Những “bông hồng thép” mặc áo blouse trắng

Chuyên đề “Những người phụ nữ truyền cảm hứng” là câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam ở mọi lĩnh vực, lứa tuổi, có khát vọng, lòng đam mê và nghị lực mạnh mẽ, tạo ra những tác động tích cực, đóng góp to lớn cho xã hội.
Nhà triết học W.Goethe từng nói: "Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp". Đại dịch Covid-19 là một cơn bão táp, ở đó, những nữ chiến binh khoác áo blouse trắng đã hy sinh, lặng thầm cống hiến, trở thành những “cây lau bằng thép” trên tuyến đầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đi qua những ngày tháng gian khó nhưng rực rỡ nhất, sự dấn thân và lửa nghề của họ đã lay động hàng triệu trái tim.
PGS, TS Phạm Thị Ngọc Thảo:
Điểm tựa của ngành hồi sức tích cực

“Làm như vậy đã tốt nhất chưa” là câu hỏi thường trực với “nữ tư lệnh ngành hồi sức” Phạm Thị Ngọc Thảo trong suốt 30 năm làm nghề. Với người phụ nữ gánh trên vai trọng trách lớn của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, sự tự mãn không bao giờ ngự trị. Ở tuổi 56, chị vẫn miệt mài học tập, cống hiến và trao truyền bởi nếu chỉ làm một việc, chị thấy mình như không làm việc.
Nữ tư lệnh đặc biệt ngành hồi sức
Nằm đúng tâm chấn của cơn lốc Covid-19 vào tháng 7 tại TP Hồ Chí Minh, khi người bệnh chuyển nặng suy hô hấp rất nhanh, nhiều bệnh nhân tuột khỏi tay một cách vô vọng, mọi cuộc điện thoại đổ dồn về Tổ tư vấn chuyên môn và Tổ điều trị người bệnh nặng.
Đã làm nghề 30 năm, trải qua đáp ứng nhiều thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh và cũng là người trực tiếp tham gia, tư vấn, chỉ huy như thảm hoạ sập cầu Cần Thơ, cháy Trung tâm thương mại ITC, cháy chung cư Carina TP Hồ Chí Minh, lật đèo của người Nga tại Lâm đồng, sập hầm Đạ Dâng-Lâm Đồng, dịch SARS, dịch cúm H5N1, H1N1... nhưng với dịch Covid-19 đợt này thì mức độ trầm trọng hơn những gì những PGS, TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tưởng tượng.
Trong 2 năm trường kỳ chống dịch, “Nữ tư lệnh ngành hồi sức” gánh trên vai nhiều trọng trách với nhiệm vụ hỗ trợ tối ưu cho các tuyến, không còn khái niệm thời gian dành cho bản thân.
Một ngày, bác sĩ Thảo sẽ phải phân thời gian, trí tuệ cho từng nhiệm vụ: Tổ trưởng tổ điều trị đặc biệt cho Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Tổ trưởng Tổ hội chẩn chuyên môn điều trị các bệnh nhân nặng Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh; Tổ phó tổ tư vấn chuyên môn điều trị bệnh nhân nặng cho TP Hồ Chí Minh; Tổ phó Hội đồng chuyên môn điều trị hội chẩn cho TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam. Ngoài việc điều trị trực tiếp tại bệnh viện, chị và đồng nghiệp vừa phải bảo đảm điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở tầng cuối, vừa bảo đảm sức khoẻ cho các bệnh nhân nặng cấp tính hoặc bệnh nền mà không mắc Covid-19 trở nặng.
Thành phố triển khai chiến dịch tiêm vaccine, chị lại được tin tưởng giao nhiệm vụ trong Tổ chuyên môn điều trị cấp cứu các tai biến liên quan vaccine, triển khai tiêm vaccine an toàn, cấp cứu sốc phản vệ và những biến chứng liên quan đến vaccine như viêm cơ tim, huyết khối...
