Nhân lên những cuộc đời mới

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kỳ vọng, năm 2025, mỗi tuần bệnh viện sẽ có thêm một ca chết não hiến tạng để có hàng trăm người được hồi sinh một năm. Sẽ có thêm nhiều kỹ thuật mới được đưa vào thường quy như ghép khí quản, chia lá gan để ghép cho nhiều người bệnh, ghép tụy...
Năm 2024, Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục về tuần lễ ghép tạng với nhiều kỹ thuật mới được triển khai thành công. Ghép tạng đã mở ra nhiều cơ hội mới cho những bệnh nặng giai đoạn cuối có cơ hội được tái sinh.


Hàng trăm người hồi sinh nhờ người hiến chết não
“Trong 3 năm (2021, 2022, 2023) cả nước có 36 ca hiến tạng từ người cho chết não. Riêng năm 2024, đã có 41 người chết não được gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Số ca ghép tạng từ người cho chết não tăng mạnh so với năm 2023. Cùng đó, số lượng người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết/chết não tăng gấp 3 lần. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam từ trước tới nay”
Một trong những đơn vị để lại dấu ấn lớn nhất trong vận động hiến tặng mô, tạng người cho chết não là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tự hào nói: “Năm 2024 là năm đột biến của năm ghép tạng Việt Nam với số lượng người hiến tạng tăng cao, với những tuần liên tục ghi nhận những kỷ lục”.
Trong 13 ngày (từ ngày 30/8 đến ngày 12/9/2024), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép thành công 23 tạng gồm: 3 tim, 4 gan, 16 thận (trong đó gồm: 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não).
Cũng lần đầu tiên, trong vòng 10 ngày (từ ngày 28/8 đến ngày 8/9) đơn vị tư vấn và điều phối Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vận động thành công được 4 gia đình hiến tạng, thực hiện được: Tim: 3; Gan 4; Thận 8; Mạch máu 20; Van tim 2; Giác mạc 2.
Chỉ trong 6 ngày (từ ngày 6-11/1/2025), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghi nhận những thành tích nổi bật trong công tác vận động hiến tạng từ người hiến chết não và ghép tạng. Với sự đồng thuận cao từ 4 gia đình bệnh nhân chết não hiến tạng, các y bác sĩ đã tiến hành ghép tạng thành công cho 15 người bệnh đang mong chờ cơ hội được sống (4 bệnh nhân ghép tim, 1 bệnh nhân ghép đồng thời gan - thận, 3 bệnh nhân ghép gan, 7 bệnh nhân ghép thận). Trong cùng thời gian, bệnh viện vẫn tiến hành ghép theo kế hoạch cho 6 bệnh nhân ghép thận (từ người cho sống), nâng tổng số trường hợp ghép trong 1 tuần là 21 trường hợp.
Việt Nam đã thực hiện thành công 3 ca ghép phổi chỉ riêng trong năm 2024, nâng tổng số ca ghép phổi lên 12 ca kể từ khi ca đầu tiên được thực hiện vào năm 2017. Người được ghép phổi lâu nhất từ năm 2020 đến giờ vẫn sống khỏe mạnh.
Phẫu thuật ghép tim - gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Phẫu thuật ghép tim - gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Phẫu thuật lấy tạng tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Phẫu thuật lấy tạng tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Phút mặc niệm người hiến tạng.
Phút mặc niệm người hiến tạng.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân.
Hội chẩn trực tuyến.
Hội chẩn trực tuyến.
Vận chuyển tạng từ Bệnh viện Hữu nghị đa Khoa Nghệ An về bệnh viện Hữu nghị đa khoa Việt Đức.
Vận chuyển tạng từ Bệnh viện Hữu nghị đa Khoa Nghệ An về bệnh viện Hữu nghị đa khoa Việt Đức.
Nhiều đỉnh cao mới được chinh phục
Năm 2024, Việt Nam đã thực hiện thành công ca ghép tim-gan đồng thời đầu tiên tại Việt Nam. Người được hồi sinh là nam bệnh nhân suy gan, giãn cơ tim, thời gian sống chỉ tính từng ngày nhờ hệ thống tim phổi nhân tạo và máy lọc gan.
