Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác, thăm chính thức Cộng hòa Chile, thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2024 tại thủ đô Lima của Peru; theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra.

Chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường đã truyền tải thông điệp quan trọng đến bạn bè quốc tế, đặc biệt với các nước trong khu vực Mỹ Latin và Caribe, về chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, với sự coi trong các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, trong đó có Chile và Peru. Sự tham dự của Chủ tịch nước và đoàn Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC tiếp tục khẳng định cam kết của Việt Nam trong hợp tác APEC, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa vì hòa bình, hợp tác và phát triển của châu Á-Thái Bình Dương.

VIỆT NAM-CHILE: PHÁT HUY TÌNH HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG

Năm 2024 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa ông Salvador Allende và Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1969), hai vị lãnh tụ đã đặt nền móng cho việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, sau hơn 50 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam và Chile đạt nhiều kết quả tích cực, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2007.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chile Gabriel Boric chụp ảnh chung trước hội đàm. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chile Gabriel Boric chụp ảnh chung trước hội đàm. (Ảnh: TTXVN)

Tuy cách xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân Việt Nam và Chile luôn gắn bó với nhau bằng tình đoàn kết, hữu nghị, cũng như chia sẻ các giá trị, tư tưởng thiêng liêng về độc lập, tự do, hòa bình, bình đẳng và công lý.

– Chủ tịch nước Lương Cường

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Chile, tại thủ đô Santiago de Chile, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chile Gabriel Boric đã cùng Đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm sâu rộng về mối quan hệ  hữu nghị song phương và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Chủ tịch nước Lương Cường cũng có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện José Garcia Ruminot, Chủ tịch Hạ viện Karol Cariola, tiếp Thị trưởng Thành phố Santiago de Chile Irací Hassler; phát biểu chính sách tại trường Đại học Chile và gặp gỡ một số lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu của Chile.

Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao những thành tựu của chính phủ Chile đạt được trong thời gian qua, cả về kinh tế, xã hội và đối ngoại, không ngừng nâng cao vai trò và sự hiện diện của Chile tại khu vực và trên thế giới.

Tổng thống Gabriel Boric bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong gần 40 năm Đổi mới và hội nhập quốc tế cũng như những kết quả phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chile Gabriel Boric hội đàm. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chile Gabriel Boric hội đàm. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường đề xuất 5 định hướng cho quan hệ Việt Nam-Chile gồm:

1. Tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác thực chất giữa hai nước thông qua trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh, trong đó có trao đổi, hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng lớn tại Chile;

2. Thúc đẩy liên kết giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Chile, xác định hợp tác kinh tế là ưu tiên hàng đầu, là lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ hai nước;

3. Thúc đẩy hơn nữa các cơ hội đầu tư song phương cũng như xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác mang tính đột phá chiến lược, giúp gắn kết hai nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào thịnh vượng chung của toàn cầu;

4. Đẩy mạnh hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa, nghệ thuật và du lịch, qua đó tăng cường giao lưu nhân dân và hiểu biết lẫn nhau;

5. Phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.

Nhất trí đẩy mạnh các hoạt động cấp cao nhằm định hướng phát triển quan hệ Việt Nam-Chile thông qua các chuyến thăm song phương và tiếp xúc cấp cao tại các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Gabriel Boric cũng chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp, chính quyền địa phương, tổ chức học thuật và giao lưu nhân dân đối với việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Chile.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư đối với sự phát triển và thịnh vượng của hai nước, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chile (VCFTA), nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hiệp định đi vào hiệu lực (2014-2024), cũng như của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai nước là thành viên.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chile Gabriel Boric chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chile Gabriel Boric chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Gabriel Boric cùng cam kết mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, khoa học, giáo dục, văn hóa và du lịch... Hai bên chia sẻ sự cần thiết mở cửa thị trường hơn nữa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam và Chile nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại song phương cũng như góp phần vào việc tăng cường an ninh lương thực tại mỗi nước.

Đánh giá cao việc gần đây Chính phủ Việt Nam đã mở Văn phòng Tùy viên quốc phòng tại Chile và Chính phủ Chile đã mở Văn phòng Tùy viên nông nghiệp tại Việt Nam, hai nhà lãnh đạo tin tưởng những sáng kiến này sẽ góp phần mở rộng và làm phong phú thêm mối quan hệ song phương.

