
Làng nghề - vừa là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống của đất nước, vừa tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân thời gian tới, khu vực kinh tế làng nghề với những tiềm năng sẵn có, sẽ cần được tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ theo hướng riêng, đóng góp giá trị cao vào kinh tế địa phương và kinh tế đất nước.
Làng nghề Việt Nam.
Làng nghề Việt Nam.
Tiềm năng phát triển kinh tế từ làng nghề
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện cả nước có khoảng 5400 làng nghề, trong đó có hơn 2000 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề hiện đang tạo thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề là biểu trưng của kinh tế truyền thống của Việt Nam, bao gồm cả kinh doanh cá thể, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tại nhiều quốc gia trên thế giới, làng nghề rất phát triển, gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời là cây cầu kết nối trong nước với thế giới, đóng góp lớn cho kinh tế, như các làng nghề tại Thái Lan, làng nghề tỉnh Oita, Nhật Bản. Tại Việt Nam, làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế nông thôn nói riêng.
Làng nghề - Biểu trưng của kinh tế truyền thống Việt Nam.
Làng nghề - Biểu trưng của kinh tế truyền thống Việt Nam.
Làng nghề - Biểu trưng của kinh tế truyền thống Việt Nam.
Làng nghề - Biểu trưng của kinh tế truyền thống Việt Nam.
Bát Tràng là làng nghề gốm sứ nổi tiếng của Việt Nam. Theo ông Phạm Minh Khôi, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, thu nhập chính của xã là từ sản xuất kinh doanh gốm sứ; giá trị sản xuất gốm sứ và thương mại hàng năm ước đạt trên 2 nghìn tỷ đồng. Hàng ngày có từ 3 nghìn đến 5 nghìn lao động nơi khác đến làm việc tại Bát Tràng. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 90 triệu/người/năm, cao hơn mức trung bình của các làng nghề Việt Nam. Mức lương trung bình đối với công nhân tại xưởng là 11-15 triệu đồng/ tháng. Đặc biệt, người là nghệ nhân, có thâm niên làm việc trên 20 năm, có mức thu nhập hàng tháng từ 50 triệu đồng trở lên.
Mức lương trung bình đối với công nhân tại xưởng là 11-15 triệu đồng/ tháng. Đặc biệt, người là nghệ nhân, có thâm niên làm việc trên 20 năm, có mức thu nhập hàng tháng từ 50 triệu đồng trở lên.
---Ông Trần Đức Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh---
Ông Trần Đức Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh cho biết, mức lương trung bình đối với công nhân tại xưởng là 11-15 triệu đồng/ tháng. Đặc biệt, người là nghệ nhân, có thâm niên làm việc trên 20 năm, có mức thu nhập hàng tháng từ 50 triệu đồng trở lên.
Người lao động vẽ hoa văn trên gốm.
Người lao động vẽ hoa văn trên gốm.
Anh Trần Văn Thao, làm việc tại xưởng gốm Nghĩa Dũng. Anh là thợ chính, chủ yếu phụ trách những khâu khó như tạo hình, đắp tay bo, tạo hoa văn trên sản phẩm. Mức lương bình quân của anh được chi trả từ 20 đến 30 triệu đồng/ tháng.
Theo ông Trịnh Quốc Đạt, chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, tại nhiều làng nghề, người lao động có mức thu nhập khá cao, trung bình khoảng 7 triệu đến 10 triệu đồng/ tháng như làng nghề lụa Vạn Phúc, làng mây tre đan Thái Xuyên, làng đúc đồng Xuân Ninh …
Người lao động vẽ hoa văn trên gốm.
Người lao động vẽ hoa văn trên gốm.
Đặc biệt, có những làng nghề phát triển mạnh mẽ, trở thành những làng “tỷ phú” như làng đồ gỗ Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nơi có tới hơn 400 công ty, hợp tác xã.
Làng nghề - nơi tiềm năng sẵn có với những bí quyết nghề và sản phẩm riêng biệt - đang nắm giữ những yếu tố quan trọng nhất để thành công trong kinh doanh, sẽ cần được hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa để trở thành những doanh nghiệp phát triển.
