
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, vì vậy nền kinh tế cần phải tăng tốc, bứt phá để đạt kết quả cao nhất theo kế hoạch đề ra.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành mục tiêu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Như vậy, tăng trưởng quý I đã đạt 6,93 thì GDP những quý tiếp theo cần tăng tối thiểu 8,3%. Con số này đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh chặng đường phía trước còn khó khăn và bất định.
Tăng trưởng đối mặt với nhiều thách thức
Kinh tế Việt Nam quý đầu tiên của năm 2025 tăng 6,93% là mức tăng trưởng ấn tượng và là mức tăng cao nhất trong các quý I của 5 năm gần đây. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính, đây là mức tăng trưởng tích cực trong khu vực và trên thế giới. Điều này không nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam.
Bốn tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, đáng lưu ý, sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 8,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%. Xuất khẩu tăng 13%, xuất siêu ước đạt 3,8 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký 4 tháng khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 40% so cùng kỳ; vốn thực hiện trên 6,7 tỷ USD, tăng 7,3%.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra ngày 6/5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tuy nhiên còn một số khó khăn, thách thức, trong đó có mục tiêu tăng trưởng.
Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, mức tăng trưởng 6,93% của quý I vẫn thấp hơn mức 7,7% so với kịch bản điều hành đã được Chính phủ cập nhật trong Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Từ khách quan, có thể thấy tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng cao đối với Việt Nam và nhiều đối tác thương mại khác. Ở trong nước, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn kéo dài kể từ sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 trở nên thách thức.
Mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 trở nên thách thức.

Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải, Cố vấn kinh tế cao cấp của Hathaway Policy, cho rằng, những hạn chế có tính dài hạn và nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tồn tại dai dẳng và chưa được giải quyết triệt để.
“Thị trường đất đai, thị trường tài chính,… còn non trẻ, chủ yếu vẫn tập trung vào đầu cơ ngắn hạn thay vì tập trung vào giá trị thực được tạo ra; thị trường lao động rời rạc, phân mảnh với tỷ lệ lao động phi chính thức cao, trình độ lao động và năng suất thấp; nền khoa học-công nghệ quốc gia còn thấp, chưa làm chủ hay sở hữu được những công nghệ tiên tiến trong khi cơ thế thị trường để thúc đẩy xã hội hóa công nghệ cho sản xuất còn thiếu khung pháp lý rõ ràng, thiếu cơ chế mua bán, cơ chế định giá để vận hành thông suốt”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải thẳng thắn chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Hải cũng chỉ ra rằng, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, giúp củng cố nền tảng, phát huy nội lực kinh tế như: Đẩy nhanh hoàn tất sắp xếp bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam; triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; ban hành chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng điện tái tạo, điện nguyên tử với sự với sự chung tay của cả nhà nước và doanh nghiệp; đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; v.v.. “Tuy nhiên, các chính sách đúng đắn này chưa thể phát huy ngay tác dụng trong ngắn hạn”, ông Nguyễn Xuân Hải lưu ý.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Cơ hội để cấu trúc lại nền kinh tế
Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% cho cả năm 2025, nền kinh tế cần kịch bản tăng trưởng khoảng 8,3% cho những quý tiếp sau. Theo Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, đây là con số thách thức, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đầy biến động và bất ổn. Tuy nhiên, cũng là cơ hội để Việt Nam cấu trúc lại nền kinh tế, rà soát lại nội lực.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải nhìn nhận, diễn biến khó lường từ các hoạt động kinh tế và đầu tư toàn cầu có thể xem là thách thức khá nổi bật cho kinh tế Việt Nam năm 2025, bởi lẽ tình trạng này đặt cả Chính phủ và doanh nghiệp vào trạng thái bị động ứng phó, thay vì có thể chủ động lập kế hoạch.
Cần tiếp tục phát huy và giữ vững đường lối đối ngoại và ngoại giao kinh tế nhạy bén, linh hoạt để kịp thời ứng phó với diễn biến khó lường từ thị trường quốc tế.
