• Mục tiêu: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 có nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn; tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
  • Nhằm đảm bảo thắng lợi, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định huy động các binh đoàn chủ lực tham gia trận quyết chiến chiến lược tại Sài Gòn-Gia Định, hình thành thế bao vây Sài Gòn trên 5 hướng: Quân đoàn 1 ở hướng bắc; Quân đoàn 2 ở hướng đông nam; Quân đoàn 4 ở hướng đông; Đoàn 232 và Sư đoàn 8 thuộc Quân khu 8 ở hướng tây và tây nam. Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên vừa mới thành lập, được giao phụ trách hướng tiến công chủ yếu Tây Bắc Sài Gòn, có nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, chia cắt tuyến phòng thủ Đồng Dù - Tân Quy - Củ Chi - Trảng Bàng, bao vây tiêu diệt Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn không cho đơn vị này co cụm về Sài Gòn. Sau đó tổ chức lực lượng đột kích mạnh tiến thẳng vào Sài Gòn, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; hiệp đồng đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Dinh Độc Lập; giữ vững mục tiêu phụ trách, bảo vệ kho tàng và ổn định trật tự, an ninh thành phố.

    Trên hướng tiến công của Quân đoàn 3, quân đội Sài Gòn huy động lực lượng phòng thủ với khoảng 24.000 quân, gồm có Sư đoàn bộ binh 25, Sư đoàn 5 không quân, Lữ đoàn 4 dù (thiếu); 2 liên đoàn 32, 9 biệt động quân (thiếu); Tiểu đoàn biệt kích dù, Ban Chỉ huy Liên đoàn 33 biệt động quân và 20 tiểu đoàn báo an, hàng trăm pháo các loại, trong đó có 4 khẩu 175mm, 24 khẩu khẩu pháo 155mm, 58 khẩu pháo 105mm. Với lực lượng này, địch tổ chức phòng thủ trên hướng tây bắc Sài Gòn - Gia Định thành ba tuyến:

    Tuyến phòng ngự vòng ngoài, gồm các khu vực Tây Ninh, Trảng Bàng, Củ Chi, Đồng Dù, Hậu Nghĩa do Sư đoàn bộ binh 25 và một lực lượng biệt động quân, bảo an đảm nhiệm.

    Tuyến ngoại vi, bao gồm các khu vực: cầu Bông, Hóc Môn, thành Quang Trung... do lực lượng bảo an, biệt động, biệt kích dù, công binh, tân binh đang huấn luyện và tàn quân từ các nơi khác chạy về phòng giữ.

    Tuyến phòng ngự bên trong, có Lữ đoàn dù 4, lực lượng bảo vệ và tại chỗ của sư đoàn 5 không quân, các bộ tư lệnh binh chủng ở sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn.

    Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 chỉ đạo bố trí lực lượng trên các mũi: Sư đoàn 320A được tăng cường lực lượng tiến công đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn, chặn và tiêu diệt lực lượng Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn từ Củ Chi đến Trảng Bàng không cho chúng co cụm về Sài Gòn; Sư đoàn 316 tiến công khu vực Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ; Sư đoàn 10 được tăng cường Trung đoàn 64 Sư đoàn 320A và Trung đoàn đặc công 198 thọc sâu, đánh chiếm tuyến phòng thủ ngoại vi Sài Gòn, sau đó tiếp tục phát triển đánh chiếm mục tiêu nội đô như Bà Quẹo, ngã tư Bảy Hiền, sân bay Tân Sơn Nhất, Trại Đavít… Tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Quân đoàn là “Mạnh bạo, chắc thắng, đánh mạnh, đánh liên tục, nắm chắc thời cơ thọc sâu phát triển nhanh”.

    Vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn với những đòn tiến công đồng loạt, mạnh mẽ.

    Vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn với những đòn tiến công đồng loạt, mạnh mẽ.

    Từ ngày 26 đến ngày 28/4/1975, các hướng tiến công chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận khu vực trung tâm Sài Gòn-Gia Định. Phối hợp nhịp nhàng với toàn chiến dịch, Quân đoàn 3 tập trung Sư đoàn 316 đánh cắt giao thông đường số 1 và số 22, dùng pháo binh đánh phá các trận địa pháo địch, diệt 11 trong số 18 trận địa pháo địch ở Đồng Dù, Phước Mỹ, Đồng Chùa, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Bến Kéo, Khiêm Hạnh. Sư đoàn 316 cắt đứt đường số 1 và 22, kiên quyết đánh bại nhiều đợt phản kích của địch ở khu vực Phước Mỹ và nam chi khu Trảng Bàng. Tranh thủ thời cơ, Sư  đoàn 10, Sư đoàn 320A và các đơn vị binh chủng tiến vào chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình tiến công.