Không gian trưng bày của Hợp tác xã gốm sứ Tân Thịnh.
Không gian trưng bày của Hợp tác xã gốm sứ Tân Thịnh.
Không gian trưng bày của Hợp tác xã gốm sứ Tân Thịnh.
Không gian trưng bày của Hợp tác xã gốm sứ Tân Thịnh.
Làng nghề và những khó khăn trước biến động thị trường
Việc phát triển làng nghề là vấn đề đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Chính phủ, và được đề cập đến trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.
Việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách, đã, đang được Nhà nước, Hiệp hội làng nghề Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện, đồng thời cũng giảm bớt việc kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ mà phát triển lên quy mô lớn hơn, bài bản hơn và có pháp lý hoạt động. Tuy nhiên, trong phạm vi các làng nghề thì hộ kinh doanh vẫn chiếm đa số. Doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn là số ít.
Việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp chỉ phần lớn thực hiện được ở những làng nghề phát triển. Vì vậy số lượng chuyển đổi mô hình chưa nhiều.
Thêm nữa, hộ kinh doanh tại làng nghề đã hình thành từ nhiều đời, nhiều năm, nên thói quen, phương thức làm việc, buôn bán nhỏ, lẻ mang tính cộng đồng đã ăn sâu bám rễ vào người dân làng nghề; khiến họ khó thích nghi với mô hình doanh nghiệp.
Nguyên nhân khách quan, các hộ kinh doanh đều nhìn thấy nhiều khó khăn, vướng mắc khi chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp, khiến họ dù đủ điều kiện vẫn chần chừ chưa chuyển đổi. Đây là trường hợp là những hộ kinh doanh “không muốn lớn, không thể lớn”.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, chủ xưởng gốm Hoàng Minh, xã Bát Tràng, muốn thành lập doanh nghiệp thì phải có vốn để mở rộng xưởng, đầu tư công nghệ máy móc như máy in, máy dập, lò đốt tự động, lò đốt điện … Vay ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp. Theo tính toán số vốn vay khá lớn nhưng giá trị tài sản bảo đảm hiện có chỉ khoảng 2 tỷ là chưa đủ. Ông Hoàng kiến nghị được hướng dẫn cụ thể từ ngân hàng và có hình thức hỗ trợ phù hợp.
Kho hàng tại xưởng gốm Hoàng Minh.
Kho hàng tại xưởng gốm Hoàng Minh.
Theo Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội: “Đa số hộ sản xuất theo hướng thủ công, khó đủ điều kiện vay vốn. Chỉ có 15% số hộ sản xuất làng nghề thì tiếp cận được vốn, vốn ngân hàng và lãi suất ưu đãi. Còn lại khoảng 85% khó vay vốn”.
Mặt khác, khi vận hành doanh nghiệp, phải có hiểu biết về quản trị doanh nghiệp, kế toán doanh nghiệp. Đối với những người làm nghề truyền thống việc này sẽ khó khăn hơn. Các chủ hộ kinh doanh cũng e ngại việc phải nộp nhiều các khoản thuế, phí, lệ phí. Vì vậy, theo thống kê, sau khi chuyển đổi sang doanh nghiệp vài năm, nhiều trường hợp lại quay về mô hình hộ kinh doanh.
Để làng nghề phát triển với quy mô lớn hơn, thì vấn đề quy hoạch đất sản xuất còn nhiều bất cập. Theo ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, tại nhiều làng nghề hiện nay, nơi sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, việc mở rộng sản xuất kinh doanh là rất là khó.
Theo ông Phạm Minh Khôi, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng, hiện nay đang áp dụng cơ chế quản lý các cụm công nghiệp sản xuất tại địa phương, nhưng với Bát Tràng thì chưa hợp lý khi hạn chế về chiều cao, diện tích sử dụng. Do vậy cũng đề xuất cần nghiên cứu quy hoạch, quy chế quản lý, quy chế sử dụng đất đai phù hợp với làng nghề.