Những cuộc họp, hội chẩn kéo dài từ ngày tới đêm, điện thoại luôn trong tình trạng nóng ran vì các cuộc gọi dồn dập. Bác sĩ Thảo cùng đồng đội chạy đua với thời gian, vừa liên hệ nhận bệnh nhân, vừa hội chẩn các biện pháp điều trị, vừa tư vấn cho F0, vừa san sẻ các dụng cụ, thuốc men chống dịch. Sau những giờ hối hả, chị lại đọc, viết, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến bệnh lý mà y học chứng cứ liên tục thay đổi.
Lĩnh vực hồi sức cấp cứu đứng trước Covid-19 thật sự gặp nhiều thách thức. Tôi cố gắng đáp ứng tất cả cuộc gọi, tin nhắn của các đồng nghiệp, các bạn trẻ cần hỗ trợ ý kiến điều trị hay trở thành chỗ dựa của các bạn khi tham gia thực hành
Trong sự nghiệp cứu người bệnh ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc, trường hợp bệnh nhân người Anh mã số 91 đã thật sự viết nên một kỳ tích cho ngành hồi sức tích cực của Việt Nam mà dấu ấn của bác sĩ Thảo rất đậm nét.
Nhớ lại những ngày đầu tiên nhận lệnh can thiệp trước một ca khó chưa từng có trong nghề, với bệnh lý hoàn toàn mới mẻ, bác sĩ Thảo kể, toàn bộ những kỹ thuật đỉnh cao của lĩnh vực hồi sức tích cực đã được đem ra hỗ trợ cho người bệnh khi phổi tổn thương nặng, chỉ còn 10% cơ hội sống sót, đã tính đến phương án ghép phổi. Trong 57 ngày tiến hành ECMO, bằng sự phối hợp điều trị của nhiều chuyên khoa, các bác sĩ đã thay 7 màng ECMO. Đây là một trong những ca đặc biệt trên thế giới.
Những thời khắc ấy "như thời khắc người diễn viên đang đi trên dây. Chỉ khác rằng, diễn viên bị rơi xuống khi đi trên dây thì sẽ bị thương còn với ekip điều trị, chỉ cần bác sĩ tuột tay thì bệnh nhân sẽ chết", bác sĩ Thảo giãi bày. Vì vậy, áp lực giữ lấy sự sống cho bệnh nhân trong từng thời khắc ấy không chỉ đơn thuần là giữ thăng bằng, khéo léo như người diễn viên xiếc đi trên dây mà còn phải tỉnh táo để đưa ra những quyết định phù hợp ở từng thời điểm…
Với vai trò lãnh đạo kíp điều trị, bác sĩ Thảo biết mình phải hết sức vững vàng, động viên kịp thời đồng nghiệp và các em trong kíp, không đựơc mất tinh thần, tuyệt vọng, cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân với tâm thế còn nước còn tát. Tinh thần thép đã đồng hành cùng chị trong suốt khoảng thời gian chống dịch.
Bài học để lại quá nhiều ở bệnh nhân này, nhờ đó bản thân tôi cũng học được rất nhiều về chuyên môn, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng thương thảo, khả năng tranh luận, khả năng thuyết phục, khả năng làm việc nhóm, khả năng đưa ra quyết định, tôn trọng quyền của người bệnh.
Bác sĩ Thảo tâm sự: “Trong nguy luôn có cơ. Cơ hội trong đại dịch của nhiều cơ sở y tế là được triển khai nhiều kỹ thuật mới, được sáng tạo trong công việc. Nhiều đơn vị y tế các tuyến trong chuyên ngành hồi sức tích cực mặc dù đã được chuyển giao nhưng chưa có cơ hội thực hiện thì hiện nay các nơi đều triển khai tốt một số kỹ thuật về thông khí cơ học, lọc máu và ECMO...”.
