Timeline:
00:00:00: Nhạc trưởng - là người dẫn dắt, mang tinh thần của tác phẩm đến công chúng
00:02:49: Hành trình từ phím ngà đến bục chỉ huy
00:07:01: Những cuộc dạo chơi nghệ thuật thú vị
00:13:28: Đem âm nhạc cổ điển phiêu lưu cùng thế hệ trẻ Việt Nam
00:18:33: Âm nhạc - hành trình không giới hạn

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh – người đã và đang kể câu chuyện của chính mình trên hành trình đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả Việt Nam. Cuộc trò chuyện cùng “Cà phê Nhân Dân” không chỉ cùng vị Nhạc trưởng trẻ tuổi hé mở những góc nhìn thú vị về công việc của một người nhạc trưởng mà còn mang đến những nguồn cảm hứng về cách đưa âm nhạc vượt qua mọi ranh giới để chạm đến trái tim của mỗi người.

PV: Cảm ơn Nhạc trưởng Trần Nhật Minh đã dành thời gian vào buổi sáng cuối tuần với "Cà phê Nhân Dân". Câu hỏi đầu tiên rất đơn giản, nhưng có lẽ sẽ giúp quý vị khán giả hiểu hơn về công việc của anh. Anh có thể cho biết nhạc trưởng là gì?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Từ "nhạc trưởng" được sử dụng rất nhiều, và người ta thường hiểu đó là người dẫn dắt đến đích cuối cùng là một buổi biểu diễn thành công. Điều đặc biệt, ngôn ngữ ghi dấu ấn nhất của nhạc trưởng đó chính là mang tinh thần của mình, của dàn nhạc và tác phẩm mỗi lần biểu diễn.

Chúng ta biết rằng các tác phẩm nghệ thuật, dù có ghi chú bài vở kỹ đến đâu, thì mỗi lần thể hiện, mỗi lần biểu diễn đều mang một tinh thần khác nhau. Có lẽ đó là tinh thần của nhạc trưởng, ý tưởng nghệ thuật là điều đặc biệt quan trọng.

PV: Vậy thì đối với nhạc trưởng Trần Nhật Minh, âm nhạc có ý nghĩa như thế nào?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Âm nhạc kết nối chúng ta với một thế giới rộng lớn. Tôi rất hạnh phúc khi được tiếp cận với thế giới đó sớm và một cách chăm chỉ, với giá trị nhất có thể.

Tôi cũng may mắn được gia đình cho đi học âm nhạc từ nhỏ, rồi được gặp gỡ với những thầy cô rất thú vị và tình cảm, để tôi có đủ tình yêu theo học nghệ thuật âm nhạc cổ điển, ngoài ra môi trường nước ngoài tại nước Nga, xa xôi nhưng cũng rất ấm áp.

Tôi được học với những giáo sư mà cảm thấy họ xem tôi như một người bạn, và họ truyền đạt kiến thức về giá trị âm nhạc cổ điển một cách chi tiết và rất chân thành. Tôi rất may mắn khi được sống trong một thế giới đầy màu hồng đó.

Pv: Tôi rất tò mò không biết rằng mỗi lần biểu diễn, nhạc trưởng dồn hết tất cả tâm huyết, tư duy và sự chỉ huy của mình vào “cây đũa thần” như thế nào?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Tôi thường nói vui với học trò của mình rằng, để đào tạo ra một người chỉ huy biểu diễn đẹp, họ sẽ phải học múa chứ không chỉ là lý thuyết và bỏ công  tập luyện tại Nhạc viện. Với tôi, tất cả những biểu cảm đó đều diễn ra tự nhiên và phần nào phản ánh tâm hồn và nhiệt huyết của mình qua từng tác phẩm.

Mỗi biểu cảm như vậy đối với mỗi nhạc trưởng đều rất khác nhau, nên việc trả lời câu hỏi làm thế nào để thực hiện điều đó thực sự rất khó. Mọi thứ đều xuất phát từ tâm hồn.