Việt Nam là đất nước tuyệt vời, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, luôn thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Đảng Cộng sản Chile học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xác định sự nghiệp cách mạng là của toàn dân và để phát triển đất nước cần có sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội.

 – Chủ tịch Đảng Cộng sản Chile Lautaro Carmona

Item 1 of 5

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Chile Lautaro Carmona Soto. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Chile Lautaro Carmona Soto. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Chủ tịch Hạ viện Chile, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Chile-Việt Nam, bà Karol Aida Cariola Oliva. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Chủ tịch Hạ viện Chile, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Chile-Việt Nam, bà Karol Aida Cariola Oliva. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Chủ tịch Thượng viện Chile Jose Garcia Ruminot. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Chủ tịch Thượng viện Chile Jose Garcia Ruminot. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu Chile. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu Chile. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Chile. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Chile. (Ảnh: TTXVN)

VIỆT NAM-PERU: TẠO XUNG LỰC CHO CHƯƠNG HỢP TÁC MỚI

Chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Lương Cường đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (14/11/1994-14/11/2024), cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam, đã tạo dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.

Tại thủ đô Lima, trong bầu không khí thân tình và cởi mở, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra và có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Peru Eduardo Salhuana, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Peru Gustavo Adriazen.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Dina Boluarte chia sẻ nhận định về tình hữu nghị, sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau đã gắn kết hai quốc gia, với nền tảng bền vững được bảo đảm bởi sự chia sẻ tầm nhìn trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là về các nội dung như bảo vệ chủ nghĩa đa phương, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy thương mại quốc tế và hợp tác Nam-Nam.

Hai bên khẳng định sự cần thiết làm sâu sắc hơn đối thoại chính trị-kinh tế, đặc biệt là thông qua các cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Peru về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật và tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định ý chí của cả hai nước trong việc nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới và đồng ý bắt đầu thảo luận để sớm công bố chính thức việc này. Trong bối cảnh đó, hai bên đã trao đổi về ưu tiên mở Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Lima. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp, chính quyền địa phương và giao lưu nhân dân.

Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Peru. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Peru. (Ảnh: TTXVN)

Peru là nước bạn bè gần gũi, đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latin. Việt Nam coi trọng vai trò, vị thế của Peru và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước.

 – Chủ tịch nước Lương Cường

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Dina Boluarte chia sẻ nhận định về sự cần thiết mở cửa thị trường hơn nữa cho các sản phẩm nông nghiệp của mỗi nước nhằm đa dạng hóa cơ cấu thương mại song phương và đảm bảo an ninh lương thực tại mỗi nước, cũng như thúc đẩy đầu tư vào mỗi nước. Đặc biệt là khi năm 2023, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Peru ở Đông Nam Á và thứ năm ở châu Á; Peru đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam và điểm đến đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latin.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai quốc gia đều là thành viên, hai nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy việc tận dụng sâu rộng Hiệp định này với mục đích tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương; đồng thời, thúc đẩy một hệ thống thương mại toàn cầu mở, dựa trên luật lệ, công bằng và bao trùm.

Đồng thời, thúc đẩy và củng cố hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên như một cơ chế tăng cường quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, khai khoáng, dầu khí, du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định quan tâm thực hiện Thỏa thuận về hợp tác văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Peru, được ký kết năm 2016, nhằm tăng cường sự hiểu biết về truyền thống và phong tục tập quán của nhân dân hai nước, thông qua việc xây dựng một chương trình hợp tác văn hóa.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Peru Dina Boluarte hội đàm. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Peru Dina Boluarte hội đàm. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ tầm nhìn chung về các thách thức toàn cầu hiện nay, như xóa đói, giảm nghèo, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, bảo vệ đại dương, tài nguyên nước và an ninh lương thực… hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các cam kết đạt được trong các Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao vai trò chủ nhà của Peru trong nhiệm kỳ Chủ tịch APEC 2024, trong việc thúc đẩy các văn kiện quan trọng về chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức, liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững và bao trùm, an ninh lương thực và năng lượng sạch.