“Nếu chỉ làm một việc, tôi không bao giờ thấy đủ”
Lửa nghề, sự tận tâm trao truyền kiến thức, yêu thương đặc biệt với các đồng nghiệp trẻ đã truyền cảm hứng tích cực cho rất nhiều đồng nghiệp. Chị được đồng nghiệp gọi là “chị Hai” thân thương vì với tư cách là một lãnh đạo, ngoài bố trí công việc phù hợp, tạo tâm lý, năng lượng tích cực trong nhóm, chị cũng dành một ít thời gian trong ngày để cổ vũ, động viên đồng đội, các bạn trẻ thoát ra được áp lực tâm lý nặng nề.
Hơn 30 năm trong nghề, chị luôn đặt ra nhiều câu hỏi, liệu chúng ta thực hiện như vậy có tốt hơn không, có cách nào để cải thiện tiên lượng cho người bệnh... Bởi vậy, những nghiên cứu cứ tiếp nối ra đời. Từ kỹ thuật lọc máu máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng đến kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong điều trị hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS) và viêm cơ tim cấp, chị đã cùng đồng đội xây dựng các kỹ thuật đỉnh cao này trở thành thường quy của bệnh viện và của ngành y tế TP Hồ Chí Minh.
Ý tưởng ở người phụ nữ này như suối nguồn nhưng việc tổ chức nghiên cứu cần một người dẫn dắt tổ chức thực hiện và tính kỷ luật, tuân thủ trong nghiên cứu cũng phải cao, làm việc nhóm, mang tính đổi mới và sáng tạo. Nếu không có đam mê thì khó lòng mà vượt qua tất cả. Và ở chị, rất nhiều đồng nghiệp học được tinh thần dám nghĩ, dám làm vì cứu chữa người bệnh.
Tôi được vinh dự là người mở đường, là người sáng lập, triển khai nhiều hoạt động của chuyên ngành, bởi vì thế mà các em hay gọi là “chị Hai”. Đã là hoạt động chuyên ngành thì phải gắn bó với bệnh viện mới triển khai được các kỹ thuật chuyên ngành, chữa bệnh cứu sống bệnh nhân. Muốn làm được kỹ thuật đó không thể làm một mình mà phải làm cùng với đồng nghiệp của mình. Bởi vậy, tôi cũng mang trách nhiệm của một người giảng viên và đeo đuổi giấc mơ mở được mã ngành của hồi sức tích cực tại Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, mở rộng và phát triển chuyên ngành tại TP Hồ Chí Minh và phía Nam. Một việc cũng không kém phần quan trọng là tạo ra sự gắn kết các đồng nghiệp để tạo sức mạnh phát triển chuyên ngành thông qua các Hội nghề nghiệp trong Hội y học.
Người phụ nữ mạnh mẽ trên tuyến đầu gian truân này luôn hạnh phúc và được tận hiến với nghề vì có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... luôn sát cánh, chia ngọt sẻ bùi, động viên nâng đỡ tinh thần để chị bước tiếp dài hơi cho đến tận ngày hôm nay.
Trong hành trình truyền lửa, chị đã hướng dẫn tận tình, truyền tải ý tưởng và dành một chút kinh phí từ các giải thưởng để hỗ trợ các em có thề tự mình bước tiếp con đường mà mình đã chọn. Hạnh phúc của một bác sĩ truyền nghề là thấy lớp trẻ được trưởng thành với sự dìu dắt của mình. Những nghiên cứu khoa học vì nhân dân, phục vụ nhân dân đã được các học trò tiếp tục nối tiếp chị như Tiến sĩ Tôn Thanh Trà đã đạt được một số giải thưởng Đổi mới sáng tạo của Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật thành phố và toàn quốc. Trong 2 năm này cũng đã có nhiều học viên của chị đạt giải cao tại nhiều cuộc thi nghiên cứu khoa học tuổi trẻ.
