1/Mùa thu năm 1967, tôi đang học lớp 2 tại Trường cấp I xã Cấp Tiến (nay là xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Mỗi khi đi học về, nhớ đến cậu tôi đang huấn luyện tại đơn vị bộ đội đóng quân ở Hải Dương, tôi hay ghé tai vào cái loa tổ ong chạy bằng pin con thỏ của ông ngoại, nghe các bài hát có giai điệu hào hùng như thúc giục cả đoàn quân tiến về phía trước: “Bước chân trên dải Trường Sơn”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”…
Một trưa rét buốt căm căm của tháng 12/1967, hết sức ngỡ ngàng khi thấy bố tôi đang uống nước với ông ngoại, đẹp hẳn lên trong bộ quân phục. Thế là bố đã thành chú bộ đội như chúng tôi vẫn thường hát: “Chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê…”. Bố dang rộng cánh tay ôm tôi vào lòng! Bữa cơm do chính bố tôi vào bếp nấu bằng lá chuối, thơm ngon hơn hẳn tôi nấu. Còn nhớ như in bố vừa cời lửa, vừa dặn tôi: “Ở nhà giúp ông, phải chăm ngoan, học giỏi, chờ ngày hết giặc, bố về với mẹ con con…”. Hai bố con thăm các cụ, các bác làng trên xóm dưới, rồi bố đi đón dì tôi đang công tác ở Đoàn địa chất 36 (lúc ấy Đoàn Bộ đóng tại làng Bình Kiều, xã An Cảnh, huyện Khoái Châu), đèo cả hai dì cháu lên Hà Nội trên chiếc xe đạp Thống Nhất nam mà bố được Nhà máy Dệt 8/3 phát phiếu mua theo tiêu chuẩn. Tôi đâu biết đó là những ngày hạnh phúc nhất của tuổi thơ khi bố tôi được về nhà. Từ Hà Nội, bố mẹ về quê nội Hòa Xá (Ứng Hòa, Hà Tây - nay là Hà Nội), sum họp gia đình đủ cả bà nội và em gái tôi khi ấy mới 3 tuổi, sơ tán theo bà đã 2 năm, để rồi sau 10 ngày nghỉ phép, bố tôi lên đường vào chiến trường B2 (Đông Nam Bộ).
Văn Miếu sáng xuân ấy sáng bừng cờ đỏ sao vàng cắm trên mỗi đầu ô-tô chở đoàn quân. Cảnh bịn rịn chia tay, mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng và tiếng khóc òa chất chứa bao nỗi niềm của người ở lại, đã in dấu vào tâm hồn tôi thơ ngây ngày ấy, để cảm nhận thế nào là chia ly trong chiến tranh.
Tết này đọc lại những lá thư bố tôi ghi xuân 68 mà mẹ tôi vẫn giữ gìn được qua dằng dặc thời gian bom đạn và gian khổ, vẫn như thấy hình ảnh bố tôi hiện lên qua từng dòng thư viết bằng mực Cửu Long, không phai mờ nét chữ. Tết của bố tôi ở Đô Lương, Nghệ An cùng đơn vị, đón Tết có bánh chưng xanh, nghe những câu hò ví dặm và tràn đầy tinh thần cách mạng: “Phát huy truyền thống Quang Trung-Nguyễn Huệ hành quân thần tốc ra bắc đánh quân Thanh, năm nay, các anh cũng đang hành quân thần tốc từ bắc vào nam diệt Mỹ, cho nên ba ngày Tết là ba ngày anh đi liên tục không nghỉ”. Và bố tôi đã tả Tết bộ đội trên đường hành quân bằng mấy dòng thơ mộc mạc: “Không chè, không rượu có hoa tươi/Tết nhất năm nay chẳng kém ai/Bò lợn nửa cân, gà không mống/Dưa hành không đĩa, bánh nửa đôi”.
