Những mốc quan trọng
Như mọi năm, điểm chuẩn lớp 10 của từng trường THPT công lập tại Hà Nội thường được công bố sau thời gian công bố điểm bài thi vài ngày. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh và điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 của từng trường trong cùng một ngày. Thí sinh có thể tra cứu nhanh, chính xác điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập trên Cổng thông tin điện tử của Sở (https://hanoi.edu.vn), Cổng thông tin tuyển sinh đầu cấp của thành phố (https://tsdaucap.hanoi.gov.vn).
Năm học 2025-2026, toàn thành phố có gần 103 nghìn thí sinh dự thi vào lớp 10. Thành phố cũng giao chỉ tiêu cho 199 trường THPT công lập 1.763 lớp với 78.400 học sinh; giao ba trường THPT công lập tự chủ 32 lớp với 1.340 học sinh. Như vậy sẽ có khoảng 64% số học sinh được vào trường công. Năm 2024, tỷ lệ này chỉ khoảng 61%. Theo thống kê, có 45 trường THPT công lập có tỷ lệ chọi thi vào lớp 10 năm nay cao hơn năm ngoái. Trường THPT Yên Hòa vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách tỷ lệ chọi cao là 1/2,44. Tiếp đến là THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông với tỷ lệ chọi 1/2,35; THPT Kim Liên với tỷ lệ chọi 1/2,15...). Bên cạnh đó, một số trường có tỷ lệ chọi rất thấp. Cụ thể, có đến 13 trường THPT có số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thấp hơn cả chỉ tiêu. Các trường này đều ở các huyện khu vực ngoại thành.
Chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ công bố điểm trúng tuyển vào lớp 10, thí sinh và phụ huynh cần phải lưu ý các mốc thời gian quan trọng: Điểm thi và điểm chuẩn sẽ được công bố từ ngày 4 đến 6/7. Ngay khi biết điểm thi, nếu có thắc mắc, thí sinh có thể làm đơn phúc khảo. Thí sinh đến nơi học lớp 9, nhận mẫu đơn, gửi đơn tại trường từ ngày 4 đến 10/7. Trước 11 giờ ngày 10/7, các trường công lập sẽ công bố danh sách kết quả trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2025-2026. Nếu trúng tuyển, học sinh cần làm thủ tục xác nhận nhập học (bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp), thời gian từ 13 giờ 30 phút ngày 10 đến ngày 12/7. Đây là bước rất quan trọng để khẳng định việc học sinh có nguyện vọng theo học tại trường trúng tuyển. Những học sinh có nhiều nguyện vọng trúng tuyển cũng cần lưu ý điều này để “nhường chỗ” cho bạn khác...
Giao nhiều chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung
Năm học 2025-2026, mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào ba trường công lập nhưng hàng chục nghìn gia đình học sinh vẫn đang thấp thỏm và lo lắng đặt câu hỏi, nếu con trượt tất cả các nguyện vọng thì cơ hội học tập nào tốt. Theo các chuyên gia, với mạng lưới giáo dục đa dạng hiện nay trên địa bàn Hà Nội, học sinh còn nhiều lựa chọn. Học sinh sau tốt nghiệp THCS, ngoài việc học tại các trường THPT công lập còn có thể học dân lập. Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa giao chỉ tiêu lớp 10 đợt 2, năm học 2025-2026 cho 26 trường THPT tư thục trên địa bàn thành phố, với tổng 180 lớp với hơn 1.200 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, học sinh có thể học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các trường cao đẳng, trung cấp, tuyển hệ 9+.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở vừa ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn thành phố năm học 2025-2026 đợt 2. Theo đó, có năm trường trung cấp, cao đẳng được giao bổ sung 3.240 chỉ tiêu học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Mọi học sinh đã hoàn thành chương trình THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có thể tham gia xét tuyển. Phương thức đào tạo là giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp kết hợp với học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Về quyền lợi của người học, học sinh học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đủ điều kiện theo quy định được đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, ngoài hệ thống trường công lập, Hà Nội có mạng lưới trường đa dạng gồm hơn 100 trường tư thục, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hàng chục cơ sở đào tạo nghề, được phân bổ khắp thành phố. Chủ trương của thành phố là bảo đảm 100% số học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các loại hình trường phù hợp.
Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết, kỳ thi vào lớp 10 trường công lập chỉ là bước đầu trong hành trình học tập dài của các em. Hà Nội có nhiều chính sách để học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lớp 10 ở trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường nghề... Thực tế vài năm gần đây, nhiều học sinh của trường đã chủ động chuyển lối rẽ, không nhất thiết phải vào bằng được trường công lập.
Là phụ huynh học sinh lớp 10 năm học 2024-2025 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ: “Còn nhớ thời điểm này năm trước, gia đình tôi đã rất căng thẳng, thậm chí hoang mang khi không chủ động tính đến phương án con thiếu điểm vào trường công lập. Đã một năm, tôi lựa chọn môi trường học phù hợp với năng lực của con. Về học văn hóa, vì sức học của con không khá nhưng tại Trung tâm, con được các thầy, cô rất tận tình kèm cặp, đặc biệt lại thường xuyên trao đổi ý kiến với gia đình để phối hợp giáo dục đạo đức, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Bên cạnh đó, các con bắt đầu được tiếp cận hướng nghiệp nghề, sau khi con tốt nghiệp THPT có thể theo đuổi ngay một nghề phù hợp với mình. Chính vì vậy, tôi cho rằng, chọn cho con có môi trường học tập phù hợp và con thấy tự tin là điều quan trọng”.
Theo các chuyên gia, việc theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cũng là lựa chọn đáng cân nhắc. Khi hoàn thành chương trình, học sinh tham gia thi tốt nghiệp và được cấp bằng tốt nghiệp THPT như với học sinh ở các trường THPT, không có sự khác biệt về bằng cấp. Thực tế cũng cho thấy, lợi thế của học sinh khi theo học trường nghề để lấy bằng đại học là thời gian học ngắn hơn so với học sinh THPT. Theo thông tin từ các trường nghề, nhiều học sinh khi đang trong thời gian thực tập nghề đã được các doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương tốt.