
Một thành phố
bao dung, nghĩa tình
DƯƠNG BÌNH NGUYÊN
Nếu một nơi nào đó cho bạn nhiều cơ hội được sống một cuộc đời như ý, thì đó chính là Sài Gòn. Một thành phố luôn mở rộng vòng tay, bao dung với biết bao phận người, không phân biệt, không kỳ thị. Ở thành phố hơn mười triệu dân ấy, người ta cùng chìa những cánh tay để nâng đỡ nhau vượt qua biết bao khó khăn, biến cố. Và tiếp tục sống, thanh thản và hào sảng, như đã từng...
1 Với mức lương trung úy cảnh sát, Ngọc Văn Thành, Bí thư Chi đoàn Công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, vẫn dành một phần tiết kiệm để ít nhất một lần mỗi tháng, tự tay chuẩn bị những hộp cơm và chạy xe dọc các tuyến đường, bệnh viện, trao tận tay những người cơ nhỡ. Tại một bếp ăn khác, những nghệ sĩ như Mỹ Uyên, Quế Trân, Kim Tiểu Long… cùng nấu những bữa cơm chay và gửi tới các xóm nghèo, chốn người dân tứ chiếng dồn về mưu sinh nơi phố hội…
Trung úy Ngọc Văn Thành, Bí thư Chi đoàn Công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Trung úy Ngọc Văn Thành, Bí thư Chi đoàn Công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Ở đầu kia thành phố, ông Nguyễn Khắc Êm - tổ trưởng tổ dân phố 29, phường Bến Nghé, Quận 1, cũng đang lặng lẽ đi đến từng hộ nghèo, gửi những khoản tiền nhỏ mình quyên góp được, từ tâm từng chút, từng chút. Từ một trong những người nghèo nhất khu phố, ông đã nỗ lực suốt mấy chục năm để vượt khó, thoát nghèo, rồi đi vận động quyên góp giúp cho 42 hộ khó khăn khác trong cộng đồng. Cũng chính ông, đã giúp đỡ hơn 10 em nhỏ nghiện ma túy đi cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng…
Những hình ảnh như vậy, có thể bắt gặp thường ngày, ở mọi ngõ hẻm của thành phố. Mỗi người cùng góp công, góp của, như một thói quen. Không có nhu cầu trở thành người nổi tiếng, nhưng những hình ảnh Ngọc Văn Thành đi phát cơm từ thiện, hay chia từng chai nước khi người dân ken đặc lối ra cửa ngõ thành phố về quê ăn Tết… đã viral trên mạng xã hội. Thành, cũng như hàng triệu người dân ngoại tỉnh, được học tập và ở lại xây dựng cuộc sống tại đây, luôn muốn nhìn thấy thành phố của mình ngày một sạch và văn minh hơn. Những công việc không tên ấy, với những cánh tay nối dài của biết bao người, đã tạo ra năng lượng tích cực của một thành phố trẻ.
Những công việc không tên ấy, với những cánh tay nối dài của biết bao người, đã tạo ra năng lượng tích cực của một thành phố trẻ.
Không phải tới bây giờ mới vậy. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, một trong những chiến sĩ Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 - một trong đội hình 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn-Gia Định nhớ lại, khi ông cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn dịp 30/4/1975, dường như không gặp sự chống trả nào từ quân địch nữa.
