Khát vọng đóng góp gắn liền với trách nhiệm công dân và trách nhiệm nghệ thuật

Nhiều nhà thơ, tác giả đã bàn luận chung quanh chủ đề “Trách nhiệm và khát vọng” tại tọa đàm do Hội Nhà văn Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tổ chức ngày 12/2 nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23. Đề cao trách nhiệm tham dự, nhập cuộc của nhà thơ vào tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, con người, các tác giả cũng đòi hỏi cao với người sáng tác ở việc sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm. Đó là điều kiện không thể thiếu nếu muốn thơ được đón nhận và phát huy sức mạnh vào tâm hồn con người, đời sống văn hóa, xã hội. Thời Nay xin đưa một số ý kiến tại tọa đàm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HOA
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HOA

Nhà thơ Vũ Quần Phương:

“Muốn giúp được đời thì phải làm văn hay”

Dưới nhiều tên gọi khác nhau, vấn đề này luôn hiện diện trong nhiều cuộc đàm đạo văn chương, từ cổ đến kim, từ phương Đông sang phương Tây. Gần đây nhất là các cuộc tranh luận quanh chủ đề chức năng của nghệ thuật. Nghệ thuật phục vụ cho cuộc đời, đấu tranh cho hạnh phúc con người hay nghệ thuật chỉ phục vụ cho chính nó. Bên nào cũng có lý. Và không bên nào có lý hoàn toàn. Những cuộc tranh cãi thường dừng lại nửa chừng vì có chỗ cho hai bên cùng nương náu: Ấy là chỗ muốn giúp đời, thực thi được trách nhiệm với xã hội thì trước hết nghệ thuật phải thật sự là nghệ thuật. Quyển truyện không hay, bản nhạc tồi, bức tranh xấu không ai buồn đụng đến thì dù ý định tốt đến mấy, tác phẩm ấy cũng khó tác động được đến ai. Như vậy muốn văn giúp được đời cũng phải làm văn hay.

Nhà thơ Đặng Huy Giang:

Thiếu vắng những bài thơ mang giá trị hữu ích

Thơ của ta hiện nay có diện nhưng không có đỉnh. Tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới, bây giờ thật là khó. Những bài thơ đèm đẹp, vô thưởng, vô phạt hơi nhiều. Những bài thơ không sạch nước cản, lại đẻ non, rất sẵn. Những bài thơ mang giá trị hữu ích, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm rất hiếm. Những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm. Những bài thơ có giá trị về mặt tư tưởng thì chẳng khác gì “sao buổi sớm”, “lá mùa thu”...

Theo tôi, thơ hay là thơ có tư tưởng, giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, làm khác thường những điều bình thường hoặc phát hiện ra những điều khác thường trong những điều bình thường. Đó là cái đích muôn đời mà nhân loại đã, đang và sẽ hướng tới...

Trước khi có những câu thơ hay, chúng ta hãy có một tinh thần lao động sáng tạo thật sự và có một thái độ nghiêm túc trong cách hành xử với thi ca. Phấn đấu làm sao để thi ca trở về giá trị đích thực vốn có của nó.

Nhà thơ trẻ Nguyên Như:

“Tinh lọc và dịch thuật có tổ chức để lan tỏa thơ ra thế giới”

Mỗi ngành, lĩnh vực đều có trách nhiệm, nghĩa vụ khác nhau, công việc làm thơ cũng thế, nó có nhiệm vụ của riêng mình. Có lẽ quan điểm của tôi khá giống mọi người là thơ không thể tách rời với đời sống, đất nước và thân phận con người. Mỗi nhà thơ đều có thế giới, vùng không gian riêng và khi cầm bút họ đều có lý do, mục đích. Họ vần vũ, khám phá, tìm tòi cái đẹp trong không gian của mình như một người thợ bận bịu dựng xây cho bản thân được một ngôi nhà riêng khác, ấm áp, kín đáo và giàu thẩm mỹ. Có người gắn bó với văn chương chỉ để bộc bạch những tâm tư khó nói, bày tỏ một quan điểm nào đó trong hiện thực xã hội; có người muốn nói hộ uất ức, buồn khổ của một mảnh đời; có người viết để kiếm tiền, để sống; còn có người viết vì đam mê, vì giá trị nghệ thuật trong những tác phẩm của mình, đem lại những tích cực nhất định cho đời sống, con người,v.v. Còn tôi đến với văn chương như định mệnh, như một nhiệm vụ phải hoàn thành dù đó là con đường đầy khắc nghiệt, đầy gian nan.