Để nền kinh tế vượt qua thách thức, ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng, với độ mở của nền kinh tế lên đến 200% GDP, kinh tế Việt Nam đang trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, vì vậy cần tiếp tục phát huy và giữ vững đường lối đối ngoại và ngoại giao kinh tế nhạy bén, linh hoạt để kịp thời ứng phó với diễn biến khó lường từ thị trường quốc tế.
Với góc nhìn từ bên trong, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt đến từ Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải giữ ổn định nền tảng vĩ mô trong khi thúc đẩy tăng trưởng; quan tâm, kiểm soát những nguy cơ gây lạm phát, gây đột biến về giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng đầu vào cho sản xuất kinh doanh hoặc năng lượng.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải giữ ổn định nền tảng vĩ mô trong khi thúc đẩy tăng trưởng; quan tâm, kiểm soát những nguy cơ gây lạm phát, gây đột biến về giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng đầu vào cho sản xuất kinh doanh hoặc năng lượng.
Đề cập đến xuất khẩu – một động lực quan trọng trong “cỗ xe tam mã” (bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư) để thúc đẩy tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quốc Việt cho rằng, giai đoạn tới, xuất khẩu sẽ gặp phải nhiều khó khăn, trong đó có tác động từ chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Ông Việt kiến nghị, trong thời gian chờ đợi kết quả tích cực từ quá trình đàm phán với Hoa Kỳ về thuế đối ứng, Việt Nam cần phải có giải pháp để hóa giải những rủi ro, đó là đa dạng hóa thị trường, chuyển đổi các ngành hàng, mặt hàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Bến tàu Cảng Đà Nẵng.
Bến tàu Cảng Đà Nẵng.
Trên bình diện ngoại thương, Việt Nam hiện đã tham gia 20 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 16 FTA đã có hiệu lực và đang được thực thi. Việt Nam cần khai thác từ các FTA đã ký kết. Đây là cơ hội to lớn mà Việt Nam đang có được, qua đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương cho rằng:“Chúng ta phải khai thác tối đa mọi thị trường nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng và tăng cường kết nối với thế giới. Điều này không chỉ áp dụng cho xuất khẩu hàng hóa mà còn cả các dòng đầu tư, thương mại trong khu vực. Cần liên kết với các đối tác chung quanh để tạo sức mạnh, hỗ trợ lẫn nhau chia sẻ khó khăn, đoàn kết vượt qua thách thức từ sự phân mảnh thương mại và đầu tư”.
Bên cạnh việc mở rộng các thị trường xuất khẩu thì Việt Nam cần tăng cường khai thác tối đa thị trường nội địa với hơn một trăm triệu dân, kích thích tiêu dùng trong nước. Đây là thị trường tiềm năng, sẵn có cần được khai thác và tận dụng tốt hơn trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta phải khai thác tối đa mọi thị trường nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng và tăng cường kết nối với thế giới. Điều này không chỉ áp dụng cho xuất khẩu hàng hóa mà còn cả các dòng đầu tư, thương mại trong khu vực. Cần liên kết với các đối tác chung quanh để tạo sức mạnh, hỗ trợ lẫn nhau chia sẻ khó khăn, đoàn kết vượt qua thách thức từ sự phân mảnh thương mại và đầu tư.
Tăng tốc giải ngân đầu tư công, tạo đà tăng trưởng

Cùng với xuất khẩu, đầu tư cũng là một trong ba động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Đầu tư công có vai trò quan trọng khi chiếm khoảng 68% GDP, bằng ¼ tổng số vốn đầu tư toàn xã hội. Chính vì vậy, ngày 5/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, điều chỉnh mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 phấn đấu đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thay vì mục tiêu ít nhất 95% đã đề ra từ trước.
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 cả nước giải ngân được 128.512,9 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, đến hết tháng 4 vẫn còn tồn tại việc chưa phân bổ xong nguồn vốn đầu tư công, gây lãng phí Ngân sách Nhà nước. Số vốn hiện chưa được phân bổ là 8.263,085 tỷ đồng của 17 bộ, ngành và 21 địa phương (7.313,712 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 949,372 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương).
