Từng là cái nôi đào tạo mỹ thuật hàng đầu của khu vực miền trung và Tây Nguyên, ngôi trường này hiện đang gặp nhiều khó khăn về đội ngũ nhân lực, bộ máy và năng lực quản trị trong bối cảnh các trường đại học buộc phải chuẩn hóa để phát triển bền vững và tiến tới tự chủ toàn diện.
Theo thống kê của Đại học Huế, Trường đại học Nghệ thuật hiện có 72 viên chức và người lao động, trong đó 48 người là giảng viên, 54 người trong tổng số này có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, nếu tính cả người sắp về hưu, người vừa bảo vệ luận án nhưng chưa được cấp bằng và người học ngoài ngành thì toàn trường chỉ còn năm người có học vị tiến sĩ. Điều này gây khó khăn rõ rệt cho việc phát triển chương trình sau đại học và nâng cao năng lực nghiên cứu. Đó là chưa kể, nhà trường đang trong giai đoạn “chảy máu chất xám” khi thời gian gần đây nhiều tiến sĩ đã rời trường, chuyển công tác về các cơ sở phía nam.
Ông Lê Văn Trường Lân, Trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên Đại học Huế cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, nhà trường chưa thực hiện đánh giá ngoài, đây là bước quan trọng trong kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT". Ngoài ra, trường còn thiếu nhiều yếu tố hạ tầng thiết yếu như hệ thống phần mềm quản lý đào tạo, thư viện số, phòng học đạt chuẩn, cũng như chưa có kết quả nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao. Tất cả những yếu tố nêu trên đều là những tiêu chí nền tảng trong bối cảnh các trường đại học đang đẩy mạnh tự chủ và tham gia thị trường giáo dục cạnh tranh.
Từ năm 2019 đến đầu năm 2025, nhà trường đã hai lần thay hiệu trưởng, cả hai đều là cán bộ điều động kiêm nhiệm từ lãnh đạo Đại học Huế, vốn không xuất thân từ ngành nghệ thuật. Đại học Huế lý giải nguyên nhân điều động cán bộ là do nội bộ nhà trường chưa có cán bộ đủ điều kiện về học vị, năng lực quản lý và tiêu chuẩn chính trị để được bổ nhiệm theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng ở vị trí lãnh đạo, trong một môi trường cần tính đặc thù và tinh tế về định hướng học thuật đã không kịp giúp nhà trường xây dựng, ổn định chiến lược phát triển dài hạn.
Đáng chú ý, một số ngành đào tạo truyền thống đã phải thu hẹp. Từ năm 2020, Khoa Điêu khắc, một trong những ngành có lịch sử lâu đời đã sáp nhập vào Khoa Hội họa do không tuyển được sinh viên. Trong khi đó, khoa “xương sống” của nhà trường là Mỹ thuật ứng dụng, một ngành học có tính thực tiễn cao, lại đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các trường có thế mạnh về truyền thông và cơ sở vật chất như ở các trường phía nam.
Một yếu tố khác cũng được nhiều giảng viên nhìn nhận: Sự thiếu liên kết, thiếu tinh thần tập thể và tâm thế “chờ đợi chỉ đạo” đang khiến cho tiến trình tái cơ cấu chậm và thiếu đột phá. Khi thiếu đồng thuận nội bộ và không hình thành được một tầm nhìn chung, thì những thay đổi về cơ cấu tổ chức dễ rơi vào hình thức hoặc gián đoạn giữa chừng.
Trong các trường đại học đang hướng tới mô hình đại học quốc gia, Đại học Huế được đánh giá là cơ sở duy nhất có một trường đại học nghệ thuật trực thuộc, điều này không chỉ tôn thêm giá trị, tính đa ngành đa lĩnh vực cho Đại học Huế, mà còn góp phần đưa Huế giữ vững vị thế là một trong ba cái nôi của ngành mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc gìn giữ và phát triển Trường đại học Nghệ thuật không đơn thuần là chuyện nội bộ, mà còn gắn với vai trò biểu tượng văn hóa nghệ thuật của cả vùng đất cố đô.
Sự “xuống dốc” về nhân lực, cơ sở vật chất và sức hút tuyển sinh khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối cho một ngôi trường từng là niềm tự hào của giới nghệ thuật miền trung. Khó có thể hình dung một ngày Huế không còn Trường đại học Nghệ thuật, đồng nghĩa với việc không còn nơi đào tạo bài bản những họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế lớn lên từ mảnh đất cố đô. Với đặc trưng lịch sử và chiều sâu văn hóa, Huế cần một không gian sáng tạo được đầu tư đúng mức, điều này không chỉ để bảo tồn di sản, mà còn để tiếp tục sản sinh ra những giá trị nghệ thuật mới.
PGS, TS Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật giai đoạn 2009- 2019 cho rằng: “Với đặc thù là cái nôi đào tạo ngành mỹ thuật của khu vực miền trung, điều cần làm trước tiên là Trường đại học Nghệ thuật cần tái định vị lại tầm nhìn sứ mệnh, gắn với thế mạnh vùng và nhu cầu thị trường. Bên cạnh việc rà soát, nâng cấp đội ngũ giảng viên theo đúng yêu cầu chuyên môn, quy hoạch lại ngành nghề đào tạo có tiềm năng, thì cần chọn lựa đội ngũ lãnh đạo phải thấu hiểu văn hóa nghệ thuật. Nhưng quan trọng nhất là cần xây dựng lại tinh thần gắn kết và trách nhiệm học thuật từ bên trong - bởi vì nghệ thuật, dù có là một ngành học đặc thù - cũng không thể phát triển nếu thiếu ý thức đổi mới và tự cường”