Nguyên vật liệu đầu vào hiện cũng chưa đáp ứng nhu cầu của các làng nghề, nếu phát triển thì sẽ càng thiếu. Đơn cử như để làm gốm Bát Tràng thì cần nguồn cao lanh sạch, chất lượng cao. Số lượng và chất lượng cung cấp cho các làng nghề trong nước chưa bảo đảm nên vẫn phải nhập từ nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc…
Ông Trịnh Quốc Đạt lưu ý thêm, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu của các làng nghề hiện nay là thiếu bền vững. Bởi vì nhiều làng nghề phụ thuộc vào các thương lái, các trung gian kinh doanh, trung gian về thương mại nên khi mở rộng kinh doanh thì sẽ bị động.
Sản xuất tại làng nghề.
Sản xuất tại làng nghề.
Thành lập doanh nghiệp từ làng nghề: Lợi ích và cơ hội rộng mở
Tại các làng nghề của Việt Nam, hiện nay chủ yếu là mô hình hộ kinh doanh. Tuy nhiên, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, và giới hạn hoạt động trong phạm vi nhất định.
Theo Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp cũng được quy định chi tiết tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mục “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh”. Tuy nhiên thực tế triển khai còn rất chậm và thiếu đồng bộ. Cần có sự hợp tác giữa các ban ngành, ngân hàng, Ủy ban nhân dân xã, và làng nghề để tạo điều kiện cho hộ kinh doanh tiếp cận các vốn, công nghệ và hướng dẫn các thủ tục làm thuế, phí một cách cụ thể.
Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp dù còn nhiều khó khăn như đã đề cập ở trên nhưng khi trở thành doanh nghiệp sẽ giúp các hộ nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, thu hút nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, chủ xưởng gốm Hoàng Minh chia sẻ: Nếu ký hợp đồng kinh tế, đặc biệt là hàng xuất khẩu thì cần phải có hồ sơ năng lực, báo cáo tài chính đầy đủ. Hiện tại xưởng chỉ làm các đơn đặt hàng nhỏ, hoặc làm gián tiếp cho doanh nghiệp, khó có thể mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu, uy tín. Vì vậy ông Hoàng có dự định chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, bởi khi thành lập doanh nghiệp thì có đủ tư cách pháp nhân để trực tiếp tham gia vào các dự án lớn.
Ông Trần Đức Tân là nghệ nhân ưu tú, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh. Khi thành lập hợp tác xã, có tư cách pháp nhân đầy đủ, nghệ nhân Trần Đức Tân đã hoàn toàn chủ động trong việc hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp để sản xuất các mặt hàng gốm sứ cao cấp, tinh xảo như quà tặng, lưu niệm, đồ trang trí… Hơn nữa, việc ký kết, làm các thủ tục xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đức … cũng thuận tiện, dễ dàng hơn. Nghệ nhân Trần Đức Tân trao đổi.
Trên địa bàn có gần 1000 hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ, và khoảng 200 doanh nghiệp nhỏ, trong đó có 04 công ty cổ phần, 114 công ty trách nhiệm hữu hạn, đặc biệt là 8 hợp tác xã. Ông Phạm Minh Khôi, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng cho biết, hiện nay, số lượng hộ kinh doanh khá nhiều, gấp năm lần số doanh nghiệp trong xã. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề, Ủy ban nhân dân xã đã có kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp.
Tiến sĩ Mạc Quốc Anh trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi ích, và đây cũng là quá trình tất yếu trong tương lai.
Khi thành lập công ty, có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam, từ đó được vay vốn các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác với lãi suất ưu đãi, thấp hơn so với cá nhân và hộ kinh doanh. Được mở rộng phạm vi kinh doanh trong và ngoài nước, mở rộng thị trường, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hay lập thêm địa điểm kinh doanh.
Thuận lợi khác phải kể đến đó là, công ty được trực tiếp xuất hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn điện tử mà hộ kinh doanh, được hoàn thuế khi nộp thuế, được khấu trừ chi phí đầu vào. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước như giảm các loại thuế, phí, lệ phí …trong quá trình hoạt động.