PV: Để giúp quý vị khán giả có được một cái nhìn toàn cảnh hơn về nhạc trưởng Trần Nhật Minh anh có thể chia sẻ hành trình âm nhạc của mình bắt đầu vào khoảng thời gian nào và điều gì khiến anh lựa chọn lĩnh vực khó nhằn này?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Minh được gia đình cho đi học piano tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 6 tuổi.

Thực ra, hồi đó, mình cũng không có khái niệm rõ ràng về âm nhạc cổ điển, nhất là về ngành sau này của mình là nhạc giao hưởng và hợp xướng. Nhưng bước ngoặt về mặt tinh thần đã giúp mình cảm thấy rằng đây rõ ràng là con đường mình muốn theo đuổi, là khi đi du học, được nghe, được thực hành một trong những buổi biểu diễn đầu tiên cùng với cả hợp xướng của nhà trường. Mình thấy rằng đây là một thế giới cực kỳ nhiều màu sắc và cứ thế đam mê cho đến tận bây giờ.

Mình nhận ra: thứ nhất, mình cực kỳ yêu công việc này; thứ hai, mình cũng có khả năng làm được điều gì đó đúng chuyên môn. Hiện tại, mình nhận ra điều thứ ba là điều quan trọng: cái mà mình đam mê và làm tốt thì xã hội cũng đang cần. Có lẽ đó là ba yếu tố rất quan trọng để nuôi dưỡng niềm đam mê trong lĩnh vực của mình.

Nguồn: Nhà hát Hồ Gươm (NSND Bùi Công Duy - The Turkish March concert)

PV: Nhạc trưởng Trần Nhật Minh có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình âm nhạc của mình?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Không thể không nhắc đến buổi diễn đầu tiên. Ngày hôm đó, chỉ mới có khoảng bốn tháng mình sang Nga học . Ngay trong học kỳ một, mình may mắn được chọn biểu diễn cùng với dàn hợp xướng. Tuy chỉ có hai phút, nhưng từ lúc chuẩn bị cho đến cả tuần đó, mình không ngủ được. Mình rất lo lắng, không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào.

Đến ngày biểu diễn, thực sự tất cả những lo lắng không còn, vì mình cảm giác rằng nghề nghiệp này thật sự rất "quyền lực". Khi đứng trên bục chỉ huy mọi người phải chú ý đến mình, tay sang phải, sang trái yêu cầu họ hát nhỏ là họ sẽ nhỏ xuống…

Khi âm thanh vang lên trong khán phòng của nhà trường, mình chưa bao giờ có một cảm giác như thế, một thứ âm thanh đẹp đẽ vang lên, và nó đã ảnh hưởng đến mình tận bây giờ.

Sau đó mình nỗ lực học rất nhiều và những nỗ lực ấy được đền đáp xứng đáng. Minh được tham gia vào chương trình "Giai điệu mùa thu" của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà mình đang công tác bây giờ, lần đầu tiên vào năm 2007.

Lúc đó là một đêm gala dành cho các tài năng trẻ, Minh có khoảng 20 phút để thể hiện, lúc đấy cũng rất lo lắng, không biết cái mình làm thì xã hội có cần không? Và khán giả có cần đến bộ môn hợp xướng hay không? Nhưng mà quả thật, buổi diễn đầu tiên cũng là chìa khóa quan trọng để mình quyết định không đi đâu nữa mà về Việt Nam để hoạt động. Hai đêm diễn đó là đáng nhớ nhất, rất đáng nhớ.

PV: Bên cạnh việc trở thành một nhạc trưởng chơi những bản nhạc hàn lâm trong dàn nhạc giao hưởng, chúng ta cũng thấy nhạc trưởng Trần Nhật Minh tham gia vào những dự án âm nhạc trẻ. Làm thế nào để anh có thể kết hợp hài hòa cả yếu tố giao hưởng với nhạc trẻ?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Kinh tế phát triển thì âm nhạc và nghệ thuật cũng phát triển. Đấy là thời kỳ của âm nhạc và sự giao thoa âm nhạc. Minh nghĩ rằng âm nhạc, nghệ thuật đều có giá trị, và giá trị sẽ hay nhất, đúng nhất khi được đặt vào đúng chỗ và đúng thời điểm.

