Nhìn lại Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ 18:

SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ, ẤN TƯỢNG

Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII đã để lại dư âm tốt đẹp trong lòng những người tham dự. Lần đầu tiên, lễ trao giải được tổ chức ở một không gian mở, các phóng sự về nghề báo đặc sắc, các tiết mục nghệ thuật sáng tạo và tất cả tác giả đều được tôn vinh và có được khuôn hình riêng trên sóng truyền hình trực tiếp…

Phóng viên Nguyễn Hoài Nam
(Báo Điện tử VietnamPlus)

Là người trực tiếp tác nghiệp tại lễ trao giải, phóng viên Nguyễn Hoài Nam cũng là đồng tác giả nhận được giải A tỏ ra vô cùng ấn tượng với những thay đổi mang tính đột phá của chương trình. Anh cho biết: Ngay từ đầu, anh đã bất ngờ khi buổi lễ được tổ chức bên ngoài hội trường, với không gian rộng lớn, có sức chứa lên tới cả ngàn chỗ ngồi.

“Sân khấu được dựng lên rất rộng, bao gồm nhiều màn hình led cỡ lớn càng khiến cho khán phòng được mở rộng, tăng khả năng tương tác. Ngoài ra, hệ thống ánh sáng cũng được thiết kế chi tiết, tạo ra hiệu ứng như… một buổi hòa nhạc tầm cỡ. Tôi và nhiều đồng nghiệp thực sự choáng ngợp khi bước vào hội trường”, phóng viên Hoài Nam chia sẻ.

Phóng viên Nguyễn Trọng Tùng
(Báo điện tử Vietnamnet)

Phóng viên Nguyễn Trọng Tùng cho biết, điều khiến anh cảm thấy thú vị nhất là không gian tác nghiệp dành cho báo giới tại sự kiện khá rộng rãi.

“Ngoài khu vực giữa khán phòng được Ban tổ chức bố trí, chúng tôi có thể chụp và ghi hình từ hàng ghế đằng sau hoặc hai bên lối đi. Đây là điểm khác biệt so với không gian tương đối bó hẹp trong các lễ trao giải trước đó”, anh Tùng nói.

Chị Đỗ Phương Thùy
(Khán giả tham dự sự kiện)

Chị Đỗ Phương Thùy cho biết, đây là năm đầu tiên chị tham dự lễ trao giải Báo chí quốc gia.

“Ban đầu, tôi vẫn nghĩ sự kiện sẽ chỉ có phần văn nghệ mở đầu, các bài phát biểu và lễ trao giải. Nhưng đến đây, chúng tôi thực sự bất ngờ vì chương trình được tổ chức hiện đại, hấp dẫn. Đặc biệt, các phóng sự và tiết mục biểu diễn đều rất hiện đại”, chị Thùy bày tỏ.

Chia sẻ với phóng viên, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, mỗi năm có khá nhiều giải báo chí, nhưng cách thức nhiều lễ trao giải “khá khuôn mẫu, theo phong cách truyền thống” và chưa vinh danh các tác giả một cách thỏa đáng. Bên cạnh đó, nội dung chương trình cũng chưa thực sự cuốn hút khán giả từ đầu tới cuối.

“Trong nhiều năm, chúng tôi nhận thấy, người trao giải và nhận giải không phải là trung tâm của sự kiện”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Do đó, ngay từ đầu, Ban tổ chức sự kiện đã xác định phải đổi mới toàn diện Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII theo tinh thần đổi mới, sáng tạo; trong đó chú trọng việc đặt các tác giả/nhóm tác giả vào vị trí trung tâm.

Cái khó là vẫn phải giữ được màu sắc chính luận cho chương trình, nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn cho công chúng.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân LÊ QUỐC MINH

“Một trong những khó khăn khi thực hiện sự kiện là làm thế nào để thay đổi tư duy. Vì lâu nay mọi người vẫn quen với cách làm cũ nên sẽ có người e ngại. Tuy nhiên, Ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên, sự phối hợp tích cực từ VTV. Chúng tôi muốn vượt ra vùng an toàn đó thử nghiệm những thứ mới mẻ”, nhà báo Lê Quốc Minh nói.

Để “vượt ra vùng an toàn”, ê-kip sản xuất đã thay đổi toàn bộ format của chương trình, từ việc tìm kiếm địa điểm tổ chức mới theo hướng mở, thay đổi cách thức trao giải, “may đo” riêng các tiết mục đặc sắc cho lễ trao giải.