Ở tuổi được coi là “cây đại thụ” trong nghề, nhưng chị không cho phép mình nghỉ ngơi. “Tôi thường phải làm việc “2 trong 1” hoặc “3 trong 1”, vừa theo đuổi đam mê làm việc với ngành hồi sức tích cực, vừa tham gia giảng dạy, đào tạo, báo cáo hội nghị và khám bệnh ngoài giờ... Bởi vậy, tôi luôn trân quý khoảng thời gian ít ỏi dành cho gia đình, con cái”, bác sĩ Thảo nói.
Với tâm thế của người đi trước, bác sĩ Thảo hy vọng các bạn trẻ đến với nghề với niềm đam mê, sự tôn sư trọng đạo, tất cả vì bệnh nhân, đối xử nhau bằng sự tử tế và với cái tâm của mình. Đây là những bài học quý giá nhất về làm người mà chị dạy các học trò của mình trước khi bất kỳ ai có quyết định dấn thân với nghề, trân trọng nghiệp khoác áo blouse trắng như cách mà chị đã tận hiến suốt hơn 30 năm qua.
Năm 2016, PGS, TS Phạm Thị Ngọc Thảo được vinh danh tại giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc. Năm 2021, PGS, TS Phạm Thị Ngọc Thảo được vinh danh là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu tại giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Năm 2022, PGS, TS Phạm Thị Ngọc Thảo nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ngày chung đôi

Họ đã chờ đợi được nhau, sau những ngày dài hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng tại Bệnh viện dã chiến Nam Sudan, hay trải qua cuộc chiến trường kỳ 2 năm chống Covid-19, bình an về bên nhau trong một đám cưới muộn nhưng vô cùng đặc biệt. Cất giấu những hy sinh thầm lặng, quên đi hạnh phúc của riêng mình, nhiều lần hoãn cưới để dấn thân vào trận chiến, 13 nữ nhân viên y tế đã vỡ òa hạnh phúc trong một lễ cưới tập thể có một không hai.
1. Thượng úy Nguyễn Cảnh Chung, Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Điều trị người bệnh Covid-19 - Bệnh viện Quân y 175 cùng đồng đội nỗ lực triển khai một kỹ thuật chưa từng có tiền lệ là đặt ECMO tách đôi cho 2 sản phụ mắc Covid-19. Trải qua một ngày đêm dài cân não với ý tưởng được cho là “điên rồ”, hai sản phụ đã có tín hiệu hồi phục.
Bước ra sân, hít một hơi thật dài, bác sĩ Chung nghẹn ngào nhấc máy gọi cho vợ: “Lâm ơi, anh đã làm được kỳ tích cứu 2 sản phụ. Nhìn sản phụ suy hô hấp, nguy kịch, anh rất thương vợ đang phải vất vả một mình mang bầu, bởi vậy, anh quyết tâm phải cứu bằng được để mẹ con họ được đoàn tụ. Em hãy cố gắng mạnh mẽ lên, hết đại dịch, anh sẽ bù đắp”.

Bác sĩ Chung và đồng nghiệp thực hiện ca ECMO tách đôi cho sản phụ.
Bác sĩ Chung và đồng nghiệp thực hiện ca ECMO tách đôi cho sản phụ.
Vợ anh-bác sĩ Hoàng Thị Lâm, Khoa Hồi sức tích cực đang mang thai bé đầu lòng òa khóc. Cô đang một mình phải chống chọi với cơn ốm nghén hành hạ, không người thân ở bên và thường trực một nỗi sợ có thể nhiễm Covid-19 và trở nặng như bất kỳ sản phụ nào đang nằm tại đây vì chưa được tiêm vaccine. Nhưng cô hạnh phúc, vì chồng mình đã trưởng thành, đã lập kỳ tích và chỗ dựa ấy, khiến cô mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngày 15/5/2021, đám cưới của bác sĩ Chung-Lâm hoãn lại không thời hạn vì dịch bùng phát. Không có lễ rước dâu, chỉ có hai bên gia đình tổ chức nội bộ. “Chúng tôi hẹn nhau hết dịch, sẽ mặc đồ cưới và rước dâu giản dị. Cứ hẹn vậy, chứ lòng rất bất an”.