Bây giờ cũng là thời gian của sự giao thoa, mọi trường phái, mọi phong cách đều có những điểm chung để gặp nhau, vì vậy nhạc giao hưởng xuất hiện trong các chương trình âm nhạc đại chúng đã trở nên quen thuộc ở nước ngoài từ rất lâu rồi, và bây giờ cũng rất quen thuộc với khán giả Việt Nam. Minh nghĩ đó là điều tất yếu.

Tuy nhiên, đối với người làm nghề như Minh là xác định rõ ràng giá trị và điều mình muốn đem đến cho khán giả của mình. Mình luôn xem âm nhạc cổ điển là cái gốc, còn những công việc như kết hợp với các ca sĩ nổi tiếng và cùng mong muốn nâng cấp nghệ thuật của mình lên, Minh nghĩ đó là những công việc, những thử thách sáng tạo thú vị. Nó là những cuộc chơi trong nghệ thuật cùng nhau.

PV: Anh có nhắc tới việc kết hợp với một số nghệ sĩ trẻ. Tôi chợt nhớ ra những nghệ sĩ mà chúng ta có thể nhắc tới như live show của ca sĩ Hà Anh Tuấn, Lệ Quyên.... Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều gì khiến những buổi biểu diễn đó trở nên thành công và có thể chạm đến cảm xúc của rất nhiều khán giả?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Có một lần tôi nghe phỏng vấn của một nhạc sĩ nổi tiếng, ông ấy bảo rằng thật ra âm nhạc cổ điển không nên trở thành "luxury" (xa xỉ) mà nó chỉ nên trở thành "necessary" (thiết yếu).

Sau này, Minh gặp những người bạn trẻ trong nghề. Khi nói chuyện về các chương trình, mong muốn chung là có thể thực hiện những thử thách lớn về nghệ thuật và đưa giai điệu Việt Nam đi xa hơn, đến với những khám phá trong một môi trường đẹp đẽ hơn. Người bạn đó, ekip đó đã thực hiện việc tổ chức những chương trình hòa nhạc hoàn toàn với nhạc Việt Nam, hoàn toàn là các nghệ sĩ Việt Nam trên những sân khấu rất nổi tiếng ở nước ngoài là điều mà mình cảm thấy rất trân trọng, thú vị và hân hạnh khi được đồng hành cùng với những ekip có sự sáng tạo lớn như vậy.

PV: Khi anh kết hợp với ca sĩ Hà Anh Tuấn có điều gì khác biệt không, và sự kết hợp này đã mang lại cho nhạc trưởng Trần Nhật Minh những cảm xúc và kỷ niệm khó quên như thế nào?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh:  Hai năm vừa qua là hai năm bùng nổ cảm xúc với những chương trình kết hợp với ekip của Hà Anh Tuấn. Mỗi lần làm chương trình, chúng tôi ngồi lại và muốn cho chương trình sau đặc sắc hơn, có ý nghĩa hơn. Ca sĩ như Hà Anh Tuấn cùng ekip của anh đều hướng đến một giá trị bền vững, để lại một di sản, mặc dù từ "di sản" có vẻ lớn lao.

Chương trình đầu tiên diễn ra ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Trong suốt quá trình từ tập luyện đến biểu diễn, có những cảm xúc không thể quên được, đặc biệt là khi những giai điệu rất Việt Nam vang lên ở một nơi đã chứng kiến nghìn năm lịch sử của đất nước. Thật sự rất xúc động, đôi khi hình ảnh trong lời hát hiện lên và mình cảm giác như sông núi đang ở trước mặt. Đó là một trong những cảm xúc không thể quên. Với những giai điệu thân thương như vậy, mình thấy tính dân tộc khi được đặt đúng chỗ, làm cho mọi người cảm thấy yêu thương nhau hơn.