“Cái khó là vẫn phải giữ được màu sắc chính luận cho chương trình; không để các tiết mục biểu diễn che khuất phần trao giải nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn cho công chúng. Để làm được điều này, chúng tôi cố gắng xây dựng các tác phẩm mang tính đặc sắc riêng biệt. Các chi tiết khác như hình ảnh trình chiếu, công nghệ mới, xây dựng phông nền, khu vực triển lãm cũng được tính toán chi tiết, tỉ mỉ”, ông Lê Quốc Minh cho biết.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Sự phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, đội ngũ trực tiếp sản xuất, hậu cần… đã tạo nên một lễ trao giải thực sự khác biệt.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh: Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII là “bước đệm để chuẩn bị cho lễ trao giải báo chí đặc biệt vào năm 2025, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày kỷ niệm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Ông Hoàng Công Cường, Tổng đạo diễn sự kiện cho hay, lễ trao Giải Báo chí quốc gia XVIII có chủ đề “Khát vọng và bản lĩnh Việt Nam”. Ngay từ đầu, ekip thực hiện đã nhận được “đặt hàng” từ Hội Nhà báo Việt Nam là phải “lên được một format độc đáo, sáng tạo, đổi mới cả về nội dung, phương thức vinh danh; đồng thời vẫn thể hiện được sự trang trọng, ý nghĩa chính trị-xã hội” của sự kiện".

“Đây là một đề bài rất khó. Hội Nhà báo cũng đề nghị chương trình cần phải đưa những nhà báo nhận giải vào vị trí trung tâm, để các anh chị em cảm thấy thực sự tự hào. Đặc biệt, bởi lễ trao giải Báo chí quốc gia còn là chương trình đã có thương hiệu. Do đó, chúng tôi càng quyết tâm. Cả ekip đã phải mất đến 2 tháng để chuẩn bị hoàn tất, từ việc lên ý tưởng, thiết kế sân khấu, kết cấu chương trình”, Tổng đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ.

Để tìm “lời giải” cho bài toán khó, ê-kip tổ chức đã đặt trọng tâm vào phần kịch bản với một ý tưởng nhất quán.

Đạo diễn HOÀNG CÔNG CƯỜNG

Để tìm “lời giải” cho bài toán khó, ê-kip tổ chức đã đặt trọng tâm vào phần kịch bản với một ý tưởng nhất quán. Cụ thể, ở phần mở màn, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện với quan điểm về nền báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Đây cũng là sợi chỉ đỏ định hướng cho những người làm báo nước ta qua rất nhiều thế hệ.

Tiếp theo, 4 loại hình báo chí (truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử) cũng được “nghệ thuật hóa” thông qua màn múa đương đại mang tên Tâm trong, bút sáng. Các nghệ sĩ xuất hiện với ngọn đèn trên tay, tượng trưng cho tấm lòng sáng trong. Phía sau, ngòi bút vươn cao, đại diện tinh thần tận hiến, tôn trọng sự thật của những người làm nghề.

Phần mở đầu khép lại với lời dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Báo chí cách mạng còn là vũ khí sắc bén thúc đẩy xã hội không ngừng tiến lên… Báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng”.

Ngoài ra, suốt sự kiện, khán giải còn được lắng nghe những tâm sự, nguyện vọng của chính những người làm báo thông qua các phóng sự được thực hiện công phu. Tất cả các thành tố tạo nên một mạch chảy mạch lạc, khắc họa phần nào tinh thần cống hiến của báo giới trong suốt 99 năm phát triển.

Khẳng định, toàn bộ các phần, các tiết mục đều được “may đo” kỹ lưỡng, toàn diện cho riêng báo giới, Tổng đạo diễn Hoàng Công Cường thông tin thêm, chính cách làm này đã giữ được tính chính luận cho toàn bộ sự kiện.

“Các tiết mục biểu diễn đều hướng tới mục đích cuối cùng là truyền tải thông điệp về nghề báo và người làm báo. Ngay cả ca khúc cuối mang tên "Gửi những niềm tin yêu" được sáng tác riêng cho lễ trao giải có phần rap của ca sĩ Phúc Bồ cũng là một bất ngờ thú vị ekip muốn đem lại cho công chúng. Ở đây, hơi thở của âm nhạc đương đại kết hợp chặt chẽ với thông điệp chính càng khiến cho sự kiện có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn”, Tổng đạo diễn Hoàng Công Cường nhấn mạnh.

Nhà báo Thành Vũ (Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam – VTV, đơn vị sản xuất sự kiện) chia sẻ: Giải Báo chí Quốc gia là sự kiện lớn nhất của những người làm báo Việt Nam.