Ông Trần Đức Tân nhận định, từ khi thành lập Hợp tác xã, việc mở rộng hoạt động kinh doanh được thuận lợi hơn, doanh thu từ đó cũng tăng hơn nhiều lần so với trước đây.
Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng đủ pháp lý đóng bảo hiểm, bảo đảm an sinh cho người lao động. Đây cũng là điểm quan trọng mà những người thợ ở làng nghề mong muốn được làm việc cho doanh nghiệp để có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phòng khi ốm đau, khi về già và ổn định cuộc sống.
Sản phẩm lụa Vạn Phúc chất lượng tốt, mẫu mã đẹp được giới thiệu tại Festival làng nghề
Sản phẩm lụa Vạn Phúc chất lượng tốt, mẫu mã đẹp được giới thiệu tại Festival làng nghề
Làng nghề kết hợp du lịch, trải nghiệm: Xu hướng triển vọng
Có những làng nghề như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Hà Đông, làng mây tre đan Phú Vinh … đã đẩy mạnh việc làm nghề kết hợp du lịch và trải nghiệm để thu hút khách đến tham quan, mua sắm. Điều này giúp lan tỏa tốt hơn thương hiệu làng nghề, làm gia tăng kinh tế cho địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch hội làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết, tại làng lụa có khu quy hoạch khoảng 150 cửa hàng của các hộ kinh doanh để phục vụ du khách mua sắm, khách đến có thể trải nghiệm tại khu vực được thiết kế riêng, xem dệt ra những tấm lụa, tự tay guồng tơ, quay tơ. Mỗi năm làng lụa đón đến 40 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.
Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội những năm qua đã thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển làng nghề Bát Tràng trở thành một khu du lịch vừa kết hợp tham quan, trải nghiệm và mua sắm để tạo đà thúc đẩy kinh tế.
Chị Lương Nguyệt Minh, chủ cở sở Lò Bầu cổ tại xã Bát Tràng kể lại: Trước đây gia đình có xưởng sản xuất, nhưng nhận thấy làng nghề cần một điểm để khách hàng tham quan, trải nghiệm; chị đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch với nhiều hoạt động thú vị: Du khách có thể tham quan Lò Bầu cổ, (lò nung gốm sứ bằng củi, có tuổi đời khoảng 100 năm); giếng cổ 400 tuổi; tham gia khu trải nghiệm làm gốm; khu tham quan và mua sắm sản phẩm gốm.
Khách tham quan, trải nghiệm tại điểm “Lò Bầu cổ”, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Khách tham quan, trải nghiệm tại điểm “Lò Bầu cổ”, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Với cách làm khác, anh Nguyễn Văn Sơn xây dựng một mô hình 4 trong 1; vừa có xưởng sản xuất đồng thời, anh mở cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại Hàng Gai - một trong những con phố thương mại sầm uất bậc nhất khu vực trung tâm thủ đô, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Anh xây dựng hoạt động trải nghiệm làm gốm tại chính cửa hàng ở phố Hàng Gai và thu hút được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Ngày cuối tuần, anh thường tổ chức các buổi thảo luận nhỏ để chia sẻ kiến thức, kỹ năng và dạy làm gốm và đưa du khách về thăm làng nghề tại Bát Tràng. Chuỗi hoạt động của công ty anh được nhiều gia đình và các bạn trẻ quan tâm, yêu thích.
Khách du lịch mua sắm và tham gia buổi giới thiệu về gốm Bát Tràng.
Khách du lịch mua sắm và tham gia buổi giới thiệu về gốm Bát Tràng.
Những vị du khách này đến từ nước Anh, và họ bày tỏ sự quan tâm, thích thú khi được khám phá lịch sử của gốm sứ của Việt Nam, sự tinh xảo, độc đáo về hoa văn, chất liệu gốm sứ Bát Tràng: “Chúng tôi đã mua một số sản phẩm về và sẽ giới thiệu bạn bè đến đây tham quan”
Du khách từ nhiều nước trên thế giới đến tham quan tại Bát Tràng.
Du khách từ nhiều nước trên thế giới đến tham quan tại Bát Tràng.