Sau đó, đến chuỗi Hoa hồng, đầu tiên là cảm xúc được biểu diễn trên hai sân khấu rất nổi tiếng của thế giới. Hai buổi biểu diễn đó hoàn toàn do các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện, với âm nhạc Việt Nam và rất nhiều khán giả Việt Nam ủng hộ, kể cả khán giả nước ngoài. Mở màn bằng những tác phẩm và giai điệu rất quen thuộc với mọi người. Khi được biểu diễn trong không gian đó, mọi thứ thật đẹp và ấn tượng. Nó có sự cân bằng giữa yếu tố Việt Nam và yếu tố quốc tế, cùng với sức trẻ, sự sáng tạo và sự mạnh dạn. Chương trình đã để lại những cảm xúc sâu sắc, rất khó quên đối với một người biểu diễn đứng trực tiếp trên sân khấu như mình vừa rồi.

PV: Nhạc trưởng vừa chia sẻ một ý mà tôi thấy rất thú vị, đó là đừng để nhạc hàn lâm trở thành "luxury" mà nó là "necessary". Vậy thì không biết có phải điều này khiến cho nhạc trưởng Trần Nhật Minh quyết định tham gia vào những dự án đem nhạc hàn lâm đến với các bạn trẻ, đặc biệt là các sinh viên không?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Nếu mọi người có vô tình đọc được thông tin hoặc xem những cuộc phỏng vấn trước của Minh, thì Minh luôn nhắc đến điều này. Lần này, tôi rất vui khi có thể mạnh dạn nói với các quý vị khán giả rằng ước mơ mà Minh đã mong muốn trong bao nhiêu năm nay đang được hiện thực hóa.

Chuyến đi này của  Minh cùng với những cộng sự là đưa dàn nhạc của mình phiêu lưu tất cả những khán phòng, đem những câu chuyện âm nhạc, những điều hay nhất của âm nhạc cổ điển đến với các bạn trẻ. Điều này được sự hỗ trợ rất lớn từ Đại học Quốc gia.

Mình lấy ví dụ như một khán phòng của trường Đại học Công nghệ Thông tin, chỉ có khoảng 700 chỗ. Khi đăng ký cho số thứ hai, khi mở link ra để đăng ký, khoảng hai tiếng đồng hồ đã phải đóng link lại, vì lượt đặt chỗ quá lớn.

Minh cũng chứng kiến nhiều việc rất xúc động. Ví dụ, có trường Đại học An Giang cách thành phố vài tiếng đi xe, chương trình nào cũng phải tổ chức một chuyến xe sáng lên, tối về cho khoảng 45 đến 50 bạn. Diễn xong  các bạn luôn hỏi: "Bao giờ thầy có thể về được trường con?" Nhiều bạn muốn đi xem, mà các bạn phải rất đặc biệt, phải học rất giỏi thì mới được đăng ký.

Thật ra đó là những động lực giúp tất cả các anh em nghệ sĩ khi cống hiến. Nghe những tiếng vỗ tay, đọc những bình luận sau đó tôi rất xúc động. Rõ ràng là chúng ta đang làm một việc rất đúng, đó là đem nghệ thuật đến cho các trí thức tương lai của Việt Nam. Đây chính là những khán giả tương lai và cũng là những công dân toàn cầu trong thế giới mới. Khi các bạn ấy được trang bị không chỉ kiến thức chuyên môn sâu, mà còn cả đời sống tinh thần để tiếp cận nghệ thuật, sự hiểu biết về nghệ thuật của các bạn ấy cũng là một trang sức, một thế mạnh rất đẹp khi tiếp xúc với những bạn quốc tế khác.