Bác sĩ Lâm biết mình có thai trong những ngày TP Hồ Chí Minh đang gồng mình trước cơn tâm chấn của bão Covid-19. Cô đành ở lại Khoa Hồi sức tích cực, chồng xách va ly vào tuyến đầu. Dù cùng “đóng quân” nhiều tháng trong viện, nhưng cả hai không có cơ hội gặp mặt. “Công việc ở trong khu hồi sức vô cùng vất vả. Chỉ có giờ cơm hoặc khi hết ca trực, anh mới có thể thông tin cho tôi biết anh ở trong đó có bình an hay không. Nhiều khi, chỉ muốn anh chia sẻ để vơi đi những stress, vất vả mà anh đang phải đối mặt hàng ngày”, Lâm chia sẻ.

Hai vợ chồng bác sĩ Chung và Lâm đã cùng nhau vượt qua những ngày vất vả ở tuyến đầu để có được một đám cưới muộn hạnh phúc.
Hai vợ chồng bác sĩ Chung và Lâm đã cùng nhau vượt qua những ngày vất vả ở tuyến đầu để có được một đám cưới muộn hạnh phúc.
Hơn 4 tháng xa cách, bận tối mắt trong khu ICU, bác sĩ Chung lo thắt ruột gan: “Lâm có bầu nhưng ốm yếu, không có người chăm sóc, không có điều kiện bồi bổ, thai nhỏ và gặp nhiều nguy cơ. Nhưng cô ấy vẫn kiên cường một mình chống đỡ. Lúc đó tôi chỉ ước đại dịch nhanh chóng qua đi để có thời gian về bù đắp cho vợ”.
Lâm tự vực dậy, dù cơ thể ốm nghén khiến cô không thể dung nạp được bất kỳ chất đạm nào vào cơ thể. Không vào tuyến đầu điều trị Covid-19, nhưng công việc tại khoa Hồi sức tích cực với một bác sĩ như Lâm chưa lúc nào được nghỉ ngơi. “Cũng có nhiều lúc không muốn khóc mà nước mắt cứ ứa ra. Tôi cũng tủi thân vì ốm nghén không có chồng bên cạnh, chỉ có đồng nghiệp cùng trong khoa động viên, chia sẻ. Nhưng nhân viên y tế lúc này ai cũng vất vả, gồng mình lên chống dịch nên dù mệt mỏi, tôi cũng phải cố gắng tới cùng. Chỉ cố gắng giữ gìn bản thân không bị nhiễm khi công việc hàng ngày vẫn tiếp xúc bệnh nhân”, bác sĩ Lâm chia sẻ.

Ngày bác sĩ Chung và Lâm lên sân khấu đám cưới, con của họ vừa mới một tháng tuổi.
Ngày bác sĩ Chung và Lâm lên sân khấu đám cưới, con của họ vừa mới một tháng tuổi.
Bác sĩ Lâm cũng như nhiều nữ nhân viên y tế khác tại Bệnh viện 175, đã vững vàng mạnh mẽ vượt qua trận dịch khốc liệt nhất. Những lo lắng dần qua đi khi các ca bệnh được khống chế. Ông xã của Lâm đã tự tin hơn, bản lĩnh hơn và không còn rơi vào stress như trước và trở thành một tấm gương sáng của bệnh viện.
Vẫn chưa có cơ hội về quê Nghệ An của chồng để khoác lên áo cưới, ra mắt họ hàng nhà chồng, thắp hương bàn thờ gia tiên vì vừa sinh con, nhưng đám cưới đặc biệt mà Bệnh viện 175 dành tặng cho vợ chồng và các đồng nghiệp như xóa tan đi mọi cảm giác tủi hờn, mặc cảm mà những nữ bác sĩ như cô đã dấn thân và hy sinh suốt quãng thời gian qua. Lâm xuất hiện chớp nhoáng trong lễ cưới tập thể vì mới sinh con một tháng, nhưng với cô thế là hạnh phúc của cả một đời người được mặc váy cưới.

