Mùa hè an toàn cho trẻ em

Sân chơi ngày hè cho trẻ là vấn đề không mới, nhưng vẫn làm các ông bố, bà mẹ “đau đầu” tìm giải pháp mỗi độ hè sang. Phụ huynh phải tìm chỗ học, chỗ chơi ở đâu để phù hợp với nhu cầu và quản lý được con em mình hay làm thế nào để con trẻ có một kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn?

Hướng dẫn trẻ làm đồ thủ công, phát triển kỹ năng sáng tạo. Ảnh: HẢI NAM
Hướng dẫn trẻ làm đồ thủ công, phát triển kỹ năng sáng tạo. Ảnh: HẢI NAM

Ngày hè, chơi hay học?

Chẳng mấy khó khăn với các bậc phụ huynh khi chỉ cần cú nhấp chuột máy tính, vuốt điện thoại thông minh là có thể tìm thấy vô số các lớp ngoại khóa hay trại hè khá dễ dàng. Các khóa học mùa hè này không còn gói gọn trong những môn học bơi, đàn, khiêu vũ, múa, mỹ thuật, âm nhạc… như trước đây, mà đã nở rộ với nhiều nội dung đa dạng, phong phú hơn, như trại hè tiếng Anh, trại hè công nghệ, kỹ năng phát triển tư duy sáng tạo lắp ráp robot, kỹ năng ghi nhớ… Mỗi khóa học đều mang đến cơ hội trải nghiệm cho trẻ. Ðể góp thêm vào sự phong phú của các lớp dạy kỹ năng, một số trung tâm còn tổ chức các khóa học “độc và lạ” để hấp dẫn các em nhỏ, như khóa học “Mùa hè công nghệ” của Học viện Sáng tạo công nghệ Teky, giúp học sinh phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tư duy logic và ứng dụng công nghệ. Các em được trải nghiệm lắp ghép robot, lập trình...

Không chỉ dừng lại ở các khóa học hè bán trú, nhiều trung tâm còn thiết kế mô hình trại hè tiếng Anh, đưa học sinh đi cắm trại ở một địa điểm xa, thậm chí ra nước ngoài trong vòng hai - ba tuần đến cả tháng, dành cho những gia đình có tiềm lực kinh tế, với kinh phí từ 30 - 40 triệu đồng cho một khóa học.

Vài năm trở lại đây, mô hình trại hè hướng dẫn kỹ năng sống đang rất thu hút và hấp dẫn cả học sinh lẫn phụ huynh. Có thể đơn cử một số khóa trại hè hướng dẫn kỹ năng mềm như: Học kỳ quân đội, Học thành người có ích, Hòa mình với thiên nhiên, Học làm bác nông dân, Khóa tu mùa hè, Trại hè công an, Trại hè kỹ năng sinh tồn...

Mỗi trại hè sẽ có mục tiêu và giải pháp khác nhau. Học kỳ quân đội thường hướng tới rèn luyện tính kỷ luật, sự ngăn nắp, gọn gàng, tinh thần đoàn kết, tập thể. Khóa tu mùa hè hướng đến tính nhân văn, lòng vị tha... Với khoảng thời gian xa gia đình từ 7 đến 12 ngày, các em hoàn toàn sống tự lập và được học tập, vui chơi trong môi trường tập thể, giúp các em thêm tự tin và mạnh dạn. Đặc biệt, các trại hè dạy kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy, kỹ năng bơi lội và kỹ năng tự vệ... đang được nhiều phụ huynh quan tâm.

Anh Lê Anh Tuấn (Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên Hà Nội) chia sẻ, kỳ nghỉ hè là dịp để các em học sinh nghỉ ngơi, vui chơi, lấy lại sức khỏe và tinh thần sau một năm bận rộn với học hành và thi cử. Vì vậy, các phụ huynh nên có sự tìm hiểu kỹ, chọn lựa cho con em mình một môi trường sinh hoạt hè vui tươi, lành mạnh và bổ ích. Các phụ huynh nên căn cứ vào độ tuổi của con để chọn khóa học phù hợp. Chẳng hạn, với học sinh từ lớp 5 - 6 thì những khóa học đi trong ngày và cho trẻ trải nghiệm làm nông dân, nhà khoa học, nhà sinh học... sẽ phù hợp. Với học sinh THCS, cần chọn cho các em trải nghiệm ở một địa điểm mới, xen kẽ việc rèn luyện các kỹ năng sống với các trò chơi vận động, học hát, học nấu ăn... Trại kỹ năng dành cho học sinh THPT sẽ được nâng lên mức thử thách và rèn luyện với những trò chơi vận động, trò chơi đòi hỏi thử thách.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng đang đôn đáo tìm nơi học hè cho con, phần vì không muốn con quên kiến thức, phần vì không có thời gian ở nhà trông con. Nắm bắt được nhu cầu này, các trường tư thục ở Hà Nội đồng loạt mở khóa học hè, trại hè cho học sinh, quảng cáo rầm rộ trên website hay Facebook.

