Lịch sử sinh động qua ký họa kháng chiến

70 tác phẩm ký họa được chọn lọc từ hơn 4.000 bức sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mang đến cho công chúng Thủ đô nhiều cảm xúc dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2022.

Nhiều bạn trẻ đến với triển lãm trong ngày khai mạc.
Nhiều bạn trẻ đến với triển lãm trong ngày khai mạc.

1/Trưng bày “Ký họa kháng chiến miền nam” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với sự phối hợp tổ chức cùng Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Trưng bày sẽ mở cửa hết ngày 8/5. 

Với những chất liệu chủ yếu bằng mầu nước, bút sắt, bút chì, dưới góc nhìn và sáng tạo của các họa sĩ-chiến sĩ, hình ảnh những anh giải phóng quân, cô dân quân, những người phụ nữ miền nam trung kiên, anh dũng, hình ảnh những trận đánh, công tác chăm sóc thương binh… được tái hiện qua các bức ký họa như “Trận Bình Giã 1965” của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, “Ngoan cường trong chiến đấu” của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu, “Cô du kích” của họa sĩ Nguyễn Tấn Lực, “Bà Nguyễn Thị Định” của họa sĩ Lê Lam… góp phần minh chứng cho giai đoạn lao động nghệ thuật gian lao nhưng ý nghĩa, phản ánh tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, khát vọng hòa bình, tinh thần lạc quan của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử sinh động qua ký họa kháng chiến -0
 Võ Thị Mô - dũng sĩ diệt Mỹ (Lê Văn Chương).

Những bức ký họa hầu như đã ngả màu thời gian, có bức rách góc, bức tận dụng mặt sau của tờ áp-phích, tờ báo để vẽ, đã lưu giữ không chỉ hình ảnh mà còn là cả những dấu ấn thời đại. Cảm thấy như vẫn còn những bụng tay đang tỳ lên giấy vẽ, những hơi thở dồn dập quyện khói bụi chiến trường… những giọt mồ hôi, nước mắt và chắc chắn là cả máu… còn ngấm trên những mảnh giấy mang đầy tinh thần của cuộc chiến. Các bức ký họa đã trở về từ quá khứ, nằm trọn vẹn trong khung gỗ, như những nhân chứng của lịch sử đang “đối thoại” với đương đại.

Lịch sử sinh động qua ký họa kháng chiến -0
 Má Hai Ghé (Cổ Tấn Long Châu).

2/Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh Trần Thanh Bình chia sẻ, ngay từ khi thành lập, bảo tàng đã chú trọng sưu tầm ký họa của các họa sĩ tham gia kháng chiến. Đó còn là sự tôn vinh những họa sĩ đầu tiên tham gia hoạt động của bảo tàng. Đây là những tác phẩm hội họa rất có giá trị về mặt nghệ thuật lẫn lịch sử, là các bản gốc ký họa trực tiếp trên chiến trường, ghi lại lịch sử bằng tranh. Các họa sĩ-chiến sĩ đã tham gia chiến đấu rồi tranh thủ từng giây, từng phút ghi lại thật nhanh trang nhật ký chiến trường, sáng tác và bày triển lãm ngay trên chiến hào để động viên đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, đó còn là sự góp sức phát triển hội họa miền nam nói riêng và nền mỹ thuật Việt Nam nói chung.

Lịch sử sinh động qua ký họa kháng chiến -0
Chuẩn bị chống càn (Huỳnh Quốc Trọng). 

Không mang nặng tính tàn khốc của chiến tranh, các tác phẩm tại cuộc trưng bày khắc họa những hình ảnh vừa bình dị, vừa có ý nghĩa nhân văn cao đẹp; truyền lại những giá trị lịch sử, mỹ thuật cho thế hệ sau để thêm hiểu và khắc ghi công lao các thế hệ cha, ông đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Đến tham quan triển lãm, bà Đặng Thị Như Vinh (71 tuổi ở Ngọc Hà, Hà Nội) xúc động, các tác phẩm thể hiện chân thật sức sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã gợi lại cho tôi ký ức một thời oanh liệt. Ở đây, từ các em nhỏ, những bà má đến các dũng sĩ diệt Mỹ…, tất cả đã cùng chung một ý chí vượt qua những nỗi đau mang hòa bình về cho đất nước.