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê chỉ ra, cần tập trung giải ngân tối đa vốn đầu tư công, tạo năng lực và nguồn lực cho sản xuất trước mắt và lâu dài. Việc này cần quyết liệt thực hiện vì đây là nguồn lực quan trọng trong nước.
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 cả nước giải ngân được 128.512,9 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so cùng kỳ năm 2024.
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 cả nước giải ngân được 128.512,9 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so cùng kỳ năm 2024.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Tài chính, ông Lê Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính đã đề cập đến các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục rà soát các luật liên quan như Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước để tăng tốc độ giải ngân, sớm đưa các công trình trọng điểm vào khai thác. Rà soát cơ chế kiểm soát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư để bảo đảm minh bạch, hiệu quả.
Ông Lê Tiến Dũng nhấn mạnh, việc tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các tổ chức, chủ đầu tư và cơ quan nhà nước sẽ góp phần tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025. Ảnh: TRẦN HẢI
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025. Ảnh: TRẦN HẢI
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của từng dự án. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để chậm trễ, tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ rà soát, điều chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ yếu kém, né tránh trách nhiệm.
Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 là một yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như kế hoạch.
Đột phá thể chế, pháp luật, tạo dư địa tăng trưởng kinh tế “hai con số”

Trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh:“Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, với yêu cầu phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, khơi thông mọi nguồn lực; đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”.
Với tầm nhìn tăng trưởng kinh tế hướng tới hai con số trong dài hạn, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng củng cố nền tảng và khung khổ pháp lý cho nền kinh tế; trong đó có việc xây dựng khung khổ pháp lý cho các loại thị trường vận hành thông suốt, minh bạch, như thị trường bất động sản, thị trường tài chính, …. Làm được điều này sẽ giúp nội lực kinh tế được củng cố, phát triển hiệu quả và bền vững hơn.
Hoạt động sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Hà Linh
Hoạt động sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Hà Linh
Cùng với đó, chuyên gia kinh tế của Hathaway Policy nhấn mạnh đến yếu tố “phát triển khoa học-công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao”. Đây là hai trong số nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã đặt ra. Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57), ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị được coi là “đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, là “điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc” (Trích Nghị quyết 57-NQ/TW).
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, Nghị quyết 57 thúc đẩy đổi mới công nghệ và số hóa quy trình, sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, từ đó nâng cao năng suất và giá trị gia tăng trong toàn nền kinh tế. Việc đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mới: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain, kinh tế tuần hoàn, là những lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về tăng trưởng, trước mắt là trong năm 2025 với mục tiêu từ 8% và tạo đà phát triển kinh tế trong những năm tới.
Nghị quyết 57 thúc đẩy đổi mới công nghệ và số hóa quy trình, sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, từ đó nâng cao năng suất và giá trị gia tăng trong toàn nền kinh tế.
- Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi -
Cùng với đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành ngày 4/5/2025 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, mà còn góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Mặc dù đóng góp khoảng 51% GDP, 60% vốn đầu tư toàn xã hội và hơn 30% vào ngân sách nhà nước, nhưng trước đây khu vực kinh tế tư nhân vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, kìm hãm sự phát triển. Nghị quyết 68 quy định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sẽ giải quyết những vướng mắc mà kinh tế tư nhân đang gặp phải, tạo sức bật cho khu vực này vươn lên phát triển.
Trong năm 2025, nếu được triển khai đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo, Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, mà còn đưa Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải cũng cho rằng, thời gian tới “cần kết hợp nhịp nhàng giữa các giải pháp có tính kiến tạo và dài hạn, với các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ ngắn hạn, để vừa bảo đảm sự phát triển bền vững trong dài hạn, vừa duy trì nhịp độ và tốc độ tăng trưởng ngắn hạn”.

Trong năm 2025, nếu được triển khai đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo, Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, mà còn đưa Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Ngày xuất bản: 9/5/2025
Chỉ đạo: Kim Phương Bình
Thực hiện và trình bày: Quỳnh Trang-Khánh Bách-Nhị Hà