Nhìn lại ngành Y tế 2019 THÀNH TỰU VÀ “ĐIỂM NÓNG”
NDĐT – Việt Nam tiếp tục có những bước đột phá trong ngành ghép tạng, mang lại cơ hội sống mới cho người bệnh. Năm 2019, Việt Nam cũng đã chinh phục kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa là can thiệp bào thai, cứu sống các bào thai mang bệnh lý.
Lần đầu tiên, Việt Nam chinh phục ca ghép phổi đồng thì với mổ tim và ghép đồng thời gan – thận
Ngày 17-12-2019, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, các thầy thuốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, đã thực hiện thành công hai ca ghép rất đặc biệt.
Đầu tiên là ca ghép hai phổi đồng thì với mổ tim hở sửa chữa bệnh tim bẩm sinh (sửa tim – ghép phối) diễn ra trong 12 giờ. Thành công của ca ghép phổi đặc biệt này có ý nghĩa rất lớn, mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh còn trẻ ở Việt Nam.
Ca thứ hai là ghép đa tạng gan và thận đồng thì cho người bệnh bị suy cả gan và thận, tránh các nguy cơ của hai cuộc mổ liên tiếp. Trong mổ, các bác sĩ phải tiến hành lọc máu liên tục để thay thế thận đã bị suy. Sau 12 giờ, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, ca mổ đã thành công: gan và thận mới ghép đã hoạt động. Đây là một trong những kỹ thuật khó trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi có đủ kinh nghiệm trong ghép gan và thận.
Việt Nam chinh phục kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa
Kỹ thuật can thiệp bào thai là kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất trong y học bào thai hiện nay. Năm 2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công lập đầu tiên đã triển khai thành công kỹ thuật này, can thiệp thành công cho gần 20 sản phụ có thai đôi và mắc bệnh lý truyền máu song thai. Em bé đầu tiên được can thiệp bào thai do mắc hội chứng truyền máu song thai đã được sinh khỏe mạnh vào ngày 14-12.
Tại Việt Nam, trước đây, những thai phụ mắc các bệnh lý về bào thai trẻ sinh ra thường là gặp dị tật rất nặng, thiểu năng trí tuệ… ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển sau này hoặc là thai chết lưu ngay khi còn trong tử cung. Vì thế, kỹ thuật này được đánh giá là nhân văn, tăng cơ hội cứu sống cho các bào thai bệnh lý. Kỹ thuật can thiệp bào thai có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi…
300 y, bác sĩ chạy đua với 15 ca ghép tạng trong một tuần
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lập kỷ lục trong công tác chuẩn bị, điều phối và thực hiện 15 ca ghép tạng chỉ trong một tuần. 15 ca ghép tạng sự tham gia của 300 y, bác sĩ, với sự phối hợp đồng bộ, tổ chức chuyên nghiệp, điều phối kịp thời và trên hết khẳng định trình độ chuyên môn cao.
Trong số 15 ca ghép tạng từ ba người chết não hiến tạng, có hai ca ghép tạng xuyên Việt và một ca ghép phổi. Đặc biệt, ca ghép phổi thứ hai được ghép bởi ê kíp bác sĩ Việt Nam đã bình phục rất nhanh và có thể sinh hoạt như người bình thường.
Với 15 ca ghép tạng trong một tuần, Việt Nam đánh dấu kỳ tích mới vì trong suốt 10 năm qua, tính đến thời điểm thực hiện ca ghép đa tạng này, mới có 57 trường hợp hiến tạng.
Hai ca ghép phổi ra viện – đánh dấu kỳ tích mới trong ngành ghép tạng
Sau một tháng được nhận phổi hiến, ngày 4-10-2019 bệnh nhân thứ hai được ghép phổi đã bình phục xuất viện. Bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi năm 2018 cũng đã được xuất viện sau 10 tháng nằm hồi sức sau ghép. Đây được đánh dấu là kỳ tích mới trong ngành ghép tạng của y học Việt Nam kể từ sau khi Việt Nam chinh phục được kỹ thuật ghép khó nhất thế giới này từ năm 2018. Đến nay, hai bệnh nhân ghép phổi vẫn khỏe mạnh, trong đó bệnh nhân thứ hai đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường không cần sự trợ giúp như trước.
Câu chuyện “Bình An” và phép màu kỳ diệu cho sản phụ ung thư
Chiều 22-5, một ca mổ đặc biệt đã được diễn ra tại Bệnh viện K với sự phối hợp của bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho sản phụ Nguyễn Thị Liên (Lý Nhân, Hà Nam) bị ung thư vú giai đoạn cuối. Ca phẫu thuật lấy em bé 31 tuần tuổi, cân nặng 1,5 kg đã vỡ òa trong hạnh phúc của cả ê-kíp bác sĩ và gia đình nhưng mẹ Liên chưa được nhìn thấy con lúc chào đời.