“Với chương trình này, khán giả của chúng tôi là các nhà báo, là những người có thể coi là ‘khó tính’ nhất và họ ngồi ngay phía dưới theo dõi trực tiếp chương trình, nên áp lực là rất lớn. Hơn nữa, đây cũng là năm đầu tiên VTV Digital được giao thực hiện chương trình, mọi thứ đều mới mẻ, bỡ ngỡ. Nhưng đó có thể cũng là điểm mạnh, khi đội ngũ của chúng tôi có thể tiếp cận Giải thưởng ở một góc nhìn khác, đồng điệu với mong muốn của Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam đã kỳ vọng. Chúng tôi đã làm việc với tinh thần cầu thị, đổi mới, trách nhiệm, và nghiêm cẩn với từng chữ, từng lời từ kịch bản tới khi tổng duyệt và lên sóng chương trình với tâm thế chương trình này sẽ có những người ‘khó tính’ nhất xem, nên không thể có bất cứ sai sót nào”, nhà báo Thành Vũ nói.

Với tinh thần nghiêm túc ấy, sự kiện đã được tổ chức với rất nhiều… lần đầu tiên. Lần đầu tiên, lễ trao giải được tổ chức ở một không gian mở; lần đầu tiên, tất cả các tác giả đều được tôn vinh và có được khuôn hình riêng trên sóng trực tiếp…

Thông tin thêm, đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết, thay vì làm trong nhà hát, ê-kip đã đề xuất mở rộng không gian ra bên ngoài. Ban tổ chức đã xây dựng cả một trường quay, một nhà hát có sức chứa tối đa lên tới 1.500 người ngay tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế ICE. Điều này cho phép xuất hiện một sân khấu hoành tráng, đồng thời cũng mở ra nhiều không gian tác nghiệp hơn cho báo giới.

“Nét khác biệt lớn nhất, đồng thời cũng là điểm nhấn trọng tâm chính là cách thức trao giải. Khác với mọi năm, các tác giả có mặt trên sân khấu xếp hàng đợi trao giải, tại sự kiện năm nay, chúng tôi quyết định phải đặt con người vào vị trí trung tâm, tôn vinh từng cá nhân bằng những cách thức hiện đại nhất”, ông Cường nói.

Cụ thể, ngay từ phần trao giải cho các tác phẩm đạt giải C, mỗi tác giả xuất hiện trên sân khấu đều có ánh đèn spotlight chiếu vào khi các MC giới thiệu. Bên cạnh hiệu ứng ánh sáng, các tác giả cũng đều có khuôn hình riêng trên sóng truyền hình.

Nét khác biệt lớn nhất, đồng thời cũng là điểm nhấn trọng tâm chính là cách thức trao giải.

Đạo diễn Hoàng Công Cường

“Đặt các nhà báo vào vị trí trung tâm, Ban tổ chức cũng xác định, mỗi phần trao giải sẽ có cách thức khác nhau. Thí dụ như phần trao giải B, trên sân khấu xuất hiện một bông sen nở ra tháp bút, tượng trưng cho cội nguồn tinh hoa của dân tộc. Tới phần trao giải A, mỗi tác giả/nhóm tác giả đều xuất hiện với tên tác phẩm của riêng mình. Họ đứng trên sân khấu như những ngôi sao danh vọng, tỏa sáng”, đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ.

Các tác giả đoạt giải A.

Các tác giả đoạt giải B.

Các tác giả đoạt giải C.

Mỗi tác giả xuất hiện trên sân khấu đều có ánh đèn spotlight chiếu vào khi các MC giới thiệu.

Đặt các nhà báo vào vị trí trung tâm.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết thêm, thông qua cách thức kể trên, Ban tổ chức mong muốn những người có mặt trên sân khấu cảm thấy vinh dự và tự hào về giải thưởng mà họ đạt được. Ngay cả người ngồi xem cũng thấy tự hào về những thành quả mà đồng nghiệp của mình đã đạt được và mong muốn mình cũng có một ngày đứng ở sân khấu để được nhận giải.

“Chúng tôi hy vọng cách thức tổ chức mới mẻ như vậy sẽ truyền cảm hứng cho những người chưa đoạt giải và nâng những người đã được giải lên để chúng ta thấy chất lượng Giải Báo chí quốc gia xứng tầm là giải báo chí quan trọng nhất của đất nước Việt Nam”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho năm tới, đặc biệt là hội báo toàn quốc cũng là sự kiện quan trọng được tổ chức với quy mô lớn, hay lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XIX cũng sẽ được xây dựng với một kịch bản độc đáo, sáng tạo và sẽ có rất nhiều điều mới. Hiện Hội Nhà báo Việt Nam đã có kế hoạch và sẽ được chuẩn bị triển khai vào cuối năm. Hy vọng, những hoạt động kể trên sẽ vẫn giữ được tinh thần sáng tạo và đổi mới để giới báo chí luôn cảm nhận Hội Nhà báo Việt Nam là ngôi nhà chung cho những người làm báo cả nước”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Ngày xuất bản: 26/6/2024
Thực hiện: SƠN BÁCH
Video: TRUNG HIẾU
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT