
HÀNH TRÌNH RẤT KỲ DIỆU

Mỗi giai đoạn mình khó khăn nhất, mỗi giai đoạn mà mình buồn nhất thì chính âm nhạc, những bài hát đã làm cho mình được vơi đi.
Ngay từ đầu Chung không phải một người được đào tạo chuyên nghiệp về âm nhạc, mình cũng không có nhiều kiến thức âm nhạc giống như mọi người nhưng mình đến với âm nhạc là vì cảm xúc của lúc đó.

Quỳnh Trang: Rất cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ngày hôm nay đã đến với Cà phê Nhân Dân. Không biết là lần này ra Hà Nội, cảm xúc của anh như thế nào?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Lần nào ra Hà Nội, Chung cũng cảm thấy vui bởi vì Hà Nội bao giờ cũng mang lại cho mình cảm giác rất lãng mạn, nhẹ nhàng và mình thấy người nào cũng dễ thương!
Quỳnh Trang: Để bắt đầu cho cuộc trò chuyện ngày hôm nay, em xin phép được đưa anh Chung về quãng thời gian khi anh còn đang là sinh viên. Thời điểm đó anh bắt đầu sáng tác nhưng anh lại đang học ngành du lịch khách sạn. Em tò mò không hiểu vì lý do gì mà vào lúc đấy, với ngành học đấy mà anh lại quyết định gia nhập vào làng nhạc với vai trò là một nhạc sĩ ?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Vì lý do thất tình ! Lúc đó thì Chung cũng giống như bao bạn trẻ khác, cũng từng yêu rồi từng thất tình. Mà Chung không thích bản thân mình phải chìm vào nỗi buồn lâu quá, mình muốn tìm một cái gì đó để cho mình học, để cho mình chơi, cho mình vượt qua được. Lúc đó nhà Chung bán nhạc cụ nên Chung thấy một cái đàn cũ ở một góc trong nhà nên mình lấy lên và mình tự học. Lúc đó tự nhiên mình thấy âm nhạc mang lại cho mình những điều rất kỳ diệu.
Và mỗi giai đoạn mình khó khăn nhất, mỗi giai đoạn mà mình buồn nhất thì chính âm nhạc, những bài hát đã làm cho mình được vơi đi.
Quỳnh Trang: Có thể thấy thời điểm đầu sáng tác anh thường lựa chọn đề tài xoay quanh tình yêu. Nhưng mà sau đó anh chuyển sang đề tài gia đình. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời có tác động như thế nào đến cảm hứng sáng tác của anh?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Chung nghĩ đó là một điều khiến cho Chung khác biệt với những người nhạc sĩ khác. Ngay từ đầu Chung không phải một người được đào tạo chuyên nghiệp về âm nhạc, mình cũng không có nhiều kiến thức âm nhạc giống như mọi người nhưng mình đến với âm nhạc là vì cảm xúc của lúc đó. Cũng chính vì thế Chung nghĩ qua mỗi giai đoạn trưởng thành của bản thân mình sẽ viết về đề tài mà lúc đó mình đang quan tâm. Ví dụ như hồi còn trẻ, tình yêu với mình là quan trọng nhất, cô gái đó với mình là quan trọng nhất cho nên mình viết những bài hát về tình yêu. Đến khi trưởngthành hơn một chút, mình nhận thấy tình yêu của mẹ mới là tình cảm bền vững và ấm áp nhất thì lúc đó là lúc mà Chung bắt đầu viết những bài hát về mẹ. Đến khi lớn hơn một chút nữa thì mình mới nhìn thấy được sự hy sinh của cha. Rồi khi mình có con, mình nhìn thấy được con của mình lớn lên, trưởng thành mỗi ngày và bằng cảm xúc của tình phụ tử, bất giác mình muốn viết những bài hát về thiếu nhi. Đến bây giờ khi mà tạm gọi là mình đã có đầy đủ mọi thứ trong tay mình lại muốn phát đi một tâm nguyện là mình chia sẻ, mình cống hiến và mình bắt đầu viết những bài hát về cộng đồng, về quê hương đất nước.
Quỳnh Trang: Trong khoảng thời gian gần đây, “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” là ca khúc gây sốt trên mọi nền tảng. Đây là bài "hit" đầu tiên viết về đề tài đất nước của anh đúng không ? Vậy khi tiếp cận với đề tài này anh có cảm giác khó khăn hơn so với những đề tài khác mà anh viết không ?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Thực sự đề tài đất nước rất khó để được viral, nhất là viral trong giới trẻ. Lúc Chung làm bài hát đó Chung chỉ làm với suy nghĩ rất vô tư, đó là mình muốn cống hiến một album hoặc là những bài hát về chủ đề quê hương đất nước để những đơn vị cần họ vẫn có bài sử dụng, những chương trình cần họ sẽ có bài sử dụng và mình muốn lan tỏa nó đi, bởi mình là một người nhạc sĩ trẻ, nếu mình không đi tiên phong thì ai đi ? Nếu mình không viết thì ai viết ? Mình chỉ nghĩ đơn giản như vậy thôi. Và sau đó là một hành trình rất dài để lan tỏa bài hát, như bạn Duyên Quỳnh đã đi hát ở từng sân khấu lớn nhỏ khác nhau, có những sân khấu không có camera, không có truyền hình trực tiếp, không có cátsê, không có ánh đèn sân khấu bạn vẫn sẵn sàng đi hát, đó là những sân khấu doanh trại quân đội, hay ở những ngôi trường, ở những đoàn thanh niên. Sau đó bạn truyền thông trên mạng xã hội bằng cách remix thành những phiên bản cho giới trẻ, tạo trend và may mắn bản remix đó nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bạn trẻ và trở thành bài hát được viral trước ngày 30/4. Sự viral đó lại khiến bài hát may mắn được lựa chọn để trở thành một trong những bài hát được trình diễn và truyền hình trực tiếp, chạm đến trái tim của hàng triệu khán giả nữa. Đó là một hành trình rất là kỳ diệu và bản thân mình cũng không tin được là một bài hát về chủ đề khó, khó viết, khó hát, khó lan tỏa như vậy mà được mọi người đón nhận và yêu mến.
Quỳnh Trang: Về đề tài quê hương đất nước, theo em thấy nhiều khán giả đã quen với những ca khúc về đề tài này trong khoảng thời gian kháng chiến rồi nhưng mà trong thời bình, các ca khúc viết về đề tài này rất khó để chạm đến khán giả. Anh nghĩ lý do là vì sao ?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Chung nghĩ lý do chính vẫn là cảm xúc. Để một bài hát chạm đến trái tim của mọi người vẫn phải là cảm xúc. Để có được cảm xúc này Chung rất cảm ơn những chuyến đi về nguồn, những cuộc vận động sáng tác để từ đó Chung được trực tiếp đến những nơi thiên liêng của đất nước như những di tích lịch sử, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, mình cảm nhận được ngày xưa, dù bao khó khăn như vậy nhưng ông cha ta vẫn tin vào lý tưởng, vẫn tin vào ngày mai hòa bình để mà chiến đấu. Mình đứng trước nghĩa trang Hàng Dương với hàng trăm, hàng ngàn ngôi mộ vô danh, không có tên, không có hình hay khi mình mình nhìn thấy những cái tên, những năm sinh năm mất vào độ tuổi 18-20, rất trẻ, và mình cảm thấy xúc động vì sự hy sinh quá lớn đó. Bài hát ra đời nhờ góp nhặt rất nhiều cảm xúc từ rất nhiều chuyến đi, từ nhiều lần tận mắt chứng kiến, nhìn và nghe được những câu chuyện từ các cựu chiến binh. Thế nên Chung nghĩ khi chúng ta làm nghệ thuật, điều quan trọng là bản thân chúng ta cũng phải trải nghiệm. Kể cả chúng ta có đang trong thời bình, nhưng chúng ta cũng cần phải góp nhặt và trải nghiệm điều đó một cách trực tiếp, phải nuôi dưỡng để đưa ra được một sản phẩm tốt nhất.
Quỳnh Trang: Ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” thực sự đã bật lên nhờ một bản remix. Hiện tượng một ca khúc được viral sau bản remix không còn mới nữa nhưng với anh, em nghĩ đây là một trường hợp đầu tiên.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Đúng, với Chung đó là trường hợp đầu tiên và điều đó cũng chứng tỏ cho lời Chung vừa chia sẻ đó là mình học những bạn trẻ về cách truyền thông bài hát. Nếu như trước kia, những bài hát về quê hương đất nước không ai nghĩ đến việc remix, nhưng với mình, mình nghĩ cần phải hòa theo dòng chảy âm nhạc và nếu như điều đó giúp tiếp cận được với khán giả, nhất là lớp khán giả trẻ thì Chung thấy không có gì là sai cả. Mình có quyền thử nghiệm với tư cách là chủ sở hữu của một bài hát, có như vậy mới truyền tải được thông điệp mà mình muốn nói đến mọi người.
Quỳnh Trang: Theo anh giới hạn như thế nào là phù hợp để làm mới những ca khúc có chủ đề quê hương đất nước ?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Chung nghĩ điều này tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Bài hát của người nhạc sĩ đó họ toàn quyền có quyền quyết định. Nếu họ vẫn muốn giữ cái quan điểm trong âm nhạc của họ là như vậy họ sẽ giữ bài hát truyền thống như vậy. Còn bản thân Chung đặt ưu tiên việc truyền tải tư tưởng, truyền tải nội dung và tinh thần của bài hát, vì thế Chung sẵn sàng chấp nhận mình thích nghi và thay đổi trong giới hạn cho phép. Với “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, Chung chọn remix theo kiểu hào hùng khí thế của quân đội mà vẫn mang năng lượng của tuổi trẻ.
Quỳnh Trang: Cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với những chia sẻ cùng Cà phê Nhân Dân. Xin chúc anh sẽ có nhiều sức khỏe và tiếp tục có nhiều bài hát ấn tượng trên hành trình sáng tác.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Cảm ơn Cà phê Nhân Dân và cảm ơn độc giả của Báo Nhân Dân.

Nhạc sĩ
NGUYỄN VĂN CHUNG
Xuất bản: 05/2025
Tổ chức sản xuất: Duy Hưng – Hữu Tú
Thực hiện: Quỳnh Trang – Trung Hiếu
Trình bày: Nguyễn Thúy
Hình ảnh: Hồng Quân – Hiếu Minh – Lê Chí – Anh Đức