"Với một ca bệnh quá nặng, ghép 2 tạng lớn là tim, gan, chúng tôi chỉ dám đưa ra tiên lượng dè dặt, 20%, nhưng bệnh nhân có cơ hội dù ít, bác sĩ vẫn phải cố. Hội đồng khoa học đã cân não cả trăm lần, tính toán mọi phương án để quyết định thực hiện ghép 2 tạng cho người bệnh”
Không biết bao nhiêu lần thực hiện nhiệm vụ gây mê, hồi sức cho người nhận tạng hiến, nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Quang Thùy, Giám đốc Trung tâm Gây mê-Hồi sức, Bệnh viện Việt Đức cho biết, các bác sĩ vẫn rất hồi hộp khi thực hiện ca đầu tiên cùng lúc ghép 2 tạng lớn tim-gan trên một bệnh nhân rất nặng. Cả ê-kíp lo lắng khi phải đối mặt với nhiều rủi ro, áp lực...
Trên thế giới, ca ghép đa tạng đầu tiên được thực hiện vào năm 1984, các bác sĩ mất 11-12 tiếng, đến nay vẫn chưa nhiều ca ghép đa tạng khó như bệnh nhân này có thể được thực hiện và đây là ca đầu tiên tại Việt Nam được ghép thành công. “Chúng tôi tự tin vào quyết định, vào tay nghề của các bác sĩ, chuyên gia của mình...", Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.
Trong năm Giáp Thìn, các bác sĩ Việt Nam cũng lần đầu tiên chinh phục thành công ca ghép khí quản từ người cho chết não. Đây là một kỹ thuật hiếm gặp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
Người được ghép là một bệnh nhân nam (25 tuổi, Thanh Hóa) gặp nhiều tổn thương trong quá trình mở khí quản sau tai nạn. Bệnh nhân gặp nhiều tổn thương phức tạp, đã được phẫu thuật cắt nối khí quản tại một cơ sở y tế tại Hà Nội nhưng không thành công do tổn thương phức tạp và hẹp trên một đoạn khí quản dài, khả năng phải mở lại khí quản vĩnh viễn. Bệnh nhân còn bị tình trạng rò khí-thực quản tại vị trí tiêm chống tạo sẹo của khí quản và tiến hành mở thông dạ dày nuôi ăn.
Trải qua 2 cuộc mổ, cuộc đầu tiên phẫu thuật tạo hình cắt, nối đoạn thực quản cổ bị hẹp hoặc tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng; thì hai phẫu thuật tạo hình đoạn thanh môn kết hợp ghép đoạn khí quản cổ bằng đoạn khí quản của người cho chết não kết hợp với đặt stent khí quản, chuyển vị cơ ức đòn chũm hai bên che phủ đoạn khí quản ghép.
“Đây là ca bệnh hiếm gặp, phức tạp lần đầu tiên được điều trị thành công tại Việt Nam đã khẳng định thêm đỉnh cao mới trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam. Ca ghép này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chúng tôi vì hiện thế giới mới làm có 5 ca và nhiều nước có nền y học đi xa hơn ta nhưng làm là thất bại. Thành công của chúng ta đã tìm ra kỹ thuật riêng. Tới đây, chúng tôi sẽ đưa ra một seri kỹ thuật này, để giúp bệnh nhân bị tai biến, chấn thương bị mở khí quản hẹp. Khi báo cáo hội nghị quốc tế, nước ngoài sẽ phải sang đây học vì Việt Nam thay đổi kỹ thuật cho phép chúng ta đạt được kết quả tốt nhất sau ghép”, bác sĩ Hùng nói.
Về kỹ thuật ghép phổi, với 3 ca được ghép thành công trong năm 2024, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã một lần nữa khẳng định chuyên môn và nỗ lực cứu người bệnh tới cùng.
Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong năm 2024, các ca ghép phổi tại bệnh viện đạt thành công cao nhất, tương đương quốc tế. Các ca này đều đặc biệt khó trong quá trình hồi sức sau ghép.