    Trên hướng Đồng Dù, Sư đoàn 320A (thiếu Trung đoàn 64), lúc 5 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, pháo binh bắn chuẩn bị. 7 giờ 30 phút, bộ binh và xe tăng xung phong, đánh tan địch phản kích diệt 3 xe tăng, bắt 130 tên, tiếp tục mở được cửa phát triển vào bên trong căn cứ tiêu diệt địch, đến 10 giờ 30 phút cơ bản tiến công đánh chiếm và cắm cờ tại Sở Chỉ huy Sư đoàn bộ binh 25. Đến 14 giờ cùng ngày, Sư đoàn 320A hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù. Căn cứ Đồng Dù bị đánh chiếm, cánh cửa án ngữ tây bắc Sài Gòn đã mở, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công thọc sâu binh chủng hợp thành của Quân đoàn đánh thẳng về phía nội đô và Sư đoàn 316 tiêu diệt những lực lượng còn lại của địch ở vòng ngoài trên hướng tây bắc Sài Gòn.

    Căn cứ Đồng Dù bị đánh chiếm, cánh cửa án ngữ tây bắc Sài Gòn đã mở, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công thọc sâu binh chủng hợp thành của Quân đoàn đánh thẳng về phía nội đô và Sư đoàn 316 tiêu diệt những lực lượng còn lại của địch ở vòng ngoài trên hướng tây bắc Sài Gòn.

    Nắm thời cơ địch ở Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ hoang mang, dao động khi căn cứ Đồng Dù thất thủ, Sư đoàn 316 chuyển từ vây ép và đánh phản kích sang tiến công tiêu diệt các cụm địch. Trung đoàn 174 đánh chiếm trận địa pháo Lập Táo, tiến công Trung đoàn 46 (thiếu) quân đội Sài Gòn, tiến công Phước Hiệp, Suối Sâu tiêu diệt một số tên và bắt 600 tên. Trung đoàn 148 đánh chiếm Trà Võ, Trảng Bàng, Bến Mương, Bầu Nâu, Cẩm Giàng diệt gọn Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 49 quân đội Sài Gòn. Lúc này, địch cho 1 tiểu đoàn từ Tây Ninh xuống chi viện, ta đã phục kích tiêu diệt một số tên, số còn lại chạy về Cẩm Giàng, sau đó ta truy kích tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Trung đoàn 49 quân đội Sài Gòn, tiếp tục chặn đánh Liên đoàn 32 biệt động quân, làm chủ hoàn toàn Đường 1 và Đường 22.

    Trên hướng khối cơ động thọc sâu binh chủng hợp thành thứ nhất, Sư đoàn 10 và Trung đoàn đặc công 198 luồn sâu, áp sát, đánh chiếm các mục tiêu. Trên hướng cầu Bông (đường số 1), Tiểu đoàn 20 đặc công Trung đoàn 198 với lối đánh luồn lót sở trường bất ngờ tập kích quân địch ở đầu cầu và đánh trả địch phản kích, làm chủ hoàn toàn cầu Bông. Trên hướng cầu Sáng, Trung đoàn 64 cùng lực lượng đặc công đập tan lực lượng phòng thủ, phát triển tiến công diệt tiểu đoàn địch ở Chợ Mới, đánh thành Quan Năm, đánh chiếm khu vực ngã ba Bà Quẹo, dồn địch về hướng ngã tư Bảy Hiền.

    Trên hướng khối cơ động thọc sâu binh chủng hợp thành thứ hai, Trung đoàn 28 tiến công tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch ở Phú Hòa Đông, phát triển đánh chiếm Tân Quy rồi hành tiến theo đường số 15 về hướng Hóc Môn. Đến 18 giờ ngày 29/4/1975, đội hình khối cơ động thứ hai đến khu vực trung tâm huấn luyện Quang Trung thì dừng lại để tìm đường cơ động sang đường số 15 và chuẩn bị đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất.

    Vào lúc 23 giờ ngày 29/4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ bổ sung cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3: Dùng lực lượng đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn và đây là nhiệm vụ chính thức, không phải nhiệm vụ phát triển hiệp đồng như trước.

    Vào lúc 7 giờ 15 phút ngày 30/4/1975, các trận địa pháo cối của Quân đoàn và Sư đoàn 10 đồng loạt trút bão lửa xuống sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Giữa lúc quân địch hoang mang dao động, Trung đoàn 24 và xe tăng đột phá vào ngã tư Bảy Hiền, sau đó phát triển vào cổng số 5. Trung đoàn 24 đưa Tiểu đoàn 5 (thiếu) và 2 khẩu pháo 85mm lên tiếp tục đột phá, 9 giờ 30 phút, ta đã chiếm được cổng số 5. Tiểu đoàn 4 theo đường phía Tây vào hướng Bộ Tư lệnh Sư đoàn dù, đánh chiếm Bộ Tư lệnh dù. Đến 11 giờ 30 phút, ta đã làm chủ toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất.

    Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 trực tiếp ra lệnh cho Trung đoàn 28 không đánh sân bay nữa mà đánh thẳng vào Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn. 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Trung đoàn 28 đến Lăng Cha Cả gặp Trung đoàn 24 đang đánh chiếm các mục tiêu địch ở cổng số 5. Trung đoàn 28 cơ động vòng về phía bên phải và đánh thẳng vào cổng Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn.

    Vào lúc 11 giờ, Tiểu đoàn 3 (thiếu) đến cổng Bộ Tổng Tham mưu. Địch chống cự quyết liệt trên hai hướng: Từ trong cổng ra và từ hướng Nam lại. Ta phải tổ chức đột phá tiêu diệt 3 xe tăng và một số lô cốt hỏa điểm của địch, buộc địch phải bỏ chạy. Tiểu đoàn 3 (thiếu) và xe tăng đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu. Trung đoàn cho 1 mũi đi vòng sang cửa phía Đông Nam cách cửa chính 1km tiến công vào.

    Đúng 11 giờ 30 phút, Trung đoàn 28 đã cắm lá cờ chiến thắng lên nóc nhà cao nhất Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn và tỏa ra đánh chiếm tòa nhà.

    Đến 11 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, Trung đoàn 28 hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn. Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320A, theo lệnh của Quân đoàn, tiến vào Dinh Độc Lập hợp điểm với đơn vị bạn.

    Trải qua 10 ngày đêm chiến đấu (21-30/4/1975), Binh đoàn Tây Nguyên đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 20.000 tên địch, tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn bộ binh 25, Thiết đoàn 10, 3 liên đoàn biệt động quân (32, 9, 33), Lữ đoàn 4 dù, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, 14 tiểu đoản bảo an, Liên đoàn 5 công binh và toàn bộ lực lượng cảnh sát, dân vệ của các quận Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Củ Chi, Hóc Môn, Phú Hòa; phá hủy, phá hỏng 1.063 súng các loại, 63 xe tăng xe bọc thép, 136 xe ô tô, bắn rơi 6 máy bay, thu 6.830 khẩu súng, kiểm soát toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất với trên 300 máy bay các loại[1].

    Vừa mới được thành lập (26/3/1975), ngay lập tức, Quân đoàn 3 nhận lệnh tham gia chiến dịch lớn nhất trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 và của cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quá trình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tổ chức, chỉ huy, quy mô tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng của Binh đoàn Tây Nguyên: “Trải qua chiến dịch này, Quân đoàn đã xây dựng bộ đội tiến lên một bước mới: cơ động từ xa đến chiến trường mới, đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu nhất của chiến dịch lớn. đánh tập trung toàn Quân đoàn vào thành phố lớn, nhịp độ tiến công cao, sau thời gian chuẩn bị ngắn, kết hợp hoàn chỉnh các thủ đoạn đột phá, thọc sâu, luồn sâu trong chiều sâu tương đối lớn. Khi dứt điểm lực lượng Quân đoàn còn sung sức”[2].

    Tại Hội nghị tổng kết của Quân đoàn 3 (ngày 3/7/1975), Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Quân đoàn 3 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói là đặc biệt xuất sắc”[3].

    Quân đoàn 3 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói là đặc biệt xuất sắc.

    (Phát biểu của Đại tướng Văn Tiến Dũng tại Hội nghị tổng kết của Quân đoàn 3 (ngày 3/7/1975)).

    Trải qua chiến dịch này, Quân đoàn đã xây dựng bộ đội tiến lên một bước mới: cơ động từ xa đến chiến trường mới, đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu nhất của chiến dịch lớn. đánh tập trung toàn Quân đoàn vào thành phố lớn, nhịp độ tiến công cao, sau thời gian chuẩn bị ngắn, kết hợp hoàn chỉnh các thủ đoạn đột phá, thọc sâu, luồn sâu trong chiều sâu tương đối lớn. Khi dứt điểm lực lượng Quân đoàn còn sung sức.

    (Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên Quân đoàn 3 - Biên niên sự kiện (1964-2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.373.)

    [1] Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên Quân đoàn 3, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.513, 514.

    [2] Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên Quân đoàn 3 - Biên niên sự kiện (1964-2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.373.

    [3] Phát biểu của Đại tướng Văn Tiến Dũng tại Hội nghị tổng kết của Quân đoàn 3 (ngày 3/7/1975)

    Ngày xuất bản: 12/4/2025
    Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
    Nội dung: Trung tá, ThS Lê Văn Thành
    Trình bày: Bảo Minh