
“Người mẹ nào sanh con ra lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế, nhưng Mẹ ơi, con đành chịu bất hiếu với Mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo”. Kết thúc cuốn hồi ký về nghề nghiệp - Bốn mươi năm nói láo, nhà báo Vũ Bằng đã có những lời tâm huyết đến gan ruột như thế. Với các ký giả thời xưa, nghề báo có ý nghĩa như thế nào mà khiến họ “đắm đuối” đến vậy?
"Tờ báo còn là tiếng của dân, dân muốn điều gì, tư tưởng của dân hoặc ý muốn của dân thế nào, đều giãi bày cả trên mặt báo".
(Hà Thành ngọ báo, số 716, ngày 24/12/1929)
Cái nghề bạc bẽo mà... cao quý
Vẫn là Vũ Bằng, trong cuốn hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” của mình, nhà báo ấy đã rất thành thực khi viết: “Theo nhận thức của mẹ tôi, nghề báo là một nghề bạc bẽo, không nuôi sống được người làm nghề”.
Thực tế là đúng như vậy, bởi khi đó, báo chí bị kiềm chế chặt chẽ bởi gọng kìm của thực dân. Những năm đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân đã ban hành nhiều văn bản về báo chí, hoặc có liên quan đến báo chí.
Trong số những văn bản này, phần lớn là quy định về thời hạn bị tù và tiền phạt nếu vi phạm các điều luật, sắc lệnh và nghị định.
Dưới thời thực dân phong kiến, không có tự do báo chí mà chỉ có lưỡi kéo của chế độ kiểm duyệt, thậm chí chúng còn ra lệnh thu hồi giấy phép đối với những tờ báo nào mà chúng thấy không ưa, có ý công kích chính sách thực dân, phê phán bọn quan trường sâu mọt, thối nát.
Than trách là vậy, nhưng độc giả nếu đọc kỹ cũng nhận ra người làm báo khi ấy thật tâm muốn đem ngòi bút của mình phụng sự cho đời và đó mới chính là ý nghĩa thật sự của nghề báo.
Trên một tờ báo khác, nghề báo được hình dung cụ thể hơn: “Tờ báo còn là tiếng của dân, dân muốn điều gì, tư tưởng của dân hoặc ý muốn của dân thế nào, đều giãi bày cả trên mặt báo. Cách hành động của Chính phủ cũng phải mượn tờ báo để thông tin cho dân chúng biết; muốn cổ động việc gì cứ do tờ báo là mạnh hơn cả. Trên đối với Chính phủ dưới đối với quốc dân, tờ báo có thế lực rất to tát, trách nhiệm rất nặng nề” (Hà Thành ngọ báo, số 716, ngày 24/12/1929).
Hay như: “Nghề làm báo là nghề bạc bẽo, nhưng lâu nay được xã hội tôn trọng, coi là kẻ hướng đạo cho dân chúng, gọi là “quyền thứ tư”, như thế kể cũng oai thật”. (Phụ Nữ Tân Văn, số 173, ngày 20/10/1932).

Hà thành ngọ báo, số 716, ngày 24/12/1929. (Ảnh: Thư viện quốc gia Việt Nam)
Hà thành ngọ báo, số 716, ngày 24/12/1929. (Ảnh: Thư viện quốc gia Việt Nam)
Người viết báo bao giờ trong trí não cũng chỉ nghĩ đến tờ báo, nghĩ đến người đọc báo, nghĩ đến cái ảnh hưởng của tờ báo, tin tức cốt lấy cho nhanh chóng, văn chương không cần chải chuốt lắm, cốt cho ai xem cũng hiểu ngay. Người viết báo có một điều khó khăn nhất, tức là tìm chân lý.