Chính phủ Peru sẽ tiếp tục tạo thuận lợi để Viettel, thông qua dự án viễn thông Bitel, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Peru, tham gia vào các dự án chuyển đổi số, cung cấp hạ tầng số, thành phố thông minh... để Bitel củng cố vai trò là hình mẫu điển hình hợp tác Việt Nam và Peru, qua đó thu hút thêm đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Peru.

 – Tổng thống Peru Dina Boluarte

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, Tổng thống Dina Boluarte đã trao tặng Chủ tịch nước Lương Cường Huân chương Mặt trời Peru; Quốc hội Peru quyết định trao Huân chương Danh dự cấp Đại Thập tự tặng Chủ tịch nước Lương Cường.

Item 1 of 3

Tổng thống Peru Dina Boluarte trao tặng Chủ tịch nước Lương Cường Huân chương Mặt trời Peru. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thống Peru Dina Boluarte trao tặng Chủ tịch nước Lương Cường Huân chương Mặt trời Peru. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu sau khi được trao tặng Huân chương Mặt trời Peru. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu sau khi được trao tặng Huân chương Mặt trời Peru. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Chủ tịch Quốc hội Peru Eduardo Salhuana. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Chủ tịch Quốc hội Peru Eduardo Salhuana. (Ảnh: TTXVN)

APEC: ỨNG PHÓ HIỆU QUẢ CÁC THÁCH THỨC CHUNG

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại thủ đô Lima đánh dấu đỉnh điểm các hoạt động hợp tác trong Năm APEC 2024 do chủ nhà Peru chủ trì. Trọng tâm của Tuần lễ cấp cao là loạt hội nghị cấp cao diễn ra từ ngày 12 đến 16/11, nhất là Hội nghị các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC lần thứ 31, nơi các lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên tập trung thảo luận về chương trình nghị sự phát triển bao trùm, thực hiện các kế hoạch hành động của APEC và tăng cường kết nối kinh tế liên khu vực.

Đánh dấu kỷ niệm 35 năm hình thành và phát triển của APEC, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng với Diễn đàn, khi các thành viên đánh giá kết quả hợp tác trong chặng đường vừa qua và định hướng phát triển APEC trong giai đoạn mới. Tiếp đà triển khai định hướng phát triển bao trùm của APEC, chủ nhà Peru xác định chủ đề Năm APEC 2024 là “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”. Trong đó, Peru ưu tiên những mục tiêu lớn, gồm tăng cường thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối; đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi kinh tế; tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.

Chủ tịch nước Lương Cường cùng các lãnh đạo dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC lần thứ 31. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường cùng các lãnh đạo dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC lần thứ 31. (Ảnh: TTXVN)

Trong thông điệp chủ nhà Năm APEC 2024, Peru nhấn mạnh muc tiêu viết tiếp câu chuyện thành công về hợp tác, hội nhập, liên kết kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy cách tiếp cận mới đối với chương trình nghị sự hợp tác kinh tế của Diễn đàn, nhất là trong bối cảnh khu vực và thế giới đối mặt những thách thức chưa từng có. APEC hướng tới hợp tác kinh tế và kỹ thuật rộng lớn hơn, thúc đẩy phát triển thịnh vượng và phúc lợi cho mọi người dân trong khu vực.

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao, Chủ tịch nước Lương Cường và các thành viên đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia tại tất cả hoạt động, dự tất cả hoạt động của các Nhà lãnh đạo APEC, có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với Lãnh đạo cấp cao các đối tác quan trọng của Việt Nam, trao đổi với các Chủ tịch/CEO các tập đoàn lớn. Chủ tịch nước cũng có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2024 với sự tham dự của hơn 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới.

Là thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên APEC triển khai hiệu quả các định hướng và tầm nhìn của APEC. Trên cơ sở thành tựu của các năm APEC đi trước, Việt Nam sẽ chuẩn bị chu đáo cho Năm APEC 2027, hướng đến một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm.

 – Chủ tịch nước Lương Cường

Chia sẻ những nhận định, đánh giá về các xu thế, cơ hội, thách thức của khu vực và thế giới, Chủ tịch nước Lương Cường đề cao các nguyên tắc nền tảng của APEC, chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do và khẳng định tầm quan trọng của đoàn kết, đồng thuận giữa các thành viên. Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc APEC tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và bảo đảm người dân là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế.