Phát triển làng nghề theo hướng du lịch mà anh Sơn, chị Minh làm đã góp phần giúp Bát Tràng thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm trong năm 2024. Lượng khách quốc tế ước đạt khoảng 60 nghìn lượt, khách tham quan, trải nghiệm là các đoàn khách từ các địa phương, các trường học đến với Bát Tràng cũng tăng đều đặn qua các năm.
Theo ông Phạm Huy Khôi, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng, phát triển mở rộng làng nghề theo hướng du lịch đã góp phần giúp tăng giá trị ngành du lịch, thương mại, dịch vụ năm 2024 lên gần 43% so với cơ cấu kinh tế trên địa bàn xã.
Ông Phạm Huy Khôi, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng.
Ông Phạm Huy Khôi, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng.
Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cần tích cực triển khai và phối kết hợp giữa các bên như bộ, ngành, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương để triển khai nội dung thuộc chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022. Thực hiện tốt quy định đã nêu “Tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới” thì sẽ đạt mục tiêu đặt ra “Đến năm 2030 sẽ phát triển 301 làng nghề gắn với du lịch”.
Giải quyết khó khăn, mở đường để phát triển kinh tế làng nghề
các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng các thương hiệu địa phương. Chúng ta có những sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm ba sao, bốn sao, năm sao. Việc này cần phải tiếp tục làm mạnh hơn.
---Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam---
Những năm qua, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của các làng nghề. Nhiều làng nghề truyền thống đã dần mai một nhưng ngược lại, có những làng nghề đã tận dụng được cơ hội, vươn lên phát triển mạnh mẽ. Để kinh tế làng nghề phát triển đồng đều, ổn định và bền vững, cần có những giải pháp căn bản, trọng tâm.
Tiến sĩ Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, yếu tố biên đầu tiên là phải quy hoạch lại không gian làng nghề theo các mô hình về các cụm công nghiệp làng nghề sinh thái. Làng nghề kết hợp du lịch để tham quan làng nghề, trải nghiệm, rồi mua sắm dịch vụ về nghỉ dưỡng, ăn uống, đi lại.
Ông Hồ Xuân Hùng, cho rằng, các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng các thương hiệu địa phương. Chúng ta có những sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm ba sao, bốn sao, năm sao. Việc này cần phải tiếp tục làm mạnh hơn.
Sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong các làng nghề. Phát triển kênh bán hàng trực tuyến, chủ động nắm bắt các công nghệ thương mại điện tử, đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng, các sàn giao dịch để kết nối nhanh nhất các sản phẩm làng nghề với thị trường trong và ngoài nước.
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng đang triển khai kế hoạch lập ra một trang web làng nghề Việt Nam riêng để quảng bá các sản phẩm làng nghề ra thị trường trong và ngoài nước. Ông Trịnh Quốc Đạt, chủ tịch Hiệp hội thông tin.
Ông Hồ Xuân Hùng lưu ý thêm, cần phải có kế hoạch đào tạo, truyền nghề cho thế hệ sau một cách bài bản. Cùng với đó vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm làng nghề nếu được quan tâm sẽ giữ chân người lao động, nếu không sẽ khó giữ nghề truyền thống bền vững trước những biến động không ngừng của kinh tế thị trường.
Liên quan đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh tại làng nghề, luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có mục riêng quy định chi tiết việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, trao đổi với báo chí về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, sẽ có những nhóm chính sách giải quyết những bất cập liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn, và các chính sách thuế bảo đảm công bằng với các loại hình doanh nghiệp.
Trong dòng chảy phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân, kinh tế làng nghề ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững của kinh tế địa phương và kinh tế đất nước.
Nếu biết khai thác tận dụng những những tinh hoa sẵn có của làng nghề, đồng thời thúc đẩy phát triển theo hướng phù hợp sẽ không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn bảo tồn và phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Chỉ đạo: KIM PHƯƠNG BÌNH
Ngày sản xuất: 8/4/2025
Thực hiện: QUỲNH TRANG-NHỊ THU-KHÁNH BÁCH-GIAI THANH - THẾ DƯƠNG