Làm sao biến giảng đường thành trại sáng tác?

Môi trường đại học nghệ thuật ở Việt Nam có xu hướng đóng kín, ít có điều kiện mời nghệ sĩ thực hành hay tham gia giảng dạy và tổ chức lưu trú dài hạn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ còn hạn chế, chưa tạo ra chương trình lưu trú tích hợp (ăn, ở, làm việc, mở xưởng) và hỗ trợ nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo. Làm gì để gỡ nút buộc này?
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Vũ Kim Thư lưu trú sáng tác tại Mỹ.
Nghệ sĩ Vũ Kim Thư lưu trú sáng tác tại Mỹ.

1/Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại toàn cầu, các chương trình lưu trú sáng tác (artist-in-residence) mở ra không gian sáng tạo, kết nối nghệ sĩ Việt Nam với quốc tế, góp phần nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, phát triển năng lực chuyên môn và thực hành văn hóa.

Với nghệ sĩ Việt Nam, đó không chỉ là cơ hội làm giàu trải nghiệm và định hình các phương pháp sáng tác và thực hành mới, mà còn là nền tảng để xây dựng những mô hình hoạt động nghệ thuật bền vững trong nước. Nghệ sĩ Vũ Kim Thư, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội và hoàn thiện bằng thạc sĩ tại Viện Mỹ thuật Chicago (Mỹ), tham gia rất nhiều trại sáng tác quốc tế như Vermont Studio Center (Mỹ), Goyang Art Studio (Hàn Quốc), Trung tâm Rockefeller Bellagio (Ý), trại sáng tác Schoeppingen (Đức)… Quá trình tham gia lưu trú mở ra những lối đi mới trong thực hành nghệ thuật cá nhân của chị.

2/Chia sẻ về sáu tuần lưu trú tại chương trình McKinney tại trường Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế Eskwnazi, Đại học Indiana (Mỹ), chị Kim Thư nhấn mạnh vai trò đặc biệt của môi trường học thuật quốc tế-nơi nghệ sĩ được làm việc trong không gian liên ngành chuyên nghiệp, tiếp cận hệ thống thư viện chuyên sâu cũng như tham gia các hoạt động nghệ thuật đa dạng. Nghệ sĩ chia sẻ: Lưu trú sáng tác là cơ hội để nghệ sĩ “thoát ly” những thói quen sáng tác cũ, nhìn lại chất liệu và nguồn cảm hứng với lăng kính mới mẻ. Khi nghệ sĩ được mời lưu trú, bản thân họ sẽ mang đến nguồn năng lượng mới cùng những thực hành cá nhân riêng biệt. Những thực hành này hoàn toàn có thể trở thành một khóa học.

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật là người trải nghiệm nhiều chương trình lưu trú tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan… Vừa là nghệ sĩ, vừa là giảng viên, anh đang tích cực đưa kinh nghiệm từ các chương trình lưu trú quốc tế vào hoạt động giảng dạy và phát triển nghệ thuật trong nước. Anh cho biết: Chương trình lưu trú sáng tác phổ biến trên thế giới và tại trường liên ngành, nhiều học phần từ ba đến năm tín chỉ đã được thiết kế tích hợp chương trình lưu trú nghệ thuật, bao gồm nghệ sĩ quốc tế tham gia nói chuyện, giao lưu và triển khai các dự án nghệ thuật cùng sinh viên. Các chương trình trao đổi sinh viên cũng được thúc đẩy, như sinh viên của Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch từng lưu trú, học tập và tổ chức triển lãm trong hơn năm tháng ở Hà Nội; đồng thời sinh viên Việt Nam cũng có cơ hội tham gia đăng ký học phần tại các trường bạn.

3/Được biết, ngay trong khu vực Đông Nam Á hay châu Á nói chung, hằng năm, rất nhiều quốc gia mở các chương trình lưu trú sáng tác cho nghệ sĩ và những người thực hành văn hóa. Một số cơ sở tiên phong như Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thử nghiệm mời nghệ sĩ nói chuyện, làm workshop kết hợp đưa sinh viên làm các dự án thực địa… Tuy nhiên, nhìn bao quát, một nhu cầu cấp thiết hiện nay, rất cần có thêm các không gian lưu trú học thuật trong nước, nơi nghệ sĩ Việt Nam có thể tiếp tục hành trình nghiên cứu, phát triển tác phẩm một cách bài bản, lâu dài, trong chính môi trường giáo dục đại học.

Từ những trải nghiệm và thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ Vũ Kim Thư và Nguyễn Thế Sơn, có thể thấy phát triển rộng rãi mô hình lưu trú sáng tác trong trường đại học là hướng đi giàu tiềm năng, vừa góp phần đổi mới hoạt động giảng dạy nghệ thuật trong các trường đại học theo hướng mở, đồng thời tạo lập môi trường học thuật gắn với thực tiễn sáng tác. Trong bối cảnh nghệ thuật đương đại phát triển mạnh mẽ, các trường đại học nghệ thuật hoàn toàn có thể trở thành không gian lưu trú học thuật và sáng tạo cho nghệ sĩ, mở ra không gian giao thoa giữa lý thuyết, thực hành và hình thành hệ sinh thái sáng tạo trong trường học.

Thời gian tới, trường liên ngành dự kiến tổ chức trại sáng tác tại Hòa Lạc (Hà Nội), với workshop chuyên đề về chất liệu đá ong, mời nghệ sĩ quốc tế lưu trú, sáng tác, làm việc và triển lãm.