Chị Trần Mộng Phương Thảo - Trưởng nhóm từ thiện Cát Tường hỗ trợ phát cơm miễn phí cho người tại quán cơm chay Bình An. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chị Trần Mộng Phương Thảo - Trưởng nhóm từ thiện Cát Tường hỗ trợ phát cơm miễn phí cho người tại quán cơm chay Bình An. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Người Sài Gòn nô nức ra đường, chào đón quân giải phóng, như đón những người con trở về. Những bó hoa trao tay, những trái dừa thơm mát gửi tới, những chiếc bánh ngọt truyền cho bộ đội. Người Sài Gòn hào sảng, nô nức, súng gươm vứt bỏ, bắt tay vào gây dựng thành phố sau chiến tranh đổ nát. Vất vả, nhưng chưa từng có tiếng than van…
Vất vả, nhưng chưa từng có tiếng than van…
Dịp này, đất nước thống nhất tròn 50 năm, ông Nguyễn Văn Thể, trưởng ban công tác mặt trận ấp, tổ phó tổ nhân dân 1, ấp Đông Lân 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cũng có 49 năm cho hoạt động khu phố. Ông Thể đã gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh từ những công việc cụ thể nhất, tích cực nhất, mà chưa từng một lần đòi hỏi được ghi công. Bà Điểm trong chiến tranh là tâm điểm oanh kích của quân địch và suốt 49 năm sau giải phóng, những con người như ông Thể đã chung tay hàn gắn, gây dựng. Ông đã vận động để người dân chung tay xây dựng và bê-tông hóa 25 tuyến đường nông thôn của xã, với hơn 4 tỷ đồng. Ông cắt đất nhà mình, hiến cho chính quyền, để mở rộng những con hẻm; rồi vận động gắn 79 camera an ninh.
Giữ bình yên cho người dân Bà Điểm. Có lẽ đó chính là những câu chuyện thực sự lay động, lấp lánh lên từ lấm láp đời thường, khiến ông được có tên trong danh sách những cá nhân tiêu biểu cống hiến cho thành phố mang tên Bác, vào dịp kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải.

Trung úy Ngọc Văn Thành, Bí thư Chi đoàn Công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Trung úy Ngọc Văn Thành, Bí thư Chi đoàn Công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

2 Nhà tôi ở một chung cư cao tầng dọc Bến Vân Đồn, Quận 4. Nơi này chính là chân dung phân hóa rõ nét về mức sống của người dân thành phố. Bên cạnh những tòa cao ốc mới vẫn là những khu nhà ổ chuột, những khu chợ dân sinh của các tiểu thương nghèo. Mỗi ngày đi làm, tôi đều bước qua một quán cơm từ thiện có giá hai ngàn đồng, tên là Nụ Cười. Vào những ngày quán cơm mở cửa, người ta có thể thấy dãy dài những người xếp hàng mua cơm, trong đó có cả những người cần lao lẫn trí thức. Người nghèo mua một hộp cơm giá hai ngàn là đủ một bữa no, nhưng người có điều kiện hơn vẫn mua một hộp cơm đó với giá hai chục, hai trăm, thậm chí hai triệu đồng. Đó là một trật tự vô hình được tự nguyện diễn ra tại hệ thống quán cơm này.
Người có tiền mua cơm, góp tiền cho quán có đủ kinh phí duy trì bếp ăn; người nghèo mua cơm để duy trì cuộc sống đầy tự trọng mà không mang cảm giác nhận bố thí. Hệ thống quán cơm ấy được nhân rộng ở Thành phố Hồ Chí Minh và được chung tay theo cách như vậy, đã duy trì suốt gần hai mươi năm. Ngày Covid-19 bủa vây thành phố, người vô gia cư buộc phải co cụm lại trong những khu nhà nhỏ và việc đi lại khó khăn, hệ thống quán cơm hai ngàn cũng buộc phải thực hiện biện pháp cách ly. Nhưng lửa vẫn đỏ liên tục trong những gian bếp ấy. Các tình nguyện viên đã mang nguyên liệu đến, cùng nấu những suất cơm chay, và chở đi phát khắp những điểm người dân đang gặp khó.
Phát cơm miễn phí cho người nghèo tại quán chay Bình An (phường 6, quận 10). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phát cơm miễn phí cho người nghèo tại quán chay Bình An (phường 6, quận 10). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những ngày tháng gian khổ ấy, thành phố như bị cô lập bởi dịch bệnh, nhưng chính sợi dây của tình người lại được kết nối chặt chẽ hơn bao giờ hết. Những phần cơm được sẻ chia, thuốc uống, khẩu trang hay cây ATM gạo được dựng lên để giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Tôi đã sống một mình giữa Thành phố Hồ Chí Minh suốt đại dịch, cùng những đồng đội của mình đi vào những điểm nóng nhất, thực hiện những công việc lặng thầm với mong muốn giúp đỡ được nhiều người dân nhất. Nhưng, những gì chúng tôi làm được, vẫn là quá bé nhỏ so với những con người xả thân chống dịch, mà không nghĩ đến đường lui cho chính mình.
