Nhìn lại ngành y tế 2018: "Kỳ tích" và "điểm nóng"
NDĐT - Năm 2018 chứng kiến những đột phá lần đầu tiên trong kỹ thuật ghép đa tạng - ghép phổi, kỹ thuật phẫu thuật nội soi một lỗ, kỹ thuật miễn dịch điều trị ung thư, ghi dấu thành tựu mới cho y tế Việt Nam. Tuy vậy, năm 2018 cũng có những điểm nóng gây xôn xao dư luận. Hãy cùng nhìn lại ngành y tế Việt Nam năm 2018.
Việt Nam triển khai liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel
Ý tưởng triển khai liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đạt giải Nobel của hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản)đã được GS Tạ Thành Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Hiệu trưởng trường Đại học Y - Học trò của GS Tasuku Honjo triển khai từ năm 2013. Phương pháp điều trị này đã thử nghiệm lâm sàng trên người Việt Nam từ năm 2017 trên hơn 30 bệnh nhân mắc năm loại ung thư phổ biến: phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng ở giai đoạn 3b và 4. Phương pháp này giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao, chưa ghi nhận phản ứng phụ.
Kỳ tích ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não
Năm 2018, ngành ghép tạng ghi thêm kỳ tích mới trong việc hoàn thiện kỹ thuật ghép phổi cho bệnh nhân. Ngày 26-2, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghép phổi thành công từ người cho chết não cho bệnh nhân Trần Ngọc H bị suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ca ghép kéo dài 8 giờ đồng hồ với sự tham gia của hai chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, một chuyên gia đến từ Bỉ và hơn 60 thầy thuốc, bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ sư, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên của bệnh viện.
Việt Nam lập kỷ lục lấy sáu tạng để ghép đồng thời năm tạng bằng 100% chuyên gia Việt Nam
Ngày 12-12-2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công một loạt các ca phẫu thuật lấy – ghép nhiều tạng hết sức đặc biệt từ một người cho đa tạng chết não.
Ca ghép tạng này là ca đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não, với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện, không có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài cho một người bệnh mới chỉ 17 tuổi bị bệnh mô bào ở phổi.
Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não và đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho bốn bệnh nhân (một tim, hai phổi, một gan, một thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” một thận cho bệnh nhi ở thành phố Hồ Chí Minh.
Thêm vaccine mới “made in Vietnam” phòng cúm mùa “3 trong 1”
Năm 2018, Việt Nam công bố thử nghiệm thành công vaccine cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất. Đây là loại vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Hiện vaccineđã thử nghiệm lâm sàng, đang hoàn thiện khâu đăng ký lưu hành để đưa sản phẩm ra phục vụ cộng đồng.
Công suất vaccine cúm mùa là 1,5 triệu liều/năm; vaccine cúm A/H5N1 là ba triệu liều/năm. Vaccine cúm phòng ngừa nguy cơ đại dịch: A/H1N1/09, A/H5N1 và A/H7N9. Song song đó, IVAC đã nghiên cứu, phát triển vắc xin cúm mùa “3 trong 1” với mục tiêu tự chủ sản xuất vaccine cúm mùa thương mại tại Việt Nam.
Đột phá trong phẫu thuật nội soi một lỗ
Lần đầu tiên Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện thành công nội soi tuyến giáp một lỗ; phẫu thuật cắt u vú bằng nội soi. Năm 2018, cũng lần đầu tiên Bệnh viện K triển khai thành công nội soi siêu âm dẫn lưu nang giả tụy vào dạ dày, phẫu thuật u gan đa ổ bằng phương pháp nội soi... .
Đặc biệt, phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ với dụng cụ nội soi riêng tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã mang lại lợi ích lớn cho bệnh nhân, giảm đến mức thấp nhất mức độ tổn thương, đáp ứng được việc cắt bỏ khối u tuyến giáp lành tính theo đúng chỉ định, an toàn, hiệu quả và rút ngắn thời gian nằm viện. Thành công này không chỉ đánh dấu bước phát triển mới trong phẫu thuật tuyến giáp tại Việt Nam mà còn được ghi nhận là kỹ thuật lần đầu tiên trên thế giới.
Ngân hàng mô của Việt Nam lần đầu tiên ra mắt
Sau hơn hai năm xây dựng, Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam đã chính thức ra mắt tại Bệnh viện Việt Đức ngày 16-10. Ngân hàng này có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển mô, cung ứng cho các cơ sở y tế, nghiên cứu, đào tạo y học, trao đổi mô với ngân hàng khác và hợp tác với cơ quan tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm mục đích khám bệnh, chữa bệnh... Ngân hàng mô từ khi đi vào hoạt động đã bảo quản gần 1.000 mảnh xương sọ, hơn 400 trong số đó đã ghép lại cho người bệnh.
Phanh phui đường dây làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần
Ngày 12-6-2018, hai cán bộ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã bị cơ quan điều tra khởi tố bắt bị can, tạm giam phục vụ điều tra vì có hành vi làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần với số tiền 85 triệu đồng, giúp cho các đối tượng giang hồ “chạy tội”. Hành vi của các đối tượng không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành nhưng vẫn trốn tránh được việc xử lý của các cơ quan thi hành pháp luật.
Phá đường dây môi giới mua bán thận
Ngày 15-10, Đội Phòng chống tội phạm mua, bán người (Đội 12, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) đã bắt tạm giam Trần Văn Phương (29 tuổi, trú tại xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) về hành vi “Mua bán mô và bộ phận cơ thể người”. Tiếp đó, ngày 16-10, một “cò” mua bán thận Dương Văn Lộc (31 tuổi, ở Hải Phòng) đã bị Công an quận Long Biên (Hà Nội) bắt giữ. Đối tượng cũng sử dụng mạng xã hội để tiếp cận người bán thận và mua thận sau đó đưa ra mức giá chênh lệch để hưởng lời. Thủ đoạn của các đối tượng này là lập các hội nhóm kín trên mạng xã hội, thậm chí là công khai để quảng cáo về việc bán thận, mua thận. Môi giới, mua bán nội tạng cơ thể người, trong đó có mua bán thận là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Rúng động sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư được làm từ than tro mang tên Vinaca
Năm 2018, ngành y tế rúng động trước thông tin sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư được làm từ than tro có tên Vinaca Co3 do Công ty TNHH Vinaca sản xuất có dấu hiệu của hành vi sản xuất hàng giả. Sản phẩm Vinaca Co3 được giới thiệu có tác dụng trên hệ tiêu hóa có công dụng hỗ trợ điều trị ung thư, u bướu, và các bệnh về tiêu hóa. .
Trước hành vi nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, ngày 20-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả đối với các vi phạm xảy ra tại cơ sở của Đào Thị Chúc tại phường Ngọc Sơn, quận Kiến An. Ngày 2-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã bắt tạm giam Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Vinaca.