Chủ tịch nước Lương Cường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC lần thứ 31. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC lần thứ 31. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường đề xuất 3 phương hướng để phát huy hơn nữa vai trò và đóng góp của APEC trong khu vực và trên thế giới:

1. Tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Kiến tạo và duy trì các liên kết kinh tế thông suốt. Tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy tài chính, công nghệ, tri thức và lao động xuyên biên giới. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng có sức chống chịu cao, bền vững.

2. Đẩy mạnh các chương trình hợp tác, sáng kiến về tăng trưởng bao trùm, công nghệ bao trùm. Lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ưu tiên các giải pháp thu hẹp khoảng cách số, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các công nghệ số và thành quả của đổi mới sáng tạo. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng xanh, hạ tầng số, hợp tác chia sẻ ứng dụng công nghệ mới trong xử lý các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu.

3. Không ngừng nâng cao năng lực thể chế và quản trị toàn cầu. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu, hoàn thiện thể chế của APEC theo hướng tinh gọn, năng động, thích ứng, đón đầu, sẵn sàng kiến tạo các động lực tăng trưởng mới. Khuyến khích sự tham gia, đóng góp sâu rộng của doanh nghiệp và người dân - những chủ thể, mục tiêu và trung tâm của hợp tác APEC.

Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, trong 35 năm qua, APEC luôn khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc hợp tác khu vực, gắn kết các trung tâm kinh tế-công nghệ thế giới và đi đầu trong tận dụng các xu thế phát triển của thời đại, vì lợi ích của tất cả người dân.

Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần này, trong đó có các sáng kiến của chủ nhà Peru, tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của các nền kinh tế APEC cùng nhau ứng phó hiệu quả với các thách thức chung, nắm bắt vận hội mới, định hướng các dòng chảy hợp tác và liên kết khu vực, toàn cầu.

Tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2024, Đoàn Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các thành viên APEC đóng góp vào quá trình xây dựng Tuyên bố chung của các Nhà lãnh đạo APEC và các văn kiện quan trọng của Hội nghị.

Chủ tịch nước Lương Cường dự Tiệc chiêu đãi chính thức các Nhà lãnh đạo APEC. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Lương Cường dự Tiệc chiêu đãi chính thức các Nhà lãnh đạo APEC. (Ảnh: TTXVN)

Tại thủ đô Lima, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung các Nhà lãnh đạo APEC, cùng hai sáng kiến dấu ấn của chủ nhà Peru, gồm Lộ trình thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức và toàn cầu, và Tuyên bố về cách nhìn mới về khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Các Nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh Hàn Quốc đăng cai APEC năm 2025, Trung Quốc đăng cai APEC năm 2026 và Việt Nam đăng cai APEC năm 2027.

Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, trong vai trò chủ nhà APEC năm 2027 và thành viên Nhóm xây dựng chương trình cải cách cơ cấu mới của APEC giai đoạn 2026-2030, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và triển khai hiệu quả các định hướng và tầm nhìn của hợp tác APEC.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những chuyển động phức tạp, khó lường và APEC cũng đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới sau 35 năm hình thành và phát triển của mình, sự tham gia và những đóng góp tích cực, trách nhiệm, xây dựng của Việt Nam tại Diễn đàn APEC càng có ý nghĩa quan trọng.

 – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Lễ tiễn Chủ tịch nước Lương Cường tại sân bay Jorge Chavez ở thủ đô Lima. (Ảnh: TTXVN)

Lễ tiễn Chủ tịch nước Lương Cường tại sân bay Jorge Chavez ở thủ đô Lima. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru, tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2024 góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như với hai nước Chile và Peru, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với khu vực Mỹ Latin.

Đồng thời, chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một Việt Nam năng động, đổi mới sáng tạo và là điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư quốc tế.

>>> TÂM ĐIỂM: Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Chile, Peru và dự Tuần lễ cấp cao APEC

Ngày xuất bản: 17/11/2024
Tổ chức thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - VŨ PHONG
Trình bày: NHÃ NAM