Vào những ngày tháng đó, dường như không người nào toan tính lẽ thiệt hơn. Làm sao nghĩ được, khi mỗi buổi sáng liên tục nhận tin những người từng gắn bó, thân thiết phải buông tay trước bệnh tật, những lời hẹn không thể thực hiện và không thể gặp nhau lần cuối cùng. Một người bác sĩ mà tôi yêu thương nhất mực, cũng lặng lẽ vào cuộc chiến cứu người trong đại dịch và lặng lẽ rời đi trước khi Covid-19 bị đẩy lùi. Em đã không để lại lời buồn bã nào, chỉ biết em đã cống hiến tất cả tuổi xuân đẹp đẽ nhất cho thành phố này. Và vào giai đoạn cuối cùng của sự sống, em cũng đã vì người khác. Tuổi xuân ấy của em và bao nhiêu cuộc đời nữa, đã lặng lẽ lan tỏa, cho thành phố hồi sinh…
Phát cơm miễn phí cho người nghèo tại quán chay Bình An (phường 6, quận 10). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phát cơm miễn phí cho người nghèo tại quán chay Bình An (phường 6, quận 10). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

3 Tôi đã đến và sống trong sự bao dung của Sài Gòn suốt hơn một thập niên. Ở thành phố mà người ta sẽ chỉ nhìn vào những việc chúng ta làm thay vì danh tính hay địa vị; ở thành phố mà người ta sẽ nhìn vào cách người ứng xử với người thay vì định kiến hay kỳ thị… thì việc của mỗi người chỉ còn là sống sao cho xứng đáng với sự bao dung ấy. Sẽ không dễ thấy ở đâu những người dân cần mẫn nấu những ấm trà xanh miễn phí dọc đường, cũng hiếm khi ta thấy người kiểm soát xe bus sẵn sàng bù thêm tiền cho cậu sinh viên nghèo thiếu vé.
Có những người dân nghèo sẵn sàng hiến một nửa căn nhà của mình để mở rộng những con hẻm nhỏ, hay cũng có những người phụ nữ cả đời tần tảo nhưng dành tất cả tiền tiết kiệm để nuôi nấng những đứa trẻ mồ côi từ nhỏ tới lúc trưởng thành. Sống ở nơi này, khi bạn nhận được những ân tình, tự khắc bạn sẽ nhận ra, thành phố này đáng sống bởi những tấm lòng biết cho đi. Và bạn cũng sẽ muốn tiếp tục hành trình ấy. Đó chính là đền đáp tiếp nối.
Sống ở nơi này, khi bạn nhận được những ân tình, tự khắc bạn sẽ nhận ra, thành phố này đáng sống bởi những tấm lòng biết cho đi.
Có lẽ những ân tình ấy đã khiến Thành phố Hồ Chí Minh cứ nới rộng thêm mãi, vươn dài thêm cả về địa lý lẫn số dân. Người đi xa trở về, người từ quê mới đến, cùng nương tựa vào nhau để sống, để vươn lên. Dẫu cuộc sống giữa đô thị vẫn đầy những bộn bề lo toan, dẫu khoảng cách giàu nghèo mỗi ngày một lớn, nhưng không vì thế mà thành phố mất đi những ấm áp nghĩa tình.
50 năm Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh được trọn vẹn dành cho những người dân tự do sống trong nền độc lập, cũng là nửa thế kỷ thành phố này không ngừng lớn mạnh, vươn cao. Trong hành trình bay lên ấy, có sự góp tay của biết bao con người, biết bao cuộc đời. Đó là một hành trình của sự chân thành, tử tế…

Trình bày: NGÔ HƯƠNG