2/Mẹ ở tổ tự vệ trực chiến trên nóc Nhà máy Dệt 8/3 nên chỉ tranh thủ về quê ngoại ăn Tết với ông và dì tôi. Tết ấy, ngôi nhà ba gian hai chái như càng trống ra vì cậu Binh đã vào mặt trận Gio Linh (Quảng Trị). Nhà bác Cả tôi ở kế bên, anh Lực là con trưởng cũng đang ở chiến trường Vĩnh Linh giáp Quảng Trị, “ăn cơm bắc, đánh giặc nam”. Bác dâu tôi nấu nồi chè kho, tay quấy đều chè đang độ quánh, khuôn mặt thoảng nét buồn. Tôi sà xuống cạnh bác, rụi bớt củi lửa để chè không bị khê, xem bác lót lá chuối khô trên mặt sàng mây, khéo léo đổ chè kho ra, rải vừng lên trên, điệu nghệ thật. Bác dịu dàng bảo tôi: “Anh Lực Tết này không thấy đánh thư về, bác nóng ruột lắm!”.
Mẹ tôi mang về biếu ông túi quà Tết, có đủ thuốc lá sông Cầu, hộp mứt Tết “thập cẩm” (200gr): ít viên lạc bọc bột nếp, gừng, bí xanh, cà rốt, dừa, quả táo tàu… thời chiến, thế là ngon lắm rồi. Có đủ thuốc lá sông Cầu, dây pháo tép Bình Đà, mì chính, đường kính trắng, nhưng ông quý nhất vẫn là gói chè Thanh Hương, thơm ngon hơn hẳn chè lạng ở chợ (hồi ấy, chợ quê không có chè móc câu sẵn như bây giờ). Đêm 30, các anh chị đã lớn lộc ngộc tuổi 11, 13 và tôi là út, canh chảo bánh chưng, bánh tét, tất thảy 30 cái, ông đã gói xong từ chiều. Việc cần nhất là tiếp thêm gộc tre để ngọn lửa cháy đượm và tiếp nước vừa đủ để bánh dền đều, không bị góc sống, góc nát. Ở dưới bếp, tôi vẫn nghe tiếng điếu cày của ông không kêu giòn như mọi khi có cậu Binh ở nhà… Vậy mà trưa mồng Một, ông vẫn chủ tế lễ cúng gia tiên như mọi Tết. Mái tóc và chòm râu bạc của ông như bạc thêm, thương ông xiết kể.
Mẹ diện cho tôi chiếc áo bông có chần vải chéo in hoa nhỏ mầu đỏ. Chiến tranh lan ra miền bắc đã 4 năm, hạt gạo chia đôi, bom đạn ùng oàng, được vậy là diện lắm rồi! Ông và mẹ “mở hàng” đầu năm mới, tờ một hào đỏ tươi. Tôi vui sướng bỏ vào chú ỉn đất, rồi theo mẹ đến nhà các cụ, các bác chúc Tết. Những khóm cúc đại đóa và thược dược tổ ong tươi sắc đón mẹ con tôi từ đầu ngõ. Bên chén trà xuân, các cụ kể chuyện các chú đi bộ, “đánh thư” về. Chú thì ở trận địa pháo Hà Nội, chú thì ở Quảng Bình. Làng trên, các bác tôi là bộ đội Liên khu Ba từ thời kháng chiến chống Pháp cũng trực chiến tại chỗ. Bác Loãn, bác Tư Đương, bác Lộc… đều vắng nhà! Ngõ quê vắng hẳn các anh thanh niên diện áo xanh sĩ lâm như các Tết trước. Các bác gái vẫn vấn khăn mỏ quạ, răng hạt na đen nhưng nhức, áo gụ nền nã, môi thắm trầu cau đỏ tươi, đon đả thết mẹ con tôi đặc sản ngon nhất của quê là chè kho và gà Đông Tảo luộc, cá chép kho tương. Chè kho để cả sàng, khách đến mới cắt từng miếng dẻo thơm mùi mật mía cho lên đĩa. Gà Đông Tảo nổi tiếng từ xưa với đôi chân to như cái dùi trống, thịt chắc và thơm; gia chủ nuôi chủ yếu để dành cho dịp giỗ, Tết, đãi khách ở xa về. Cá kho tương ớt đã húi trấu cả đêm, ngon hơn thịt nấu đông, cả nhà đều mê món này, cũng treo sẵn trên cái quang làm bằng mây. Còn đậu phụ thơm dịu mùi nghệ ta, mềm, mát, chỉ cần chần nước sôi để giữ nguyên độ bùi, ngầy ngậy, không thể thiếu trong ngày Tết. Sau này, dù đón bao cái Tết ở Hà Nội, nhưng không bao giờ tôi quên được vị Tết với những đặc sản của đất quê, nơi sinh ra bà Tây Sa công chúa, vợ của Thánh Chử Đồng Tử, dân làng tôi gọi là bà Thánh Hữu.