2. Không được trọn vẹn hạnh phúc đời người con gái trong bộ áo cưới trắng tinh khôi, được hiển hiện khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc, nữ điều dưỡng Hà Thị Kim Phúc đón nhận bó hoa cưới tím trong trang phục bảo hộ cấp 4. Cô và chồng cùng là F0 và họ đã đón lễ cưới theo một cách rất riêng. Bởi vậy, hạnh phúc của cô trở nên đặc biệt hơn hẳn 19 cặp đôi còn lại.
Nửa năm trước, ngày 18/7/2021, hai vợ chồng không ngại ngần quyết hoãn đám cưới để chồng xung phong vào Trung tâm điều trị Covid-19 của bệnh viện. Phúc tâm sự, cả năm 2021, chỉ có một ngày đẹp nhất. Bởi vậy, bố mẹ hai bên đều rất buồn khi bỏ lỡ một ngày trọng đại đã lên kế hoạch từ trước.
Điều dưỡng Hà Thị Kim Phúc công tác tại khoa Cấp cứu, cửa ngõ đón các bệnh nhân bởi vậy xác suất nhiễm Covid-19 rất cao vì nhiệm vụ lúc này của Phúc là phải sàng lọc, phân luồng điều trị. Chồng Phúc là một nhân lực quan trọng tại khoa Gây mê hồi sức, được phân công vào khu điều trị Covid-19, chuyên phụ trách mổ cấp cứu cho bệnh nhân F0. Sau này, điều dưỡng Hoàng Văn Huy được phân công thêm nhiệm vụ chăm sóc F0 không triệu chứng.
“Nhiều lúc hai vợ chồng chắc chắn kỳ này nhiễm Covid-19 rồi, nhưng lại vượt qua hết được đợt này tới đợt khác. Cùng đóng trại trong bệnh viện nhiều tháng, cách nhau có khoảng sân nhưng không được gặp mặt nhau. Cả hai chỉ biết nhắn tin, gọi điện video để động viên nhau. Lo lắng nhất là hôm nào bệnh viện có ca đặc biệt, hoặc nhiều nhân viên y tế dương tính”, Phúc chia sẻ.

Điều dưỡng Hà Thị Kim Phúc và chồng chụp ảnh trước lễ cưới.
Điều dưỡng Hà Thị Kim Phúc và chồng chụp ảnh trước lễ cưới.
“Có lúc anh Huy nhấc máy gọi cho tôi chỉ biết thở dài, giọng stress nặng nề. Áp lực vất vả chỉ là một phần, áp lực lớn nhất là bệnh nhân nhiều, quá tải, nhiều ca bất lực không thể cứu chữa. Công việc trong khu hồi sức chất đống lên vai nhân viên y tế. Anh ấy không có một ngày nghỉ nhiều tháng trời, nếu không vào khu mổ thì chăm sóc bệnh nhân F0 từ a tới z, dọn dẹp vệ sinh. Đôi khi anh bày tỏ: “Hay mình bỏ nghề, về đi buôn bán”?”.
Cùng là điều dưỡng ở khoa căng thẳng nhất, Phúc chỉ biết động viên chồng cố gắng mỗi ngày. “Anh bỏ nghề, em sẽ không phụ giúp cho anh”. Và bởi niềm tin đó, điều dưỡng Huy đã đi qua những ngày tháng gian nan nhất trong nghề. Họ đã chờ đến một ngày đẹp, để được cùng nhau tay trong tay nhận lời chúc phúc của họ hàng, bạn bè.
