Ảnh hưởng đến nguồn nhân lực
Mới đây, một trường đại học (ĐH) công bố xét tuyển ngành y khoa, có 5 tổ hợp khác nhau, nhưng có tới 3 tổ hợp là A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), C04 (Toán, Văn, Địa lý), D01 (Toán, Văn, tiếng Anh) không hề có môn truyền thống là Hóa, Sinh. Một số trường sư phạm cũng xuất hiện tổ hợp lạ: Sư phạm Vật lý nhưng không có môn Vật lý mà lại là C04 (Toán, Văn, Địa lý), Sư phạm Lịch sử nhưng không có môn Lịch sử mà lại xét tuyển tổ hợp C14 (Ngữ văn, Toán, Giáo dục kinh tế và pháp luật). Trường ĐH tuyển ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ dược liệu nhưng có nhiều tổ hợp không có môn Hóa hay môn Sinh mà là các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử; Toán, Ngữ văn, Địa lý và Ngữ văn, Toán, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Một số chuyên gia nhìn nhận, sở dĩ, xuất hiện nhiều tổ hợp lạ vì khác với các năm trước, thi tốt nghiệp THPT 6 môn thì năm nay chỉ thi 4 môn: 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Để bảo đảm tuyển đủ được số lượng mong muốn, nhiều trường xét tuyển cả môn không phải là truyền thống. PGS, TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Tính đến thời điểm hiện tại, cũng chưa có được dữ liệu chính xác là tỷ lệ các em học sinh chọn thi các môn còn lại là như thế nào nên rất khó khăn cho các trường đưa ra các tổ hợp xét tuyển một cách cụ thể”.
Từ năm 2019, khi Luật Giáo dục ĐH lần đầu tiên trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, trong đó có tự chủ tuyển sinh, từ đó đã bắt đầu xuất hiện những tổ hợp xét tuyển bất thường. Tuy nhiên, năm nay, những tổ hợp này nhiều hơn, thậm chí theo nhận xét của nhiều chuyên gia là đã đến mức “bùng nổ”, thu hút sự quan tâm toàn xã hội. Nguyên nhân được đưa ra là năm nay bắt đầu thực hiện xét tuyển đầu vào ĐH theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, có hai đối tượng tuyển sinh, một theo chương trình phổ thông cũ, một theo chương trình mới, khiến các trường phải mở rộng phương án xét tuyển để không bỏ sót thí sinh.
GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng, việc mở quá nhiều tổ hợp, đặc biệt là những tổ hợp thiếu liên quan đến chuyên môn ngành học, đang đặt ra lo ngại về chất lượng đầu vào và nguy cơ đào tạo lệch chuẩn. Chẳng hạn, ngành y, dược nhưng lại không xét Hóa, Sinh; hay ngành Vật lý lại không có môn Vật lý trong tổ hợp xét tuyển.
“Khi các trường được trao quyền tự chủ, trên thực tế sẽ có nhiều áp lực. Phía các trường ĐH muốn tuyển nhiều thí sinh. Còn thí sinh thì muốn chọn tổ hợp nào dễ trúng tuyển. Đặc biệt tâm lý xã hội chúng ta vẫn trọng bằng cấp. Các em học sinh lớp 12 đều muốn vào ĐH. Nhưng có những ngành không phù hợp, chỉ vì dễ xét tuyển mà vẫn đăng ký. Điều này dẫn đến hệ lụy, gia tăng tỷ lệ đăng ký vào học các môn khoa học xã hội rất nhiều, còn những tổ hợp liên quan đến những môn chủ chốt như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn lại giảm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo. Trong quá trình học, vì ngồi nhầm chỗ nên các em không thể theo được dẫn tới phải bỏ học nửa chừng. Như vậy, đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình, gây ra lãng phí về thời gian và tiền bạc”, ông Đức phân tích.
Một chuyên gia giáo dục có thâm niên làm công tác tuyển sinh cũng đưa ra cảnh báo: “Thật sự chúng ta đang chạy theo nhu cầu tuyển sinh, tuyển sao cho đủ để nuôi nồi cơm của các trường ĐH. Nhưng các trường phải hết sức lưu ý, việc tuyển được sinh viên chỉ là bước đầu, nếu không có chiến lược đào tạo phù hợp, đầu ra sẽ khó bảo đảm chuẩn chất lượng. Điều này liên quan đến sự phát triển của nhà trường, đến sự phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam”.