Trường hợp Trịnh Thị Hiền (39 tuổi, quê ở Nghệ An) sau ghép rơi vào tình trạng một lá phổi gần như không thể hoạt động. Các bác sĩ phải tiến hành mổ tạo hình lại toàn bộ tĩnh mạch phổi dưới bên trái. Sau đó, lần lượt các bác sĩ phải can thiệp loại bỏ khối u thận, rò dưỡng chất trong hệ thống đường tiêu hóa. Trong giai đoạn phục hồi, bệnh nhân lại bị mắc virus thường gặp ở bệnh nhân ghép tạng. Virus này làm tiêu toàn bộ máu hồng cầu ngoại biên, gây nên tình trạng thiếu máu trầm trọng. Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã phải sử dụng phác đồ điều trị đắt đỏ, lên tới 200 triệu đồng trong 5 ngày để loại bỏ hoàn toàn virus này trong cơ thể người bệnh.
Bác sĩ Đặng Thái Mạnh (28 tuổi, ở Phú Thọ Hòa, Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cũng trải qua những cuộc hồi sức cân não để hồi sinh sau ghép phổi. Anh gặp biến chứng 2 lần bị phù phổi cấp, phải chạy ECMO và có những thời điểm các bác sĩ tưởng chừng phải buông tay.
Thành công từ các ca ghép cho thấy năng lực chuyên môn của các bệnh viện trung ương nói chung, Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng lên một tầm cao mới, một chuẩn mực quốc tế.



“Về số lượng, tôi mong chỉ tiêu mơ ước mỗi tuần có một ca chết não hiến tặng. Như vậy, với 52 người cho tạng, sẽ có hơn 200 bệnh nhân được cứu nhờ hoạt động cấy ghép”
Nối dài những cuộc sống
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận định, để đạt được số ca hiến gọi là kỷ lục, bên cạnh công tác truyền thông, một trong những vấn đề quan trọng là sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước.
Ngày 19/5/2024, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia Lễ Phát động: Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức, sự kiện đã lan tỏa lớn trong cộng đồng, thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức tham dự.
Thực hiện lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần “Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống” vì “Cho đi là còn mãi”, trong năm 2024, hàng chục chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ra đời, không chỉ ở các cơ sở y tế công lập mà các cơ sở y tế tư nhân cũng tham gia vô cùng mạnh mẽ.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân.
Ngày 17/5/2024, Bộ truởng Y tế Đào Hồng Lan đã có thư phát động đăng ký hiến tăng mô, tạng trong ngành y tế. Từ đó nhiều bệnh viện trên cả nước đã tổ chức Lễ phát động đăng ký hiến tặng, mô tạng tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn chỉ đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tập trung đào tạo các bệnh viện để phát hiện, tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não tiềm năng hiến tạng. Việc này trước đây chưa được nhấn mạnh, bây giờ cần quan tâm những hoạt động đó, cần được coi là thường quy, một nét văn hóa, gọi là văn hóa hiến tạng tại các bệnh viện.
Trung tâm còn đào tạo trực tiếp tại bệnh viện, thường sau khi đào tạo các bệnh viện đó có ca đồng ý hiến mô, tạng ngay như Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương… Sự phối hợp chặt chẽ với Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận người Việt Nam trong việc tuyên truyền, đào tạo, thành lập Chi Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại bệnh viện.
Ông Hùng cũng cho biết, trong năm 2025, bệnh viện cố gắng chinh phục được các kỹ thuật cao hơn như ghép tụy. Về ghép gan, ngoài ghép một lá gan, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ cố gắng chia lá gan để có thể ghép cho nhiều người.
“Chúng tôi sẽ làm rất sớm kỹ thuật ghép dương vật để họ có chất lượng cuộc sống mới, tự tin hơn. Kỹ thuật này trong tầm tay chúng tôi”, bác sĩ Hùng nói.
Mỗi hành động hiến tạng là một câu chuyện của lòng nhân ái, của tình yêu thương vô bờ bến và niềm tin vào cuộc sống. Đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm cộng đồng, sự đồng lòng và quyết tâm chung tay vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những gia đình đồng ý hiến tặng mô tạng của người thân sau khi qua đời đã tạo nên những kỳ tích, viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, mang đến hy vọng và cơ hội sống cho nhiều người bệnh đang ngày đêm chờ đợi.
Trải qua hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/1992, tính đến hết năm 2024, chúng ta đã thực hiện được 9.516 ca trên cả nước với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm. Ba năm trở lại đây, mỗi năm chúng ta đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên từng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của nhân dân, tỷ lệ 94% tạng ghép từ hiến sống là quá cao và tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam là rất thấp.
Ngày xuất bản: 02/02/2025
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: DIỆP LINH