Là người Việt, ai cũng mong đất nước mạnh giàu

Năm 2025 kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, cũng là năm bản lề Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong tiến trình này, cùng với nỗ lực của toàn dân tộc, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài, nhất là đội ngũ trí thức và các nhà khoa học. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh, người có nhiều năm làm tư vấn kinh tế-tài chính cho các bộ, ngành ở Việt Nam, chung quanh chủ đề này.

Thưa Giáo sư, 2025 là năm kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, cũng là năm bản lề để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Là một Việt kiều có nhiều đóng góp cho đất nước, ông có suy nghĩ gì?

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu đổi mới và đạt được những bước tiến ngoạn mục. Tuy nhiên, nhìn sang các nước phát triển trên thế giới, nhất là các nước cùng khu vực, quy mô phát triển nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. GDP tính theo đầu người khu vực Đông Nam Á như sau: Singapore: 88.000 USD; Brunei: 35.110 USD; Malaysia và Thái Lan lần lượt là 13.310 USD và 7.810 USD; Indonesia là 5.270 USD. Việt Nam xếp sau Indonesia với 4.620 USD (theo IMF, cập nhật vào tháng 4/2024).

Nhìn sơ qua bức tranh toàn cảnh như vậy mới thấy Việt Nam đang đứng ở đâu và mới thấm thía vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm lại nói Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi tạm gọi là cuộc đổi mới lần thứ 2, với tầm vóc cao hơn, quyết tâm lớn hơn, quyết liệt hơn.

Vì sao chúng ta lại nói như vậy? Nếu cuộc cách mạng công nghiệp kéo dài hàng thế kỷ thì cuộc cách mạng khoa học-công nghệ ngày nay, nhất là với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, làm thế giới biến đổi hằng ngày. Nếu Google, Apple, Microsoft, Alphabet… phải mất vài chục năm, thì sự xuất hiện của ChatGPT chỉ mất vài tháng đã làm thế giới thay đổi chóng mặt. Vì vậy, bước sang kỷ nguyên mới phải dám nghĩ mới, dám làm mới, thậm chí làm sai thì sửa!

Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong tiến trình “vươn mình của dân tộc” đó là tìm kiếm những nhân tài cho công cuộc xây dựng đất nước, trong đó không thể không nhắc đến đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Người Việt Nam có nhiều tài năng không? Có chứ, nhiều là khác. Vậy họ ở đâu? Họ ở trong nước và trên khắp thế giới. Trong số khoảng 5,5 triệu người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống ở nước ngoài có khoảng 10 đến 12% trí thức, tương đương khoảng 500-600 nghìn người.

Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại, từ lĩnh vực điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương học… đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc. Vì vậy muốn thu hút những nhân tài trong số người Việt này, những người có trách nhiệm phải tìm kiếm và mời họ về phục vụ đất nước.

Tôi tin rằng người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm thật sự muốn làm điều đó. Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại New York, Mỹ, sáng 23/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia. Việc này đã làm rung động con tim thế hệ người Việt trẻ ở Mỹ. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”.

Theo đánh giá của ông, giới trí thức và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đã và có thể đóng góp những gì cho đất nước?

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học, trí thức và chuyên gia đang có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng một Việt Nam hùng cường. Vai trò của họ ngày càng gia tăng và trở thành một nguồn lực quan trọng trong nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, giáo dục, kinh tế, y tế, ngoại giao và văn hóa.

Thí dụ: GS Vũ Hà Văn (Đại học Yale - Hoa Kỳ), chuyên gia trong lĩnh vực toán học và khoa học dữ liệu. Hiện là Giám đốc Khoa học của VinBigData (thuộc Tập đoàn Vingroup), dẫn dắt các dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn tại Việt Nam. TS Vũ Duy Thức (Đại học Stanford - Hoa Kỳ), đồng sáng lập và CEO của OhmniLabs, công ty chuyên về robot tại Silicon Valley.