Sáng mồng Hai, ông Sỹ và ông Hưởng là bạn hàng xóm thân thiết của ông ngoại sang chúc Tết. Chuyện trong nhà, ngoài làng, rồi lại đến chuyện quân ta đánh to ở miền nam. Tôi thường làm chân đun nước, pha trà, ngồi góc giường chờ các cụ sai vặt, nghe luôn cả chuyện người lớn. Ông tôi chậm rãi: “Các ông có nhớ Cụ Hồ chúc Tết năm nay không? Ông đọc lại lời thơ của Bác: “Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Các ông thấy làng mình vắng hẳn thanh niên, thì các làng khác cũng vậy thôi. Dồn quân cho các chiến trường đang đánh to rồi. Bố cháu Thu ngoài Hà Nội xung phong lên đường, rồi cậu út nhà tôi và thằng cháu Lực cùng trai làng đi dịp hè 1967 vừa rồi là để vào đánh Mậu Thân đấy. Ông Hưởng gật gật: “Ờ, tôi nghe cái đài tổ ong nói, ta đánh Sài Gòn rồi đấy. Tài thật! Nó có sân bay, tàu chiến, mà sao ta độn thổ vào được các cụ ạ”. Ông tôi đáp: “Ông quên làng ta nuôi bộ đội đi đánh sân bay Gia Lâm, thì cũng độn thổ vào lòng nó mà đánh chứ!”. Quanh chén trà nóng, chuyện ta đánh giặc đúng dịp Tết rôm rả, nao nức hơn chuyện nông tang.
3/Tết Mậu Thân 68 in sâu trong tâm trí tôi như thế. Năm 1976, tôi mới được đọc thư bố gửi chị em tôi trước khi vào cây số 0 đường 559, dặn dò chị em tôi cố gắng thực hiện những điều bố mong muốn, “rèn luyện, tu dưỡng, xứng đáng là con yêu của gia đình”. Bố tôi “Hẹn gặp lại các con khi nước nhà thống nhất, Tổ quốc hòa bình”. Đó cũng là mong ước, khát khao cháy bỏng của hàng nghìn chiến sĩ khi tạm biệt gia đình, bước vào cuộc chiến sinh - tử khốc liệt, cho “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”!
Nhắc nhớ những cái Tết gia đình đôi ngả, con xa cha, vợ xa chồng … những nàng Vọng phu suốt đời thờ chồng nuôi con… để khi Tết đến xuân về, nhìn chồi biếc vẫn lên xanh với sức sống mới,biết trân quý hơn cuộc sống trong hòa bình, độc lập, tự do hôm nay.
Chiều mồng Hai, mẹ tôi bịn rịn chào ông để ra Hà Nội, vào xưởng dệt như mọi ngày. Nào cặp bánh chưng, nào bánh tét, nào giò xào, do chính tay ông tôi làm… mẹ mang ra làm quà cho các cô bác cùng tổ đứng máy. Tôi đã biết tiễn mẹ ra đầu ngõ. Nhìn dáng mẹ trên chiếc xe đạp bố để lại, tôi đứng lặng mãi cho đến khi mầu áo tím Huế của mẹ khuất rặng tre đường làng.