Một vấn đề mà tôi vẫn ngợi nghĩ, tại sao thơ ca nước nhà chưa thể vươn tầm, thậm chí độc giả nước nhà cũng chưa mấy mặn mà và quan tâm? Tôi khảo sát qua nhiều bạn đọc ngẫu nhiên, có những người không quan tâm gì về thơ, bởi thơ không giải tỏa, bồi đắp được tinh thần, tâm trạng của họ; có trường hợp cảm thấy thơ bây giờ trừu tượng và rời xa với đời sống con người quá; cũng có trường hợp quan tâm và cảm nhận được thơ nhưng vì mưu sinh mà không còn thời gian để đọc... Vậy nguyên do từ đâu, nguyên do là đa phần các sản phẩm thơ chưa hấp dẫn, chưa thời đại, chưa sát đời sống, chưa đủ cao cấp… để thuyết phục người đọc. Thơ Việt cũng không ít tác phẩm hay và tốt, so với thơ nước ngoài cũng chẳng kém là bao, nhưng nhà thơ lại chưa có một chiến dịch truyền thông, mở rộng đủ mạnh để lan tỏa. Có lẽ điều cần thiết nhất để thơ Việt được nâng tầm và lan xa là các nhà thơ và tổ chức văn chương cần xây dựng chiến dịch, đội ngũ dịch thuật và truyền thông chất lượng nhằm tinh lọc, chọn lựa tác phẩm và một cách nào đó đưa tác phẩm tới nhiều độc giả nước ngoài hơn.

Nhà thơ Hà Phạm Phú:

“Tác động đến xã hội một cách tinh tế”

Thơ có thể làm gì để xây dựng một xã hội chân-thiện-mỹ? Hiển nhiên thơ sẽ không trực tiếp can thiệp, thay đổi vận mệnh thật sự của con người, nhưng nó sẽ tác động đến xã hội một cách tinh tế. Đặc biệt hiện nay, internet và thông tin đa phương tiện đã thâm nhập sâu và rộng vào nhiều lĩnh vực của xã hội, nền tảng sáng tạo và các kênh truyền thông, tiếp nhận thơ ngày càng đa dạng. Đặc điểm văn phong của thơ quyết định nó có thể điều phối sự chú ý của công chúng, dùng ngôn từ thích hợp để diễn đạt những chủ đề phức tạp, truyền tải năng lượng mới, chạm đến những vấn đề nóng hổi của xã hội…

Nói như vậy để thấy trách nhiệm xã hội của thơ có nền tảng rộng rãi. Và như thế trách nhiệm xã hội của nhà thơ là rất lớn.

Các nhà thơ lớn trong lịch sử đều là những người tiên phong của thời đại, là những con người sẵn sàng ghé vai gánh vác trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội của nhà thơ là như thế nào? Thơ có thể phê bình những tệ nạn hiện tại và quan tâm đến sinh kế của con người. Thơ có thể trau dồi gu thẩm mỹ của con người và trau dồi tư cách đạo đức của họ. Nó cũng có thể đóng vai trò giao tiếp, kế thừa hoặc tiếp nối văn hóa. Thơ là một mô hình thu nhỏ của xã hội. Sứ mệnh xã hội của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm. Trách nhiệm của nhà thơ là đi TIÊN PHONG và DỰ BÁO nó.

Muốn vậy thì tác phẩm mà nhà thơ công bố ra công chúng phải HAY.