PV: Theo nhạc trưởng Trần Nhật Minh, chúng ta có thể học hỏi được gì từ cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các chương trình giải trí rất thành công vừa qua, để khiến cho các bạn trẻ yêu nhạc cổ điển hơn?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Người ta nói nhiều đến công nghiệp giải trí, đến tính dân tộc, đến sự hiện đại, năng động, và cảm giác như đó là món ăn tinh thần không thể thiếu cho các bạn trẻ trong thời điểm này. Tất cả những sự kết hợp và sáng tạo đều rất cần thiết trong mọi thời kỳ. Có điều là sau một khoảng thời gian, những gì còn lại thì chúng ta mới hiểu được rằng đó có lẽ là giá trị bền vững.

Minh học hỏi được nhiều từ những chương trình đó về cách tổ chức, về cách truyền thông, có nghĩa là mình biết họ làm cái gì và mình tự lựa chọn những cái hay nhất của họ, những cái mà cảm thấy phù hợp để mình làm theo.

PV: Chặng đường sáng tạo nghệ thuật nhiều năm qua anh luôn kiên định với những mục tiêu đã đề ra. Không biết rằng trong khoảng năm năm tới hoặc mười năm tới, nhạc trưởng Trần Nhật Minh có ấp ủ những dự án nào ?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Có lẽ trong thời điểm này, việc đem âm nhạc cổ điển được trình bày ngày càng tốt hơn cho các bạn trẻ, đó là mục tiêu của mình. Về lâu dài, có lẽ mình sẽ có một nhóm riêng, thực hiện những dự án cụ thể hơn, như thu âm các dự án riêng, Âm nhạc Việt Nam dưới hình thức dàn nhạc, hợp xướng, kết hợp với âm nhạc dân tộc, công việc này cần một đội ngũ anh chị em nghệ sĩ, hòa âm phối khí đông đảo.

PV: Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ có chung niềm đam mê giống như anh không?

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Mình nghĩ là cứ mạnh dạn dấn thân thôi. Chúng ta đang ở trong một thời kỳ thay đổi của xã hội. Chúng ta chưa có nhiều khán giả, nhưng đây lại là một cơ hội rất lớn. Đối với khán giả trẻ, những người đã hoặc chưa tiếp cận với âm nhạc hàn lâm, Minh nghĩ rằng mọi người nên mở lòng.

Thật ra, những gì Minh đang nỗ lực cùng với rất nhiều bạn trẻ khác là để mang đến cho mọi người trải nghiệm âm nhạc có chiều sâu và giá trị bền vững. Sự thành công của chúng tôi là khi các bạn thích, và nếu các bạn chưa thích, chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp tục để mang đến những chương trình hay.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ Trần Nhật Minh đã dành thời gian với "Cà phê Nhân Dân" và chúc anh đạt nhiều thành công trong tương lai.

“Hơn 30 năm rong ruổi từ những phím đàn lặng lẽ đến bục chỉ huy lừng lẫy trên các sân khấu trong nước và quốc tế, Trần Nhật Minh không chỉ vẽ nên hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy đam mê, mà còn là sự táo bạo của người trẻ dám phá bỏ mọi giới hạn của Âm nhạc cổ điển để chạm vào cảm xúc của đông đảo công chúng. Nhìn lại con đường đã qua, anh không xem mình là một người dẫn đầu, mà là một người kết nối. Kết nối giữa các nhạc công để tạo nên sự hòa hợp tuyệt đối, kết nối giữa những thế hệ để nhạc cổ điển trở nên gần gũi, và quan trọng nhất, kết nối giữa âm nhạc với trái tim của khán giả. Và hành trình này sẽ không bao giờ dừng lại.”

Trần Nhật Minh

Ngày xuất bản: 4/4/2025
Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH - KHÁNH SƠN
Thực hiện: NHƯ TRANG - THÚY QUỲNH
Trình bày: NHƯ TRANG
Video: HUY HIỆU, NGỌC TÚ, HOÀNG HUY