Một trường liên cấp tiểu học và THCS ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đăng tải thông tin về trại hè với chương trình học kèm nhiều hình ảnh bắt mắt, chi phí, thời khóa biểu, cách thức thanh toán đều được nêu cụ thể. Thí dụ, chi phí học bốn tuần cho học sinh lớp 1 là gần 4 triệu đồng, tiền ăn 1,4 triệu, phí học liệu 400.000 đồng, xe đưa đón 1,1 triệu và dã ngoại 75.000 đồng mỗi lần/tuần. Mức chi phí này bằng cả kỳ học của học sinh trường công lập.

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng hè là thời gian cần thiết để nghỉ ngơi, giải trí sau những tháng học hành, thi cử vất vả, giúp các em lấy lại sức khỏe, học kỹ năng sống cần thiết... Do vậy, việc ép trẻ phải học thêm văn hóa trong dịp hè, nhất là với các bé chuẩn bị bước vào lớp 1, sẽ gây tâm lý căng thẳng, chán học, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý của trẻ. “Chúng ta không nên lo sợ rằng nghỉ hè trẻ sẽ quên hết kiến thức bởi bộ não của con người có một dung lượng nhất định, không thể cứ nhồi nhét kiến thức liên tục. Việc vui chơi, tinh thần thoải mái cũng sẽ giúp trẻ tự nhiên khôi phục các kiến thức đã học chứ không phải chơi là quên như lo lắng của nhiều người”, chị Thúy nói.

Mùa hè an toàn cho trẻ em ảnh 1

Mô hình trại hè hướng dẫn kỹ năng sống đang rất thu hút và hấp dẫn cả học sinh lẫn phụ huynh. Ảnh: HẢI ANH

Trách nhiệm của toàn xã hội

Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Công tác Học sinh - sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), bảo đảm an toàn cho học sinh trong dịp hè không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Để học sinh có một mùa hè thật sự bổ ích và an toàn, cần có sự chung tay phối hợp giữa nhà trường với chính quyền, đoàn thể ở địa phương để tạo những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em. Bên cạnh đó, sự tham gia, đồng hành của các bậc phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng.

Trong điều kiện kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thiếu nhi từ nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn thì việc xã hội hóa nguồn lực để chăm lo cho trẻ em là rất cần thiết. Các doanh nghiệp, trung tâm, cơ quan, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi đều được hoan nghênh. Điều quan trọng, các hoạt động đó phải lành mạnh, an toàn và nên lấy tinh thần hướng đến chăm sóc, phục vụ các em là chủ đạo, giảm tối đa mục đích lợi nhuận. Với trẻ em, để vui chơi nhiều khi chỉ cần những điều kiện rất đơn giản như: một khoảng sân an toàn, một quả bóng hay con diều giấy… Cái chính là sự quan tâm và dành thời gian hướng dẫn của người lớn để các em có nhiều cơ hội vui chơi lành mạnh, an toàn hơn.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương phải tham mưu cho UBND ban hành Kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành tham gia công tác quản lý, giáo dục học sinh trong dịp nghỉ hè. Ngày 31-5-2017, Bộ trưởng GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1921/CT-BGDĐT về việc tăng cường các hoạt động phối hợp quản lý, giáo dục và bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên trong dịp nghỉ hè, trong đó nhấn mạnh cần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho trẻ em, học sinh trong dịp hè, phòng tránh tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn cháy nổ.

Ông Ngũ Duy Anh cũng cho biết, bơi lội đã được đưa vào là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất phổ thông, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn vì điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy môn học này thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, không chỉ ở các trường vùng khó khăn như nông thôn, vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo mà ngay cả các tỉnh, thành phố thuận lợi cũng gặp khó do thiếu quỹ đất để xây dựng, lắp đặt bể bơi.

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học giáo dục thể chất đang được đề xuất dự kiến thời lượng 70 tiết/kỳ học 35 tuần (trung bình 2 tiết/tuần) cho cả ba cấp học: Tiểu học, THCS, THPT và đang tiếp tục xin ý kiến rộng rãi để hoàn thiện chương trình tổng thể cho giáo dục phổ thông.

“Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành, Bộ sẽ tính toán, cân nhắc việc đưa môn bơi là một nội dung tự chọn vào chương trình giáo dục thể chất cho phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hài hòa, cân đối, thuận lợi để từng địa phương, nhà trường chủ động thực hiện, tránh hình thức, không có hiệu quả. Các tính toán về việc đầu tư cơ sở vật chất cho môn học này cũng sẽ được Bộ đưa ra để cùng thống nhất với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Ngũ Duy Anh nói.