Hà Thành ngọ báo, số 716, ngày 24/12/1929
Sứ mệnh và phẩm chất người làm báo
Nhận thức được tầm quan trọng của nghề báo, nên các ký giả đầu thế kỷ XX cũng luôn trăn trở về sứ mệnh của mình, sứ mệnh của những người làm báo:
“Trách nhiệm nhà báo đã nặng, phận sự người viết báo lại càng quan hệ hơn nữa. Vậy người viết báo phải làm những gì? Và tìm điều gì? Phận sự người viết báo không phải như những nhà thi sĩ hoặc văn sĩ ngồi điêu trác từng câu văn, gò gẫm từng chữ một, không phải giống các nhà viết kịch ngồi tư tưởng những tấn thảm kịch, hài kịch rất ly kỳ, không phải là nhà diễn thuyết, hoặc những ông hàn nói chuyện khoa học văn chương. Người viết báo bao giờ trong trí não cũng chỉ nghĩ đến tờ báo, nghĩ đến người đọc báo, nghĩ đến cái ảnh hưởng của tờ báo, tin tức cốt lấy cho nhanh chóng, văn chương không cần chải chuốt lắm, cốt cho ai xem cũng hiểu ngay. Người viết báo có một điều khó khăn nhất, tức là tìm chân lý” (Hà Thành ngọ báo, số 716, ngày 24/12/1929).
Bìa sách Ngồi tù khám lớn.
Bìa sách Ngồi tù khám lớn.
Hay như trong lời mở đầu quyển Ngồi tù khám lớn (1929), nhà chí sĩ Phan Văn Hùm cho rằng, trong một xã hội còn nhiều bất công và bất bình đẳng, người cầm bút phải là một “ông thầy thuốc” và cần ưu tiên cho loại “nghệ thuật vị sanh mạng” hơn là “nghệ thuật vị nghệ thuật”: “Ông thầy thuốc không được gớm ghẻ hờm, người có tâm với xã hội phải là ông thầy thuốc. Xin người làm ông thầy thuốc. Mai sau phong thuần tục mỹ, thiên hạ thái bình, ta sẽ làm văn chương “thủy nguyệt kính hoa”.
Hay như trong bài viết “Sứ mạng của nhà viết báo”, ký giả của tờ Dân mới cũng chỉ ra người làm báo phải luôn nghĩ và viết một cách trung thực: “Một nhà viết báo muốn làm cho tròn sứ mạng của người nắm quyền thứ tư, giám đốc dư luận, thì ít ra người viết báo phải dám nói sự thật theo chỗ nghe thấy của mình.
Người ta nói nghề làm báo là cái quyền thứ tư, là giám đốc dư luận là khi nào cái ngòi viết của nhà viết báo chỉ để phụng sự cho chân lý.
Dân mới (Sài Gòn), Số 232, ngày 30/6/1939. (Ảnh: Thư viện quốc gia Việt Nam)
Dân mới (Sài Gòn), Số 232, ngày 30/6/1939. (Ảnh: Thư viện quốc gia Việt Nam)
Phải hiểu rằng, mặc dù bút quyền sẵn trong tay, nhưng nhà viết báo không thể nào muốn nói đen nói trắng tùy ý được. Vì những ý kiến đã phát biểu kia đành rằng là của riêng nhà viết báo nhưng nhà cầm viết không thể tùy ý riêng mình phát biểu ra, mà luôn luôn phải thận trọng theo nguyện vọng và nhu yếu của đa số dân chúng.
Hễ một ý kiến nào có nguy hại cho cuộc sống chung của đa số tất nhiên tờ báo kia sẽ mất cả căn cứ sinh tồn. Trước cái viễn cảnh tối đen ấy, nhà viết báo ở xứ này muốn làm cho tròn thiên chức mình chỉ có một điều: Liều mạng. Vì đã lỡ mang nghiệp vào thân mà cái nghiệp ấy bắt buộc mình luôn luôn phải thành thật với độc giả quốc dân.
Chứ đã tự phụ là dẫn đạo cho dư luận, lại vì các thế lực mà phải bẻ cong ngòi viết dẫn đi sai đường, trái với lẽ phải trái, với lương tâm, thì còn đeo đuổi chi nữa. Nhà chính trị vì lý tưởng của họ họ dám chết, thì lại không nhà viết báo dám chết vì nghề nghiệp hay sao!" (Báo Dân mới, số 232, ngày 30/6/1939).
Cái điều mà người viết báo cần phải có trước nhất là tài. Còn vị khảo quan của nhà báo là công chúng.
--Báo Nước Nam, số 64, ngày 27/4/1940 --

Chẳng bao giờ mất giá
Bên cạnh đó, theo nhà báo Phan Trần Chúc, trong bài viết “Nghề làm báo”, ông nhấn mạnh, người làm báo còn phải có bộ óc phản biện, lập trường, quan điểm vững vàng, không bị ảnh hưởng bởi số đông: “Hiện báo giới ta đang ở trong cái cảnh tượng “ngọc đá xô bồ, lúa cỏ lộn xộn”, ai cầm ngòi bút nên gắng giữ cái thiên chức của mình mà người đọc cũng nên có con mắt lựa chọn.