Trước lễ cưới một tuần, Phúc và chồng là điều dưỡng Hoàng Văn Huy cùng phát hiện dương tính. “Suốt gần 2 năm chống dịch không nhiễm bệnh vậy mà khi thành phố mở cửa trở lại, chúng tôi lại nhiễm. Lễ cưới tập thể chỉ còn 1 tuần để chuẩn bị. Trong lòng có chút gợn sóng, không nhẽ hạnh phúc của người con gái được mặc váy cưới lại khó khăn tới thế. Giấc mơ ngày đẹp nhất thì bị hoãn vì Covid-19. Đến ngày cưới tập thể thì lên sân khấu trong trang phục chưa từng có, không được mặc váy cưới. Nhưng rồi được Ban lãnh đạo bệnh viện và bố mẹ hai bên động viên, các đồng nghiệp hỗ trợ và lời thủ thỉ của chồng “Anh sẽ bù đắp cho em”, chúng tôi đã vượt qua những tủi thân đó để lên sân khấu. Dù chẳng lộng lẫy như các nữ đồng nghiệp khác, được rõ mặt rạng rỡ trên sân khấu nhưng chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi được hỏi thăm nhiều nhất sau lễ cưới”, Phúc tâm sự.

Hai vợ chồng Phúc đều là F0, mặc đồ bảo hội trong lễ cưới tập thể.
Hai vợ chồng Phúc đều là F0, mặc đồ bảo hội trong lễ cưới tập thể.
Đêm tân hôn sau đám cưới, hai vợ chồng tiếp tục trở về khu cách ly tại bệnh viện nhưng không được chung phòng. Họ lại bịn rịn chia tay nhau. “Vì đám cưới đặc biệt như thế, tôi hy vọng tương lai hai vợ chồng sẽ đón nhận những điều đặc biệt hơn trong cuộc sống”, nữ điều dưỡng nhướn đôi mắt đầy lạc quan nói.

3. Đi qua những ngày gian khó khi tham gia tình nguyện tại Bệnh viện dã chiến tại Cộng hòa Nam Sudan, cặp vợ chồng điều dưỡng Bùi Thị Hoài Thu và Trần Văn An quyết định nên duyên vợ chồng vào tháng 3/2020 sau nửa năm trở về Việt Nam. Họ quyết định đăng ký kết hôn trước. Thiệp mời được phát đi, cỗ bàn đã đặt… nhưng phải hủy trong phút chốc. “Những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại thành phố, là các bác sĩ chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc chống dịch. Chúng tôi không muốn ngày vui không trọn vẹn”, Thu kể.
Rời cưới đến một năm, chọn được ngày đẹp nhất trong năm vào tháng 8/2021, vợ chồng Thu-An lại một lần nữa phải hoãn cưới vì TP Hồ Chí Minh rơi vào những ngày khốc liệt nhất. Thu đang giai đoạn bầu bí, cô đành chia tay chồng vào tuyến đầu một mình. “Lần này không có em đi cùng như ở Nam Sudan, anh nhớ giữ gìn vì em, vì con và phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Thu bịn rịn chia tay chồng. Sau nhiều ngày đêm chăm sóc, điều trị F0 tại Trung tâm điều trị Covid-19 của bệnh viện trở thành ca nhiễm đầu tiên của khoa.
“Nửa năm không gặp nhau, lòng lúc nào cũng như lửa đốt. Nhân viên y tế nào cũng vất vả, căng thẳng, nguy cơ nhiễm cao mà tỷ lệ tử vong rất lớn. Anh ấy ở tuyến đầu cũng gặp rất nhiều áp lực, có lúc mệt mỏi tới mức muốn bỏ nghề. Hàng ngày, có thời gian tôi tranh thủ mang cơm cho chồng, tôi không biết làm gì hơn để động viên anh cố gắng. Với người phụ nữ, việc hoãn cưới liên tục cũng mang nặng trĩu tâm tư, có con rồi mà chưa biết khi nào mới được khoác lên mình áo trắng cô dâu”, Thu tâm sự.

Những thiên thần nhỏ xuất hiện trong đám cưới tập thể.
Những thiên thần nhỏ xuất hiện trong đám cưới tập thể.
