móc cơ giới. Bấy giờ, không khí triển khai nhiệm vụ chính trị này rất là nghiêm túc. Huyện đã huy động cả 10 nghìn người tham gia đại công trường đào kênh nhánh. Người dân hoàn toàn tự lực khi đào kênh. Đào đến đâu, cán bộ thủy lợi đến kiểm tra đo đạc xem có đạt chuẩn chưa, nếu chưa thì đào tiếp”, ông Lê Hữu Đức, cho biết.

Trong kháng chiến toàn dân Củ Chi đào địa đạo thì trong thời bình toàn dân cũng tinh thần như vậy khi làm kênh mương, thuỷ lợi. Phát huy tinh thần này nên người dân ủng hộ cao, đất được người dân hiến tặng, không hề có bồi thường hay đền bù.

Dòng kênh xanh mang thành quả ngọt ngào

Giai đoạn từ năm 1985-1990, hệ thống kênh Đông cơ bản được đầu tư kênh chính, kênh cấp 1 và kênh cấp 2, cấp 3 phục vụ tưới tiêu cho 12 nghìn hecta đất nông nghiệp. Bà còn nông dân ở Củ Chi đã chủ động được nguồn nước sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng khác không ngừng nâng lên.

Nay đã ngoài 70 tuổi, lão nông Đỗ Trí Dũng, ở ấp 5, xã Phước Hiệp, thường dành phần lớn thời gian ngoài đồng. Từ sớm tinh mơ, mọi người đã quen hình ảnh ông cặm cụi hết tháo nước, đắp bờ đến dọn dẹp cây cỏ. “Kênh Đông về, có nguồn nước dân làm nông thuận hơn. Trước đây làm phải xách nước giếng để tưới cực lắm. Giờ có nước mình muốn làm rau mầu thì chặn nước lại, còn muốn sạ lúa thì cho nước vô. Hồi xưa làm lúa mỗi năm 1 vụ chỉ để nhà ăn, giờ năm được 3 vụ. Mỗi vụ bình quân thu từ 3-4 tấn thóc. Nhiều hộ ở đây làm được hơn 10 tấn mỗi vụ và thương lái lại mua luôn”, ông Dũng chia sẻ.

Không chỉ bảo đảm ổn định vành đai lương thực cho thành phố, nguồn nước kênh Đông đã tạo sức sống mới cho vùng nông thôn ngoại thành.

"Đối với nghề nuôi cá cảnh, nguồn nước đặc biệt quan trọng. Nước bảo đảm từ đầu vào giúp chúng tôi thuận lợi rất nhiều khi xử lý các bước kỹ thuật tiếp theo. Nhờ thế, cá sinh trưởng nhanh, đáp ứng tiêu chuẩn thị hiếu của thị trường. Chúng tôi đặt cơ sở ở đây từ đầu những năm 2000 và đến nay đã có hai cơ sở ở xã Tân Thông Hội và xã Phước Hiệp."
Theo bà Hoàng Thị Huế đại diện Hợp tác xã sinh vật cảnh Sài Gòn khẳng định

Tọa lạc trên diện tích 22 ha, Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn là một trong những cơ sở nuôi cá cảnh đầu tiên có quy mô lớn nhất huyện Củ Chi. Tại đây đang nuôi, nhân giống 300 dòng cá. Mỗi năm xuất khẩu hơn 10 triệu con giống sang thị trường Châu âu và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nước sạch về đủ đầy, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu nở rộ tại Củ Chi. Cũng nhờ đó tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Chị Nguyễn Thu Thảo, nhân viên bộ phận chăm sóc, phân loại cá giống ở hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn phấn khởi chia sẻ, vào làm việc ở đây được hai năm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Công việc ổn định, đầu năm nay chị đã lập gia đình với đồng nghiệp, xây dựng tổ ấm riêng.

"Kênh Đông giúp Thành phố Hồ Chí Minh chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000 ha mặt nước. Đồng thời còn cấp nước sinh hoạt cho thành phố với công suất 150.000 – 300.000m3/ngày đêm; cấp nước sinh hoạt cho Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công suất 5.000 m3/ngày đêm."

Hướng phát triển đa mục tiêu

Những năm 2000 kênh Đông được đầu tư bê tông hóa. Từ đó chấm dứt tình trạng tổn thất nước do thẩm thấu vào đất, lâu dài gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Kiên cố hóa đã giúp tiết kiệm nước đạt được từ 20-25%.

Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, kênh Đông tiếp tục được hiện đại hóa qua việc đưa hàm lượng chất xám vào quản lý giúp tiết kiệm nước thêm từ 15-20%.

Hiện nhu cầu nước sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2,8 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, kênh Đông đóng góp 10% nguồn nước sạch. Theo dự báo đến năm 2045, thành phố cần khoảng 5 triệu m3/ngày đêm. Kênh Đông có thể nâng công suất cấp nước sạch lên 500.000m3/ngày đêm. Đặc biệt nếu tổ chức quản lý tốt có thể lên 800.000m3/ngày đêm. Nước từ kênh Đông sẽ đóng góp từ 15-20% nguồn nước sạch cho thành phố, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và bảo đảm ngăn mặn, đẩy mặn xâm nhập, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bản đồ thuỷ lợi tỷ lệ: 1/75.000

Theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Kênh Đông sẽ được xây dựng cơ sở dữ liệu để làm sao tiết kiệm tối đa nguồn nước. Làm sao phải tính toán cân đối được tỷ lệ nước cụ thể sử dụng cho nông nghiệp lẫn cho sinh hoạt.

Hệ thống Scada được áp dụng trên toàn tuyến Kênh Đông.

“Tại huyện Củ Chi, tới đây để phục vụ nông nghiệp thì lưu lượng nước đưa về khoảng 8m3/giây, thay vì trước đây là 12m3/giây và trong tương lai có thể còn 5m3/giây vì diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa. Vì thế chúng tôi có thể chuyển lượng nước dư ra qua cung cấp nước sinh hoạt”, ông Đam nhấn mạnh.

Phòng điều khiển - Giám sát Trung tâm

Để bảo đảm năng lực tải của kênh Đông, hệ thống Scada là giải pháp thông minh được áp dụng trên toàn tuyến. Phần mềm giám sát, quản lý vận hành nguồn nước theo tiêu chí định lượng không định tính. Tính toán chi tiết lưu lượng nước cần có cho từng loại cây trồng, trên từng diện tích cụ thể.

Bản đồ thuỷ lợi tỷ lệ: 1/75.000

Bản đồ thuỷ lợi tỷ lệ: 1/75.000

Hệ thống Scada được áp dụng trên toàn tuyến Kênh Đông.

Hệ thống Scada được áp dụng trên toàn tuyến Kênh Đông.

Phòng điều khiển - Giám sát Trung tâm

Phòng điều khiển - Giám sát Trung tâm

Ngày xuất bản: 04/2025
Chỉ đạo sản xuất: Lê Nam Tư
Tổ chức sản xuất: An Văn Quang
Nội dung: Nhật Thành - Vương Lê
Trình bày: Tùng Anh
Hình ảnh, video: Tùng Anh - Thế Anh