Đại học Stanford Hoa Kỳ

Đại học Stanford Hoa Kỳ

Ông cũng tích cực hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp AI tại Việt Nam. GS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại IPAG Business School (Pháp). Hiện ông là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE), đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế kết nối chuyên gia kiều bào với Việt Nam.

TS Nguyễn Trí Dũng, chuyên gia về phát triển kinh tế và công nghệ, từng làm việc tại Nhật Bản. Ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao (R&D) tại Việt Nam, giúp chuyển giao nhiều công nghệ từ Nhật Bản về nước. Còn rất nhiều những cái tên khác nữa. Những chuyên gia này đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Muốn thu hút được nguồn lực của đội ngũ này thì ngoài những chính sách đãi ngộ như lương cao, môi trường làm việc tốt thì, theo Giáo sư, cần thêm những “đột phá” gì?

Đối với trí thức, đặc biệt là nhân tài, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc là cần thiết, nhưng chưa phải là tất cả. Cái quan trọng nhất là trọng dụng họ, làm cho họ thấy được tôn trọng; nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng... có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tôi là người Mỹ gốc Việt.

Nếu chỉ vì tiền bạc, tôi không về Việt Nam làm việc. Tôi từng làm tư vấn và đi 93 nước khác nhau trên thế giới. Nhưng tôi về, bởi tôi yêu Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam, đấy là quê hương tôi. Đi đâu tôi cũng tự hào và nói tôi là người Việt Nam. Nói thế không phải là để khoe khoang mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều, đã là người Việt Nam, hay có nguồn gốc là người Việt Nam thì ai cũng mong muốn làm cho đất nước mình giàu đẹp.

Vì vậy, nên mạnh dạn sử dụng họ, không phân biệt kiều bào hay người trong nước, không phân biệt người “trong Đảng” với “ngoài Đảng”. Trước kia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bổ nhiệm GS Nguyễn Văn Huyên, một người chưa phải đảng viên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và ông giữ chức này gần 30 năm.

Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 tổ chức tại Pháp quy tụ hơn 100 trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Việt và gốc Việt mong muốn chung tay vì sự phát triển của Việt Nam.

Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 tổ chức tại Pháp quy tụ hơn 100 trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Việt và gốc Việt mong muốn chung tay vì sự phát triển của Việt Nam.

Sau này, có GS Nguyễn Ngọc Trân - Việt kiều Pháp - từng là đại biểu Quốc hội (các khóa IX, X, XI của tỉnh An Giang), từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Phạm Minh Chính gồm 15 thành viên, trong đó, có tới 5 giáo sư đang giảng dạy tại các trường đại học nước ngoài.

Sự tham gia của các giáo sư này trong Tổ Tư vấn kinh tế thể hiện chính sách cởi mở của Việt Nam, đồng thời tận dụng tri thức và kinh nghiệm quốc tế để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy không có lý do gì chúng ta không mở rộng “cánh cửa” hơn nữa, trọng dụng những nhân tài thật sự, những tên tuổi lớn tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng đất nước.

GS Hà Tôn Vinh (tên đầy đủ là Augustine Hà Tôn Vinh) là một trí thức có tiếng trên thế giới. Ông sinh năm 1945, theo cha mẹ ra nước ngoài định cư từ nhỏ. Ông học Cao học Ngoại giao và Phát triển kinh tế tại Đại học Tổng hợp Georgetown, Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ (1976-1978); học Tiến sĩ Quản trị công tại Đại học Tổng hợp Catholic University of America (1981-1983).

Trong nhiều năm, ông là chuyên gia tư vấn cao cấp tài chính, cơ sở hạ tầng cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Philippines, Mông Cổ, Việt Nam, Lào... Trong số hơn 70 nước đã từng làm tư vấn, chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, ông đặc biệt tâm huyết với quê hương Việt Nam.

Hiện ông là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục và Đào tạo doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam.

Nội Dung: LÊ THỌ BÌNH (thực hiện)
Trình bày: MẠNH HOÀNG