Được khen hay bị chê là một việc chẳng nên bàn. Vì không chúng đã không đủ trí phán đoán để có một dư luận cho chân chính thì nhà văn phải tự tin ở mình mà bất tất uốn mình theo dư luận. Kẻ cầm bút mà mỗi việc đều làm theo cái thị hiếu của công chúng không khi nào làm được một việc có ích (Hà Thành ngọ báo, số 2377, ngày 15/8/1935).
Trong bài viết “Báo giới với quan trường” trên Phụ nữ Tân văn, ký giả xưa còn so sánh: “Nhà viết báo ngày nay chẳng khác nào quan Ngự sử xưa kia, cho nên không trách được cũng là một nghề sinh nhai mà nghề viết báo được người ta tôn trọng hơn các nghề. Cái nghề đã vậy, thì tự nhiên những người làm nghề ấy phải tự cao. Trong nước có bao nhiêu nghề nghiệp, chỉ có nghề làm quan là sang trọng hơn. Nhưng theo cái ý của mấy tay làm báo đã nghĩ như trên kia, thì cái nghề của họ lại còn muốn trội hơn nghề làm quan nữa” (Phụ Nữ Tân Văn, số 173, ngày 20/10/1932).
Thời phong kiến, triều đại nào cũng lập một cơ quan đặc biệt, gọi là “ngự sử đài”. Làm việc trong ngự sử đài là những ngự sử quan, những người được phép giám sát, vạch tội từ các quan dưới tỉnh, trong triều... Và họ hẳn đều phải là những người thật sự liêm khiết, chính trực, chí công vô tư!
(Ảnh: nhandan.vn)
(Ảnh: nhandan.vn)
Còn trong con mắt nhà báo Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, người làm báo còn phải có đức khiêm tốn, không khoe mẽ, hợm danh: “Nhiều tay nhà nghề chân chính ít khi ra ngoài dám nhận mình làm báo. Phải, những kẻ vô tài, bất lực thường hay lợi dụng danh nghĩa hão để phỉnh gạt người đời. Con sâu ấy không phải riêng có trong nồi canh “báo”… Cái điều mà người viết báo cần phải có trước nhất là tài. Còn vị khảo quan của nhà báo là công chúng” (báo Nước Nam, số 64, ngày 27/4/1940).
Nước Nam, Số 64, ngày 27/4/1940. (Ảnh: Thư viện quốc gia Việt Nam)
Nước Nam, Số 64, ngày 27/4/1940. (Ảnh: Thư viện quốc gia Việt Nam)
Và còn rất nhiều phẩm chất khác, như: “Ở trong nghề hẳn phải biết rõ về nghề. Nghề phóng sự là một nghề đòi hỏi nhiều đức tính: nhanh nhẹn, mau trí khôn, ham mạo hiểm, ưa tìm tòi… Một nghề hoạt động nhất trong nghề làm báo” (báo Sài Gòn, số 1312, ngày 8/2/1938).
“Ôn cố nhi tri tân”, báo chí nước ta đã trải qua cả trăm năm và thậm chí là hơn thế nữa. Trong suốt chiều dài lịch sử, ngành báo và đội ngũ những người làm báo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta cũng thấy được sự phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo qua từng thời kỳ. Xin mượn một câu trong bài “Nghề làm báo về sau này ở nước ta” đăng trên Hà Thành ngọ báo, số 1330, 20/1/1932: “Vẫn biết rằng trong nghề nào mà cái lượng đã tiến thì cái phẩm phải lui, nhưng về nghề báo thì tôi tin rằng nó sau này sẽ có một chỗ ngồi xứng đáng mà chẳng bao giờ sẽ bị mất giá như người ta đã quá lo xa”.
Bài đăng Thời nay, ấn phẩm của Báo Nhân Dân, nhân Kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng việt Nam (21/6/1925-21/6/2024)
Ngày xuất bản: 20/6/2024
Nội dung: TRẦN ĐỨC ANH (sưu tầm, tổng hợp)
Trình bày: PHI NGUYÊN - HOÀNG LINH