Yêu cầu các trường sớm rà soát
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT có hơn 1,1 triệu thí sinh tham gia, tăng khoảng 40.000 em so với năm trước. Nhằm chuẩn bị cho mùa ĐH, các trường đã liên tục đưa ra các đề án tuyển sinh mới, nhằm thu hút thí sinh đăng ký vào trường mình. Mùa tuyển sinh năm nay cũng ghi nhận nhiều thay đổi đáng chú ý, phản ánh xu hướng việc làm và nhu cầu của thị trường lao động.
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhiều năm nay có điểm trúng tuyển khối C rất cao 28-29 điểm. Tuy nhiên, từ năm nay, cơ hội việc làm cho ngành học này trong các cơ quan nhà nước đã thay đổi. Hàng trăm, thậm chí cả nghìn việc làm bị cắt giảm sau tinh giản bộ máy. Hiện nay, các ngành kinh tế và quản lý đang thu hút đông đảo sinh viên theo học nhất. Tuy nhiên, trong ngành này, nhiều vị trí việc làm đang phải cạnh tranh, thậm chí bị trí tuệ nhân tạo thay thế.
Trên thị trường lao động lúc này, đang nổi lên cơ hội từ ngành bán dẫn. Chỉ trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 50.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và an ninh mạng. GS, TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất: “Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và an ninh mạng không còn là kiến thức chuyên biệt, mà cần trở thành các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo ĐH, không chỉ đối với ngành kỹ thuật mà cả các ngành khác. Bên cạnh đó, các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa và những môn thuộc nhóm STEM cũng cần được chú trọng, vì đây là nền tảng để phát triển công nghệ cao và các lĩnh vực tiên tiến như AI, vật lý điện tử, công nghệ sinh học... Các trường ĐH cần tích hợp nội dung này vào các ngành của mình”.
Nhiều ý kiến đề xuất, việc mở rộng tổ hợp là quyền tự chủ của các trường, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cần ban hành khung quy chế rõ ràng đối với những ngành đặc thù như y khoa, luật. Bởi vì những ngành này yêu cầu kiến thức nền tảng rất cao.
Về vấn đề này, PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc các trường sử dụng tổ hợp bất thường để xét tuyển do các trường chưa hiểu rõ sự khác biệt của mùa tuyển sinh ĐH năm nay so với những năm trước. Cụ thể những năm trước, học sinh THPT học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, được học tất cả các môn học. Do vậy, nếu thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp Toán, Hóa, tiếng Anh có thể chấp nhận được vì học sinh đã có kiến thức cơ bản trong chương trình THPT. Tuy nhiên năm nay có thể thí sinh có điểm thi tổ hợp Toán, Hóa, tiếng Anh nhưng không học môn Sinh trong chương trình THPT, nếu trường xét tuyển không yêu cầu có môn Sinh vẫn có thể trúng tuyển.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất trong hội nghị tuyển sinh, giao Vụ Giáo dục ĐH dự thảo công văn yêu cầu các trường rà soát lại việc này. Các trường ĐH có quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhưng bộ sẽ nhắc nhở dựa trên quy chế tuyển sinh chung. Nếu một phương thức, một tổ hợp xét tuyển mà không đánh giá được kiến thức, năng lực cốt lõi của người học cho ngành học thì các trường phải xem lại”, ông Sơn nhấn mạnh.
Báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ tuyển sinh năm ngoái cho thấy chỉ có các trường thuộc nhóm đầu mới đạt được tỷ lệ thí sinh nhập học đủ 100% chỉ tiêu đề ra. Các trường còn lại nhìn chung đều gặp khó khăn trong việc thu hút thí sinh, với sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành học. Trong đó, ngành kinh doanh và quản lý có số lượng thí sinh nhập học cao nhất, chiếm 25% tổng số. Điều này có nghĩa là cứ 100 thí sinh đăng ký xét tuyển thì chỉ khoảng 25 em thật sự nhập học vào ngành này. Tiếp theo là ngành Máy tính và công nghệ thông tin với 12% thí sinh theo học, và hai ngành Công nghệ kỹ thuật và Nhân văn cùng đạt tỷ lệ 9%. Các ngành như Kiến trúc, Xây dựng, Du lịch - Khách sạn, Thể thao và Dịch vụ cá nhân có tỷ lệ thí sinh nhập học dưới 5%.