Ngư dân đón “lộc biển” đầu năm
Trong màn sương sớm, chúng tôi về xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, cảm nhận được không khí hối hả, tất bật của ngư dân khi những chiếc tàu nhỏ cập bến mang theo “lộc biển” là các loại cá, mực, ruốc biển. Trên bãi, dưới nước, người và tàu thuyền đông vui, tiếng cười nói râm ran. Ông Trần Văn Thống ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi nên từ ngày mồng 6 Tết, thuyền gia đình ông đã ra khơi. Ngay chuyến đầu tiên, thuyền đánh bắt được ba tạ cá cơm và khá nhiều mực ống. Riêng chuyến hôm nay thuyền trúng sáu tạ cá cơm, 35 kg mực, trừ chi phí thu về khoảng 10 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Trạch Phạm Ngọc Mỵ, Nhân Trạch có 287 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 116 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ và hầu hết ra khơi từ ngay sau Tết. Thuyền gần bờ thường xuất phát từ 4 giờ chiều hôm trước và cập bến lúc 5 giờ sáng hôm sau mang theo về rất nhiều hải sản tươi ngon, trong đó nhiều loại có giá trị cao. Sau một đêm bám biển, thuyền viên có thu nhập 2 đến 3 triệu đồng là chuyện bình thường. Cùng với đó, nhiều tàu cá xa bờ của xã cũng đã xuất phát chuyến biển đầu tiên trong năm Giáp Thìn 2024.
Bên cạnh Nhân Trạch, tin được nhiều “lộc biển” cũng được ngư dân xã Đức Trạch đón nhận với sự hồ hởi, kỳ vọng trong những ngày đầu năm mới. Sáng 19/2, ngư dân Phan Minh Phương ở thôn Bàu Bàng sau một đêm ra khơi đã trúng đậm mẻ lưới với gần 100 con cá bè vàng với tổng trọng lượng khoảng 300 kg.
Ngư dân xa bờ hăng hái vươn khơi
Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang cho biết, toàn xã hiện có 549 chiếc tàu, thuyền, trong đó 201 chiếc tàu hơn 15 m, tham gia khai thác ở vùng biển xa. Năm 2024, xã Cảnh Dương đặt mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản đạt 4.000 tấn, doanh thu 375 tỷ đồng. Sau Tết Nguyên đán 2024, nhiều tàu thuyền đánh bắt gần bờ của xã ra khơi và thu được nhiều “lộc biển” đầu năm. Như thường lệ, ngày 22/2 (tức Rằm tháng Giêng) xã Cảnh Dương tổ chức lễ hội cầu ngư. Ngay sau lễ hội, ngư dân đã hăng hái “xuất quân” vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Điều mà lãnh đạo xã và chủ tàu cá xa bờ ở Cảnh Dương nói riêng, nhiều địa phương ven biển tỉnh Quảng Bình nói chung trăn trở là tình trạng thiếu trầm trọng lao động làm nghề biển. Nguyên nhân là do hàng trăm lao động bỏ nghề biển để đi xuất khẩu lao động hoặc làm các nghề khác. Chủ tàu cá nhiều nơi tại Quảng Bình phải thuê lao động từ các địa phương làm nghề nông nghiệp, thậm chí ở miền núi hoặc giảm số lượng lao động trên tàu để duy trì hoạt động và quyết tâm không để tàu nằm bờ. Dù rằng, việc tuyển lao động từ các địa phương không chuyên nghề biển, chưa có nhiều kinh nghiệm đi biển nên hiệu quả đánh bắt cũng bị ảnh hưởng.
Một “sáng kiến” được các chủ tàu cá ở Cảnh Dương áp dụng để gỡ khó là phối hợp, thống nhất cho các tàu luân phiên ra khơi nhằm giúp nhau đủ lao động trong mỗi chuyến đánh bắt. Điều này cũng giúp cho một số tàu cá không phải nằm bờ lâu ngày, dẫn đến hư hỏng và đây cũng là cách tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngư dân Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nếu như trước đây đủ lao động, cả ba chiếc tàu cá của anh cùng ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, hiện nay, do thiếu bạn thuyền buộc anh phải luân phiên cho tàu đi biển. Đồng thời, anh còn cải hoán tàu cá cho phù hợp với nghề, mùa đánh bắt. Cùng với đó, các chủ tàu cá như anh đều phải tìm cách đầu tư ngư cụ đánh bắt hiện đại để giảm bớt lao động trên mỗi chiếc tàu.
Theo Chi cục trưởng Thủy sản Lê Ngọc Linh, ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, chỉ đạo ngư dân đẩy mạnh khai thác vùng biển xa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu, Chi cục còn hướng dẫn, khuyến khích chủ tàu kết hợp nhiều nghề khai thác để vừa tăng hiệu quả vừa tiết kiệm nhiên liệu; tuyên truyền ngư dân tiếp tục phát huy hoạt động của tổ, đội khai thác trên biển, tăng đội tàu dịch vụ thu mua sản phẩm trên biển nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho tàu đánh bắt. Đồng thời, đơn vị tích cực tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tăng cường theo dõi, giám sát hành trình tàu cá hoạt động trên biển và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngay khi đưa thuyền vào bãi, rất đông người dân và các thương lái đến chia vui và thu mua cá với giá 100 nghìn đồng/kg. Như vậy, với chuyến biển đầu xuân này, anh Phương có nguồn thu nhập 30 triệu đồng.