Sau mổ, sản phụ rơi vào tình trạng mê man, phải mở nội khí quản để hỗ trợ thở. Bệnh của sản phụ đã ở giai đoạn cuối, khối u đã di căn vào phổi, gan và nhiều cơ quan. Bằng tất cả nỗ lực hồi sức cho sản phụ đã suy hô hấp, phải mổ bắt thai trong tư thế ngồi, sản phụ Liên đã bình phục đầy kỳ diệu để được gặp cậu con trai Bình An của mình. Cháu bé cũng được các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nỗ lực nuôi trong lồng ấp đủ ngày, đủ tháng để được đoàn tụ cùng gia đình sau hai tháng chào đời.
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gồm 7 chương, 36 điều, luật có hiệu lực thi hành từ ngày mai, 1-1-2020 sẽ tác động mạnh mẽ tới thói quen tiêu dùng rượu, bia của người Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình bảy năm xây dựng Luật và đã được Quốc hội thông qua hồi cuối tháng 6-2019, các nhà làm luật đều khẳng định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tỷ lệ bao phủ BHYT và tỷ lệ giường/vạn dân vượt chỉ tiêu Chính phủ giao
Tiếp nối thành công của năm 2018, năm 2019, ngành y tế cũng đã có hoàn thành vượt hai chỉ tiêu Chính phủ giao. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sĩ, 27,5 giường bệnh trên một vạn dân và tỷ lệ tham gia BHYT đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra (88,1%).
Sự cố nhiễm ký sinh trùng tại Bắc Ninh
Sau sự việc các phụ huynh phát hiện thịt lợn có sán gạo tại trường mầm non Thanh Khương và các trường học ở Thuận Thành, Bắc Ninh, lo ngại cho sức khỏe của con mình, trong tháng 3-2019, hàng nghìn phụ huynh tại địa bàn này đã cho con nghỉ học, đi thành từng đoàn đưa con lên Hà Nội làm xét nghiệm. Hai cơ sở y tế là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét – Ký Sinh trùng – Côn trùng Trung ương làm việc hết công sức trong nhiều ngày tiếp đón hàng nghìn gia đình bệnh nhi. Mặc dù tỉnh Bắc Ninh đã quyết định lấy máu tại chỗ cho trẻ em huyện Thuận Thành từ ngày 18-3 nhưng tình trạng quá tải tại hai cơ sở y tế trên vẫn diễn ra.
Trước sự cố trên, câu hỏi đặt ra là, hệ thống vệ sinh dịch tễ đã ở đâu trong những ngày mà người dân ồ ạt đi xét nghiệm một cách tự phát. Sự vào cuộc chậm của cơ quan quản lý nhà nước và ngành y tế đã khiến hàng nghìn gia đình hoang mang, bức xúc và tiêu tốn hàng tỷ đồng vào việc làm các xét nghiệm không cần thiết.
Tai biến thuốc gây tê cho sản phụ
Hai sản phụ tử vong, một sản phụ nguy kịch may mắn được thoát cửa tử là câu chuyện về tai biến xảy ra sau khi những sản phụ này sử dụng thuốc gây tê tủy sống có chứa Bupivacaine tại địa bàn TP Đà Nẵng trong tháng 11-2019. Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị tạm dừng cung ứng thuốc này và đề nghị các cơ sở y tế là tạm dừng sử dụng thuốc này cũng như bố trí nguồn thuốc khác thay thế. Cục chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện trên các địa bàn rà soát việc mua sắm thuốc; các bệnh viện khẩn trương rà soát công tác mua sắm thuốc gây tê có chứa Bupivacaine.
Tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ
2019 là một năm chứng kiến nhiều tai biến xảy ra khi thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt xảy ra nhiều trường hợp thương tâm tại TP Hồ Chí Minh. Chỉ trong tháng 10-2019, đã xảy ra bốn ca tai biến vì nâng ngực, căng da mặt, hút mỡ bụng, xuất huyết não sau khi xăm chân mày… trong đó có hai ca tử vong, một ca nguy kịch tính mạng.
Ngoài ra, tình trạng làm đẹp ở những cơ sở thẩm mỹ không uy tín cũng dẫn tới nhiều hệ lụy về sức khỏe cho người dân như mù mắt, sưng mũi, hoại tử mông do tiêm chất làm đầy, mang thai vẫn được hút mỡ bụng, hoại tử da sau khi nâng mũi…. Dường như, công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ vẫn còn nhiều kẽ hở và cơ quan quản lý cũng đang bất lực khi chưa thể kiểm soát được loại hình dịch vụ này.