Thời điểm đó, Thu đang nuôi con nhỏ 6 tháng tuổi. Là điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực, trong tình thế Bệnh viện 175 triển khai mô hình chia đôi, cô vẫn cùng đồng nghiệp miệt mài chăm sóc người bệnh, phân luồng bệnh nhân. “Đặc thù bệnh nhân nằm khoa Hồi sức tích cực đều bệnh nặng, ở giai đoạn nguy kịch. Người điều dưỡng không chỉ hỗ trợ điều trị, còn chăm sóc cả về dinh dưỡng và vệ sinh cho người bệnh. Thời gian công việc cuốn tôi đi không có thời gian đi khám thai định kỳ cho tới tận ngày sinh em bé”, Thu kể lại.
Thu cứ thế cần mẫn làm nhiệm vụ ở tuyến đầu tiêm chủng trong chiến dịch tiêm vaccine thần tốc của thành phố. Ngoài hỗ trợ tiêm chủng, nhiệm vụ của cô là phải đáp ứng xử trí các ca sốc phản vệ, cần phải can thiệp hồi sức. Thời gian làm việc và làm mẹ một mình lấp đầy tâm trí nữ điều dưỡng. Cô đã không nghĩ tới đám cưới cho bản thân…

Ngày bệnh viện thông báo sẽ có một lễ cưới tập thể, bù đắp cho các nữ nhân viên y tế đã hy sinh việc riêng suốt đại dịch, Thu nghĩ, chắc sẽ là một buổi gặp mặt thân tình tại hội trường. Nhưng cho tới khi bước lên sân khấu, cô mới ngỡ ngàng vì hạnh phúc. “Hoành tráng quá sức tưởng tượng. Hạnh phúc của tôi nhân đôi khi con trai tôi đã hơn 1 tuổi cùng lên sân khấu với bố mẹ. Dù không có đông bạn bè, họ hàng, nhưng những khoảnh khắc được tôn vinh trên sân khấu ấy, sẽ là kỷ niệm đáng nhớ với tôi suốt đời”, Thu hạnh phúc khoe.
***
Những tấm gương dấn thân vì sự nghiệp phục vụ sức khỏe người dân đã làm lay động hàng triệu con tim. Đám cưới tập thể là một món quà đặc biệt Ban lãnh đạo Bệnh viện 175 gửi tặng đồng đội của mình, đền đáp cho những hy sinh thầm lặng của họ. Sau bao gian khó, hy sinh, 13 nữ nhân viên y tế cũng đã chờ được ngày trọng đại của đời người phụ nữ dù có người đã hoãn cưới tới 2-3 lần, có người con đã lớn bi bô gọi cha mẹ. Họ đã được mặc váy cưới lộng lẫy bên chồng, hạnh phúc đón nhận những lời chúc mừng của gia đình, đồng nghiệp. Hạnh phúc có được sau bao gian truân, vất vả, sẽ là hạnh phúc được vun vén và trân trọng nhất. Và những người phụ nữ khoác áo blouse trắng xứng đáng được tận hưởng hạnh phúc xứng đáng nhất.
2 năm đại dịch đã qua, các nhân viên y tế phải tham gia chống dịch, đi đến các điểm nóng để giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chính vì thế, các em, các cháu chịu thiệt thòi, có người dù đã kết hôn nhưng không có một đám cưới đàng hoàng.
Chúng tôi muốn tổ chức đám cưới tập thể vừa như món quà bù đắp cho những thiệt thòi cho lực lượng tuyến đầu, và cũng muốn truyền tải thông điệp cho xã hội: Hãy sống nhân ái hơn, hãy sống có ý nghĩa hơn với những người chung quanh chúng ta.
Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH - HỒNG VÂN
Nội dung: THIÊN LAM
Ảnh: HẢI AN, Nhân vật cung cấp và CTV
Trình bày: ĐỨC DUY
Ngày xuất bản: 7/3/2022